DIỄN XƯỚNG ÂM NHẠC VÀ MÚA TRONG LỄ HỘI RIJA PRAONG CỦA NGƯỜI CHĂM NINH THUẬN

Rija praong là lễ hội múa lớn nằm trong hệ thống lễ hội dân gian của người Chăm, gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật múa Chăm đặc sắc. Lễ hội do tộc họ tổ chức, có ảnh hưởng của văn hóa Hồi giáo từ Malaysia. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng trong hệ thống lễ nghi tín ngưỡng của người Chăm, lưu giữ nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc, trong đó nghệ thuật diễn xướng dân gian Chăm được trình diễn hết sức sống động, mang nhiều sắc thái văn hóa khác nhau nhưng vẫn dung hòa giữa nét văn hóa bản địa và sự giao lưu tiếp biến từ văn hóa bên ngoài.

1. Nguồn gốc, mục đích và ý nghĩa của lễ rija praong

Lễ rija praong là một tín ngưỡng dân gian của người Chăm mang tính ma thuật, nghiêng về phương thức trình diễn, múa hát, kịch nghệ nhằm để chữa bệnh, cầu cúng tổ tiên và vị thần linh phù hộ độ trì dân chúng.

Người Chăm kể rằng, ngày xưa vua Po Rome có bang giao với các nước láng giềng và có một dịp vua đã mời đoàn khách Malayu về thăm Chămpa. Đoàn khách này gồm có 7 chiếc thuyền đến Chămpa bằng đường biển nhưng khi đến eo biển Mũi Né (Phan Thiết) bị Po Sah Ina - một vị tướng của người Chăm ngộ nhận và cho quân đánh chìm 5 chiếc, chỉ còn lại 2 chiếc. Biết đó là sự ngộ nhận của Po Sah Ina nên vua Po Rome bỏ qua và ra lệnh vớt xác những thủy thủ, đồng thời dựng lên nghi lễ rija praong. Đây là nghi lễ được người Chăm tổ chức theo nghi thức của người Mã Lai để tiễn đưa vong hồn người chết và người sống sót về lại xứ sở của họ. Từ đó lễ rija praong đã đi vào phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian của người Chăm.

Bên cạnh truyền thuyết trên còn có văn bản chữ Chăm viết về lịch sử và nguồn gốc của lễ rija praong như sau: Vào một thời kỳ rất xa xưa, không xác định được thời gian cụ thể, hai hoàng tử tên là Putra Jawa, gốc ở Kelantan đến Chămpa. Người đầu tiên văn bản không cho biết tên trong số hai hoàng tử đó đã đến xứ Panduranga, khu vực phía nam Chămpa  với một đạo quân bằng đường bộ qua ngả đường Campuchia mà không gặp một trở ngại nào. Người thứ hai văn bản cũng không cho biết tên tuổi của họ mà chỉ nêu chức vị là Laksama (tướng hải quân), dẫn một đội hải quân tiến vào Chămpa bằng đường biển. Bị gặp bão giữa biển khơi, một phần của đoàn thuyền này bị mất tích, chiếc thuyền chở hoàng tử bị hư hại nặng. Sau vài ngày lênh đênh trên biển đoàn thuyền đã cập bến vào Panduranga. Thuyền vừa cập bến, dân chúng bao vây vì cho rằng là hải tặc. Vị hoàng tử trên thuyền đã cố hết sức thuyết phục để người Chăm tin rằng ông không phải là hải tặc mà là một vị hoàng tử người Mã Lai đến để giúp xứ Chămpa. Dân chúng tức tốc báo tin này với công chúa Panduranga đang đi kinh lý vùng này. Vừa nhìn hoàng tử, công chúa biết ngay đó chính là đô đốc của Kelantan. Vì thế nàng yêu cầu cha mình tiếp đãi hoàng tử nồng hậu. Vì yêu chàng, nàng đã xin cầu hôn hoàng tử làm chồng. Hoàng tử chấp nhận lời cầu hôn và hứa sẽ ở mãi mãi bên nàng và vĩnh viễn không về xứ mình nữa. Và để không làm phật lòng anh của Laksama, vua Chămpa liền gả cho chàng một công chúa khác. Khi cưới xong hai hoàng tử đã cải đạo cho vợ mình thành đạo Islam và sống trong hoàng cung, đặc biệt là   Laksama giữ một chức vụ chính trị tối cao. Mặc dù hoàng tử người Mã Lai đã thề sống chung thủy với công chúa Chămpa, nhưng sau vài năm hai hoàng tử người Mã Lai quyết định trở về vĩnh viễn xứ sở của họ. Quốc vương Chămpa chấp nhận lời đề nghị này và tổ chức tiễn đưa họ ra đi linh đình bằng đoàn thuyền hộ tống của Po Rayak. Sau khi hoàng tử ra đi, các công chúa không chịu nổi cuộc chia ly, đã quyết định chết cùng với đứa con của họ. Sau cái chết này, trời đất xui khiến một bệnh dịch lan tràn xuống đất nước Chămpa. Những quan chức Chăm Ahier và Chăm Awal dưới sự chủ trì của nhà vua, đều nhất trí cho rằng chừng nào công chúa và các con của họ chưa đưa vào đền tháp thì bệnh dịch vẫn tiếp tục hoành hành ở xứ sở này. Vua liền thần thánh hóa họ theo nghi lễ truyền thống. Mỗi vị công chúa được nhận danh tính Putri Putra Raja Jawa và những đứa con của họ đều là tín đồ Hồi giáo, tước danh là pan (chết xấu, không lành). Bên cạnh đó, vua quyết định rằng tất cả người Chăm sống ở vùng do hai hoàng tử quản lý phải đặt trong nhà mình một vật thờ là ciét praok để tưởng nhớ linh hồn người đã khuất. Vua cũng quyết định thêm, cứ chu kỳ 7 năm một lần tổ chức một lễ nghi là rija praong kéo dài 7 ngày 7 đêm.

Rija praong là lễ nghi lớn nhất và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội múa của người Chăm. Khi gia tộc làm ăn sa sút, dịch bệnh xảy ra cho người và gia súc, tai họa đến với cháu con, lúc ấy người tộc trưởng van vái bề trên phù hộ cho gia tộc yên vui, làm ăn tấn tới, gia súc đầy đàn… Họ hứa sẽ tổ chức một lễ rija praong để tạ ơn. Lời hứa đã nói thì phải thực hiện, cho dù gia tộc ấy có nghèo khổ đến đâu hoặc người hứa có thể đã chết. Như vậy, việc thực hiện lời hứa để trả nợ cho bề trên phù hộ là mục đích và nguyên do sinh ra lễ rija praong.

Việc người Chăm tổ chức lễ rija praong có 4 mục đích chính: để tôn chức bà raja và cúng lễ cho tộc họ; trả lễ cho các vị thần mà trước đó tộc họ và gia đình đã cầu khấn với thần linh để cầu mong những điều tốt lành; khi trong tộc họ có người bị bệnh tật, gặp phải tai ương mà đã chữa trị bằng nhiều phương cách nhưng không qua khỏi thì người Chăm tổ chức lễ rija praong để cầu mong tổ tiên thần linh phù hộ cho người bị bệnh tai qua nạn khỏi; khi các thày maduen và các nghệ nhân đánh trống ghinăng, thổi kèn saranai thăng quan, tiến chức.

2. Diễn xướng âm nhạc và múa

Các điệu nhạc và múa trong nghi lễ sẽ lôi cuốn cá nhân vào hành động, mà hành động đó được diễn xướng trong phạm vi nhóm với sự tham gia của phần lớn các thành viên. Các nhạc công sẽ nổi nhạc và trống để đệm cho điệu múa. Các điệu múa có thể được diễn xướng vì các mục đích tôn giáo như một phần của truyền thống dân gian, hoặc như một hành vi xã hội.

Trong lễ rija praong có 5 loại nhạc cụ được sử dụng như trống baranưng, ghinăng, kèn saranai, ceng, đàn rebab. Trống ghinăng là nhạc cụ chính tạo ra nhạc nền, có tất cả 72 điệu cơ bản khác nhau, trong đó có 65 điệu được sử dụng trong lễ rija praong. Các điệu trống lễ rija praong có nhiều chủ đề nói về thiên nhiên như người múa chim, cảnh sinh hoạt lao động, chiến đấu như người lính, thủy binh, tàu thuyền và còn lại hầu hết là ca ngợi sự oai hùng của các vị nhân thần - những thủy binh của tướng Putra Jawa và Lasksama người Mã Lai đã hy sinh trong chuyến viễn hằng bằng đường thủy đến Chămpa vào TK XVII.

Rija praong là một lễ hội phong phú song cũng rất phức tạp. Nội dung và âm nhạc của nó đa dạng, với sự tham gia của 58 bài trong tổng số 75 bài trống ghinăng với các trò diễn xướng độc đáo. Các loại hình nghệ thuật hát, múa, nhạc dân gian đan quyện vào nhau thành khối, chuỗi, xuyên suốt hai đêm chính của lễ hội. Bộ nhạc cụ dùng trong lễ rija praong gồm 2 trống ghinăng, 1 kèn saranai, 1 ceng, 1 dây lục lạc với 5 nhạc công sử dụng (nếu tính cả trống baranưng của ông maduen là 6 người).

Trống baranưng là loại trống tròn bịt da một mặt, đường kính khoảng 0,45m. Mặt trống bịt da dê, thân trống bằng gỗ, xung quanh thân trống có đục 12 lỗ, mỗi lỗ được giữ chặt bằng mỗi con nem và có quấn dây mây xung quanh. Đây là bộ phận tăng giảm âm thanh và nốt nhạc của trống. Trống này được người Chăm xem là biểu tượng cho lồng ngực, là biểu hiện cái tâm con người. Trống baranưng là nhạc cụ, được xem là vật tổ của thày maduen, vỗ trống trong tư thế ngồi, đặt trống vào đùi, ôm sát vào ngực và vỗ hai tay vào trống.

Trống ghinăng với hình dáng thuôn dài, đường kính đầu nhỏ 15cm - 20cm, đường kính đầu to khỏang 25cm - 30cm, chiều dài khoảng 70cm - 80cm, khi sử dụng thường để chéo nhau, rất giống đôi chân của một người ngồi vắt chéo. Tang trống là một thân gỗ khoét rỗng giữa, phía ngoài chằng dây mây tạo nét thẩm mỹ và tránh khỏi vỡ. Trống ghinăng có hai chiếc, một chiếc âm, một chiếc dương; hoặc một chiếc cái một chiếc đực; hoặc một chiếc trống một chiếc mái. Bản thân mỗi chiếc trống có đầu âm là đầu dùng tay vỗ và đầu dương là dùng dùi đánh, dùi trống cũng phải dùng loại gỗ tốt vừa có độ dai mềm và phải chắc. Những người có trình độ đánh trống giỏi thường điều khiển dàn nhạc hoặc là người đứng đầu dàn nhạc.

Kèn saranai là chiếc kèn làm bằng hai mảnh tre mỏng ghép lại, dài chừng 40 - 45cm, thân kèn dài chừng 20cm, khoét 7 lỗ bấm nhỏ. Loa kèn dài tới 10 - 12cm, đường kính 4 - 4,5cm, làm bằng sừng hoặc ngà. Âm thanh của kèn saranai khỏe, vang, đanh, đôi khi có tiếng rè. Kèn saranai có 5 nốt âm thanh tương đương với 5 nốt nhạc đồ fa sol la rê và cũng là tượng trưng cho 5 ngũ quan của con người.

Ceng (chiêng) là loại nhạc cụ gõ bằng đồng có đường kính 0,3m. Chiêng có 2 loại: chiêng mặt bằng và chiêng có núm. Chiêng thường dùng dùi gỗ ở đầu dùi quấn vải mềm để gõ, sử dụng trong các lễ hội Chăm như lễ múa rija, tế lễ thần linh puis, payak, ngoài ra còn được sử dụng trong đám tang. Bên cạnh chiêng còn có mã la nhưng nhạc cụ này do người Raglai biểu diễn nhân ngày hội cúng lễ ở đền tháp.

Bên cạnh âm nhạc, trong lễ rija praong có khoảng 8 điệu múa khác nhau như tamia tangin (múa tay), tamia tadik (múa quạt), tamia tiong (múa chim công), tamia mrai (múa chim trĩ), tamia biyen (múa chiến binh), tamia patri (múa hầu công chúa), tamia patra (múa hoàng tử).

Trong lễ rija praong, múa chỉ bắt đầu khi có hiệu lệnh nhạc baranưng của thày maduen. Cả thày maduen và bà raja đều múa nhưng đa số chỉ múa đơn với nhiều tư thế múa và đạo cụ khác nhau như: khăn, kiếm, cây chèo thuyền, roi… Trong lễ rija praong, bà raja thường lên đồng. Khi lễ được chuẩn bị sẵn sàng, bà raja ngồi vào vị trì hành lễ, đối diện với bàn tổ được sắp sẵn nhiều lễ vật. Xung quanh bà raja có nhiều người ngồi chắp tay cầu nguyện thần linh, tổ tiên, bên cạnh đó, dàn nhạc lễ là những người đánh trống ghinăng, baranưng và thổi kèn saranai. Dàn nhạc nổi lên dồn dập giúp bà raja nhanh chóng nhập đồng. Khi đến độ thăng hoa, giao tiếp được với thần linh, bà raja trong trạng thái ảo giác, đứng lên múa, vừa múa vừa nói, truyền tải nguyện vọng của cộng đồng lên thần linh và ngược lại.

Ngoài ra, trong lễ rija praong có một màn múa đặc biệt là tamia tapaik baoh tapei (múa giành bánh) do ba vị halu balang (ba người đàn ông đóng vai người nước ngoài) và hai người đàn ông khác đóng vai chủ nhà (po sang) thực hiện. Múa bắt đầu diễn ra sau lời cầu khẩn của thày maduen. Những người đóng vai chiến binh chia ra làm 2 nhóm: nhóm halu balang ở bên ngoài nhà lễ và nhóm po sang ở bên trong nhà lễ. Khi nhạc nổi lên mạnh mẽ, những người múa kích thích lao vào nhau mô phỏng lại cảnh múa chiến đấu của những chiến binh.

Có thể kể đến một số điệu múa xuất hiện trong lễ rija praong như sau:

Bà raja dùng quạt để múa mừng po bành kìnà - thần chủ lễ của rija raong và thần  po cháda. Động tác múa của bà raja chủ yếu dùng hai chiếc quạt xòe ra, chấp chới theo nhịp nhún của bước chân trong điệu trống ghinăng đang tấu bài bành kìnà và bài po cháda. Sau khi múa hát mừng po cháda là điệu múa mời thần po biyen ăn bánh. Bà raja lại xòe quạt múa mừng. Hai tay quạt chếch theo hai hướng âm - dương (một tay trên, một tay dưới và ngược lại). Hết múa, bà raja ngồi xuống, ông maduen hát mời po biyen ăn bánh. Lời hát mời các vị thần ăn bánh đều giống nhau, chỉ khác tên các vị thần được mời, bà raja múa mời từng vị thần theo nhịp trống ghinăng và tiếng kèn saranai. Đến đoạn cuối, bà raja đem khay trầu đi mời mọi người, trong lúc đó có ba người của tộc họ cử ra vào rạp lễ múa halalipôl - múa mừng đãi khách. Đây là điệu múa tự do trên những động tác múa Chăm, họ múa hai bàn tay một thấp một cao theo bước chân nhún, ba người múa thành từng vòng tròn trước mũi thuyền, thuyền vào đỗ bên phải cửa ra vào. Họ vừa múa vừa hây… hây… hây rất vui nhộn. Lúc này ai muốn múa thì cứ vào múa, người vào múa thường là các bậc phụ lão, các bà… càng tăng thêm sự cổ vũ nồng nhiệt của mọi người. Lúc này bà raja tiếp tục múa mừng patra với áo, váy, khăn của nam giới trong âm điệu tiết tấu bài Patra Pô. Múa xong, bà raja cầm hai đầu dây cột mũi thuyền múa tới múa lui như dẫn dắt thuyền vào bến. Hai thuyền được treo lên vách bên phải - nơi trước đây thuyền đã đỗ khi mới vào cửa rạp. Sau đó bà raja tiếp tục múa mừng các vị thần theo từng bài trống khác nhau.

Trong điệu múa mừng các nữ thần, động tác múa của bà raja không có gì đặc biệt, chỉ khác là lần này hai tay nắm lấy đầu một chiếc khăn trắng dài choàng qua cổ rồi múa nghiêng vai.

Quạt là đạo cụ múa có mặt trong nhiều điệu múa dân gian, được làm bằng giấy hoặc vải, trang trí kim sa hoặc chất bắt sáng, có nơi thêm tua ở đầu quạt với các sắc màu hồng, xanh, trắng rất đẹp. Cũng là múa quạt, nhưng các điệu múa lại rất nhiều như biyen - múa công;  kamang - múa gà lôi; tiong - múa chim nhồng; marai - múa chim trĩ… Các động tác múa đa dạng, mô phỏng các động tác của loài chim, có khi là những cánh chim công (biyen) xòe ra làm đẹp cho đời; những con bướm giữa mùa hè bay lượn; con gà tây (tiong) trong vườn nhà reo lên khi đón khách. Quạt còn có thể tượng trưng cho sự cao sang quý phái (chalija), quạt có thể diễn tả hoàng tử giàu sang (patra). Không chỉ vậy, quạt còn là vật linh thiêng đặt trên bàn thờ thần để cúng cầu mong những điều tốt đẹp cho dân tộc. Quạt trên tay bà raja đầy bí ẩn, người con trai đạp lửa đầy sức mạnh đánh đuổi tà ma quỷ quái. Quạt liên kết xoay vòng nối tiếp nhau biểu hiện vũ trụ nơi con người đang sống, hay làn sóng nhấp nhô thay nhau vỗ vào bờ…

Khăn là đạo cụ quan trọng trong điệu múa khăn được người Chăm chính tay dệt, chiều dài khoảng 1,8m - 2m, chiều ngang khoảng 0,4m - 0,6m có viền hai đầu bằng sợi rua trắng. Khăn này chính là chiếc khăn đội đầu thường ngày của phụ nữ Chăm. Chiếc khăn cũng biểu hiện tiếng nói tâm tình của các cô gái Chăm, nó như những cánh hoa tượng trưng cho tấm lòng trong trắng, tinh khiết, đáng yêu của các cô gái. Chính vì ý nghĩa đó nên chiếc khăn luôn luôn có màu trắng. Khi biểu diễn, người nghệ sĩ cầm khăn, dùng cổ tay hất khăn lên, lúc khoan thai, nhẹ nhàng, khi mạnh mẽ, dứt khoát theo nhịp của nhạc.

Kịch nghệ dân gian trong rija praong qua hình thức múa hát vãi chài. Nội dung của múa hát vãi chài là để ôn lại cốt truyện và tưởng nhớ những vị thần Mã Lai đã hy sinh trong hành trình đến Chămpa bằng đường biển. Trước khi ông mak jal và ja pluai diễn kịch, thày maduen và bà raja làm nghi thức khai lễ. Thày maduen cầm một váy tượng trưng cho lưới, chài và bà raja cầm rổ đựng cá. Hai người vừa đi vừa hát ba vòng xoay quanh mâm trong nhà lễ. Sau đó thày maduen giao váy (lưới chài) và rổ đựng cá cho hai nghệ nhân diễn kịch. Ông mak jal bắt đầu cầm chài hát kể chuyện, ngâm thơ và ông ja ppluai đóng vai hề. Ja pluai mặc đồ rất ngộ nghĩnh, ông mặc váy ngắn đeo thắt lưng sơ sài để hai đầu dây thắt lưng chùn dài ra phía trước, mình trần, đầu chít khăn, vai vắt một chiếc khăn trắng tượng trưng cho lưới chài cá, tay cầm rổ. Chủ đề của hai nhân vật này gây cười cho người xem, trong đó có cốt truyện về truyền thuyết của chiếc thuyền mà hoàng tử Jinyang bị đắm giữa biển khơi…

3. Kết luận

Lễ hội Chăm là một bức tranh văn hóa dân gian sống động, đầy màu sắc, trong đó diễn xướng dân gian là một nét văn hóa nghệ thuật liên quan đến phong tục, đời sống tín ngưỡng, có nhiều phần nghiêng về phương thức trình diễn. Âm nhạc và múa như là tiếng nói thân cận với tâm hồn người Chăm để biểu lộ ước vọng của họ trước thần linh, thân tộc, thiên nhiên và cộng đồng. Trong đó, rija praong được xem là một lễ diễn xướng dân gian tổng hợp, hàm chứa những lời hát thánh ca của ông maduen và giọng điệu vãi chài với những trò diễn mộc mạc nhưng không kém phần vui nhộn, hòa cùng điệu múa mừng vui của các chàng trai, cô gái Chăm.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 - 2017

Tác giả : TỪ THỊ PHI ĐIỆP

;