DIỆN MẠO ĐIỆN ẢNH QUA CÁC LIÊN HOAN PHIM

Liên hoan phim (LHP) và giải Cánh diều hàng năm đã trở thành truyền thống, được duy trì đều đặn nhiều năm nay, góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển nền điện ảnh dân tộc, động viên các nghệ sĩ và hãng phim nâng cao chất lượng, số lượng phim đáp ứng nhu cầu của người xem. Tuy nhiên, nhiều năm nay, tình hình điện ảnh nước nhà gặp khó khăn, chất lượng và số lượng phim giảm sút mạnh đã ảnh hưởng đến hiệu quả của các LHP, giải thưởng. Trong khi đó, việc tổ chức các LHP và lễ trao giải lại bộc lộ một khuynh hướng quy mô, hoành tráng phô trương và hình thức, không phản ánh đúng thực trạng của điện ảnh nước ta hiện nay.

Thực tế cho thấy LHP và Giải Cánh diều vẫn được tổ chức theo lối cũ, đến hẹn lại lên, những cuộc gặp mặt, tiếp xúc, hội thảo, phát vé mời xem phim miễn phí, lấy số lượng để tuyên truyền, báo cáo ít hiệu quả, mang nặng tính hội hè mà không xuất phát từ tình hình thực tế của việc sản xuất phim và nguồn lực tài chính eo hẹp của điện ảnh nước ta dẫn đến trùng lặp, đơn điệu. Đây đang là vấn đề được dư luận báo chí và nhiều người hâm mộ quan tâm. Cần phải có sự cải tiến, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp thực tế, tránh kiểu hình thức phô trương, lãng phí thời gian và tiền bạc.

Có thể nói, diện mạo của một nền điện ảnh được phản chiếu rất rõ qua các LHP, giải thưởng của nó đã trở thành biểu tượng của các nền điện ảnh mà các quốc gia sở hữu. Giải Oscar của điện ảnh Mỹ, Cành cọ vàng của điện ảnh Pháp, Sư tử vàng của điện ảnh Ý, Kim kê của điện ảnh Trung Quốc, Bông sen vàng, Cánh diều vàng của điện ảnh Việt Nam, và còn nhiều LHP, giải thưởng khác của các quốc gia và khu vực… mà chỉ cần nhắc đến tên là những người am hiểu và hâm mộ điện ảnh đã biết rõ tiềm lực, sức mạnh và vị thế của các nền điện ảnh của quốc gia đó.

Hàng năm cứ vào đầu tháng 2, có hàng tỉ người trên hành tinh ngồi trước màn ảnh truyền hình để đón xem lễ trao giải Oscar với niềm háo hức, khát khao và thán phục. Mặc dầu giải Oscar là của điện ảnh Mỹ nhưng nó đã trở thành giải điện ảnh danh giá nhất thế giới. Cành cọ vàng LHP Cannes của điện ảnh Pháp cũng là giải thưởng danh giá nhất, nhì thế giới. Huy chương vàng LHP Mátxcơva trước đây là một giải thưởng danh giá phản chiếu vị thế, tiềm lực của nền điện ảnh Xô Viết đã có tầm ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển điện ảnh thế giới. Năm 1958, Hội nghị quốc tế của hơn 100 nhà lý luận và lịch sử điện ảnh họp tại Brúcxen, Bỉ đã thống nhất xác định ngày ra đời của môn nghệ thuật thứ bảy và chọn ra 12 phim hay nhất của mọi thời đại và dân tộc. Điện ảnh Xô Viết có 3 phim được chọn Chiến hạm Pôchômkin, Đất Người mẹ với những đạo diễn tên tuổi như Âydanhstanh, Puđốpkin và Đốpdencô.

Năm 1970, LHP Việt Nam lần thứ I được tổ chức tại Hà Nội nhân kỷ niệm lần thứ 25 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Mặc dầu ở thời điểm đó, cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt nhưng số đơn vị và số phim tham dự LHP phong phú và đa dạng, phản ánh gương mặt, diện mạo và sức sống mãnh liệt của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Có 3 phim truyện, 9 phim tài liệu, khoa học và 2 phim hoạt hình được tặng giải Bông sen vàng. Ban giám khảo còn tặng 9 giải Bông sen vàng cho 9 phim tài liệu của điện ảnh Giải phóng.

LHP Việt Nam lần thứ IV được tổ chức tại TP.HCM vào hạ tuần tháng 4-1977 nhân kỷ niệm 2 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, có 13 đơn vị tham dự, với 9 phim truyện, 41 phim tài liệu, 23 phim thời sự, 8 phim khoa học và 5 phim hoạt hình dự thi. Đây thực sự là một cuộc đua tài của nhiều hãng phim, nhiều bộ phim và nhiều nghệ sĩ. Nhưng hùng tráng và cảm động hơn cả đây là một ngày hội lớn của các nghệ sĩ chế độ mới và chế độ cũ, của miền Bắc miền Nam ruột thịt gặp mặt sum họp sau mấy chục năm bị chia cắt, phân ly.

Đến LHP lần thứ V diễn ra tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, số lượng phim tham dự đã tăng lên vượt bậc với 20 phim truyện, 42 phim tài liệu, 14 phim thời sự, 9 phim khoa học, 24 phim hoạt hình và còn có 6 phim cả truyện và tài liệu dành riêng cho thiếu nhi. LHP lần này có số lượng và chất lượng phim hơn hẳn với những LHP trước, đã tạo nên không khí của cuộc thi hấp dẫn, sôi nổi chưa từng có. Đây thực sự là mốc đánh dấu sự phát triển của điện ảnh Việt Nam sau gần 30 năm xây dựng và trưởng thành.

Những LHP trên đã phản chiếu sự phát triển mạnh mẽ của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam và trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của thế giới, nhanh chóng xác lập được vị trí của nền điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, phim Việt Nam đã có mặt ở nhiều LHP quốc tế và giành nhiều giải thưởng… Nhưng tiếc rằng càng về sau, LHP Việt Nam càng giảm sút sự sôi động và hấp dẫn. Việc sản xuất phim của Việt Nam ngày càng co hẹp. Số lượng phim sản xuất hàng năm chỉ bằng một phần ba, một phần tư các năm trước đây trong thời kỳ còn chiến tranh. Trong khi đó LHP Việt Nam vẫn cứ đều đặn hai hoặc ba năm một lần, những hãng phim, bộ phim và những gương mặt nghệ sĩ vừa tham gia tranh giải Bông sen vàng LHP quốc gia cuối năm trước thì đầu năm sau cũng những hãng phim ấy, bộ phim ấy và nghệ sĩ ấy lại tham gia tranh giải Cánh diều vàng. Như LHP Việt Nam lần thứ XIV vừa tổ chức tại TP.HCM cuối năm 2009 thì đầu năm 2010 giải Cánh diều vàng lại được tổ chức ở Hà Nội, chỉ thay đổi địa điểm và cơ quan tổ chức, còn nội dung và tiêu chí chấm giải không mấy thay đổi dẫn tới sự trùng lặp. Điều này có thể thấy rõ ở Hãng phim Tài liệu khoa học và Hãng phim Hoạt hình là còn sản xuất hai loại phim này. Khi tham gia tranh giải LHP quốc gia và Cánh diều cũng chủ yếu chỉ có hai hãng này, còn các đơn vị như Điện ảnh Quân đội, Điện ảnh Công an, phim dự thi cũng không có nhiều. Vì vậy mà người xem không bất ngờ khi tên hai hãng phim này và tên các nghệ sĩ của hãng luôn đứng ở tốp đầu của hai thể loại phim tài liệu khoa học và phim hoạt hình.

Việc giải Bông senCánh diều được tổ chức không cách xa nhau mấy, nếu như tiêu chí chấm giải khác nhau thì đó là bình thường. Nhưng tiếc rằng tiêu chí của hai giải này cũng na ná giống nhau. Vì vậy, có phim vừa đoạt giải Bông sen vàng lại vừa đoạt giải Cánh diều vàng, có trường hợp phim không được giải vàng nhưng đạo diễn lại được giải xuất sắc, ngược lại phim được giải vàng nhưng đạo diễn không được giải, điều ít thấy trong điện ảnh vì phim gắn liền với đạo diễn. Phải chăng tiêu chí không rõ ràng, chia đều để mọi người cùng nhau vui vẻ? Quốc gia tổ chức hai cuộc thi, hai lễ trao giải thưởng liền kề trong khi việc sản xuất phim lại quá ít ỏi, thủ công và đơn chiếc, thì việc tổ chức LHP và việc trao giải Cánh diều với mật độ dày như vậy sẽ không tránh khỏi sự trùng lặp, nghèo nàn, đơn điệu, thiếu sự đua tranh hấp dẫn bất ngờ và sôi động mà nhiều báo chí đã nêu.

Những năm gần đây, ở thể loại phim truyện có sự tham gia của các hãng phim tư nhân làm cho gương mặt và diện mạo của điện ảnh phim truyện có phần khởi sắc. Sự xuất hiện của các nghệ sĩ và những bộ phim của các hãng phim tư nhân tại các LHP quốc gia đã làm cho nội dung và sắc màu của các LHP phong phú và đa dạng. Tuy nhiên nhìn tổng thể điện ảnh Việt Nam vẫn là một nền sản xuất nhỏ lẻ, thủ công. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các LHP mà còn ảnh hưởng đến cả hệ thống rạp chiếu bóng và thị trường phim ảnh nội địa.

Có ý kiến cho rằng phim Việt Nam không đến được với khán giả vì rạp chiếu bóng hiện nay quá ít, cả nước chỉ có khoảng 40 rạp. Sau ngày miền Nam giải phóng, ở miền Bắc đã có 48 rạp, thành phố Hà Nội có trên 10 rạp, Hải Phòng có 6 đến 7 rạp, Đà Nẵng có khoảng 5 đến 6 rạp, TP.HCM có trên 40 rạp và tổng số cả nước có khoảng 150 rạp. Có những thời điểm các rạp hoạt động tần suất rất cao với hai nguồn phim sản xuất trong nước và nhập khẩu, viện trợ của các nước XHCN Đông Âu. Nhưng từ khi đất nước chuyển sang cơ chế thị trường thì nguồn phim cung cấp cho mạng lưới rạp chiếu bóng quá ít ỏi cả về số lượng và chất lượng, các rạp không thể duy trì hoạt động, nhiều rạp chiếu bóng đã bị trưng thu, trưng dụng hoặc chuyển sang các loại hình kinh doanh khác.

Vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước với các kế hoạch, chương trình chấn hưng điện ảnh của nhà nước, nhiều rạp đã được cải tạo nâng cấp, mua sắm máy móc thiết bị mới hiện đại, màn ảnh rộng, âm thanh nổi, âm thanh vòng… thế nhưng nhiều rạp vẫn phải ngưng hoạt động vì nguồn phim quá ít, khoảng cách giữa cung và cầu ngày càng rộng ra. Phim Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ chiếm thị phần cả màn ảnh nhỏ và lớn.

Và nếu chỉ nghe vậy, chúng ta vội vàng đi xây thêm rạp, mua sắm thêm máy móc thì chắc chắn sẽ lặp lại sai lầm đã làm vào những năm giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Cần phải khách quan thừa nhận rằng phim Việt Nam không thu hút được khán giả. Rạp Tháng Tám, Trung tâm chiếu phim quốc gia có những buổi chiếu chỉ có 10 người xem, hoặc toàn vé mời mà khán giả vẫn rất ít. Nguồn thu không có rạp lấy gì để tồn tại? Đó là nguyên nhân để người xem không mặn mà với phim Việt Nam.

Khoa học kỹ thuật phát triển, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, các LHP và lễ trao giải được tổ chức hoành tráng với không gian và địa điểm rộng rãi tiện nghi, được truyền hình trực tiếp với các công nghệ phụ trợ như âm thanh, chiếu sáng, thời trang, vũ công, ca sĩ, hoa hậu, á hậu, dẫn chương trình, báo chí truyền thông tuyên truyền quảng bá làm nổi đình đám không kém gì lễ trao giải Oscar hoặc Cannes. Đã có những bài báo, những ý kiến góp ý điện ảnh Việt Nam nên học tập kinh nghiệm lễ trao giải Oscar, điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng cái quan trọng làm nên sức hấp dẫn, lôi cuốn và danh giá của LHP và những giải thưởng như Oscar, Cannes thì điện ảnh Việt Nam lại không có hoặc chưa có. Nội dung quyết định hình thức, nội dung nào hình thức ấy. Nếu một khi phải lấy sự quy mô, sự hoành tráng và hào nhoáng bên ngoài để khỏa lấp, che đậy sự nghèo nàn, trống rỗng của nội dung bên trong thì đó là sai lầm hoặc của căn bệnh hình thức, hoặc đánh lừa công chúng, đánh lừa khán giả và đó cũng đang là căn bệnh phổ biến ở Việt Nam, nó gây lãng phí thời gian, tiền bạc không nhỏ.

Sức hấp dẫn của những cuộc đua là có nhiều tay đua, có nhiều đối thủ lừng danh, đẳng cấp. Còn nếu như cuộc đua quá ít người đua, đối thủ chỉ thường thường bậc trung thì đánh trống khua chiêng, giải thưởng cao sang cũng chỉ là sự hư danh.

Nói như vậy không có nghĩa là chê bai, phủ định các LHP, giải thưởng mà điều mong muốn là các LHP và các giải thưởng phải ngày càng danh giá hơn, hấp dẫn hơn để thúc đẩy sự phát triển của nền điện ảnh dân tộc, tôn vinh sự đóng góp đích thực, quý báu của những tập thể và cá nhân thực sự có công.

Vấn đề thiết thực của điện ảnh Việt Nam hiện tại làm sao sản xuất được nhiều phim, phải có một nền sản xuất phim hàng hóa mạnh, ít ra hàng năm cũng phải làm được năm, bảy chục đến một trăm phim truyện, đấy là con số khiêm tốn nếu so với số dân Việt Nam trên 80 triệu người. Cói thể nói Việt Nam là quốc gia nằm trong số các quốc gia sản xuất phim hàng năm với số lượng ít nhất nhưng số dân thì lại cao.

Những quốc gia có nền điện ảnh cường tráng trước hết họ phải có nền sản xuất mạnh, nhiều phim, phải có thị trường phim trong nước và xuất khẩu ra thế giới. Như vậy thì những LHP, những giải thưởng điện ảnh của họ mới có uy tín, có danh tiếng.

Chỉ có nền sản xuất mạnh, phim ảnh trở thành hàng hóa tham gia vào sự cạnh tranh nó sẽ là đòn bẩy cho việc nâng cao chất lượng phim mà không cần tới những cuộc vận động hoặc những biện pháp hành chính. Vì sự tồn tại và phát triển thay cho sự bị đào thải, buộc các nhà sản xuất phim, các nghệ sĩ phải tự nâng cao chất lượng. Tồn tại hay là chết? Khởi sắc hay thụt lùi?

Đã đến thời điểm mà điện ảnh Việt Nam không thể khởi sắc hơn được nữa như lời một đạo diễn nói trong một cuộc hội thảo, giao lưu với báo giới và khán giả. Điện ảnh Việt Nam phải thay đổi cơ chế và chính sách, phải xã hội hóa nguồn nhân lực và tài chính của toàn xã hội để chuyển nhanh việc sản xuất nhỏ lẻ, thủ công đơn chiếc sang sản xuất công nghiệp và hiện đại, ít nhất cũng có được một thị trường nội địa.

        Các chính sách phải đồng bộ và bình đẳng cho mọi thành phần tham gia hoạt động kinh doanh điện ảnh. Phim ảnh phải thực sự phục vụ đông đảo khán giả và được đánh giá, bình chọn qua ý kiến khán giả và qua hệ thống bán vé ở các rạp chiếu bóng trước khi nó được đề cử tranh giải ở các LHP. Và như vậy chắc hẳn các LHP, các lễ trao giải sẽ sôi động, hấp dẫn, đảm bảo khách quan và sát thực hơn cho các giải thưởng. Một nghệ thuật có tính quần chúng rộng rãi nhất phải được quần chúng tham gia sản xuất, phổ biến, xây dựng và phát triển, thẩm định, đánh giá và trao giải.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 329, tháng 11-2011

Tác giả : Phan Đình Mậu

;