Mỗi khi điện ảnh gặp khó khăn, nhiều nhà nghiên cứu và khán giả lại đặt vấn đề nên tìm nguồn hỗ trợ từ các tác phẩm văn học. Đó không phải là chuyện ngẫu nhiên. Điện ảnh và văn học mối liên hệ sâu sắc. Có người cho rằng, tác phẩm văn học là “bộ phim ở một hệ thống ký hiệu khác", hoặc “tác phẩm văn học là bộ phim trên giấy". Nói thế cũng không sai. Lịch sử điện ảnh chứng minh, ngay từ khi mới ra đời, điện ảnh đã tìm đến nguồn hỗ trợ từ văn học và nhiều tác phẩm chuyển thể để lại những ấn tượng sâu sắc.
Cảnh phim Cánh đồng bât tận
Bộ phim chuyển thể kế thừa những giá trị cơ bản từ tác phẩm văn học.
Sự tương đồng giữa một tác phẩm văn học (truyện ngắn, tiểu thuyết) và điện ảnh rất lớn. Khi chuyển thể một tác phẩm văn học lớn sang điện ảnh thì bộ phim đã thừa kế được về nhân vật, bối cảnh, cốt truyện, chi tiết và tư tưởng của nguyên tác. Nói cách khác, bộ phim chuyển thể thừa kế những yếu tố căn bản nhất hình thành một tác phẩm điện ảnh có giá trị. Điều đó mang lại lợi thế rất nhiều so với việc sáng tác một tác phẩm mới hoàn toàn. Bởi vì, sáng tạo một tác phẩm, dù ý tưởng có độc đáo đến đâu, nhưng từ ý tưởng đến kịch bản và từ kịch bản đến phim còn là những chặng dài gian khó, bấp bênh. Trong khi, chuyển thể từ một tác phẩm nổi tiếng, dường như có một sự đảm bảo về nghệ thuật và tư tưởng cũng như luôn thu hút được sự chú ý của người xem đã từng biết đến tác phẩm văn học từ trước.
Trên thế giới có rất nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng được chuyển thể từ những tiểu thuyết thành công, chẳng hạn như: Những người khốn khổ (chuyển thể từ nguyên tác của đại văn hào Victor Hugo), Cuốn theo chiều gió (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Margaret Mitchell), Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Lev Tolstoy). Có con số thống kê cho biết rằng, khoảng 20% tác phẩm điện ảnh thành công được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Đó là một con số không hề nhỏ.
Ở Việt Nam, ngay từ những năm đầu hình thành và phát triển, điện ảnh đã tìm thấy nguồn hỗ trợ lớn lao từ văn học. Vốn ra đời muộn hơn nửa thế kỷ so với điện ảnh thế giới, với công nghệ lạc hậu, nhân lực ít ỏi, giải pháp để nhanh chóng có những kịch bản có giá trị là chuyển thể tác phẩm văn học. Năm 1963, bộ phim Chị Tư Hậu (chuyển thể từ Một chuyện chép ở bệnh viện của Bùi Đức Ái) đã gây một tiếng vang. Sau đó, trong thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ 20, nhiều tác phẩm thành công đã được chuyển thể từ tác phẩm văn học làm nên một dòng phim chuyển thể cực kỳ có giá trị trong dòng chảy điện ảnh của nước ta. Chúng ta có thể điểm qua một số phim nổi bật như: Chị Dậu (chuyển thể từ Tắt đèn của Ngô Tất Tố), Làng Vũ Đại ngày ấy (chuyển thể từ các tác phẩm của Nam Cao), Tướng về hưu, Thương nhớ đồng quê (chuyển thể từ truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp), Mê thảo thời vang bóng (chuyển thể từ Chùa Đàn của Nguyễn Tuân), Long Thành cầm giả ca (phóng tác từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Du), Cánh đồng bất tận, Tro tàn rực rỡ (chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư)… Có thể nói, khó mà kể tên hết các tác phẩm văn học đã góp phần làm nên thành công của điện ảnh nước nhà trong hơn 60 năm qua.
Cảnh phim Chị Dậu
Những vấn đề đặt ra cho công tác chuyển thể tác phẩm văn học
Sự gắn bó máu thịt giữa điện ảnh và văn học có lẽ ai cũng thừa nhận nhưng làm thế nào để vận dụng những khả năng của văn học vào điện ảnh lại còn là một vấn đề nan giải.
Trước hết, phải nói đến sức đọc, sức bao quát và việc chọn lựa của các nhà làm phim gặp những trở ngại. Mỗi năm, hàng ngàn tác phẩm văn học, trong đó có hàng trăm tác phẩm truyện, tiểu thuyết được xuất bản đặt ra những thách thức cho công tác tuyển chọn và chuyển thể. Tôi đã nghe nhiều đạo diễn, nhiều nhà sản xuất kêu rằng hiện trong nước đang thiếu kịch bản hay, trong khi nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này rất hạn chế. Có những tác phẩm văn học nổi lên, được truyền thông chú ý nhưng chưa hẳn đã là tác phẩm có giá trị lâu dài và chưa hẳn đã phù hợp với việc chuyển thể. Điều đó dẫn đến một nghịch lý, nhiều tác phẩm nhưng chưa chắc đã chọn lựa được tác phẩm chuyển thể.
Có ý kiến cho rằng, trong kho tàng văn học Việt Nam có nhiều tác phẩm hay, có tác phẩm nổi tiếng từ hàng chục năm, đó là một nguồn dồi dào cho việc chuyển thể. Thực ra, vấn đề không đơn giản như vậy. Hiện nay đang diễn ra sự đứt gãy văn hóa khiến cho thị hiếu thẩm mĩ của lớp khán giả trẻ khác xa với trước đây và những quan niệm về một tác phẩm thành công cũng khác. Chính vì vậy, nếu chuyển thể những tác phẩm nổi tiếng trước đây, không hẳn đã thu hút được người xem vì nhiều yếu tố từ nội dung đến nghệ thuật có sự mai một. Đó là một thực tế mà nhiều tác phẩm chuyển thể đã gặp phải. Đối với điện ảnh, việc kéo người xem đến rạp, việc thu hồi vốn có một ý nghĩa đặc biệt. Điện ảnh là một ngành công nghiệp tốn kém, chi phí sản xuất mỗi bộ phim có thể lên đến nhiều tỉ đồng, chỉ cần không giải được bài toán doanh thu thì toàn bộ dự án phim sẽ sụp đổ.
Văn học thực sự là một nguồn tài nguyên quý giá của điện ảnh, nhưng để khai thác được nó, đưa những tinh hoa của nền văn học sang điện ảnh cần một nguồn nhân lực, sự tâm huyết và con mắt tinh tường, sự công phu của các nhà điện ảnh.
Cảnh phim Chị Tư Hậu
Để một tác phẩm văn học chuyển thể thành công
Một kịch bản hay chưa chắc khi đưa vào sản xuất có thể tạo nên một bộ phim hay, ngược lại một bộ phim hay nhất thiết phải bắt đầu từ một kịch bản hay. Việc xản xuất phim là một quy trình đồng bộ bao gồm việc sáng tạo nghệ thuật và quá trình tổ chức sản xuất với nhiều công đoạn phức tạp và trong đó chứa đựng những rủi ro nhất định. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề chính mà bài viết này hướng đến. Ở đây, chúng ta đang nói đến những yếu tố căn cốt làm nên một kịch bản hay, được công chúng đón nhận.
Văn học và điện ảnh dù là những ngành nghệ thuật có gắn bó sâu sắc nhưng cũng có những đặc trưng riêng. Tiêu chí và cách thức nghệ thuật mà nhà văn và nhà điện ảnh hướng đến nhiều khi rất xa nhau. Có những nhà văn chủ trương đi vào cái vô hình, trừu tượng hoặc chìm đắm trong thế giới xúc cảm mênh mông, trong khi nhà điện ảnh cần những tác phẩm giàu hình ảnh, cụ thể để có thể tái hiện trên màn ảnh và tiếp cận thông qua thị giác. Để một tác phẩm văn học được chuyển thể thành công, trước hết tác phẩm ấy cần phải phù hợp, gần gũi với những đặc trưng mà các nhà biên kịch hướng đến. Thông thường, sự phù hợp ấy thể hiện ở biên độ phản ánh (không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật) được giới hạn rõ, nhân vật thiên về hành động và câu chuyện phong phú về chi tiết. Những đặc điểm ấy giúp cho việc dàn dựng thuận lợi, tiết giảm chi phí và phù hợp với sự tiếp nhận của khán giả.
Trong thực tế, dù có chọn lựa được những tác phẩm văn học phù hợp với đặc trưng của điện ảnh thì cũng cần phải có những nhà biên kịch chắc tay và tâm huyết thì việc chuyển thể mới có thể thành công. Công tác chuyển thể đôi khi phải nhào nặn lại cốt truyện, thêm các chi tiết và tái tạo nhân vật nhằm phù hợp với việc sản xuất, dàn dựng và diễn xuất.
Ở trên mới chỉ nói đến công tác chuyển thể từ tác phẩm văn học sang kịch bản điện ảnh. Song, công việc chuyển thể không dừng lại ở đó. Từ tác phẩm văn học lên phim còn phải qua quá trình tổ chức sản xuất, công tác đạo diễn và nghệ thuật diễn xuất của các diễn viên cũng như yếu tố thuộc về kỹ thuật điện ảnh. Đây là một quá trình với những công đoạn phức tạp đòi hỏi sự chuyên nghiệp, đồng bộ để tạo nên một tác phẩm điện ảnh hoàn hảo. Dường như nghệ thuật luôn cần sự hoàn hảo. Nghệ thuật không chấp nhận sự dở dang, thiếu đồng bộ, cẩu thả… Mà đó lại là một trong những khâu yếu trong quá trình sản xuất phim ở nước ta.
Cảnh phim Thương nhớ đồng quê
Văn học một nguồn lực để chấn hưng điện ảnh
Trong những năm gần đây, dòng phim chính luận nghệ thuật trở nên thưa vắng. Nếu như trước đây, trong thời kỳ kháng chiến và hậu chiến nền kinh tế nước ta còn lạc hậu, nhiều khó khăn, nhưng dòng phim này vẫn được Nhà nước đầu tư sản xuất và trở thành dòng phim chủ lực ở nước ta. Từ khi xuất hiện hãng phim tư nhân và nền điện ảnh vận hành theo cơ chế thị trường, khi Nhà nước giảm bớt đầu tư hoặc có lúc đầu tư cho dòng phim này bị gián đoạn và dòng thị trường lên ngôi thì xét về tổng thể, dù nền điện ảnh có những chuyển biến đa dạng hơn, nhưng dòng chính thống bị suy giảm. Cùng với đó là việc nhập phim nhiều, gây nên sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường điện ảnh trong nước khiến không ít hãng phim lao đao, và đã có lúc nền điện ảnh nước nhà rơi vào khó khăn chồng chất.
Mấy năm gần đây chúng ta chứng kiến một số phim Việt đạt được doanh thu khá lớn như: Hai Phượng, Bố già, Nhà bà Nữ… nhưng dư luận cũng có phần không hài lòng về chất lượng phim, đặc biệt là việc chạy vào những chiêu thức câu khách lộ liễu, đôi khi thái quá mà không tạo được mĩ cảm tinh tế như một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục và chúng ta không có thêm những bộ phim chính luận nghệ thuật được sáng tạo với tinh thần cống hiến và lý tưởng nghệ thuật chân chính thì sẽ là sự thiếu vắng đáng buồn cho một nền điện ảnh đang trên đà phát triển trong thời kỳ hội nhập.
Trong bối cảnh đó, để chấn hưng điện ảnh bằng những tác phẩm nghệ thuật đích thực, các nhà làm phim cần tìm nguồn hỗ trợ nhiều hơn từ các tác phẩm văn học trong nước. Tôi cho rằng, sẽ là hữu ích khi tạo ra một quá trình hợp tác, liên kết giữa ngành Văn học và ngành Điện ảnh. Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc các nhà văn có uy tín có thể đóng vai trò tư vấn, giới thiệu hoặc trực tiếp chuyển thể các tác phẩm văn học sang kịch bản điện ảnh. Và các nhà điện ảnh sẽ chọn lựa, tiến hành quá trình sản xuất bằng nguồn kinh phí nhà nước hoặc xã hội hóa điện ảnh. Nên có một sàn giao dịch kịch bản để những ý tưởng tốt, những dự án kịch bản thành công có thể tìm được nguồn vốn đầu tư thích hợp và đưa vào sản xuất.
Cảnh phim Tướng về hưu
THIÊN SƠN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 535, tháng 5-2023