DI SẢN VĂN HÓA VỚI SỰ PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở THÁI BÌNH

Là một tỉnh ven biển vùng châu thổ đồng bằng sông Hồng, không chỉ đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, Thái Bình còn có một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ và phong phú. Tiềm năng, lợi thế từ kho tàng di sản văn hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Thái Bình phát triển ngành du lịch. Trong đó, các di tích lịch sử văn hóa là mũi nhọn cần được ưu tiên. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa khai thác giá trị của di tích lịch sử văn hóa đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, lại vừa không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại lâu dài của di sản.

Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc vùng châu thổ đồng bằng sông Hồng. Phía Tây Bắc giáp tỉnh Hưng Yên, Tây Nam giáp tỉnh Nam Định, Hà Nam, phía Bắc giáp tỉnh Hải Dương, Đông Bắc giáp thành phố Hải Phòng. Thái Bình được bao bọc bởi một bên là biển, ba bề là sông (phía Tây và Nam giáp sông Hồng, phía Bắc và Tây Bắc giáp sông Luộc, phía Bắc và Đông Bắc giáp sông Hóa, phía Đông giáp biển Đông). Năm cửa sông lớn (Ba Lạt, Lân, Trà Lý, Diêm Điền, Thái Bình) với trên 50km bờ biển tạo nên hệ thống sông ngòi dày đặc, thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp, tạo điều kiện cho phát triển du lịch trên sông, du lịch sinh thái (1). Bên cạnh đó, Thái Bình còn là tỉnh giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Vùng đất này đã hình thành, hun đúc nên truyền thống hiếu học, truyền thống bất khuất, cần cù, thông minh, sáng tạo của người dân Thái Bình trong chiến đấu, lao động, sản xuất, tạo tiền đề xây dựng phát triển kinh tế, xã hội ở tỉnh Thái Bình. Là vùng đất hình thành muộn trong khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, đất đai màu mỡ do sự bồi đắp phù sa của những con sông lớn như: sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa, sông Trà Lý... thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, nên tự thuở sơ khai (cách đây khoảng 3000 - 2000 năm) đến TK XVIII, Thái Bình là nơi hội tụ của nhiều luồng cư dân. Họ từ nhiều vùng miền về đây sinh sống, khai phá đất đai, lập làng, lấy việc trồng lúa nước làm phương thức sống chủ yếu và mang theo những phong tục, tập quán, những sinh hoạt văn hóa.

Cùng với sự đa dạng về tài nguyên, thổ nhưỡng, khí hậu, Thái Bình còn có một kho tàng di sản văn hóa vật thể vô cùng đồ sộ và phong phú (2). Tính đến năm 2015, toàn tỉnh hiện có khoảng 2539 di tích, trong đó có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Đặc biệt là di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) và di tích lịch sử khu lăng mộ, đền thờ các vị vua triều Trần (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Thái Bình hiện có 151 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 595 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (3). Tiêu biểu có khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đình, đền, bến tượng A Sào, khu di tích nhà Trần, đình An Cố, đền Đồng Xâm, từ đường Lê Quý Đôn, đền Tiên La, chùa Hội, đền Thượng, đền Đồng Bằng...

Thái Bình cũng là địa phương lưu giữ được nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, các loại hình diễn xướng dân gian như: chèo, múa rối nước, nghi lễ chầu văn. Tỉnh có trên 400 lễ hội, trong đó có nhiều lễ hội lớn như: lễ hội chùa Keo, lễ hội đền Trần, lễ hội đền Đồng Bằng, đền Tiên La, lễ hội làng Quang Lang, lễ hội làng La Vân... Hàng chục làng nghề truyền thống như: chạm bạc Đồng Xâm, dệt Phương La, đũi Nam Cao, chiếu Hới, làng vườn Bách Thuận. Văn hóa ẩm thực hết sức phong phú và dồi dào, giá cả hợp lý với những đặc sản như: bánh cáy, canh cá, gỏi nhệch, gỏi cá…

Mỗi làng quê, thôn xóm trên đất Thái Bình đều in đậm những dấu ấn lịch sử. Đây là những nét căn bản góp phần vào việc hình thành nên cốt cách văn hóa, ứng xử của con người Thái Bình, tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam. Đó cũng chính là niềm tự hào, kiêu hãnh của mỗi người dân Thái Bình trong tiến trình phát triển xã hội và hội nhập quốc tế. Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhiều di tích bị xuống cấp, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã dần mai một nhưng với sự nỗ lực không ngừng của ngành văn hóa, cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đóng góp của đông đảo quần chúng nhân dân, kho tàng di sản văn hóa ở Thái Bình đã được nghiên cứu, khảo sát, phân loại toàn diện. Đây là cơ sở khoa học để đánh giá thực trạng, diện mạo và vị thế của di sản văn hóa trên đất Thái Bình trong không gian văn hóa Việt Nam. Bên cạnh các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu như: chùa Keo, khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, đền A Sào, đền Đồng Bằng… đã được quy hoạch, lập dự án tu bổ, phục hồi.

 Những năm gần đây, ở Thái Bình, nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo, nhiều loại hình văn nghệ, lễ hội dân gian được phục hồi, bảo lưu, nhiều làng nghề truyền thống được gìn giữ, phát triển. Điều đó không chỉ góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà còn thúc đẩy phát triển du lịch. Phát triển làng nghề, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Tiềm năng và lợi thế từ kho tàng di sản văn hóa đồ sộ tạo điều kiện thuận lợi cho Thái Bình phát triển ngành du lịch. Tuy nhiên, làm thế nào để vừa khai thác giá trị của di tích lịch sử văn hóa đáp ứng nhu cầu của khách tham quan lại vừa không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại lâu dài của di sản. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định 270/QĐ-UBND ngày 30-1-2013 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 – 2020. Theo quyết định này, tỉnh Thái Bình đã xây dựng chương trình phối hợp để những người quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và các nhà quản lý, phát triển du lịch có sự phối hợp đồng bộ. Với chức năng quản lý và bảo tồn di sản văn hóa, ngành văn hóa cần thông qua du lịch để phát huy giá trị của di sản văn hóa, đồng thời tạo nguồn thu để đầu tư trở lại cho các hoạt động bảo quản, tu bổ các di sản văn hóa. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần đưa du khách tiếp cận được các giá trị của di sản để nâng cao tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch. Ngành văn hóa vừa đóng vai trò chủ đạo, vừa hướng dẫn chính quyền các cấp và nhân dân thực hiện tốt luật di sản văn hóa (4).

Để du khách thấy hấp dẫn, muốn khám phá, tìm hiểu di sản văn hóa, các nhà quản lý văn hóa cần có chiến lược lâu dài. Về phát triển văn hóa phải bắt đầu từ việc xây dựng quy hoạch tổng thể và triển khai lập quy hoạch hệ thống bảo tồn, phát huy tác dụng di tích lịch sử, văn hóa trong tỉnh. Trong đó ưu tiên quy hoạch hệ thống các di tích liên quan đến lịch sử nhà Trần trên đất Thái Bình, các di tích lịch sử cách mạng, di tích kiến trúc nghệ thuật. Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng của các di tích tiêu biểu ở từng địa bàn, giải quyết hài hòa, bền vững giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình. Đầu tư có trọng điểm, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong bảo quản, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa quốc gia tiêu biểu để trở thành những sản phẩm du lịch có giá trị cao. Tập trung đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích như: chùa Keo, khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, miếu Hai Thôn (Vũ Thư), khu di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần, đền Tiên La (Hưng Hà), đình, đền, bến tượng A Sào, đền Đồng Bằng, đền La Vân (Quỳnh Phụ), khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, đền Chòi, đền Côn Giang (Thái Thụy), đình, đền, chùa Bình Cách, làng kháng chiến Nguyên Xá và nghĩa trang liệt sỹ Đông Hưng (Đông Hưng), đồn Cả, chùa Lãng Đông (Kiến Xương), đình Nho Lâm, Thanh Giám, đình và lăng tưởng niệm Nguyễn Công Trứ (Tiền Hải)… Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích, tạo cơ chế huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Tại các di tích trọng điểm phải xây dựng được hệ thống giao thông thuận lợi, cơ sở lưu trú, các dịch vụ sinh hoạt nghỉ dưỡng và các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh.

Với tiềm năng to lớn về di sản văn hóa và các khu du lịch sinh thái, văn hóa độc đáo, du lịch Thái Bình về lâu dài phải hướng tới thị trường khách du lịch quốc tế. Trước mắt cần củng cố, mở rộng khai thác có hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Do đó, những năm tới cần tập trung hướng khai thác vào những loại hình du lịch mang bản sắc riêng của tỉnh Thái Bình.

Trước hết, cần tập trung vào du lịch làng quê với hàng trăm làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng, mang đậm nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Đây là tiềm năng lớn để Thái Bình xây dựng các làng quê này thành các điểm du lịch cộng đồng, đặc sắc, phục vụ khách tham quan và mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ. Các làng được chọn để xây dựng, phát triển du lịch là những điểm đang thu hút khách tham quan như: làng vườn Bách Thuận, làng thêu Minh Lãng, làng chạm bạc Đồng Xâm, làng hoa Hoàng Diệu, Đông Hòa ...

Tiếp đó, cần chú trọng vào sản phẩm du lịch gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, tâm linh. Với lợi thế về tiềm năng tài nguyên nhân văn có trên địa bàn như các di tích lịch sử, hệ thống đình chùa, các lễ hội truyền thống đặc sắc mang tính đặc trưng của nền văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng. Vì vậy, trong thời gian tới, cần xây dựng các sản phẩm du lịch gắn liền với các tiềm năng du lịch nói trên. Tập trung quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, tôn tạo các di tích lịch sử và lễ hội lớn của tỉnh như: chùa Keo, khu di tích lịch sử các vua Trần, đền Tiên La, đền Đồng Bằng, đền Đồng Xâm.

Thái Bình có trên 53km bờ biển, nhiều bãi cát thoải dài, không khí trong lành, còn mang nhiều nét hoang sơ, hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú. Vì vậy, cần có kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển. Đặc biệt là vùng Cồn Vành, đã được UNESCO công nhận thuộc khu dự trữ sinh quyển vùng đồng bằng sông Hồng từ năm 2004. Đây là điều kiện lý tưởng để đầu tư, phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển, thể thao tại bãi biển Đồng Châu, Cồn Vành, thăm quan, nghiên cứu rừng ngập mặn tại Cồn Đen, rừng ngập mặn Thụy Trường.

Để thực hiện được các vấn đề trên, cần nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò, những lợi ích của hoạt động du lịch. Cần tạo môi trường du lịch văn minh, lành mạnh, an toàn, phát huy truyền thống mến khách của dân tộc, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng phát triển của du lịch Thái Bình nhằm thu hút các dự án đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch đa dạng, độc đáo có chất lượng cao. Đồng thời, tạo lập và nâng cao hình ảnh du lịch Thái Bình trong vùng, khu vực và thế giới. Để thực hiện chiến lược quan trọng này cần chú trọng tới công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch dưới mọi hình thức trong và ngoài nước, trên các phương tiện thông tin đại chúng như: biên soạn các ấn phẩm quảng cáo, băng hình phát hành rộng rãi, giới thiệu về các khu du lịch, các sản phẩm du lịch độc đáo của Thái Bình, hướng vào thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận... Đồng thời du lịch Thái Bình cần tích cực xây dựng, tham gia hội chợ, hội thi chuyên đề du lịch để quảng cáo, giới thiệu, bán sản phẩm cho thị trường trong nước và quốc tế (5).

Hy vọng rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ giải quyết tốt bài toán giữa gìn giữ, phát huy, bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa, xây dựng được sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành với du lịch và văn hóa. Đây chính là chìa khóa để đưa di sản văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung.

_______________

1. Nguyễn Quang Ân, Bùi Công Phượng, Tài liệu địa chí Thái Bình, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 2010.

2. Địa chí Thái Bình, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 2010.

3. Ban Quản lý di tích tỉnh Thái Bình, Báo cáo công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2014, Thái Bình, 2014.

4, 5. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Quyết định 270/QĐ-UBND ngày 30/1/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012-2010, Thái Bình, 2013.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 377, tháng 11-2015

Tác giả : NGUYỄN TRI PHƯƠNG

;