Không còn xuất hiện độc lập trong từng câu chuyện riêng rẽ như trước kia, những nhân vật cổ tích quen thuộc với bao thế hệ sẽ xích lại gần nhau và cùng đồng thời xuất hiện trong một thế giới đầy màu sắc mới. Ở đó, những bài học ý nghĩa, hàm chứa nhiều thông điệp có giá trị sẽ cùng được tái hiện trên một sân khấu nghệ thuật, nhằm gửi tới các em nhỏ nhân dịp Trung thu năm nay.
Đội ngũ sản xuất chương trình nghệ thuật giao lưu cùng các khán giả Thủ đô
Xây dựng một thế giới cổ tích mới ngay trên sân khấu
Thánh Gióng, Ông Bụt, Mai An Tiêm, Sơn Tinh, Thủy Tinh,…, những nhân vật trong các câu chuyện cổ tích rất đỗi gần gũi, thân thuộc với bao thế hệ trẻ em Việt Nam, nhưng dường như lại có chút mơ hồ với không ít bạn nhỏ hiện nay. Bởi ngày nay, các phương tiện nghe nhìn, chương trình giải trí phát triển mạnh mẽ và đa dạng hơn, các bạn nhỏ thường dễ bị cuốn vào những nhân vật trong các bộ phim hoạt hình của nước ngoài, mà xa rời những câu chuyện cổ tích ngày xưa. Nếu những câu chuyện không được kể lại bằng một “giọng đọc” mới, chúng sẽ ngày càng trở nên xa lạ, và thậm chí không còn hiện diện trong đời sống. Hiểu được tâm lý đó, FFC Group đã nỗ lực không ngừng để tạo nên một chương trình nghệ thuật góp phần đưa hình tượng các nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam sống lại trong thế giới hiện đại. Qua đó, mỗi người, cụ thể là các em nhỏ sẽ có hình dung cụ thể hơn về những nhân vật ấy. Để rồi, chính các em sẽ cảm thấy thêm phần yêu thích các nhân vật đậm chất Việt.
Thai nghén cho ý tưởng về một cốt truyện hội tụ được các nhân vật cổ tích trong một thời gian dài, cuối cùng dự án Đồng Dao Cổ Tích đã ra đời. Dự án sáng tác, ấn bản cuốn sách song ngữ Việt - Anh, cùng công diễn vở nhạc kịch tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) vào 2 đêm 16-17/9 sắp tới. Đây là món quà Trung thu ý nghĩa mà FFC Group muốn dành cho các em nhỏ nhân dịp Trung thu 2023.
Bà Quyên Trần, chủ nhiệm dự án giao lưu cùng độc giả của sách Đồng Dao Cổ Tích
2 chất liệu dân gian chủ đạo được đưa vào trong dự án là đồng dao và cổ tích, đây là 2 yếu tố từ xưa đã gắn liền với quá trình sinh trưởng, hình thành tính cách, tâm hồn của mỗi bạn nhỏ Việt Nam. Trong đó, đồng dao - những câu thơ, câu ca truyền miệng mà trẻ em nông thôn xưa thường ngân nga với nhau mỗi buổi chiều vui chơi hay mỗi buổi đi làm đồng, và cổ tích - những câu chuyện mà các bà, các mẹ thường kể con nghe trước giờ đi ngủ. Sự kết hợp giữa 2 chất liệu ấy trong cùng một dự án nghệ thuật đương đại hứa hẹn sẽ làm cho những giá trị truyền thống ấy trở nên sống động hơn giữa thế giới hiện đại. Chính từ đó, dự án được hình thành với cái tên Đồng Dao Cổ Tích.
Cốt truyện của sách song ngữ và vở nhạc kịch Đồng Dao Cổ Tích kể về hành trình của 2 chị em Thi Ca và Thi Họa đi lạc vào miền đất siêu thực. Tại đây, cả hai đã có duyên gặp gỡ các nhân vật tưởng chừng như chỉ xuất hiện trong những câu chuyện cổ tích. Ta đều biết, truyện cổ tích Việt Nam mang tính giáo dục rất cao, nhưng không phải câu chuyện nào cũng có cái kết có hậu. Những cái kết không được trọn vẹn ấy đôi khi chưa thực sự phù hợp với thị hiếu của khán giả hiện đại, đặc biệt là ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức còn non nớt của các em nhỏ. Dưới ngòi bút của tác giả hiện đại, các nhân vật ấy được tái hiện qua lăng kính thấu cảm hơn, nhân văn hơn, nhằm truyền tải đến cho người xem, đặc biệt là các em nhỏ những giá trị sống tốt đẹp, và tiếp thêm niềm tin phép màu hoàn toàn có thể xảy đến nhờ nỗ lực, cố gắng.
Tổng đạo diễn Huyền Thanh giao lưu cùng khán giả nhí
Nếu như trước kia, những nhân vật trong cổ tích xuất hiện độc lập trong các câu chuyện riêng rẽ. Và mỗi câu chuyện lại đem đến cho chúng ta một bài học riêng. Như Mai An Tiêm sinh tồn nơi đảo hoang và tìm ra giống cây trồng mới, dạy ta tính tự lập, ý chí vượt qua gian khó. Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân tiếp thêm cho ta tình yêu và trách nhiệm với đất nước. Hay cô Tấm sau những ngày tháng bị bà mẹ ghẻ hành hạ, cuối cùng đã sống bên hoàng tử, khuyên răn chúng ta ở hiền rồi sẽ gặp lành… Còn với Đồng Dao Cổ Tích, các nhân vật ấy cùng xuất hiện trong một thế giới mới. Những thông điệp nhân văn cũng vì thế mà cùng được tái hiện trên một sân khấu. Nét đặc sắc trong vở diễn còn khai thác nội tâm của những nhân vật còn bị xem là phản diện. Cám nguyên mẫu trong truyện Tấm Cám vì nghe lời mẹ mà làm điều trái với lẽ phải, chứ ta chưa được biết nhân vật ấy có khát vọng sống như thế nào. Cô vẫn luôn thu mình lại, né tránh mọi người vì những lỗi lầm mình gây ra trong quá khứ. Hay Thủy Tinh luôn cảm thấy bất công, nên mới gây ra chiến tranh với Sơn Tinh. Bản thân những nhân vật ấy đôi khi trong lòng vẫn còn những nỗi uẩn ức mà dường như chưa được thấu cảm. Và Đồng Dao Cổ Tích là nơi để có thể hóa giải những uẩn ức ngổn ngang trong lòng ấy.
Bà Quyên Trần, người khởi xướng và điều hành dự án cho biết, vở kịch mong muốn có thể phá vỡ những định kiến giữa người với người bằng góc nhìn bao dung hơn, đậm triết lý nhân sinh hiện đại. Trong hành trình cuộc đời, mỗi người trải qua biết bao bước chuyển về ý thức và hành vi, sự tranh chấp giữa đúng - sai, thiện - ác. Khi khán giả hiện đại gặp gỡ lại những nhân vật cổ tích đang bị giam cầm bởi những định kiến xấu, sẽ cởi trói cho những sai lầm và tạo cơ hội để có niềm tin vươn sống một cuộc đời vui vẻ hơn trong hiện tại và đẹp hơn, ý nghĩa hơn trong tương lai. Từng bước chân đi lạc của Thi Ca và Thi Họa chính là sợi dây kết nối những khoảng đứt gãy về niềm tin, lý tưởng sống, đạo lý đã từng được đề cao trong quá khứ, sẽ tiếp tục được nối liền tới hiện tại và mai sau.
Tổng đạo diễn Huyền Thanh chia sẻ, sau khi xem vở nhạc kịch, cha mẹ sẽ có dịp để hoài niệm lại những ngày tháng tuổi thơ thông qua hình tượng các nhân vật cổ tích. Cùng với đó khơi dậy sự tò mò trong mỗi bạn nhỏ. Từ đó, các em sẽ đặt cho bố mẹ của mình những câu hỏi như: Cám là ai, Cám đã gây ra lỗi lầm gì mà khép mình lại, Sơn Tinh và Thủy Tinh vì nguyên cớ gì lại đánh nhau triền miên… Qua những câu hỏi ngây ngô của con trẻ như vậy, các vị phụ huynh sẽ cùng con giải đáp những thắc mắc ấy, từ đó tạo sợi dây kết nối, tương tác giữa cha mẹ và con cái.
Âm nhạc truyền thống - Xương sống của toàn bộ đêm diễn
Yếu tố dân gian truyền thống không chỉ thể hiện qua những nhân vật đến từ các câu chuyện cổ tích, mà còn thể hiện qua âm nhạc. Các làn điệu dân ca như hò, vè, cùng với phần nhạc nền được đệm bởi các nhạc cụ truyền thống được lựa chọn làm chất liệu chủ đạo xuyên suốt vở diễn. Hiếm thấy một vở nhạc kịch nào ở Việt Nam lại đậm đà màu sắc âm nhạc truyền thống tới như vậy.
Thế nhưng, nhà văn Lê Xuân Khoa, tác giả các bài hát trong vở nhạc kịch chia sẻ, đội ngũ sản xuất không hoàn toàn đưa âm nhạc truyền thống vào một cách cứng nhắc. Thay vào đó, anh cùng các cộng sự cố gắng đem đến một hơi thở mới cho những làn điệu dân ca xưa cũ, để có thể dễ dàng tiếp cận với thị hiếu khán giả hiện nay. Khi bước qua cánh cửa của Đồng Dao Cổ Tích, người xem thực được được bước vào một không gian âm nhạc truyền thống dẫn dắt cảm xúc đi từ sôi động, trẻ trung, hào hùng tới trữ tình, sâu lắng, xúc động. Từ đó, mỗi khán giả đều sẽ cảm nhận được rằng, nhạc truyền thống không mặc định là dành cho thế hệ đi trước hay những người ưa hoài cổ. Hóa ra, nhờ sự dẫn dắt khéo léo, tài tình, mỗi chúng ta cũng có thể cảm thụ được cái hay, cái đẹp trong chất liệu âm nhạc ấy.
Nhà văn Lê Xuân Khoa cùng 2 nghệ sĩ Đàm Thái Hà và Vũ Đỗ Quang Minh bật mí bài hát được trình diễn trong đêm nhạc kịch
Không chắp vá một cách tùy tiện, thay vào đó, trên cơ sở nghiên cứu yếu tố lịch sử, vùng miền cư trú của mỗi nhân vật và nhận được sự cố vấn từ các chuyên gia văn hóa học, dân tộc học, những làn điệu dân ca được đưa vào trong vở nhạc kịch cũng được cân nhắc kĩ lưỡng để phù hợp nhất với từng phân cảnh mà nhân vật đó xuất hiện. Đơn cử như nhân vật Mai An Tiêm từng bị đày ra đảo hoang ở vùng Nga Sơn, Thanh Hóa. Vì thế, người làm nhạc đã lựa chọn điệu hò Sông Mã và bài dân ca Đi cấy của xứ Thanh để làm chất liệu âm nhạc cho nhân vật này. Hay với sự xuất hiện của Sơn Tinh và Thủy Tinh, âm thanh tiếng trống đồng - nhạc khí đại diện cho nhà nước Văn Lang được đưa vào, để làm tăng khí thế hào hùng cho cuộc chiến.
NAM SƠN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 544, tháng 8-2023