Đông Lĩnh xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới

Xác định mục tiêu, ý nghĩa của việc gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trong quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương, các cấp ủy Đảng, chính quyền xã Đông Lĩnh (thành phố Thanh Hóa) đã thường xuyên chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung, chương trình của phong trào. Sự gắn kết này đã góp phần tạo phong trào thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân về xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh, đặc biệt là XDNTM.

Xã Đông Lĩnh, thành phố Thanh Hóa hiện có 877.39 ha diện tích tự nhiên, 2.954 hộ với 9.537 nhân khẩu phân bố ở 7 làng 12 thôn, kinh tế chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi… Thời gian qua, Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH xã Đông Lĩnh đã tập trung chỉ đạo triển khai phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM và đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để từng cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn xã thực hiện có hiệu quả.

Hằng năm, Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH xã, Ban vận động các thôn đều tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn thực hiện các tiêu chí về xây dựng hộ gia đình văn hóa và cơ quan văn hóa. Đến nay, có 12/12 thôn đạt khu dân cư tiên tiến (đạt 100%); tỷ lệ hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa 87,5%. Đây là nền tảng để các thôn giữ vững danh hiệu Làng văn hóa nhiều năm liền. Thông qua việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa đã góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng NTM, tạo điều kiện cho nhân dân xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú. Từ phong trào xây dựng làng văn hóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên ở các thôn, xóm, tạo khí thế phấn khởi trong nhân dân. Các câu lạc bộ (CLB) như: CLB thơ, CLB dưỡng sinh, các đội văn nghệ, bóng chuyền nam, nữ cũng hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh các môn bóng đá, bóng chuyền, thể dục dưỡng sinh (phát triển ngày càng sâu rộng), xã vẫn duy trì tổ chức giải bóng chuyền nam, nữ, bóng đá thanh thiếu niên nhi đồng, giải cờ tướng… để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các tầng lớp nhân dân, góp phần gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.

Nét nổi bật ở xã Đông Lĩnh là đã phát huy được tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận tham gia tích cực của cán bộ và nhân dân trong thực hiện các phong trào. Người dân Đông Lĩnh đã tự nguyện hiến đất xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, đóng góp tiền, ngày công xây dựng nhà văn hóa thôn, các công trình phụ trợ khác… Những di tích lịch sử cấp quốc gia như: đình Phương Chính, nhà thờ họ Đàm Lê và 2 di tích cấp tỉnh là đền thờ Chiêu Phúc Đại Vương, đền thờ Tô Hiến Thành được các thế hệ người dân gìn giữ, phát huy giá trị và là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Tham gia xây dựng chương trình XDNTM, đến nay nhân dân toàn xã đã hiến hơn 5.500m2 đất, 3.020m tường rào, 115 cổng ngõ và hơn 2.000 ngày công lao động để mở rộng hệ thống giao thông nội thôn và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Với sự chung tay, góp sức của nhân dân, xã đã mở rộng hệ thống giao thông nông thôn từ 3 đến 5m, với chiều dài hơn 21,5km. Nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL. Hội trường xã có diện tích 560m2, với 450 chỗ ngồi; diện tích khu thể thao và sân vận động 3.500m2. Tất cả được đầu tư xây mới, sửa chữa, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, hội họp, cưới hỏi và phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Các thôn đều được lắp đặt hệ thống loa phát thanh, 100%  hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn… Đây là những thành quả quan trọng, tạo tiền đề và nguồn lực để xã Đông Lĩnh triển khai thực hiện có hiệu quả tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí 16 về văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Bên cạnh đó, xã đã tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề, kinh doanh thương mại và dịch vụ, xuất khẩu lao động… Từ đây, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 17,2%/năm, tăng 3,4% so với đầu nhiệm kỳ trước. Thu nhập bình quân  đạt 45,6 triệu đồng/người/năm, tăng 20,8 triệu đồng so với nhiệm kỳ trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,5%.

Nhờ sự đoàn kết đồng lòng của chính quyền địa phương và nhân dân, xã Đông Lĩnh đã hoàn thành và giữ vững các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, diện mạo vùng nông thôn có nhiều khởi sắc. Đến Đông Lĩnh vào những buổi chiều thời tiết khô ráo, dễ bắt gặp những trận so tài bóng chuyền hơi, bóng đá giữa các thôn cùng tiếng reo hò, cổ vũ náo nhiệt. Người dân nơi đây luôn mong muốn đến các dịp lễ, Tết, ngày hội làng của địa phương để hòa mình vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi và hấp dẫn của các “diễn viên không chuyên” trên sân khấu chung của xã hoặc có khi là chương trình riêng của mỗi thôn.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã Đông Lĩnh ngày càng đi vào chiều sâu, khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm sống vì cộng đồng. Để đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng phong phú, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã Đông Lĩnh tiếp tục chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của việc gìn giữ, phát triển các giá trị văn hóa song song với phát triển kinh tế. Bởi mỗi con người văn hóa, mỗi khu dân cư văn hóa sẽ góp phần tạo nên một xã hội văn hóa.

Tác giả: Lê Hường

Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020

 

;