Điện ảnh Ý là nơi khởi nguồn của những bộ phim hoành tráng. Sự hoành tráng của những dàn cảnh lớn ở điện ảnh Ý là nhờ những cảnh đẹp tự nhiên, lịch sử từ thời cổ đại, những nhân vật lừng danh tạo nên huyền thoại, cổ tích đi kèm với hệ thống kiến trúc cổ đại có một không hai trên thế giới. Đồng thời, nhờ có việc chiêu mộ diễn xuất quần chúng không hề khó khăn ở một đất nước dân số đông, tiền thù lao rẻ. Nhưng sự lớn mạnh đột nhiên của điện ảnh Ý với những lợi thế khó tưởng, chỉ sau một thời gian khoảng mười năm là sự suy thoái chớp nhoáng, đánh dấu những chặng đường của điện ảnh Ý.
Từ năm 1895, thuở bình minh của điện ảnh, nếu như ở Pháp, anh em nhà Lumier đã thắng thế với chiếc máy chiếu phim cinémategraphe, trở thành ông tổ khai sinh ra ngành điện ảnh thì ở Ý, Filoteo Aberini là người Ý đầu tiên xin cấp bằng sáng chế chiếc máy thu hình. Năm 1905, với chiếc máy thu hình, Filoteo Alberini đã chỉ đạo dàn cảnh phim Đánh chiếm thành Rome với diễn xuất lớn, dựng lại những biến cố khi thành Rome bị chiếm đóng và những người đánh chiếm lại thành Rome từ tay quân xâm lược. Đây là phim đầu tiên của hãng phim nhỏ Cinès do chính Filoteo Alberini thành lập. Phim được khán giả hoan nghênh nồng nhiệt, thu được lợi nhuận lớn để từ đó làm bộ phim sử thi lớn hơn: Cuộc động đất ở Messine, thu về lợi nhuận cao, giúp mở rộng thêm hãng Cinès.
So với Pháp, Ý không có truyền thống điện ảnh, nhưng có nhiều điều kiện thuận lợi như: cảnh vật tuyệt đẹp, nhiều công trình kiến trúc cổ đồ sộ, hoành tráng, nổi tiếng, lịch sử huy hoàng, nhiều truyền thuyết, cổ tích và những nhân vật nổi tiếng thế giới. Người Ý lại rất đẹp, thích điện ảnh, tiền thù lao chỉ bằng 1/4 ở Pháp, do đó điện ảnh Ý đã thu hút nhiều chuyên gia điện ảnh Pháp bằng những hợp đồng có lãi như: Goston Well, André Deed... bỏ sang Ý lập nghiệp, nhập khẩu nghệ thuật điện ảnh Pháp cho Rome. Cũng thời gian này, ở Ý xuất hiện thêm một số hãng phim khác như: Milano, Cinés, UCI, Italia film, Ambrosio, Pasquani, Morgano... Thành công lớn đầu tiên của điện ảnh Ý là những phim hài với nhiều ngôi sao từ Pháp tới như: Gaston Well, André Deed, Macel Fabre, Ferdinand Guilaume... Sau đó, điện ảnh Ý đi sâu vào những dàn cảnh lớn kiểu La Mã.
Sự phát triển ấy bắt đầu từ phim Những ngày cuối cùng của thành Pomei do hãng Ambrosio dàn dựng, Luigi Maggi đạo diễn. Vì tính nghệ thuật cao nên bộ phim này được người Pháp chào đón như một kiệt tác. Bộ phim phóng tác tỉ mỉ, công phu từ tiểu thuyết lịch sử của Edward Bulwer Lytton. Tiếp đó là bộ phim Nhưng tình yêu không chết được chuyển thể từ một vở kịch trên sân khấu ngoài trời, không giống những phim hoành tráng lịch sử, chủ yếu dựa vào tiểu thuyết. Cả hai bộ phim này đều được thực hiện bởi cùng một đạo diễn: Mario Caserini, nổi tiếng nhờ những màn trình diễn lịch sử ngoài trời. Là một cựu họa sĩ, Mario Caserini thâm nhập điện ảnh, làm diễn viên vào năm 1905, trước khi quay sang làm đạo diễn. Phim Nhưng tình yêu không chết là một ví dụ điển hình về phim tình cảm cháy bỏng nhưng sẽ phát triển mạnh hơn nếu có thêm những thiên sử ca với trang phục lịch sử. Sự pha trộn từ nhiều thể loại là một thành công của điện ảnh Ý. Ở Turin chứ không phải ở Rome, vẫn tiếp tục là trung tâm sản xuất phim quan trọng nhất ở Ý. Chính Arturo Ambrosio là người đi đầu trong sản xuất khi ông xây dựng một phim trường lợp mái kính và bắt đầu sản xuất phim từ năm 1906. Đối thủ tầm cỡ đối với Ambrosio ở Turin là hãng Itala của Giovanni Pastron (Piero Posco).
Điện ảnh Ý không chỉ khai thác vẻ huy hoàng của La Mã cổ đại mà còn tìm đến những tác phẩm văn học lớn ở trong và ngoài nước như: Homere, Dante, A.Dumas cha và con, Shakespeare, Sien Kiewicz, rồi cổ đại Hy Lạp, kinh thánh, cuộc chiến tranh giải phóng Ý... Tất cả lịch sử đều hiển hiện trong phim truyện. Nhiều thành công của những bộ phim xuất khẩu, ngành công nghiệp điện ảnh Ý mau chóng hình thành, phát triển do các công ty sản xuất cạnh tranh nhau quyết liệt. Điện ảnh thu hút nhiều tài năng, nổi bật nhất là sự xuất hiện của kỹ sư xây dựng Giovani Pastron với bí danh Piero Posco. Ông là người tổ chức sản xuất của hãng Itala, tự tay chỉ đạo một tác phẩm lớn: Thất thủ thành Troie. Đây là bộ phim có quy mô lớn, cần xây dựng những bức thành lũy cao ngất giống thật, một con ngựa gỗ khổng lồ, huy động hàng trăm người phụ diễn quanh cặp diễn viên lý tưởng: Mary Cleo và Luigi Capozzi. Ở phim này, Pastron đã được người Mỹ đưa tin: "Điện ảnh tiếp tục khám phá nghệ thuật chuyển động: Govanni Pastron chẳng những là nhà quản trị khai sáng của hãng phim Itala cũng như nhà đạo diễn tài năng, đã mang lại bộ phim ngoạn mục Thất thủ thành Troie mà còn là một kỹ sư chế tạo không đối thủ”. Bằng chứng là phát minh máy carello, một cái bục lắp trên những bánh xe được thiết kế để giữ máy quay, cho phép nó di chuyển xung quanh một cảnh dựng không bị xóc hay nẩy. Do đó, sự chuyển động của bộ máy, nếu được thao tác bởi một nhà quay phim thận trọng, có thể tạo ra hiệu quả 3 chiều rất độc đáo. Hình ảnh nhận được khi chiếu lên màn ảnh có được chiều sâu và tầm rộng.
Thất thủ thành Troie trở thành kiệt tác thế giới, nhưng thắng lợi lớn nhất mà nó đem về cho điện ảnh Ý là làm dấy lên một trào lưu mạnh mẽ ở tất cả các nền điện ảnh khi đua nhau làm phim về cổ La Mã. Trong khi đó, ở Ý có ngay 2 kiệt tác là: Jules César của Guazzoni và Những nô lệ của thành Carthage của Arrigo Fruta.
Sự tiến triển nghệ thuật của sản xuất phim Ý bắt đầu từ 1912 khi Guazzoni với bộ phim đầu tiên Quo vadis, rồi Pasquali dàn dựng phim Spartacus, Giuseppe de Liguero chỉ đạo các phim: Odjsse, Địa ngục cho hãng Milano. Các sử thi lịch sử tiếp tục đạt được những thắng lợi quan trọng ở nước ngoài. Vào năm 1913, bộ phim Quo Vadis? của Enrico Gnazzoni đã gây nên một chấn động lớn đối với các nhà điện ảnh thế giới, từ đó nhà nghiên cứu điện ảnh Mỹ K.Bordwel đã khẳng định: "Sử thi chính là thể loại chính của phim Ý".
Nhưng không vì thế mà điện ảnh Ý bỏ quên các đề tài hiện đại của TK XIX, đạo diễn Luigi Maggi đã thu được thắng lợi lớn từ phim Hôn lễ vàng, kể về cuộc chiến đấu giành độc lập của Ý, rồi 2 năm sau là phim Ngọn đèn của bà. Hãng Ambrosio của ông còn làm phim Chuyện một chàng trai nghèo, phỏng theo tác phẩm văn học của Annunzio. Đạo diễn Mario Caserini của hãng Ambrosio đã xây dựng một loạt phim mới: Tiểu thư Nitouche, Siegfried, Parsifal, trước khi cho ra đời bộ phim tầm cỡ: Những ngày cuối cùng của Pompei với độ dài hơn 180 phút chiếu rạp, nối lại mạch phát triển của phim sử thi.
Trở lại phim sử thi lớn Quo Vadis do Enrico Guazzoni chỉ đạo, đây là bộ phim lộng lẫy, khắc họa những chuyển mình của đế quốc La Mã, vật lộn một mất một còn với thiên chúa giáo của chúa Jesus. Tiếp bước Quo Vadis là một bộ phim mang tầm quốc tế của kỷ nguyên điện ảnh Ý, đó là kiệt tác Cabiria dưới sự chỉ đạo của đạo diễn tài năng Giovanni Pastron. Bộ phim được dàn dựng trong khung cảnh của đế quốc La Mã TK III trước CN. Cabiria đề cập đến những hủ tục man rợ như: bắt cóc trẻ con, hiến tế bằng người... Xuất hiện nhân vật nam chính Fulvio và người nô lệ lực sĩ cùng cố gắng tìm mọi cách cứu nhân vật nữ chính. Trong phim, những cảnh tượng hoành tráng thể hiện một cung điện cổ nguy nga đã bị núi lửa phá hủy khi nó phun trào, một ngôi đền khổng lồ trong đó, trẻ con bị quẳng vào một đám người dị giáo đang cuồng loạn thờ Maloch. Nhà quay phim đã sử dụng nhiều lần những cú quay chậm với máy quay đặt trên đường ray, máy quay có thể hướng tới, lùi xa khỏi động tác máy fich ở trạng thái tĩnh tại. Sự chuyển động máy thực sự có hiệu quả trong những cảnh quay hoành tráng. Phim Cabiria sử dụng những cảnh quay đặt máy trên ray đã tạo hiệu quả, tầm ảnh hưởng lớn hơn. Từ đó phong trào cabiria đã trở thành một kỹ thuật thông dụng cho các bộ phim giữa thập kỷ thứ hai TK XX.
Về phim Cabiria, G.Xađun viết rằng kịch bản phim này ký tên nhà thơ Gabriele d'Annun Zio (một tác giả văn học bậc nhất Ý khi đó), nhưng lại do Posco Pastronl biên soạn lại hoàn toàn. Cốt truyện của phim thật phức tạp, sự phân cảnh là một phức hợp tinh xảo. Những bối cảnh cực đại được xây dựng cho Cabiria. Tại đây không còn là những tấm vải căng trên khung theo kiểu Mélies, mà là những kiến trúc có kèo, cột, được trát vữa giả đá, khoáng đạt, rộng lớn. Những lớp bọc ngoài óng ánh phỏng theo đá hoa lát nền, báo trước một cách làm mà Hollywood sẽ lạm dụng sự rộng rãi của bối cảnh, diễn xuất quần chúng với ảnh hưởng tới việc thu hình. Nhà quay phim Seguado de Chomon người Tây Ban Nha, trốn khỏi hãng Pathé sang Ý đã sử dụng một phương pháp còn xa lạ với trường quay Ý: máy quay đặt trên một xe đẩy, di chuyển song song với bối cảnh, khiến người xem cảm thấy rõ hơn tầm cỡ của nó, đồng thời tạo ra cảm giác hình ảnh nổi. Cũng đôi khi sau cảnh quay toàn bộ chiều rộng của bối cảnh, máy quay tiến về phía các nhân vật, tỉa quay từng người trong một khuôn hình gần hơn, hoặc cũng có lúc lại lùi ra xa lấy cảnh rộng hơn. Pastron xin cấp bằng sáng chế cho phương pháp mà ông là người phát minh, hoặc ít nhất là người đầu tiên đã dùng tại xưởng phim ở Ý gọi là carello.
Trong Cabiria, Patron đã sử dụng ánh sáng nhân tạo với mục đích thẩm mỹ, nguồn sáng điện thay thế cho ánh sáng mặt trời được dùng cho những cảnh quay ngược sáng, những cảnh tương phản sáng tối. Nhà thông thái Archimède đốt hạm đội La Mã được thể hiện qua cách đặc tả luồng sáng từ bên dưới hắt lên nhào nặn bộ râu ria tua tủa mà Posco đã từ chối hóa trang. Tính hiện thực bao trùm tác phẩm, ở Cabiria nội thất xen kẽ với cảnh ngoài trời rất tự nhiên. Bối cảnh thiên nhiên được sử dụng rất đắt trong đoạn tướng Annibal vượt qua dãy núi Alpes với một diễn xuất quần chúng khá rộng, đông người gồm kỵ binh, tượng binh (voi) trên những sườn núi phủ đầy tuyết. Cabiria dĩ nhiên có nhiều trường đoạn xúc động: những trận giao chiến, những đám cháy, cảnh phá hủy hạm đội La Mã, nhất là cảnh hiến tế đám con trẻ trong ngôi đền Baal. Chỉ có điều phụ đề của phim lại do D'Annuzio viết nên khoa trương, sáo rỗng, gây cười cho đến bây giờ.
Tiếng vang của Cabiria quá lớn, làm mờ nhạt một tác phẩm còn quan trọng hơn, nhưng không được xuất khẩu, đó là phim Chìm trong đêm tối (1914) của Nino Martoglio dàn cảnh cho hãng Morgana sớm tàn, ở phim này bộc lộ rõ truyền thống hiện thực luôn có mặt trong phim Ý do ảnh hưởng từ tính hiện thực của phim Pháp. G.Xađun đã cho rằng để miêu tả đồng thời 2 giai cấp trong xã hội, Chìm trong đêm tối sử dụng rộng rãi thủ pháp montage đối lập (hay còn gọi là đen trắng) mà Griffith thường dùng. Hành động diễn biến đồng thời trong lâu đài của công tước Vallenza giàu có, cảnh nghèo đói trong túp lều ở Laples, đông ăn mày và những người vô gia cư. Vịêc miêu tả những nơi nghèo đã làm sống lại một nét đặc trưng của Laples ngày đó: một vài cảnh mê tín dị đoan, xổ số, những ngõ phố nghèo tối, tiệm cà phê nhỏ, những trò thù hằn truyền kiếp, sự khúm núm mê tín trước giới quý tộc.... Diễn viên ở phim này đều thuộc loại thượng hạng, minh tinh Giovani Grosso đóng vai một người mù thong manh, còn Virginia Balestrieri tuyệt diệu trong vai một cô gái bị dụ dỗ, Dollo Lombardi vai công tước Vallenga, Maria Carmi sắm vai nhân tình của ông ta.
Chìm trong đêm tối được lưu trữ tại viện phim Ý thường được nhiều người chiêm ngưỡng và nghiên cứu. Trong đó có nhà phê bình, lý luận điện ảnh Ý nổi tiếng là Umbeto Barbardo, giới thiệu ở học viện Cineseta của Ý vào năm 1944 vì có thể nó cùng với phim Bến sương mù của Pháp (1938) có ảnh hưởng nào đó tới sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực mới ở Ý.
Một thể loại phim đặc sắc thứ hai sau phim sử thi là phim của hệ thống minh tinh. Một vài nữ minh tinh màn bạc xinh đẹp đã trở nên nổi tiếng khắp nơi, được coi là nữ thần, tiếng Ý gọi là diva. Họ đóng những vai hết sức đặc sắc trong loạt phim frock - coat films (loạt phim áo choàng đàn ông trắng, gọi tắt là phim áo choàng trắng). Đó là những câu chuyện về sự say mê cuồng nhiệt, mưu đồ trong các giai cấp trung, thượng lưu với những khung cảnh trưởng giả xa hoa, tình huống không thực tế, kết cục thường là bi kịch, luôn nói về tính dục, cái chết. Điều này bắt đầu bị ảnh hưởng từ việc nhập một số phim Đức của ngôi sao Vamp do diễn viên thượng hạng của Đan Mạch di cư sang Đức là Asta Nielsen thủ vai chính.
Tuy vậy, theo G.Xađun cuộc hành lạc cổ La Mã vẫn tiếp diễn với nhiều đạo diễn và diễn viên như: Grazzoni với các phim Marc Antoine và Cléopetre, Âm mưu của Jules César, đạo diễn Mario Caserini với các phim: Néron, Fedora, Phá hủy thành Cartage... thì những xu hướng mới đã xuất hiện trong điện ảnh Ý. Bắt đầu từ 1914, kịch về giới thượng lưu Ý đã lấn át những dàn cảnh lịch sử hoành tráng: thời ngự trị của diva bắt đầu. Những bộ phim có diva đóng trong một khung cảnh xa xỉ, bộ quần áo thời trang, hành động của những diễn viên này được đẩy lên cao độ, bắt đầu từ bộ phim Ma Pamor miô non muorel của Mario Caserinni 1913. Bộ phim đã khiến cho cô gái đẹp, vô danh Lyda Borelli trở thành một ngôi sao trong chớp mắt và là một nữ thần Diva danh giá nhất.
Cũng từ năm 1914, bắt đầu những kịch bản dựa vào các tiểu thuyết khoa trương của D'Annunzio và sân khấu của Henri Bataille, đến nỗi Piero Posco dàn dựng một phim mới: Ngọn lửa, không còn cái hùng ca của Cabiria, mà là một vở kịch có hai nhân vật với cái tên cố tình theo kiểu D'Annunsio, hóa trang kỳ cục thành một chim đêm với lối nói cầu kỳ, khoa chân múa tay, mang nhiều tính hài hơn là tính bi. Kể từ đây các ngôi sao chi phối nền điện ảnh Ý. So với trước năm 1914, tiền công trả cho mỗi bộ phim đã vượt quá 100 ngàn quan vàng, có phim lên đến vài triệu. Có những quảng cáo rầm rộ ca ngợi tài năng, tên tuổi các ngôi sao: Manzni, Lyda Borelli, Mary Cleo, Lina Cavalieni... Họ đều là những phụ nữ đẹp với những đường nét quý phái, vẫy vẫy trên cao những cánh tay tượng. Đóng đôi với họ là những diễn viên nam thượng hạng như: Mario Bonnard, Umberto Mazzato, Alberto Capozzi.... Sự có mặt của họ hơn cả một kịch bản hay, một đạo diễn giỏi, kể từ đây điều quan trọng trong phim là sự có mặt của các diva, càng nổi tiếng phim càng hút khán giả. Diva tin tưởng ở giá trị của mình gắn liền với hãng sản xuất, họ có những biên kịch, đạo diễn riêng. Cái thế giới của đam mê, cuồng loạn được phản ánh một cách quái đản trong những kịch bản phi lý, ngây thơ. Chính những cái cực đoan đó đã thúc đẩy sự suy sụp của điện ảnh Italia, hiện rõ vào năm 1915. Loại phim phiêu lưu trường đoạn xuất hiện ít lâu rồi tắt. Đạo diễn thành danh Mario Caserini làm các phim: Hổ, Đoàn tàu ma và Ông hoàng Ấn Độ Nadir, kể về một hội kín bắt cóc con gái vua Antimoine trên một đoàn tàu điện. Ở loại phim phiêu lưu mạo hiểm này, một chuyên gia lớn là đạo diễn Emilio Ghione, một thợ đồng cũ, đi làm diễn viên rồi trở thành đạo diễn. Năm 1918 làm phim Những con chuột nhắt sám, rồi phim Những con quỷ hút máu người có được sắc thái riêng biệt với những hình ảnh tuyệt diệu của vùng ngoại ô thành phố Turin. Sau đó Ghione làm tiếp phim Don Pietro Caruso do ông đạo diễn và sắm vai chính. Tiếp theo là cả một chuỗi phim: Đi tới cái chết, Nữ công tước xanh, Mặt đồng hồ vàng... Nhưng tài năng của ông không đủ sức để cứu nền điện ảnh Ý khỏi cảnh tan nát từ khi Mussolini lên cầm quyền, vì ông ta đã đẩy đất nước vào cuộc chiến tranh khó khăn, làm phương hại đến vị trí điện ảnh của Ý nhiều năm sau nữa.
Điện ảnh Ý khó mà chiếm lại những thị trường cũ trên thế giới hiện đã bị Hollywood sinh sau chiếm độc quyền. Sau đình chiến (10-1918) loại phim ngoại tình của giới thượng lưu Ý rất khó thâm nhập vào thị trường các nước Ănglo - Xắc xông do bị tẩy chay. Điện ảnh Berlin nhân cơ hội này dựa vào tài chính của tổ hợp công nghiệp, thương mại mạnh đã cạnh tranh kịch liệt với Rome trong loại phim có dàn cảnh lớn đứng đầu là đạo diễn Pabst.
Sau thế chiến I, nước Ý có 20 nhà sản xuất phim. Ông vua phim sống người Ý Pittaluga thu về phần lớn các rạp chiếu. Họ đã bán phim sống, tranh giành nhau các ngôi sao với giá tiền triệu. Người ta không sản xuất phim bằng tiền mà bằng hối phiếu, buộc các nhà chiếu phim phải nhận kèm một phim hay theo 10 phim kém (G.Xađun gọi là phim lá cải), kèm thêm 10 phim tân trang của những tác phẩm thành công trước đây. Không một bộ phim nào, không một nhà sản xuất hay đạo diễn, diễn viên nào đủ sức trả lại cái rực rỡ hào hùng trước kia cho điện ảnh Ý đang ở trong tình trạng hấp hối.
Mussolini giáng cho điện ảnh Ý đòn cuối cùng bằng cách đem những màn ảnh trên khắp đất nước giao cho các nhà sản xuất Mỹ, Đức. Phim Ý biến mất trên màn ảnh thế giới 25 năm. Chỉ 2 tài năng sống sót là: Augusto Genina và Carmine Gallone, còn những người khác không thể cải tử hoàn sinh một nền điện ảnh hoành tráng từng đứng đầu thế giới trong 5 năm liền. Cho đến 1945, điện ảnh Ý mới hồi sinh bằng thành công của chủ nghĩa tân hiện thực Ý.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 379, tháng 1-2016
Tác giả : TRẦN DUY HINH