Di sản với cộng đồng: nhìn từ chương trình "Em làm nhà khảo cổ" tại Hoàng thành Thăng Long

Với hàng ngàn di tích lịch sử văn hóa trải dài khắp đất nước, Việt Nam sở hữu lợi thế phát triển ngành du lịch di sản hơn bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á. Việt Nam có 7 khu di tích được công nhận là di sản thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia dân tộc ra bên ngoài. Di sản Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2010, trở thành một điểm đến hấp dẫn thông qua những giá trị nổi bật toàn cầu và những hoạt động thúc đẩy du lịch. Em làm nhà khảo cổ là một trong những chương trình đã mang đến một không gian lý tưởng cho du khách để trải nghiệm, khám phá và tương tác di sản.

Du lịch di sản - một trong những ngành có mức tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới.

Năm 2007, hơn 40% hoạt động du lịch toàn cầu liên quan đến các khu di sản/văn hóa. Năm 2004, hơn 10,6 triệu khách quốc tế đã đến thăm các di tích lịch sử và lễ hội văn hóa tại Mỹ. Tương tự, sự phát triển du lịch tại Anh gắn chặt với các khu di sản và hoạt động văn hóa. Ngành Di sản ước tính đóng góp 4,5 tỷ bảng vào nền kinh tế và trực tiếp tạo ra 100.000 công việc toàn thời gian. Tại Stonehenge, di sản văn hóa thế giới, “có khoảng 2000 lượt du khách tham quan/giờ, vào thời gian cao điểm: tháng 7 và tháng 8” (1). Tại Trung Quốc, ngành kinh tế này phát triển mạnh và được coi là cơ sở cho các chính quyền địa phương phát triển du lịch, tăng nguồn thu. Một nghiên cứu khảo sát 120 cư dân thành thị, tiết lộ 43% người đánh giá việc tham quan các khu di sản thế giới là lựa chọn số một (2).

Kết thúc kỳ họp thứ 41 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Krakow, Ba Lan (7-2017), 1073 khu di sản được liệt kê trên Danh sách di sản thế giới, bao gồm 832 di sản văn hóa, 206 di sản thiên nhiên và 35 di sản hỗn hợp từ 167 quốc gia thành viên. Được công nhận là di sản thế giới đem lại nhiều lợi thế cạnh tranh, sức hút lớn trong mối tương quan với những khu di sản khác. Một số khu di sản thế giới như Lăng mộ Tần Thủy Hoàng (Trung Quốc), Kim tự tháp Chichen Itza (Mexico), Pháo đài Neuschwanstein (Đức)... đã trở thành những địa điểm tham quan nổi tiếng toàn cầu. Trong số các khu di sản thế giới, nhiều khu di sản khảo cổ có giá trị đặc biệt và độc nhất, hoàn toàn khác biệt với những địa danh lịch sử, bảo tàng đã thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm như Angkorwat (Campuchia), Petra (Jordan)...

Sự phát triển của du lịch di sản có mối liên hệ khăng khít với cộng đồng cư dân. Tại Lancaster, Pennsylania (Hoa Kỳ), một trường học đã phối hợp với địa phương tổ chức một hoạt động khảo cổ học cộng đồng. Đông đảo người dân tham gia chương trình và biến nó trở thành một tour trải nghiệm chính thức của thành phố. Campuchia nghiên cứu về quá trình tổ chức lễ hội chào mừng năm mới tại Khu di tích Angkor đem đến một cái nhìn rõ nét về mối tương quan giữa cảnh quan, ký ức và bản sắc. Nhằm thúc đẩy sự tương tác của du khách với di tích, lễ hội kéo dài 4 ngày được coi là “sự pha trộn của hoạt động giải trí, du lịch và tôn giáo vì mọi người có thể cùng tham gia nhiều hoạt động khác nhau như bơi lội, picnic, thăm đền tháp và cầu nguyện”(3). Hawkin chú ý đến một số giải pháp cho du lịch bền vững tại Indonesia thông qua việc sử dụng công cụ tương tác trên nền tảng mạng lưới di sản thế giới. Một trong những phương pháp phổ biến là chương trình Các bước đến thành công, cung cấp cho người dân những kiến thức thực tế về quản lý và giáo dục di sản. Tại Malaysia, một chương trình được tổ chức tại Geopark đã mang đến cho du khách một không gian học tập, ở đó mọi người có thể tìm hiểu lịch sử, tự nhiên và văn hóa của khu vực này…

Thành công của chương trình Em làm nhà khảo cổ

Năm 1986, chủ trương đổi mới đã đánh dấu những bước chuyển mạnh mẽ trong nền kinh tế, xã hội ở Việt Nam và tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Từ năm 1995, du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, phát triển dựa trên những yếu tố từ phong cảnh thiên nhiên đến lịch sử văn hóa. Trong đó, với lịch sử hơn 4000 năm hình thành và phát triển, Việt Nam có một nền văn hóa đa dạng với nhiều loại hình di sản vật thể, phi vật thể với hàng ngàn di tích lịch sử văn hóa trên khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt, Việt Nam có 8 khu di tích đã được công nhận là di sản thế giới: vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ và Quần thể danh thắng Tràng An.

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long gồm 2 bộ phận: Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Khu trung tâm từ Cột cờ đến Cửa Bắc với diện tích khoảng 18.000 ha, được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2010, đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khu di sản chứa đựng những giá trị nổi bật toàn cầu được thể hiện qua tiêu chí về tính lâu đời và liên tục của một trung tâm quyền lực chính trị. Di sản phản chiếu sự giao thoa, trộn lẫn của các nền văn hóa trong khu vực đưa đến sự hình thành văn minh Đại Việt tại châu thổ sông Hồng. Kể từ TK XI, Hoàng thành Thăng Long đã trở thành một trung tâm quyền lực chính trị của người Việt. Với vai trò chính trị và ý nghĩa biểu tượng, di sản Hoàng thành Thăng Long đã gắn bó trực tiếp với những sự kiện lịch sử văn hóa quan trọng của đất nước, đưa đến việc hình thành một quốc gia độc lập trong suốt 1000 năm (4).

 Chương trình di sản Em làm nhà khảo cổ được tổ chức lần đầu năm 2013, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Sau 5 năm đi vào hoạt động, chương trình đã và đang nhận được sự tham gia nhiệt tình từ du khách, đặc biệt là các em học sinh. Chương trình được hình thành và phát triển dựa trên những lợi thế của khu di sản về di tích, di vật khảo cổ như: nền móng cung điện, chân cột bằng đá, giếng nước, đồ gốm, hiện vật đất nung và đồ gỗ.

Trước hết, chương trình tạo một không gian bổ ích, thú vị cho khách du lịch tương tác với di sản, hướng đến một số mục đích như trang bị nền tảng kiến thức về di sản, khảo cổ, nâng cao nhận thức về hoạt động bảo tồn di sản. Du khách muốn có cơ hội tìm hiểu thông qua nhìn, cầm/nắm và tương tác hơn là chỉ đơn thuần xem trên truyền hình.

Thứ hai, chương trình chính là một trong những điểm nhấn tại Hoàng thành Thăng Long, nhằm hút khách du lịch đến với di sản. Trước khi chương trình được tổ chức, tổng số lượng du khách tham quan hàng năm đạt xấp xỉ 150.000 lượt - một con số khá khiêm tốn so với những giá trị về lịch sử/ văn hóa cũng như vị trí trung tâm thủ đô đắc địa của khu di sản.

Thứ ba, chương trình nhằm kiến tạo một không gian vừa học, vừa chơi cho các em, qua đó mối tương quan giữa di sản với nhà trường, cư dân sẽ được tăng cường.

Chương trình bao gồm hai hoạt động chính: hoạt động khai quật tại di tích và hoạt động tương tác tại không gian khám phá. Những hoạt động này được thiết kế phù hợp cho các nhóm du khách từ 5 đến 15 tuổi. Tham gia chương trình, mọi người có cơ hội trở thành những nhà khảo cổ nhí dưới sự hỗ trợ từ các chuyên gia chương trình. Phần khai quật ngoài thực địa, một số công đoạn khai quật được giới thiệu với du khách và độ khó tăng tương ứng với tuổi các thành viên tham gia. Trước tiên, các thành viên sẽ học cách xác định một vị trí cần khai quật. Để làm được điều này, các thành viên cần nghiên cứu tư liệu từ các lần khai quật trước. Về lý thuyết, một vị trí khai quật mới không được phép trùng lặp với những lần khai quật trước đó.

Các thành viên học cách mở một hố khai quật (thông thường là hình chữ nhật) bằng việc sử dụng định lý Pitago với các cạnh là 3,4 và 5 để tạo góc vuông. Sau đó, chuyên gia chương trình hướng dẫn các nhà khảo cổ nhí cách thức sử dụng một số dụng cụ khai quật chuyên dụng như: bay, nạo, cuốc, xẻng, xe rùa, thước dây, thước 5cm, máy ảnh, bảng vẽ, sổ nhật ký khai quật, dụng cụ làm sạch hiện vật... Dưới sự giám sát của chuyên gia và cán bộ chương trình, các thành viên tiến hành khai quật một lớp mỏng trên bề mặt và nạo vách hố khai quật.

Khi hiện vật được phát lộ, các nhà khảo cổ nhí sẽ nhận được sự hỗ trợ về cách thức xử lý từ chuyên gia chương trình. Người tham gia sử dụng cuốc, nạo, bay và chổi chuyên dụng để làm sạch hiện vật, tiếp sau việc ghi chép thông tin liên quan đến hiện vật được tiến hành. Vẽ vị trí các hiện vật phát lộ và chụp ảnh tổng thể hố khai quật là việc làm cần thiết. Song song với quá trình khai quật, các em cũng học cách sử dụng xẻng, xô và xe rùa để di chuyển đất ra khỏi hố khai quật và đổ tại một địa điểm xác định. Những hiện vật được tìm thấy sẽ được phân loại dựa theo địa tầng khai quật và chất liệu để đảm bảo tính chính xác. Sau cùng, các thành viên tham gia chương trình học cách sử dụng bạt chuyên dụng để che phủ bảo vệ bề mặt hố khai quật khỏi bị khô, nứt nẻ là những việc làm rất cần thiết.

Bên cạnh đó, các thành viên chương trình có cơ hội để tương tác trong không gian khám phá. Một số khai quật giả được thiết kế, diện tích 15m2, lấp bằng cát, chôn một số hiện vật giả như đầu rồng, đầu phượng, lá đề, gạch vồ, chân tảng, ngói ống, ngói lòng máng... Trong những buổi thời tiết không thuận lợi như mưa, bão... các thành viên được hướng dẫn cách thức sử dụng dụng cụ và khai quật một cách tuần tự và bài bản.

Một số chương trình được thiết kế dành cho người tương tác như: chụp ảnh với mô hình nhà khảo cổ, dập hoa văn hiện vật, ghép hình, vẽ hiện vật. Những hoạt động này đều sử dụng bản mô phỏng của những hiện vật truyền thống như tượng đầu rồng, tượng đầu phượng, lá đề trang trí hình rồng, lá đề trang trí hình phượng, bát gốm hoa lam, bình tỳ bà thời Lê sơ, thềm điện Kính Thiên, Cột cờ Hà Nội…

Theo Urry, sự cảm nhận của du khách về di sản/văn hóa phụ thuộc vào các yếu tố như hoàn cảnh xã hội, cộng đồng dân cư, thời kỳ lịch sử. Áp dụng lý thuyết của Urry vào trường hợp di sản Hoàng thành Thăng Long, ta thấy du khách có xu hướng tìm kiếm những cổ vật bằng đá, đồ gốm sứ, đất nung, đồ gỗ... vốn là dấu tích của kinh thành xưa có niên đại từ TK VII-XIX. Trong đó, nhiều hiện vật có tính chất độc bản nên du khách mong muốn chiêm ngưỡng và thậm chí tương tác với chúng. Nắm bắt được nhu cầu ấy, chương trình tạo điều kiện để du khách tương tác, trải nghiệm với di sản, qua đó nâng cao ý thức bảo tồn di sản, văn hóa. Áp lực từ cuộc sống hiện đại nên nhiều người không quan tâm hoặc xem nhẹ những yếu tố văn hóa truyền thống. Ví dụ, khá nhiều người ở Anh không quan tâm đến việc họ sống gần hoặc sống trên mảnh đất di sản. Trên khía cạnh lý thuyết, các di sản thế giới thuộc về tất cả mọi người trên trái đất. Tuy nhiên, chỉ một số chính phủ, chuyên gia, chính quyền địa phương tham gia vào hoạt động bảo tồn di sản. Vì vậy, Li, Wu và Cai nhấn mạnh du lịch di sản là một công cụ hữu hiệu cho công tác bảo tồn các khu di tích, bởi nó đã thu hút và hướng sự quan tâm của toàn cầu đến việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản.

Đến với di sản Hoàng thành Thăng Long, du khách có cơ hội trải nghiệm không gian di sản sống, điều này khác hẳn với nhịp sống hàng ngày của họ. Hơn nữa, việc lĩnh hội thông tin nhờ hệ thống di tích và hệ thống bảng biển là một phương pháp hữu hiệu - khác với một số phương pháp truyền thống qua sách vở hay trường lớp. Khu di sản được xem như một bảo tàng mở, ở đó du khách có thể học hỏi những kiến thức văn hóa và lịch sử. Điều này được xem là một trong những yếu tố quan trọng cho mục đích khoa học và giáo dục, thông qua hoạt động giáo dục không chính thống như các trò chơi tương tác. Mặc dù không phải là một phần của chương trình giáo dục, các du khách đều học được những giá trị mới từ tour tham quan, góp phần tăng cường kiến thức bản thân du khách.

Chương trình đã góp phần thu hút một lượng du khách lớn đến tham quan và tham gia. Từ tháng 6 đến tháng 12-2013, hàng ngàn lượt du khách đã tham quan và tham gia vào chương trình khảo cổ. Sức hút từ chương trình đã mang lại một nguồn thu đáng kể cho Ban quản lý di sản Hoàng thành Thăng Long từ vé, đồ lưu niệm, cà phê, quán ăn... Chương trình minh chứng sự thích ứng của các khu di sản với nền kinh tế thị trường. Đồng thời, nguồn thu từ hoạt động du lịch đóng một vai trò quan trọng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bởi vì nguồn kinh phí từ phía chính phủ cho các di sản thế giới thường xuyên bị thiếu hụt. Trong khi đó, UNESCO chỉ cung cấp những nguồn tài trợ nhỏ và hỗ trợ kỹ thuật đối với công tác tu sửa và bảo tồn các khu di sản. Theo Poria, Butler và Airey, giải trí cũng là một trong những mục tiêu của du khách khi tham quan di sản. Theo đó, sự thoải mái xuất phát từ nhiều động lực khác nhau như: quan sát, giáo dục, thông tin, giải trí, thư giãn và tập thể dục.

Tuy nhiên, một số vấn đề đã nảy sinh với khu di sản. Tại một số thời điểm trong ngày, số lượng khách tham quan quá đông đã gây áp lực với hoạt động dịch vụ, quản lý di sản: số lượng hướng dẫn viên không đủ, một số dịch vụ như quán cà phê, quán ăn, cửa hàng lưu niệm trở nên quá tải. Pendlebury, Short và While (5) cho rằng số lượng du khách quá đông có thể gây nên một số vấn đề nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường, di sản xuống cấp. Để giải quyết vấn đề này, một số ban quản lý sẽ miễn cưỡng áp dụng biện pháp quản lý du khách vì ái ngại nguồn thu sẽ sụt giảm. Trong ngắn hạn, đây không phải vấn đề lớn, nhưng về dài hạn khu di tích sẽ mất chỗ đứng nếu công tác quản lý không thật sự chặt chẽ. Mặt khác, du khách tham quan có thể gây tổn hại đến tính toàn vẹn và chân xác của di tích và di vật. Thậm chí, quá trình hao mòn, xuống cấp tự nhiên cũng là một vấn đề lớn có thể xảy ra mùa cao điểm du lịch. Những vấn đề này có thể tạo ra những tổn hại lớn về chi phí trong việc vận hành và quản lý khu di tích.

Chương trình Em làm nhà khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long đã góp phần tăng cường sợi dây gắn kết giữa di sản với du khách, cộng đồng cư dân. Điển hình chính là sự tăng trưởng vượt trội của số lượng du khách từ 150.000 lượt (2011) đến 300.000 (2013), xấp xỉ 500.000 lượt (2017). Du lịch phát triển mạnh đem lại nguồn thu lớn cho di tích, từ đó tác động ngược lại công tác bảo tồn di sản. Du lịch di sản được xem là một trong những hoạt động du lịch chủ đạo tại Việt Nam với 40.000 giá trị văn hóa vật thể và 60.000 giá trị văn hóa phi vật thể. Trong bối cảnh chung này, du lịch di sản tại Hoàng thành Thăng Long đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ du khách trong và ngoài nước. Tham quan di tích, tương tác với di sản và hiện vật chính là những trải nghiệm quan trọng cho du khách tại đây (6).

Du lịch được xem là một trong những hoạt động tạo thu nhập chính tại nhiều khu di sản thế giới. Các sản phẩm thủ công từ các làng nghề như đồ gốm, tranh dân gian, trống đồng... đã trở thành những sản phẩm ưa chuộng trong mắt du khách. Nhờ đó, các làng nghề thủ công truyền thống có điều kiện để đầu tư, sản xuất và gìn giữ nhiều nghề gia truyền. Chương trình đã giúp du khách tăng cường nhận thức về hoạt động bảo tồn di sản. Sự tham gia của quần chúng được xem là công cụ quan trọng cho phát triển du lịch di sản bền vững. Sự phát triển du lịch cũng tạo ra sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại, cũng như gắn kết những hoài niệm của du khách với trải nghiệm thực tại.

_______________

1. Mason, P., Tác động du lịch, quản lý và điều hành, Routledge, 2015, p.111.

2. Li, M., Wu, B., & Cai, L., Sự phát triển du lịch tại các khu di sản thế giới ở Trung Quốc: góc nhìn địa lý, Quản lý Du lịch, 29 (2)-2008, 308-319.

3. Winter, T., Cảnh quan, ký ức và di sản: Lễ mừng năm mới tại Angkor, Campuchia, Những vấn đề du lịch, 7(4-5)-2004, 330-345.

4. Hoàng thành Thăng Long, Hồ sơ đề cử tài sản ghi vào Danh sách di sản văn hóa thế giới: Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, 2009, bản PDF.

5. Pendlebury, J., Short, M., & While, A., Các khu di sản thế giới đô thị và vấn đề chân xác, Tạp chí Cities, 26(6)-2009, tr.349-358.

6. Lưu, Phúc Nguyễn & Thắng, Việt Phạm, Mục tiêu và chính sách phát triển du lịch văn hóa Hà Nội, Tạp chí Quản lý nhà nước, 238-2015, tr.95-98.

 

Tác giả: Nguyễn Kỳ Nam

Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 - 2018

 

;