1. Khái niệm múa đương đại
Múa đương đại chính thức du nhập vào Việt Nam từ năm 1988 (1) dưới tác động của chính sách mở cửa. Hiện nay, tồn tại rất nhiều quan điểm xoay quanh loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Theo Trung tâm Múa Anh quốc: “Múa đương đại là một thể loại múa của hiện đại. Nó không phải là một kỹ thuật múa cụ thể, mà là một bộ sưu tập các phương pháp, kỹ thuật được phát triển từ múa hiện đại, hậu hiện đại...” (2).
Một quan điểm khác cho rằng, múa đương đại là phong cách múa nổi lên trong TK XX như sự phát triển tự nhiên từ múa hiện đại. Để xác định phong cách này không phải là dễ bởi múa đương đại rất trừu tượng, mơ hồ. Không giống như ballet cổ điển, múa đương đại không được kết hợp với các động tác, kỹ thuật cụ thể mà mang yếu tố triết lý trong múa. Trong đó, mọi người cố gắng để khám phá những năng lượng tự nhiên và cảm xúc của cơ thể thông qua tiết mục, tác phẩm múa và thường mang dấu ấn cá nhân (3). Từ một khía cạnh khác, người ta nhận thấy, múa đương đại lấy cảm hứng từ các phương pháp, kỹ năng trong múa hiện đại, múa ballet, mặc dù không theo các nguyên tắc của ballet cổ điển. Nó nhấn mạnh đến sự cần thiết phải cải thiện hình thức, thường sử dụng nền tảng cơ sở để sáng tác múa... (4).
Như vậy, múa đương đại là thể loại được phát triển lên từ múa hiện đại. Nó dựa vào kỹ thuật ballet cổ điển và múa hiện đại, nhưng không có động tác cụ thể mà mang yếu tố triết lý với nhiều tầng ý nghĩa, được kết nối với nhiều cảm xúc giữa cơ thể người diễn viên và sự khám phá thông điệp của khán giả. Ngoài ra, nó có thể biểu diễn ở mọi nơi, tùy thuộc vào ý tưởng của biên đạo và được kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác.
2. Múa đương đại từ các góc nhìn
Múa đương đại có mặt ở Việt Nam gần 30 năm, tạo ra nhiều biến đổi cho nền nghệ thuật múa Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Trong thời kỳ hội nhập và giao lưu văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ như ngày nay, nghệ thuật múa Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn, tạo ra những xu hướng phát triển mới.
Dưới góc nhìn nhân học văn hóa
Giao lưu và tiếp biến văn hóa là lý thuyết đặc trưng của ngành nhân học văn hóa, được sử dụng để tiếp cận, tìm hiểu, phân tích hệ quả của quá trình giao lưu tiếp biến giữa hai nền văn hóa khác nhau. Đây là khái niệm được nhà nhân học Anglo Saxon đưa ra cuối TK XIX, nhằm chỉ quá trình biến đổi văn hóa diễn ra do sự tiếp xúc của hai hệ thống văn hóa riêng rẽ mà kết quả là làm cho chúng ngày càng giống nhau hơn. Sự giao lưu tiếp biến văn hóa còn là quá trình một nền văn hóa thích nghi, ảnh hưởng từ một nền văn hóa khác, nó không những làm thay đổi hoặc biến đổi một số loại hình văn hóa của nền văn hóa đó mà thậm chí cả hai nền văn hóa khác nhau. Vì thế sự giao lưu tiếp biến văn hóa cũng là một cơ chế khác của biến đổi văn hóa, đó là sự trao đổi của những đặc tính văn hóa nảy sinh khi các cộng đồng tiếp xúc trực diện và liên tục.
Múa đương đại chính thức du nhập vào Việt Nam từ năm 1988 với sự hướng dẫn của biên đạo người Úc, Cherry Stock, sau này nó gây ấn tượng mạnh trong công chúng bởi biên đạo người Pháp gốc Việt, Ea Sola. Đầu TK XXI, múa đương đại Việt Nam gắn với tên tuổi của biên đạo múa người Pháp, Regine Chopinot... Có sự tiếp thu từ yếu tố ngoại sinh, bắt nguồn từ Úc, rồi đến Pháp… nên các tác phẩm múa ở Việt Nam mang hơi thở thời đại, theo nhiều khuynh hướng sáng tác của thế giới. Quá trình tiếp biến múa đương đại phương Tây vào Việt Nam đã tạo ra những thay đổi lớn trong nghệ thuật biểu diễn múa. Nhiều tiết mục, tác phẩm đã góp phần làm nên sự phong phú cho ngành múa Việt Nam bởi sự tiếp thu một cách tinh tế những nét đặc trưng của nhân loại với vốn văn hóa, kiến thức về xã hội, dân tộc.
Có thể nói, Ea Sola và Regine Chopinot đã đem đến Việt Nam phong cách múa đương đại mà thời điểm đó khán giả nước ta chưa thể tiếp nhận, nhưng đến nay những tư tưởng và phong cách múa đương đại này đã được hưởng ứng. Điều này khẳng định, đổi mới có sự tác động rất lớn trong mọi lĩnh vực, trong đó có nghệ thuật múa.
Dưới góc nhìn của triết học
“Chủ nghĩa hậu hiện đại trên căn bản là một thứ hỗn hợp mang tính chiết trung của bất cứ truyền thống nào với những gì vừa mới qua: nó vừa là sự kế tục vừa là sự siêu việt hóa của chủ nghĩa hiện đại” (5). Hay như quan điểm của Lyotard, thời kỳ hậu hiện đại bắt đầu từ cuối thập niên 50 TK XX ở châu Âu, thời kỳ mà tri thức bắt đầu thay đổi hệ thống và chủ nghĩa hậu hiện đại như là đỉnh cao của chủ nghĩa hiện đại. Chủ nghĩa hậu hiện đại đã ảnh hưởng tới tư tưởng sáng tạo của rất nhiều nghệ sĩ đương đại, trong đó, không ngoại trừ các nghệ sĩ múa. Lý thuyết của Lyotard phát huy tính chất đa dạng của các thuật ngữ trong văn bản nhỏ, vi văn bản hay có thể nói, hậu hiện đại là sự đa dạng của những diễn ngôn và trò chơi ngôn ngữ. Qua đó, ông cho rằng, hậu hiện đại bắt nguồn từ những năm 50 TK XX, là thân phận của tri thức trong những xã hội phát triển nhất là sự hoài nghi đối với siêu tự sự (6).
Lyotard còn cho rằng mỗi một người trong xã hội là một nguyên tử, họ tiếp nhận, trả lời những thông điệp ngôn ngữ từ khắp nơi gửi về. Từ đó, họ tạo ra những phát biểu mới, bất ngờ. Nếu xã hội phát huy được tính chất đa dạng của vi ngôn ngữ thì đó là xã hội của hậu hiện đại (7).
Các loại hình nghệ thuật cũng vận động cùng những thay đổi trong xã hội. Các nền văn hóa bước vào thời kỳ gọi là hậu hiện đại, còn xã hội gọi là hậu kỹ nghệ. Những thế hệ sau có ảnh hưởng bởi những phát minh, sáng tạo của những thế hệ trước. Song, dựa trên những ảnh hưởng ấy, thế hệ sau đã bổ sung, thậm chí chống lại những gì mà thế hệ trước đã làm và sáng tạo ra những phong cách riêng phù hợp với bối cảnh, với đời sống xã hội đương thời.
Múa đương đại được phát triển từ múa hiện đại và hậu hiện đại. Những năm 60 TK XX là thời điểm của cuộc nổi loạn trong xã hội, được phản ánh trong nghệ thuật múa và gọi là múa hậu hiện đại. Các nghệ sĩ múa đã chống lại những gì thuộc về truyền thống, bao gồm cả những hệ thống trong múa hiện đại giai đoạn đầu. Mỗi nghệ sĩ múa đều có những sáng tạo khác nhau dựa trên cách tiếp cận, tri thức vốn có của mình. Với một chủ đề (thậm chí một bản nhạc), mỗi biên đạo múa có những cách khai thác không giống nhau từ kết cấu, thủ pháp dàn dựng, sáng tạo trong ngôn ngữ, xử lý đạo cụ, cách kết hợp với các loại hình nghệ thuật, phương pháp làm việc khác... Từ đó, đưa ra những khía cạnh khác biệt, có khi không theo bất kỳ quy luật nào. Đối với diễn viên múa cũng vậy, cùng một tiết mục múa, mỗi người có những sáng tạo riêng trong biểu hiện để đem đến cho khán giả thông điệp hay yếu tố triết lý mà biên đạo múa muốn gửi gắm. Các trò chơi ngôn ngữ không có những quy tắc trong bản thân chúng, mà được cấu tạo nên từ sự thỏa thuận giữa những người tham gia cuộc chơi. Trò chơi ngôn ngữ đem đến những chuyển động ngôn ngữ từ biên đạo múa tới người thể hiện (diễn viên múa) và từ người thể hiện đến người tiếp nhận (khán giả). Cái tôi, đổi mới và tự do ngôn luận là hình ảnh của múa đương đại. Đó chính là tiếng nói, thuật ngôn ngữ vi văn bản của nguyên tử, được các nguyên tử tiếp cận qua đời sống xã hội, chính trị, nghệ thuật... với nhiều cách khác nhau, thái độ khác nhau trong tiết mục múa.
Dưới góc nhìn của toàn cầu hóa
Tác giả Trần Nho Thìn đã đưa ra ba xu thế phát triển về văn hóa hiện nay: toàn cầu hóa và nhất thể hóa văn hóa; xu thế toàn cầu hóa và đa dạng văn hóa; văn hóa lai ghép trong kỷ nguyên toàn cầu. Đặc biệt, quan điểm thứ ba là xu thế phát triển rất phổ biến hiện nay ở Việt Nam, chủ trương về lai ghép, hỗn dùng văn hóa. Sự lai ghép là các cách theo đó các hình thức tách rời khỏi thực tế đang tồn tại kết hợp với các hình thức mới trong những thực tế mới. Diễn đạt gọn hơn xu hướng này, giới nghiên cứu dùng đồng thời hai khái niệm khu vực hóa toàn cầu và toàn cầu hóa khu vực với một khái niệm mới được tạo ra từ hai khái niệm toàn cầu và khu vực glocolization (8). Như vậy, nhìn văn hóa dân tộc từ góc độ toàn cầu hóa văn hóa là một điểm nhìn cần thiết, để xác định đường hướng vận động cho văn hóa Việt Nam.
Dưới sự tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập, sự giao lưu, biến đổi văn hóa là điều không tránh khỏi. Bởi văn hóa nói chung và nghệ thuật nói riêng không bất biến mà luôn vận động, biến đổi để duy trì, phát triển các yếu tố truyền thống. Vì thế, khi nghiên cứu múa đương đại ở Việt Nam, chúng ta không chỉ xem xét đối tượng một cách biệt lập hoặc trong trạng thái tĩnh mà phải đặt chúng trong trạng thái động.
Đối với múa đương đại ở Việt Nam, xu thế toàn cầu hóa và nhất thể hóa văn hóa chính là sự tiếp thu trọn vẹn múa đương đại từ phương Tây, từ ngôn ngữ múa cho đến yếu tố triết lý với nhiều tầng nghĩa trong tiết mục, vở múa. Xu thế toàn cầu hóa và đa dạng văn hóa thể hiện ở những tiết mục múa có sự tương tác với các loại hình nghệ thuật khác, đặc biệt với công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, thông qua những buổi giao lưu văn hóa, các nghệ sĩ múa đã lựa chọn những nét tinh túy trong tiết mục, vở múa của nước ngoài để làm phong phú, đa dạng hóa trong tiết mục của mình. Còn quan điểm văn hóa lai ghép trong kỷ nguyên toàn cầu thể hiện ở những tiết mục, vở múa do người Việt Nam thực hiện nhưng sử dụng âm nhạc, thiết kế sân khấu, thiết kế trang phục... theo phong cách nước ngoài.
Nhiều tiết mục, vở múa đã tiếp thu một cách tinh tế những nét đặc trưng của nhân loại với vốn văn hóa, kiến thức về xã hội, dân tộc hay nói cách khác, đó là sự Việt hóa các yếu tố ngoại sinh trong múa đương đại Việt Nam. Theo góc nhìn toàn cầu hóa với chủ trương phát triển tính dân tộc trong tác phẩm văn học nghệ thuật, múa đương đại Việt Nam là sự kết tinh, hòa quyện giữa yếu tố triết lý phương Tây và bản sắc dân tộc.
Như vậy, văn hóa, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật múa nói riêng cũng không nằm ngoài quy luật giao lưu, biến đổi của văn hóa. Chủ nghĩa hậu hiện đại đã thay đổi tư duy trong sáng tạo cũng như trong thưởng thức nghệ thuật múa, đưa khán giả đến với cái tôi của nghệ sĩ, khám phá yếu tố triết lý với nhiều tầng ý nghĩa trong các tác phẩm.
_______________
1. Cheryl Stock, Making intercultural dance in Vietnam, luận án tiến sĩ, 1999.
2. What is contemporary dance?, dancecentral.co.uk.
3. What is contemporary dance?, wisegeek.org.
4.What is different between modern and contemporary dance, differencebetween.com.
5. Charles Jencks, Chủ nghĩa hậu hiện đại là gì?, vanhoahoc.vn.
6, 7. Jean-Francois Lyotard, The postmodern condition: A report on knowledge, Manchester University Press, 1984.
8. Trần Nho Thìn, Văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, Tạp chí Văn hóa học, số 2 (18), 2015, tr.37-46.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng -2017
Tác giả : LÊ HẢI MINH