VÀI ĐẶC TRƯNG TRONG BÀI BẢN NHẠC TÀI TỬ NAM BỘ

Các thể loại, tác phẩm âm nhạc đều có những hình thức, cấu trúc rõ nét. Nhạc tài tử Nam Bộ cũng vậy, lớp, câu, lái, mô, chầu, rao được xem là khung sườn của bài bản, là nơi để giai điệu dựa vào mà thỏa sức bay lượn, đắm chìm trong những buổi hòa nhạc thâu canh. Ngoài sự cân đối, khúc chiết, chúng còn có những quy định nghiêm ngặt riêng mà giới nhạc đều phải thuộc nằm lòng khi muốn cùng nhau so tài.

Do tiếp thu và phát triển từ các loại hình âm nhạc phía Bắc nên nhạc tài tử Nam Bộ vừa gần gũi với ca trù, ca Huế vừa mang đậm tính cách, văn hóa Nam Bộ, thể hiện đầy đủ những đặc điểm âm nhạc của vùng đất như thang âm, điệu, hơi, cấu trúc hình thức... Nhạc tài tử Nam Bộ gồm cả phần đàn, phần hát nhưng bản chất vẫn là khí nhạc. Hầu hết các bài bản được sử dụng trong nhạc tài tử nói chung hay trong hai mươi bản tổ nói riêng đều có nguồn gốc từ những bản nhạc không lời. Mỗi bản đàn đều có một hình tượng âm nhạc riêng, được kể là một điệu - theo cách nói của người trong giới. Tuy thiếu sự nhất quán về hệ thống, tên gọi nhưng các bản nhạc lại có độ dài gần như nhau, tất cả đều có cấu trúc tổng thể giống nhau, nghĩa là đều được phân lớp, câu, nhịp một cách rõ ràng.

Lớp

Là sự phân chia thành nhiều phần của một bản nhạc. Cấu trúc của mỗi lớp tương đối hoàn chỉnh, độc lập, người ta có thể diễn tấu độc lập từng lớp riêng. Âm kết của lớp không bắt buộc phải về chủ âm mà là bất kỳ âm nào trong thang âm, điệu thức của bản nhạc. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể so sánh lớp với khúc trong bài bản ca Huế và trổ trong chèo hay ca trù.

Số lượng lớp trong mỗi bản nhạc có khác nhau, ít nhất là 3 lớp như trong bản Tây Thi vắn, Long đăng hay Phụng cầu hoàng duyên, nhiều nhất là bản Nam ai có 10 lớp. Cách chia lớp của các nhạc sĩ trong giới tài tử cũng không giống nhau, như bản Nam xuân, một số nhạc sĩ chia thành 8 lớp, một số khác lại chia thành 9 lớp vì họ tính bốn câu Phản Xuân là một lớp.

Có nhiều cách đặt tên lớp: đặt theo số thứ tự (lớp I, II, III… như trong Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn…), đặt theo số thứ tự kèm theo tên ngũ cung dân tộc (lớp II - lớp hò, lớp III - lớp xề… trong bản Xàng xê), đặt theo tên riêng (lớp Thủ, Xang vắn, Xang dài, Hồi Thủ trong Tứ đại oán). Có trường hợp, trong cùng một bài, một số lớp được đặt tên theo số thứ tự, số lớp khác lại đặt tên riêng như trong bản Nam xuân, các lớp đầu thì đặt tên lớp I, II, III… đến lớp V thì gọi là lớp Trống Xuân 1, lớp VI gọi là lớp Trống Xuân 2. Đặc biệt, bản Cửu khúc giang nam vừa đặt theo lớp như các bài bản khác nhưng lại có một số nghệ nhân đặt tên theo khúc như trong ca Huế, có 4 lớp tương đương với 9 khúc.

Mỗi lớp bao gồm nhiều câu nhạc, số lượng câu trong mỗi lớp thường khác nhau nhưng cân đối, tức không có sự chênh lệch nhiều giữa các lớp, trừ một vài trường hợp như bản Tây Thi vắn: lớp I có 9 câu, lớp II có 13 câu, lớp III chỉ có 4 câu. Nhìn chung, thông thường mỗi lớp có tối thiểu 4 câu, tối đa 20 câu. Số lượng câu trong mỗi lớp thường là chẵn, chỉ trừ một vài trường hợp như lớp III và IV của bản Cổ bản vắn có 7 câu hay bản Tây Thi vắn, lớp I có 9 câu, lớp II có 13 câu.

Các lớp trong bài bản nhạc tài tử có thể giống nhau như bản Phú lục chấn, lớp III lặp lại toàn bộ lớp II hoặc giống nhau gần như cả lớp như trong bản Tây Thi vắn, lớp I với lớp II có 8 câu giống nhau.

 

Lớp I bản Phú lục chấn, nhịp tư, bản đàn kìm 

Câu

Là đơn vị chia đều của một lớp trong bài bản nhạc tài tử, rất cân đối, khúc chiết, biểu hiện qua số nhịp (1) trong mỗi câu. Thông thường có hai loại câu: Câu nhịp tư, được viết ở nhịp 4/4 (C), mỗi câu có 4 nhịp, thường gọi bản ở nhịp tư, khi ghi chép ghi rõ là nhịp tư, lái tám; Câu nhịp tám, được viết ở nhịp 4/4, mỗi câu 8 nhịp, thường gọi bản ở nhịp tám, khi ghi chép thì ghi là nhịp tám, lái mười sáu. Bên cạnh đó, ta còn có câu nhịp mười sáu, ba hai. Bài bản nhạc tài tử hiện nay thường được viết ở câu nhịp tư, nhịp tám. Các bài bản nhỏ (đoản, vắn) thường được viết ở nhịp hai, duy nhất có bản vọng cổ được viết ở nhịp ba hai, lái sáu bốn.

Một số bài bản, trong cùng một lớp có nhiều câu giống nhau như bản Long đăng, lớp I: câu 13, 14 trùng với câu 9, câu 10; bản Vạn giá, lớp III: câu 20 - 22 giống câu 16 - 18.

 
 
 
Song loan trong nhạc tài tử 
 

Để xác định câu trong nhạc tài tử, người ta dựa vào cách gõ song loan. Đối với bản nhạc viết ở nhịp tư, song loan sẽ gõ vào phách 1 của nhịp thứ tư và phách 1 của nhịp thứ nhất ở câu sau cho ta biết câu nhạc trước đã dứt. Khi kết bài thì gõ ở phách 1 và phách 2 của nhịp thứ 4 rồi sau đó gõ vào phách 1 của nhịp kết câu nhạc.

 

 
Câu 1, 2, lớp I, bản Tây Thi vắn, nhịp tư 

Đối với bài nhạc viết ở nhịp tám, song loan sẽ gõ vào phách 1 của nhịp thứ 7 và phách 1 của nhịp thứ nhất của câu sau. Khi kết bài thì gõ ở phách 1 và phách 3 của nhịp thứ 7 rồi sau đó gõ vào phách 1 của nhịp kết câu nhạc.

 

Câu 1, 2, lớp I bản Phụng cầu hoàn, nhịp 8 

Lái

Là đơn vị chia đôi của một nhịp. Tức, lái là nhịp nhỏ, mỗi lái tương đương với 2 phách của nhịp 4/4.

 
 
2 lái trong 1 nhịp 4/4 
 
 
 
Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử ở Bạc Liêu.
Ảnh tư liệu 
 

Là đoạn nghỉ, thường ở đầu câu nhạc, ít khi xuất hiện giữa câu. Trong những bản nhạc viết ở câu nhịp tư, mô thường kéo dài khoảng 1,5 nhịp 4/4, tương đương với ba lái. Đối với những bài viết ở nhịp tám, đôi khi mô xuất hiện ở giữa câu nhạc, kéo dài đến 3,5 nhịp 4/4.

Khi diễn tấu bản nhạc đến mô, các nghệ sĩ thường diễn tấu thêm bằng cách gõ vào thùng, thành… đàn, làm hiệu cho bạn diễn và được xem như một cách đếm nhịp. Trong dàn nhạc, nhạc trưởng sẽ chịu trách nhiệm về cách xử lý, diễn tấu những mô này.

 

Mô trong bản Tứ đại oán 

Chầu

Là đoạn nhạc được thêm thắt ở một số chỗ kết câu. Về cấu trúc, có thể hiểu câu chầu là câu bổ sung của câu nhạc trước đó, làm cho người nghe hiểu rằng bản nhạc chưa kết thúc. Cũng có thể hiểu chầu như một kiểu mở rộng giai điệu của câu nhạc. Câu nhạc mở rộng này phải có tối thiểu ba lái.

 
 
Chầu trong bản Phú lục chấn 
 

Rao

Trước khi vào một bản đàn, bản hòa tấu, hoặc khi đệm cho ca, nhạc công phải diễn tấu một đoạn nhạc mang tính tự do, ngẫu hứng, giới tài tử gọi là rao. Như những bài Dạo khách hay Dạo nam của miền Trung, rao xuất hiện trước khi vào bản nhạc, mỗi bản, mỗi điệu là một kiểu rao. Rao nhằm chuẩn bị hình tượng âm nhạc hay tạo không khí cho dàn hòa tấu, dẫn khán giả đi dần vào điệu, hơi của bản nhạc.

Rao không quy định nhạc công nào hay nhạc cụ nào thực hiện trước. Nhưng thông thường, bắt đầu từ người giữ song loan, sau đó tuần tự hay cùng lúc, các bạn diễn tiếp tục rao. Cấu trúc của rao là một đoạn nhạc có tính phát triển liên tục, đa dạng. Câu rao phải dựa trên thang âm, điệu thức và hơi của bài bản. Khi hòa tấu tài tử có ca, rao thường ngắn, chủ yếu để người ca lấy giọng.

 

Câu rao đàn nhị, bản Tứ đại oán 

Sắc thái, nhịp độ

Trong tất cả các bài bản nhạc tài tử không có ghi chú hay quy định sắc thái, nhịp độ, cách tiến hành giai điệu… Các bài bản chỉ ghi rất sơ sài như: tẩu mã, vắn, trường… Theo GS Trần Văn Khê, nhạc tài tử Nam Bộ chỉ có các nhịp độ: cấp điệu = tẩu mã = presto; bình điệu = đoản, vắn = allegro, allegretto, đôi khi là moderato; hoãn điệu = trường = lento (2). Giữa hoãn điệu và bình điệu là nhịp lơi, tức đàn mở ra, chậm lại, tương đương andante.

______________

1. Nhịp trong âm nhạc tài tử được hiểu theo nhiều nghĩa, ở đây có nghĩa là số lượng ô nhịp trong mỗi câu.

2. Trương Bỉnh Tòng, Từ điệu đến hơi và quá trình hình thành bản vọng cổ, Viện Nghiên cứu Cải lương, 1992, tr.5.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : BÙI THIÊN HOÀNG QUÂN

;