Ngày 5 - 12 - 2013, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã chính thức vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là loại hình âm nhạc dân tộc độc đáo được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục tại khắp các tỉnh phía Nam, liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc...
Giao lưu, tiếp biến văn hóa là sự tiếp xúc, trao đổi và học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn hóa, là hiện tượng tiếp nhận có chọn lọc một số yếu tố văn hóa ngoại lai, biến đổi chúng cho phù hợp với văn hóa bản địa. Đờn ca tài tử là một bộ phận không thể tách rời của vùng văn hóa Nam Bộ, do vậy, trước khi làm rõ vai trò của giao lưu, tiếp biến văn hóa trong sự hình thành loại hình nghệ thuật này, không thể không nhắc đến những đặc điểm chủ yếu của vùng văn hóa Nam Bộ.
Trước tiên, văn hóa Nam Bộ có sự kết hợp giữa truyền thống văn hóa trong tiềm thức với điều kiện tự nhiên, lịch sử của vùng đất mới, phát triển trong điều kiện cách xa vùng đất cội nguồn cả về không gian và thời gian. Cho nên, nền văn hóa này vừa có nét giống, vừa có nét khác với nền văn hóa ở vùng đất cội nguồn.
Hơn nữa, đây là vùng văn hóa trải qua quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa một cách nhanh chóng, chỉ trong khoảng 300 năm, Nam Bộ đã định hình rõ những đặc trưng văn hóa vùng. Sự tiếp biến xảy ra trước hết giữa các tộc người cùng sinh sống trong một địa bàn, mà rõ nhất là hiện tượng sử dụng song ngữ, đảo ngữ trong vùng. Vốn từ của các tộc người được vay mượn, như người Việt vay mượn vốn từ của người Hoa, Khơme và ngược lại. Thậm chí, những câu nói, câu hát bình dân có sự pha tạp giữa các ngôn ngữ khác nhau. Thời gian sau này, chính vì sớm tiếp nhận văn hóa phương Tây, văn hóa Mỹ mà văn hóa Nam Bộ có thêm những đặc điểm mà các vùng khác không có.
Một đặc điểm quan trọng khác của vùng văn hóa Nam Bộ là sự phát triển của dòng văn hóa bác học, trong đó có âm nhạc. Đội ngũ trí thức Nho học mới xuất hiện đã góp phần thúc đẩy quá trình thay đổi đời sống văn hóa của vùng đất này - một vùng đất vừa có bề dày lịch sử văn hóa Việt Nam, vừa là vùng đất giàu sức trẻ của cả các tộc người ở Nam Bộ. Vị thế địa chính trị, địa văn hóa của vùng đất này khiến nó trở thành trung tâm mà quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra nhanh chóng cả về bề mặt lẫn chiều sâu, cả về lượng và chất, tạo cho vùng văn hóa Nam Bộ một gương mặt riêng khó lẫn trong diện mạo các vùng văn hóa ở nước ta.
Sự giao lưu và tiếp biến văn hóa thể hiện ở nhiều mặt của đời sống cư dân Nam Bộ, rõ nét nhất trong việc hình thành và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử. Có thể nói, loại hình nghệ thuật này được hình thành nhờ sự giao lưu, tiếp biến văn hóa và tích hợp những tinh hoa nghệ thuật nhiều vùng miền; cụ thể hơn là “sự tiếp nối, phát triển và Nam Bộ hóa của ca nhạc thính phòng Huế nói riêng và xa hơn là của ca nhạc cung đình Huế và ca nhạc cung đình Việt nói chung” (1). Nhạc sĩ Tô Vũ cho rằng: “Văn hóa Nam Bộ nói chung, âm nhạc Nam Bộ nói riêng có gốc nguồn từ miền Trung (Ngũ Quảng trở vào). Và, nếu ta cho rằng chính âm nhạc miền Trung đó, cũng lại xuất phát từ miền Bắc, được Nguyễn Hoàng cũng như các hậu duệ đem cấy vào vùng Thuận Hóa, dẫu nó được phát triển trong vương quốc Đàng Trong vẫn gắn bó khăng khít về mặt văn hóa với cội nguồn Đàng Ngoài” (2). Như vậy có thể hình dung nguồn gốc, quá trình hình thành của nghệ thuật đờn ca tài tử.
Từ khoảng TK XVI, cư dân người Việt từ vùng Thuận Hóa đã bắt đầu di cư vào và khai phá vùng đất Nam Bộ. Họ đem theo những phong tục tập quán của dân tộc mình vào vùng đất mới. Trong quá trình cộng cư với dân tộc khác, những phong tục tập quán của người Việt và phong tục tập quán của người Khơme, người Hoa đã có sự tiếp xúc, ảnh hưởng lẫn nhau. Càng về sau, do sự phân bố mật độ dân cư và kết cấu dân cư thay đổi đã dẫn đến việc các dân tộc anh em sống xen kẽ với nhau mà không theo một trật tự như trước. Người Khơme không sống trong phum, sóc nữa mà cùng sống chung với người Việt, người Hoa trong các xã phường. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp xúc và phát triển văn hóa ngày càng có chiều sâu hơn. “Vào đầu TK XX, âm nhạc tài tử miền Nam đã hình thành, nhờ các nhạc quan, nhạc sĩ của triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đem theo truyền thống âm nhạc đất Thần Kinh chuyển thành hơi miền Nam có khi đi ngang qua các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi trước khi vào Nam nên các bậc thày trong nghề thường nói gốc đờn ca tài tử là đờn Huế hay đờn Quảng” (3).
Ca Huế là một loại quan nhạc, tức là nhạc để chơi trong nhà quyền quý hay trong cung phủ. Một số bài bản của ca Huế lấy từ nhã nhạc cung đình. Lối nhạc này dần dần được ưa thích và truyền bá trong dân gian. Ca Huế vào đất Quảng, tiếp thu lối đàn Quảng rồi vào đến Nam Bộ lại tiếp tục biến đổi. Một số điển hình cho sự phát triển này như: điệu Lưu thủy thục giang qua giai đoạn Lưu thủy Quảng mới trở thành Lưu thủy đoản miền Nam; Phú lục Huế chuyển hơi thành Phú lục Quảng rồi khi vào Nam, bài Phú lục chấn chỉ còn giữ lại đôi chút của Phú lục Huế. Riêng bản Nam ai Nam và Nam ai Huế tuy trùng tên nhưng nét nhạc đã khác xa.
Bên cạnh ca Huế, các lưu dân miền Trung khi vào Nam còn đem theo loại hình nhạc lễ nhằm phục vụ nhu cầu cúng bái. Vào TK XVIII, nhạc lễ được biểu diễn trong các hội cúng đình hoặc chơi trong các đám tang. Dàn nhạc gồm các nhạc cụ bộ vĩ, bộ gõ và bộ hơi; chia hai phe văn, võ. Phe văn còn gọi là bộ văn gồm những bài bản được diễn tấu bằng các nhạc cụ dây kéo như đàn cò, cò lòn, gáo. Phe võ chủ yếu là những nhạc cụ gõ như đôi trống nhạc, trống cơm, trống bồng, mõ phếch, đấu đường, tum, lồ… Những ban nhạc này được gọi là những nhóm đờn cây. Việc chia tách trong dàn nhạc lễ được giải thích rằng: “Do nhu cầu phục vụ cho các tang lễ về khuya, nhạc lễ cần phải chơi với âm lượng nhỏ theo yêu cầu của gia chủ. Từ đó, các ban nhạc lễ được tổ chức một cách gọn nhẹ hơn và bắt đầu dùng song lang thay cho trống nhạc để giữ tiết tấu, cũng như bỏ bớt các nhạc cụ dây kéo vĩ để chỉ còn lại có đờn cò” (4).
Việc đơn giản hóa nhạc cụ đầu tiên chỉ là cho hợp với tang lễ, nhưng mục đích sâu xa hơn là thỏa mãn nhu cầu chơi nhạc của người dân Nam Bộ vốn mê ca hát. Phong trào đờn cây phổ biến rộng rãi. Các nghệ nhân bắt đầu đặt lời ca theo giai điệu có sẵn. Từ đó, nhóm đờn cây còn được gọi là nhóm đờn ca tài tử, phân biệt rõ rệt với nhạc lễ và hát bội là hai món ăn tinh thần thịnh hành lúc bấy giờ. Các nhóm tài tử không chơi ở các đám tang nữa mà phục vụ trong các dịp lễ tết, hay các đám giỗ lớn. Sự ra đời của phong trào đờn cây tuy chưa chính thức làm nên thể loại đờn ca tài tử nhưng là yếu tố quan trọng, là môi trường thuận lợi để tiếp nhận và phát triển các yếu tố khác hợp thành.
Trong quá trình phát triển, phong trào đờn ca tài tử có sự xuất hiện hai nhóm nhạc ở hai miền của Nam Bộ, cùng tranh tài, đồng thời học hỏi lẫn nhau. Hai nhóm cùng thống nhất về bài bản nhạc tài tử gồm 20 bài bản tổ, nhưng mỗi bên có sáng tác những bài bản của riêng mình. Bài bản tài tử đã phong phú lên rất nhiều nhờ vào sự tranh đua sáng tác của hai nhóm nhạc này. Sự khác nhau của hai nhóm nằm ở tốc độ chơi nhạc, nhóm nhạc miền Đông thường chơi tiết tấu nhanh, nhịp khác so với nhóm nhạc miền Tây. Cách diễn tấu miền Đông gần với ca Huế hơn. Càng về phương Nam thì các tài tử miền Tây có phần phóng khoáng hơn về tiết tấu. Theo Mai Mỹ Duyên, điều kiện địa lý tự nhiên là yếu tố tạo ra sự khác nhau trong cùng một loại hình nghệ thuật ở mỗi vùng miền: “Miền Đông, với địa hình đồi dốc, sông ngòi chảy mạnh, do vậy mà nhịp sống của cư dân nơi đây có tính chất nhanh, gấp gáp. Trong khi đó, miền Tây Nam Bộ nhiều sông ngòi, địa hình bằng phẳng, mùa nông nhàn kéo dài, con người sống êm đềm, nhàn nhã, nên nhịp sống ít gấp gáp hơn. Nhịp sinh hoạt cũng ảnh hưởng tới nhịp điệu âm nhạc, nghệ thuật. Hai nhóm tài tử này đã hình thành hai khuynh hướng tồn tại độc lập, làm phong phú đời sống văn nghệ nói chung cũng như loại hình đờn ca tài tử nói riêng” (5).
Như vậy, kế thừa từ nhạc Huế và nhạc Quảng ở bài bản và hình thức thính phòng, trên cơ sở nhóm nhạc đờn cây của dàn nhạc lễ Nam Bộ, đờn ca tài tử đã ra đời. Buổi đầu của nghệ thuật đờn ca tài tử là âm nhạc của ca nhạc thính phòng Huế, Quảng được diễn tấu bằng nhóm “nhạc đờn cây” có xuất thân từ dàn nhạc lễ Nam Bộ. Quá trình chuyển hóa từ âm nhạc miền ngoài đã được các nghệ sĩ lưu truyền vào Nam và được những nghệ sĩ miền Nam không ngừng sáng tạo.
Âm nhạc miền Trung từ khi du nhập vào Nam Bộ đã có những biến đổi to lớn trên phương diện biên chế dàn nhạc và tính chất âm nhạc. Về dàn nhạc, từ chỗ gồm nhiều cây đờn đến chỗ chỉ cần một cây đờn cũng có thể chơi được. Tính chất âm nhạc thay đổi nhiều, mục đích nhằm phù hợp với giọng hát, thanh điệu và ngôn ngữ của người Nam Bộ. Điệu nhạc càng tiến về Nam càng buồn, da diết. Có thể là do tâm thức người Việt, những người rời quê hương trở thành dân tứ chiếng, vào vùng đất mới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.
Vốn bắt nguồn từ nhạc lễ dân gian, được trình tấu trong tang lễ, tế lễ, rồi thành lễ mừng tân quan, tân gia, đám cưới, đến nửa cuối TK XIX, nhờ kết hợp với trào lưu học hỏi hòa tấu cổ nhạc từ Huế truyền vào, đờn ca tài tử đã hình thành và phát triển với một hệ bài bản ngày càng phong phú. Trong hai thập niên đầu TK XX, nhờ sự phát triển của đô thị, thị trấn, thị tứ, sự giao lưu và tranh đua giữa các môn phái tài tử miền Đông và Tây Nam Bộ đã thúc đẩy đờn ca tài tử phát triển đến đỉnh cao, “chẳng những về kỹ thuật đờn, ca, mà cả về phương diện ghi chép, hệ thống hóa, tu chỉnh những bản nhạc cổ, đào tạo những nghệ sĩ đờn ca, sáng tác” (6). Đến khi xuất hiện phong trào canh tân hý kịch, thì các nghệ sĩ Nam Bộ, bằng sự thích ứng nhanh nhạy với thời đại, đã mau chóng tạo ra những chuyển biến mới cho đờn ca tài tử.
Nhìn chung, đờn ca tài tử là sự kế thừa, tích hợp giá trị âm nhạc cung đình, dân gian; tiếp biến các yếu tố văn hóa của người Khơme, người Hoa ở vùng đất Nam Bộ; luôn được bổ sung, làm mới bằng việc tiếp thu giá trị văn hóa của những tộc người khác. Trên bước đường tiếp biến, dung nạp nhiều giá trị văn hóa, đờn ca tài tử luôn khẳng định vai trò không thể thiếu trong đời sống xã hội Việt Nam, được cộng đồng các dân tộc trong khu vực tự nguyện chấp nhận; tự do, bình đẳng tham gia thực hành, sáng tạo; góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa Việt Nam.
_____________
1, 6. Nguyễn Thụy Loan, Đờn ca tài tử - đặc trưng và đóng góp, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2013.
2. Tô Vũ, Âm nhạc cổ truyền Nam Bộ, Tạp chí Âm nhạc, số 3, 1996.
3. Trần Văn Khê, Đờn ca tài tử trong không gian văn hóa Nam Bộ, Tạp chí Văn, 2014.
4. Kiều Tấn, Hệ thống bài bản nhạc tài tử Nam Bộ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn TP.HCM, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2002.
5. Mai Mỹ Duyên, Đờn ca tài tử trong đời sống văn hóa cư dân Tây Nam Bộ, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Viện Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017
Tác giả : VŨ THỊ DUYÊN