1. Không gian sáng tạo
Không gian sáng tạo (KGST) là một thuật ngữ mang tính liên ngành, thường được gắn kết với công nghiệp sáng tạo và công nghiệp văn hóa. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu khái niệm KGST dựa trên những kết quả dự án nghiên cứu của British Countil (Hội đồng Anh). Từ năm 2014, Hội đồng Anh đã triển khai một số các hoạt động liên quan đến KGST để thành lập mạng lưới toàn cầu không chính thức. Ở Việt Nam, có thể kể đến nghiên cứu KGST tại Hà Nội và TP.HCM do nhà báo Trương Uyên Ly thực hiện năm 2014, bao gồm các lĩnh vực: nghệ thuật thị giác, âm nhạc, điện ảnh, múa, thiết kế và ICT (công nghệ thông tin và truyền thông). Đặc biệt, năm 2015, Hội đồng Anh đã xuất bản Bộ công cụ Hubkit, được soạn ra bởi các KGST - dành cho các KGST mới. “Bộ tài liệu công cụ Hubkit này nhằm minh họa một số kinh nghiệm và cách tiếp cận từ những người đã xây dựng những KGST bền vững và thành công. KGST không đơn thuần chỉ là một phản ứng trước cơ hội về không gian mà nó cần có cả một cộng đồng hậu thuẫn cho mình. Bộ công cụ Hubkit này sẽ giải thích vì sao kết nối với cộng đồng ngay từ thuở ban đầu có thể dẫn đến một mô hình toàn diện và bền vững” (1). Năm 2016 và 2017, tác giả Andy C.Pratt, Trung tâm Văn hóa Công nghiệp Sáng tạo, Trường Đại học Thành phố Luân Đôn cũng đã nghiên cứu và ấn hành Không gian sáng tạo, kinh nghiệm từ châu Âu: Những bài học cho Việt Nam. Báo cáo này nhấn mạnh vai trò của địa phương và cộng đồng sáng tạo cũng như chiến lược của một KGST nên là một quá trình bồi dưỡng kiến thức và xây dựng năng lực. Năm 2017, tác giả Nguyễn Thị Thu Hà, Viện VHNTQG Việt Nam (VICAS) đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng Khung pháp lý đối với các KGST tại Việt Nam - bản thảo để tham vấn. “Mục đích của báo cáo cuối cùng là đưa ra được các phân tích về những điểm phù hợp và chưa phù hợp của khung pháp lý đối với các KGST tại Việt Nam dựa trên thực tế kinh nghiệm thực thi và đề ra những kiến nghị phù hợp để hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý này, góp phần thúc đẩy sự phát triển và những đóng góp của các KGST vào trong nền kinh tế sáng tạo và sự phát triển văn hóa xã hội của Việt Nam, cũng như trong việc triển khai chiến lược quốc gia về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Chương trình tham vấn này sẽ tạo nền tảng để Hội đồng Anh và VICAS thiết kế, tổ chức những cuộc đối thoại chính sách giữa các KGST và các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, các ngành công nghiệp sáng tạo” (2).
Theo định nghĩa trong Creative Hubkit, KGST là “một địa điểm, có thể là địa điểm thực hoặc địa điểm trực tuyến, là nơi đem những con người sáng tạo đến với nhau. Đó là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ” (3). Mục đích của KGST nhằm: hỗ trợ thông qua cung cấp dịch vụ và/hoặc phương tiện dành cho các ý tưởng, dự án, các tổ chức và các công việc kinh doanh đặt tại KGST trong thời gian ngắn hay lâu dài. Việc hỗ trợ này bao gồm tổ chức sự kiện, đào tạo kỹ năng, nâng cao năng lực và mang đến các cơ hội toàn cầu; tạo điều kiện hợp tác và kết nối giữa các thành viên trong cộng đồng; vươn tới kết nối với các trung tâm nghiên cứu và phát triển, các học viện, các ngành công nghiệp sáng tạo và ngoài sáng tạo; truyền thông và thu hút đối tượng khán giả rộng hơn, phát triển chiến lược truyền thông chủ động; tôn vinh và ủng hộ các tài năng mới, khám phá ranh giới của các phương thức thực tiễn và chấp nhận rủi ro để hướng đến sự đổi mới (4).
Tác giả Trương Uyên Ly đã sử dụng 3 tiêu chí để xác định các KGST: kết nối, sáng tạo và có định hướng kinh doanh (5). Một số mô hình của KGST như: studio, trung tâm, mạng lưới, tổ hợp, không gian trực tuyến, thể nghiệm… Tuy nhiên, sự phân loại các mô hình không gian sáng tạo này là tương đối.
2. Dự án Factories as Studios Việt Nam (Các nhà máy như những studio tại Việt Nam)
Các dự án nhà máy như một studio không xa lạ với nhiều quốc gia trên thế giới. Dự án này ở Việt Nam được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Sydney (Úc), do TS Jane Gavan, giảng viên cao cấp Khoa Nghệ thuật Đại học Sydney phụ trách. Dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2016, với mục đích kết nối những vấn đề văn hóa và kinh tế của Việt Nam; xây dựng nguồn vốn xã hội thông qua quan hệ giữa nghệ sĩ, công nhân và cộng đồng; đóng góp vào quy trình chế biến và sản xuất nhằm tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu chất thải; tiếp cận sáng tạo và bền vững. Mô tả khái quát, dự án này là việc các nghệ sĩ (dự án ở Việt Nam giai đoạn 1 là các sinh viên) thiết lập một studio tạm trong một nhà máy sản xuất và liên hệ chặt chẽ với các công nhân trong giai đoạn sáng tạo tác phẩm nghệ thuật hoặc thiết kế các giải pháp bằng cách sử dụng chất liệu, quy trình, các sản phẩm không sử dụng tới của nhà máy.
Tham gia dự án giai đoạn 1 là các sinh viên được lựa chọn từ Đại học Kiến trúc TP.HCM, Đại học Công nghệ Sài Gòn, Cao đẳng Trang trí Mỹ thuật Đồng Nai và Đại học Văn hóa TP.HCM. Hoạt động của dự án bao gồm: tập huấn, nghiên cứu tại các nhà máy, sáng tạo các tác phẩm và triển lãm. Chương trình tập huấn dành cho sinh viên với các nội dung: các lý thuyết và nguyên tắc của sự sáng tạo trong từng bối cảnh; tiếp cận thực tiễn sáng tạo để giải quyết những vấn đề và thách thức, bao gồm ý tưởng, phát triển khái niệm và sự khả thi; các kỹ năng sáng tạo bao gồm sự cân nhắc về xã hội, đạo đức và tác động môi trường; giá trị nhận biết và đánh giá sáng tạo; thách thức và lợi ích của nghiên cứu, truyền thông và tương tác nhóm khi tham gia vào thực tiễn sáng tạo.
Sau thời gian tập huấn trên lớp, các sinh viên nghiên cứu tại các nhà máy ở khu công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai. Những studio khiêm tốn được nhà máy cung cấp, thường là các bộ bàn ghế và không gian trống. Sinh viên tìm hiểu về nguyên vật liệu, các quy trình và các sản phẩm phế thải, nguyên vật liệu dư thừa của các nhà sản xuất. Trên cơ sở đó, tạo ra tác phẩm nghệ thuật, thiết kế tác phẩm hoặc tìm ra những ý tưởng mới cho các hoạt động trong tương lai.
Trong quá trình làm việc, sinh viên được nhân sự của nhà máy hướng dẫn các nội dung hoạt động cũng như sự an toàn, thảo luận về những thách thức và nhu cầu của công ty, phản hồi về ý tưởng hoặc đề nghị của sinh viên. Trong mô hình này, sinh viên có thể đưa ra đề nghị, tham gia vào các thí nghiệm vật liệu và phát triển các dự án nghệ thuật hay thiết kế riêng của họ để cung cấp cho nhà máy một số ý tưởng về hướng tiềm năng cho các sản phẩm, tiếp thị và hoạt động bán hàng…
Kết thúc dự án giai đoạn 1, một triển lãm được thực hiện tại Đại học Kiến trúc TP.HCM nhằm giới thiệu các tác phẩm được sáng tạo từ các vật liệu dư thừa của các nhà máy, như kệ sách, đèn bàn, đèn trang trí, đồ trang sức, đồ gia dụng…
3. Một vài nhận xét
Bên cạnh những hiệu quả nghệ thuật, kinh tế và xã hội, dưới góc độ giáo dục, dự án đã mở ra một không gian mới trong môi trường công nghiệp. Đó là không gian của sự khám phá, tương tác và sáng tạo. Không gian mới này hỗ trợ thử nghiệm, tạo điều kiện hiện thực hóa cảm hứng sáng tạo cho các sinh viên và nghệ sĩ. Những ý tưởng mới được khơi dậy cho các tác phẩm nghệ thuật từ những nguyên liệu, vật dụng phế thải, dư thừa của nhà máy, góp phần khuyến khích gia tăng tỉ lệ đổi mới và sáng tạo trong các cộng đồng sản xuất. Các nhà máy còn là không gian khám phá và mở rộng thực hành của sinh viên sau thời gian học tập trên lớp hay các phòng thực hành tại trường. Không gian khám phá mới mẻ này đã giảm đi trăn trở về việc ứng dụng những bài học khô khan hay môi trường thực hành chỉnh trang, quá đỗi quen thuộc để tìm đến sự đa dạng với nhiều cung bậc khác nhau của cuộc sống.
Dự án cũng đã tạo ra những tương tác giữa công nhân và nghệ sĩ, giữa những người công nhân với nhau, quan trọng hơn là giữa nhà máy và cộng đồng. Vô hình chung, các tương tác này đã kết nối nhiều hơn những sự rời rạc vốn ấn định sẵn trong xã hội và mang lại thay đổi đầy hấp dẫn trong các mối quan hệ.
Dự án còn là không gian của sự sáng tạo, là minh chứng cho việc khơi nguồn sáng tạo từ những vấn đề thực tiễn xã hội. Sự sáng tạo này được ươm mầm trong không gian đa dạng của các nhà máy, được khích lệ bởi các sản phẩm hữu dụng từ những nguyên liệu tưởng chừng vô dụng.
Nghiên cứu cho thấy, sinh viên là chủ thể sáng tạo được đặt trong các nhà máy có thể cải thiện sự sáng tạo và phương pháp đổi mới của người lao động, bao gồm đội ngũ kỹ thuật, đội ngũ nghiên cứu và phát triển, nhân viên tiếp thị cũng như những người lao động sản xuất trong mỗi nhà máy. Bên cạnh đó, người lao động làm việc hiệu quả hơn do niềm tự hào đối với công việc của họ được nâng lên thông qua sự chú ý quan tâm đến lợi ích và giá trị của các hoạt động hàng ngày của họ.
Tăng cường ý tưởng đổi mới của chủ thể sáng tạo thông qua hiểu biết về nguyên liệu, quy trình sản xuất và vật liệu phế thải của doanh nghiệp. Sinh viên làm việc với các vật liệu mới, vật liệu phế thải hoặc tái chế để mở rộng hoạt động nghệ thuật và thiết kế của họ, đồng thời cũng có thể quan tâm kết nối với các đối tác công nghiệp để tìm hiểu kỹ thuật và quy trình mới để mở rộng thực tế. Nhà máy cũng là bối cảnh mở rộng cơ hội của các sinh viên trong con đường sự nghiệp sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, sinh viên có thể được hưởng lợi từ việc bán tác phẩm mà họ đã sản xuất cho nhà máy.
Giảm thiểu phế thải và tạo lợi nhuận trong quá trình hoạt động của nhà máy là ưu thế của dự án. Các sinh viên có thể tìm thấy ứng dụng mới cho máy móc và các vật liệu phế thải. Đây là một trong những cơ sở tạo dựng sự bền vững của các nhà máy.
Từ việc tiếp cận dự án Các nhà máy như studio, cho thấy, KGST của dự án này bao hàm đầy đủ 3 tiêu chí: kết nối, sáng tạo và có định hướng kinh doanh. Dự án này cũng cho thấy vai trò của KGST đối với sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo, cũng như ngành công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.
____________
1, 3, 4. Bristish Countil, Creative Hubkit, 2015, tr.2, 4.
2. Hội đồng Anh - VICAS, Khung pháp lý đối với các không gian sáng tạo tại Việt Nam - bản thảo để tham vấn, 2017.
5. Trương Uyên Ly, Không gian sáng tạo tại Việt Nam, British Council, 2014, tr.6.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 - 2018
Tác giả : PHẠM LAN HƯƠNG