Những bộ phim xoay quanh chuyện người ở làng quê ra phố thị mưu sinh luôn có sức hấp dẫn riêng. Ngay sau khi bộ phim Cuộc đời vẫn đẹp sao về những người lao động nghèo thôn quê lên thành phố mưu sinh ở khu chợ ven đô kết thúc, bộ phim Làng trong phố xoay quanh câu chuyện về những người dân quê phải rời làng lên thành phố và gặp nhau nơi xóm trọ tiếp nối mạch phim về người quê ra phố.
Người dân xóm trọ tuy nghèo nhưng rất tình cảm
Những câu chuyện về người quê ra phố sở dĩ có sức hấp dẫn riêng là bởi rất đông những người dân thành phố đều có xuất phát điểm giống như lời đề từ của người kể chuyện trong truyên Những câu chuyện nông thôn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Mẹ tôi là nông dân. Tôi sinh ra ở nông thôn”. Sau những bộ phim chính luận, hình sự, phim về đề tài gia đình hay tình yêu tuổi trẻ phát sóng gần đây, sự trở lại của đề tài người quê ra phố như là một sự đổi gió cho khán giả.
Theo đạo diễn NSƯT Nguyễn Mai Hiền, những câu chuyện về người quê ra phố trong Làng trong phố cũng là “sự đổi gió” cho chính anh, sau hàng loạt bộ phim về đề tài chính luận, hình sự vẫn bị cho là “khô, khó, khổ” như Người phán xử, Sinh tử, Hồ sơ cá sấu hay phim về những ngành nghề đặc thù như Hành trình công lý, Phố trong làng… Anh cũng bộc bạch, sức hấp dẫn của những bộ phim xoay quanh đề tài này còn ở chỗ người làng lên phố không chỉ mang theo gia đình mình với khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn mà còn mang theo cả văn hóa làng xã với những đặc trưng rất riêng của mỗi vùng miền. Và những câu chuyện vừa riêng tư vừa mang tính phổ quát ấy luôn mang đến những nỗi nhớ, những liên tưởng cho khán giả.
Vẫn là bộ tứ từng xuất hiện ở Làng trong phố gồm Hiếu, Hoài, Mến và Thương nhưng lần này câu chuyện của Phố trong làng được mở rộng biên độ với bối cảnh câu chuyện và những tuyến nhân vật hoàn toàn mới. Đó là khi hồ nuôi cá của Mến và Hiếu bị xã thu lại. Không còn kế sinh nhai, Hiếu quyết định đưa vợ con lên thành phố tìm việc làm với hy vọng mau chóng ổn định cuộc sống và… không phải phụ thuộc và đồng lương của vợ bởi “giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”.
. Câu chuyện bắt đầu khi ao cá của Mến và Hiếu bị thu hồi đất
Gia đình nhỏ của họ may mắn tìm được khu nhà trọ giá rẻ với bà chủ tốt bụng và hàng xóm thân thiện nhưng cũng từ đây nảy sinh nhiều rắc rối. Câu chuyện mưu sinh nơi phố thị không hề đơn giản với những người quê vốn chất phác nhưng lại không chuyên môn, không bằng cấp tính tình lại nóng nảy như Hiếu. Và hành trình để Hiếu tìm cách trụ lại cùng vợ con mình ở nơi đất khách vừa như những bài học, cũng là những lời động viên với nhiều người đồng cảnh ngộ. Hẳn sẽ có rất nhiều khán giả xúc động khi nghe những lời của Mến động viên Hiếu trước khi ra thành phố, cứ trở đi trở lại trong suy nghĩ của chàng trai nghèo tha hương: “Đã đi thì phải kiên trì không được nản chí, lúc nào mình cũng phải tiến lên!”.
Và thông điệp của bộ phim được đạo diễn khéo léo gửi gắm trong tinh thần chia ngọt sẻ bùi của những người dân nghèo nơi xóm trọ, là những suy nghĩ tích cực, lạc quan của những con người phải rời xa nơi chôn rau cắt rốn để tìm kế mưu sinh. Mỗi người đều có những ước mơ, khát vọng về một tương lai tốt đẹp cho gia đình mình. Không phải ai cũng có thể hoàn thành tâm nguyện của mình, may mắn không mỉm cười với tất cả. Đúng như Hưng từng ngậm ngùi chia sẻ: “Chỉ những ai có sức khỏe và kiên trì mới trụ lại được!”. Nhưng dù có bất cứ biến cố nào thì tình cảm đùm bọc, yêu thương của những con người nơi xóm trọ dành cho nhau cũng là sức mạnh vô giá giúp họ mạnh mẽ đứng dậy và bước tiếp. Sau tất cả, họ vẫn còn một nơi chốn để về, đó chính là quê hương, như Mến đã từng nói với Hiếu rằng: “Chỉ có người bỏ quê, chứ quê nào ruồng bỏ người đâu!”.
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Mai Hiền cho biết: “Khi làm phim về những người dân lao động, chúng tôi muốn gửi những lời chia sẻ, động viên với họ vì dịch COVID-19 đã đi qua nhưng khó khăn với người dân vẫn còn ngổn ngang. Tôi không tham vọng sẽ kể được hết những khó khăn của họ nhưng tôi hy vọng sẽ truyền được tinh thần lạc quan, vượt qua mọi trở ngại cho các khán giả của mình. Nếu như ở Phố trong làng, các nhân vật khi gặp những biến cố đều rối ren khi xử lý thì ở câu chuyện mới của Làng trong phố, có lẽ trải qua nhiều thời điểm khó khăn, các nhân vật đều trưởng thành hơn, họ đều nhận ra rằng cần lạc quan để đi tiếp.
Với một người không bằng cấp chuyên môn lại nóng tính như Hiếu, trụ lại ở thành phố thật khó khăn
Khi được hỏi: “Đã từng có nhiều bộ phim về người dân quê lên thành thị, với phim này anh có nghĩ mình sẽ tìm tòi những điều mới mẻ hơn hay chỉ đơn giản là kể một câu chuyện theo cách của mình?”, đạo diễn Nguyễn Mai Hiền chia sẻ: “MC Thảo Vân nói một câu rất ý nghĩa: Cuộc sống xung quanh chúng ta vẫn luôn như vậy, để nghĩ ra một câu chuyện mới thì rất khó. Với một câu chuyện cũ, chúng ta hãy nhìn nó theo cách mới, nếu như chúng ta kể nó theo cách của riêng mình thì nó sẽ trở thành một câu chuyện thật độc đáo. Cũng giống như rất nhiều dự án đã qua, tôi chọn cách kể của riêng mình. Cùng một đề tài, khi chúng ta nhìn nhận đa chiều thì một câu chuyện dù có quen thuộc hoặc đơn giản đến mấy vẫn có thể nhìn ra được những điều thú vị. Ví như nhắc đến câu chuyện về “tiểu tam” ở trong phim, nếu ở những bộ phim khác tuýp nhân vật này luôn khiến người xem mất cảm tình thì trong phim này, tôi muốn hướng đến một nhân vật khiến người xem thương hại mà không ghét bỏ. Câu đầu tiên khi casting Phương Anh vào vai Nhung tôi có nói rằng: Đây là nhân vật xấu, đáng phải lên án và chắc chắn cô ta sẽ phải trả giá. Tuy nhiên phải làm sao để khán giả không ghét Nhung, đấy mới là thành công!”.
Sự mới mẻ còn đến từ các nhân vật. Đó là những gương mặt trẻ trong xóm trọ đều do những diễn viên mới, được đạo diễn ưu ái tạo điều kiện để có cơ hội thử sức mình. Đó còn là Mến với những sáng tạo của Doãn Quốc Đam, giống như những sáng tạo rất riêng của anh ở mỗi phim. Dáng đi “chấm phẩy”, giọng nói khào khào nhưng mỗi lời nói đều như những chắt lọc từ kinh nghiệm sống của Mến đã mang đến nhiều hình dung thú vị.
LÊ KHÁNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 541, tháng 7-2023