DI TÍCH, DANH THẮNG - TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN CỦA DU LỊCH PHÚ YÊN

Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh là những bằng chứng vật chất có ý nghĩa quan trọng, chứng minh cho quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Di tích giúp cho con người biết được cội nguồn, đặc trưng văn hóa và tác động tới việc hình thành nhân cách con người. Di tích chứa đựng những giá trị to lớn, trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế nếu được khai thác hợp lý.

Sở hữu 3 mặt là núi, phía bắc có dãy Cù Mông, phía nam là dãy Đèo Cả, phía tây là mạn sườn đông của dãy Trường Sơn, phía đông giáp biển, Phú Yên là một vùng đất trù phú nằm ẩn mình giữa miền Trung nắng gió. Trong các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh thuận lợi cho khai thác phát triển du lịch. Trong số đó có những di tích lịch sử (di tích khảo cổ học, di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật), danh thắng được công nhận di tích cấp tỉnh, quốc gia.

Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Nhạn: tọa lạc trên núi Nhạn bên bờ sông Ba, phường 1, thành phố Tuy Hòa. Đây là công trình kiến trúc của người Chăm được xây dựng vào TK X - XIII. Năm 1988 di tích được Bộ VHTT công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

 Trên đỉnh núi Nhạn, có thể thấy bao quát một vùng non nước Phú Yên. Du khách được ngắm những họa tiết sắc sảo của tháp Chăm, khám phá hang Hàm Rồng, ngắm toàn cảnh Tuy Hòa từ trên cao, làng hoa Bình Ngọc, núi Đá Bia, biển Đông và hai chiếc cầu đường sắt và đường bộ dài 1.100m bắc song song qua sông Đà Rằng…

Di tích thắng cảnh gành Đá Đĩa: tọa lạc ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Đây là một tập hợp các trụ đá hình lăng trụ xếp liền nhau, hòn nối tiếp hòn liền kề với sóng nước. Bãi đá trải rộng san sát nhau chung màu đen huyền bí. Trụ thẳng đứng bên cạnh trụ nghiêng vẹo nhưng vẫn chồng chất tầng tầng tựa như bát đĩa được xếp chồng. Từ xa, gành đá giống một tổ ong khổng lồ kỳ vỹ. Năm 1997 di tích được Bộ VHTT công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia.

Di tích thắng cảnh đầm Ô Loan: thuộc huyện Tuy An, nằm về phía đông ven quốc lộ 1A, dưới chân đèo Quán Cau. Đầm Ô Loan đẹp nhất vào lúc bình minh và khi hoàng hôn xuống. Năm 1996 di tích được Bộ VHTT công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia.

Di tích thắng cảnh Bãi Môn - Mũi Điện: thuộc thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, là bãi biển cát trắng trải dài nhấp nhô, có vẻ đẹp hoang sơ. Mũi Điện còn có tên gọi là Mũi Đại Lãnh, Mũi Kê Gà. Trên Mũi Đại Lãnh có ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng năm 1890. Mũi Điện là di tích thắng cảnh cấp quốc gia năm 2008.

Di tích lịch sử và thắng cảnh núi Đá Bia: nơi đây nổi tiếng vì tảng đá bia khổng lồ cao 706m, trên đỉnh có khối đá hình chóp cao 76m. Năm 2008, núi Đá Bia đã được Bộ VHTTDL công nhận là di tích thắng cảnh quốc gia.

Di tích thắng cảnh vịnh Xuân Đài: là một vịnh nhỏ nằm dưới chân dốc Găng ranh giới giữa hai huyện Sông Cầu và Tuy An. Vịnh Xuân Đài là bức tranh sơn thủy hữu tình với nhiều vũng biển, bãi tắm đẹp, hoang sơ và các đảo, bán đảo như cù lao Ông Xá, hòn Nhất Tự Sơn, mũi Đá Mài, Tai Mã… Năm 2011 vịnh Xuân Đài được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

Di tích lịch sử, nghệ thuật chùa Từ Quang (chùa Đá Trắng): nằm trên núi cao 100m so với mặt nước biển, ở thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An. Năm 1996 di tích được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử, nghệ thuật cấp quốc gia.

Di tích khảo cổ thành Hồ: nằm ở xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa, là một thành quân sự kiên cố và quan trọng của người Chăm. Năm 2005 di tích được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Di tích khảo cổ thành An Thổ: là thủ phủ của người Việt tại Phú Yên được xây dựng từ thời vua Minh Mạng tại thôn Long Uyên, nay thuộc xã An Dân, huyện Tuy An. Đây là thành có quy mô lớn nhất trong số 3 thành của người Việt ở Hội Phú, Long Uyên, Tân Thạnh và là thành có thời gian tồn lại lâu nhất. Năm 2005 di tích được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Di tích lịch sử mộ và đền thờ Lương Văn Chánh: Lương Văn Chánh là vị thành hoàng mở đất dựng làng, bảo vệ nhân dân. Đền thờ ông nằm ở thôn Phụng Tường, huyện Phú Hòa. Mộ nằm ở phía đông bắc thôn, trên gò cao, quay mặt ra sông Bến Lội. Năm 1996 di tích được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Di tích lịch sử mộ và đền thờ Lê Thành Phương: Lê Thành Phương là người khởi xướng và lãnh đạo phong trào Cần Vương ở Phú Yên. Mộ ông nằm trên núi Đá Trắng, thôn Phú Mỹ, xã An Hiệp, huyện Tuy An. Năm 1996 di tích được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Di tích lịch sử nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Phú Yên: nơi đây nguyên là nhà của đồng chí Phan Lưu Thanh, ở thôn Long Bình, thị trấn La Hai. Ngày 5-10-1930, tại đây các đồng chí đảng viên đã họp và tuyên bố thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Phú Yên. Năm 1997 di tích được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Di tích lịch sử nơi diễn ra vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh: nằm ở thôn Ngân Sơn, xã Chí Thạnh, huyện Tuy An. Tháng 9-1954, tại đây, địch đã gây ra vụ thảm sát giết chết 64 người và làm 76 người khác bị thương. Năm 1997 di tích được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Di tích lịch sử Vũng Rô: nằm ở gần đèo Cả, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, là nơi tiếp nhận tàu không số chở vũ khí, đạn dược, thuốc men từ miền Bắc vào chiến trường Phú Yên. Năm 1997 di tích được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Di tích lịch sử địa đạo gò Thì Thùng: được xây dựng từ tháng 5-1964 đến tháng 8-1965, dài 1.948m, độ sâu trung bình 5m, rộng 0,8m, cao từ 1,6-1,8m, với hơn 10km giao thông hào chằng chịt, sâu 1,5m, rộng 0,8m. Di tích này gồm hai khu vực rộng gần 27ha, tập trung chủ yếu ở thôn Xuân Thành, xã An Xuân. Địa đạo gắn với nhiều chiến công hiển hách của quân, dân Phú Yên trong kháng chiến, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2009.

Di tích lịch sử căn cứ của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ: gồm nhà thờ Bác Hồ, hội trường Mùa Xuân, cơ quan tỉnh ủy, cơ quan UBND cách mạng, nhà Giao tế, cơ quan UBMTDT giải phóng, cơ quan Ban Tuyên huấn tỉnh ủy, Trường Đảng, cơ quan tỉnh đội, xưởng quân giới 200, cơ quan Ban An ninh, bệnh xá Trúc Bạch và Trường Y tế… Năm 2008 di tích được Bộ VHTTDL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Di tích lịch sử nơi diễn ra cuộc đồng khởi Hòa Thịnh: nơi đây đã diễn ra cuộc đồng khởi của nhân dân nổi dậy xóa bỏ chính quyền ngụy, thành lập chính quyền cách mạng vào đêm 22-12-1960 tại xã Hòa Thịnh, huyện Tuy Hòa. Năm 2005 di tích được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Di tích lịch sử đường 5: đường 5 nay là tỉnh lộ ĐT645, từ thị trấn Phú Lâm qua sông Hinh lên Tây Nguyên. Tháng 3-1975, các lực lượng vũ trang Tuy Hòa đã chặn đánh cuộc rút lui của tàn quân ngụy từ Tây Nguyên xuống, góp phần vào việc giải phóng Phú Yên và giải phóng hoàn toàn miền Nam. Năm 1997, di tích được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngoài những di tích và danh thắng được xếp hạng, Phú Yên còn nhiều điểm đến thu hút khách du lịch như: vực Phun, đảo Hòn Chùa, đèo Cả, đập Đồng Cam, biển Long Thủy, bãi Xép, sông Đà Rằng…

Ngoài ra, Phú Yên còn là quê hương của nhiều dân tộc cùng chung sống đã tạo nên sự đa dạng, phong phú về phong tục, truyền thống văn hóa lễ hội. Những sắc thái văn hóa riêng của từng tộc người như: hát tuồng, bài chòi, các làn điệu hò miền biển, lễ hội đâm trâu, cầu ngư, đua thuyền, đua ngựa, tưởng niệm các danh nhân lịch sử, văn hóa, lễ hội liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng dân gian,… trở thành nguồn tài nguyên vô giá cho ngành du lịch.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà tài nguyên du lịch chưa được khai thác triệt để, tình trạng bỏ ngỏ hoặc khai thác không đúng mực đã làm suy giảm nghiêm trọng đến môi trường và ảnh hưởng đến tài nguyên. Đa phần, tài nguyên được khai thác ở trạng thái có sẵn. Hiện nay, các nguồn tài nguyên vẫn chưa có sự đầu tư thích hợp nhằm phát huy hết giá trị. Loại hình di tích lịch sử, văn hóa có số lượng lớn và phân bố tương đối đồng đều trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các di tích khảo cổ học đã trở thành phế tích chưa được phục hồi đưa vào khai thác, chưa được quan tâm đúng mực.

Bảo vệ và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã trở thành nhiệm vụ quan trọng. Các di tích lịch sử văn hóa và danh lam cần được quan tâm và đầu tư tu bổ. Tuy nhiên, cũng còn nhiều di tích đang ở trong tình trạng xuống cấp. Nhưng việc tu bổ mới chỉ tập trung vào những địa điểm nổi tiếng.

Nhìn chung, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn bộc lộ những thiếu sót. Mặc dù nhận thức về vai trò, ý nghĩa của di tích lịch sử văn hóa nhưng trách nhiệm của toàn xã hội chưa sâu sắc, toàn diện và cũng chưa được cụ thể hóa bằng các biện pháp, kế hoạch, chương trình cụ thể. Chúng ta còn lúng túng trong việc xử lý một cách hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, chưa nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của di tích trong quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn thiếu định hướng, những chính sách, chế tài để khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Các nguồn lực do dân đóng góp chưa được quy tụ dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước, nên không được định hướng để sử dụng có hiệu quả.

Nhiều dự án tu bổ di tích được thực hiện nhưng thiếu sự đầu tư đồng bộ cho di tích, từ tu bổ kiến trúc, nội thất tới tôn tạo cảnh quan sân vườn, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, phòng chống cháy, trộm, cải tạo hệ thống đường đi lối lại...

Việc giới thiệu, tổ chức khai thác ở di tích còn đơn điệu, chưa có sự kết hợp giữa khai thác di sản văn hóa vật thể với di sản văn hóa phi vật thể. Hoạt động tổ chức giới thiệu tại di tích chưa được làm một cách khoa học, bài bản.

Chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, cấp trong tổ chức khai thác du lịch và dịch vụ tại di tích. Tại một số di tích còn có hiện tượng sử dụng các hướng dẫn viên không chuyên, tranh giành giới thiệu di tích để áp đặt thù lao bất hợp lý, làm mất hình ảnh điểm tham quan và ảnh hưởng tới việc thu hút du khách.

Theo chiến lược phát triển du lịch tầm nhìn đến năm 2030, vùng duyên hải Nam Trung Bộ gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Sản phẩm du lịch đặc trưng: du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với di sản, tìm hiểu văn hóa biển, ẩm thực biển... Chính vì vậy, cần xây dựng các điểm, tuyến, kết hợp chặt chẽ du lịch tự nhiên với nhân văn. Tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, danh thắng. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo, khai thác thế mạnh, tiềm năng của di tích cho phát triển du lịch.

Thực thi các giải pháp phát triển du lịch bền vững, đầu tư xây dựng những khu du lịch chất lượng cao, đồng thời nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho nhân viên. Chính quyền địa phương cần có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, giải pháp bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan, môi trường, đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật để phát triển du lịch.

 Tăng cường công tác điều tra, khảo sát, lập hồ sơ các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn đủ điều kiện đề nghị công nhận xếp hạng di tích. Khi các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng được xếp hạng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường. Bên cạnh đó, có khả năng thu hút đầu tư đảm bảo phát triển du lịch bền vững trong quy hoạch phát triển kinh tế.

Song song quá trình khai thác, tỉnh phải có chiến lược đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị lịch sử, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng Phú Yên. Đồng thời huy động nguồn lực từ xã hội hóa để đầu tư, khai thác các tiềm năng lợi thế từ các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng phát triển các dịch vụ du lịch, tạo sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa địa phương và quảng bá du lịch.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ KIM HOÀNG - BÙI THỊ HỒNG LOAN

;