Điện ảnh Việt Nam: Cần sự ủng hộ từ nhiều phía

Điện ảnh vừa kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập: Doanh nghiệp Quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam - tiền thân của hai ngành nhiếp ảnh - điện ảnh với nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức các chuyến đi về nguồn, triển lãm áp phích, cảnh phim, hội thảo… Tuy nhiên, để điện ảnh Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới cần đến rất nhiều yếu tố trong đó có sự hỗ trợ của các chính sách.

Phim Mùa ổi

Điện ảnh không chỉ là loại hình nghệ thuật, mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa có khả năng sinh lời cao. Khi đã là ngành công nghiệp thì mọi sự vận động, phát triển đều dựa trên nền tảng các quy luật kinh tế với những chính sách phù hợp với thị trường trong đó có tính đến đặc điểm của điện ảnh Việt Nam và điện ảnh khu vực, điện ảnh thế giới.

Trong quá khứ, điện ảnh Việt Nam từng là nhân chứng cho nhiều giai đoạn lịch sử từ đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc đến tái thiết đất nước, hội nhập và đổi mới với nhiều tác phẩm phả được không khí, tinh thần thời đại. Trong công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiệm vụ xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang được xem là mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Việc Luật Điện ảnh sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh. Từ chỗ điện ảnh chỉ được coi là một ngành nghệ thuật, Luật Điện ảnh xác định điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế. 

Khung pháp lý đã có nhưng để hiện thực hóa, đưa luật vào đời sống cần những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp của Nhà nước để phát huy hết năng lực sáng tạo của các nhà làm phim cũng như thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh. Các chính sách cũng cần khuyến khích hợp tác công tư trong sản xuất, phát hành, phổ biến phim để phát triển thị trường điện ảnh Việt và xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dần lớn mạnh.

Phim Lật mặt 3: Ba chàng khuyết

Để từng bước biến những chính sách, luật định vào trong cuộc sống, hoạt động nghề nghiệp với việc trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, các nghệ sĩ, nhà làm phim thuộc các thế hệ của điện ảnh Việt Nam cùng với các chuyên gia quốc tế sẽ đem lại những bài học bổ ích và thiết thực. 

Hội thảo quốc tế Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam và Đông Nam Á do Hiệp hội xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Văn phòng UNESCO tổ chức nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Hội thảo đề cập tới nhiều vấn đề hiện đang thu hút sự quan tâm của giới làm nghề như Chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim. Chính sách hợp tác quốc tế trong quảng bá và hợp tác sản xuất phim. Khuyến nghị về chính sách, biện pháp thúc đẩy sáng tạo và phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia… Các ý kiến trao đổi, tham luận đã được gợi mở từ các đại biểu trong nước và quốc tế nhằm tìm ra những hướng đi, các giải pháp cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và những người hoạt động điện ảnh có thể tiếp thu, áp dụng vào thực tế cho điện ảnh Việt Nam.

Ngoài ra, các ý kiến như chính sách của Nhà nước về tài trợ sản xuất phim và bảo hộ phim trong nước cần có những thay đổi gì để việc tài trợ, đặt hàng của Nhà nước giúp sản xuất được những bộ phim thành công. Chính sách ưu đãi khi hợp tác, cung cấp dịch vụ sản xuất phim với đối tác nước ngoài cũng như thu hút đối tác quốc tế đầu tư vào các hãng phim chất lượng cao tại Việt Nam. Việc tổ chức Liên hoan phim, các giải thưởng điện ảnh cần phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực và nuôi dưỡng tài năng điện ảnh. Sự cần thiết phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia… cũng thu hút sự quan tâm của nhiều diễn giả. 

Phim Tháng năm rực rỡ

PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương chia sẻ: Nền văn hóa trong đó có nghệ thuật điện ảnh muốn phát triển và trở nên phong phú, đa sắc màu cần được xây dựng trên tinh thần vừa giữ gìn bản sắc độc đáo của dân tộc vừa cởi mở tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Là một quốc gia có nền văn hóa đặc sắc, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát huy văn hóa phong phú trong phát triển kinh tế-xã hội, coi phát triển công nghiệp văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng văn hóa con người Việt Nam thời kỳ mới. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật để xây dựng nền công nghiệp văn hóa và công nghiệp điện ảnh. Đó là Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển điện đến năm 2020; tầm nhìn đến năm 2030. Luật Điện ảnh năm 2022… Điện ảnh ASEAN, trong đó có Việt Nam đã và đang có các nhà hoạt động điện ảnh toàn cầu quan tâm đến bởi tiềm năng dồi dào và nhu cầu tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Một trong những ý kiến nhận được nhiều sự quan tâm là vấn đề hợp tác công tư trong điện ảnh. Bên cạnh nguồn vốn tài trợ của Nhà nước thì việc có thêm nguồn lực này sẽ tạo thêm được nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo thêm được nhiều hướng đi để quảng bá điện ảnh Việt Nam ra thế giới. Để thu hút nguồn lực cho điện ảnh, vấn đề ưu đãi thuế cho điện ảnh cũng thu hút sự chú ý. Đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục xã hội của Quốc hội cũng đồng tình trong vấn đề thuế ưu đãi cho điện ảnh và đề nghị cần có những đặc thù. Ví dụ như TP.HCM nơi tập trung 90% nguồn lực trong sản xuất phim nằm ở đó thì việc cần là thúc đẩy thành phố sớm xây dựng được cơ chế đặc thù và thấy được lợi thế của mình để phát triển điện ảnh, đầu tư cho điện ảnh, từ đó thu được những lợi nhuận kinh tế cho thành phố. 

Phim Bố già

Ngoài TP.HCM thì Quảng Ninh hay Khánh Hòa cũng đang nghiên cứu những những chính sách đặc thù dành cho điện ảnh. Ví dụ đoàn làm phim vào địa phương để quay sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi gì? Tới đây, tỉnh Khánh Hòa sẽ đưa ra những bước đi đầu tiên trong việc thực hiện cơ chế đặc thù dành cho điện ảnh. Việc triển khai thí điểm có thể là không lớn, là bước đầu tiên nhưng đó là bước đi cần thiết để các tỉnh, thành phố khác nhìn vào thấy được sự chuyển biến trong việc khơi thông nguồn lực của tất cả các bên để thu hút đầu tư cho điện ảnh Việt Nam. Nếu có được sự hợp tác đầu tư giữa nhà nước và tư nhân, đó cũng là một trong những tiền đề để điện ảnh Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn, mạnh hơn trong thời gian tới. 

Và để điện ảnh Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, phải có sự phối hợp đồng bộ từ các bộ, ngành, đơn vị liên quan. Về lâu dài cần đến định hướng chiến lược và sự đầu tư có bài bản của Nhà nước cho hoạt động điện ảnh hướng tới tính dân tộc, hiện đại, đại chúng ở tất cả các khâu từ sản xuất, phát hành và phổ biến phim đến việc lưu trữ phim, đào tạo… Trong đó, chú trọng phát triển một thị trường điện ảnh tăng trưởng nhanh để khuyến khích, tiếp sức và tạo động lực cho những người làm điện ảnh thực hiện những đam mê, trách nhiệm với công việc của mình. Ngoài ra các chính sách cần hướng tới việc thu hút thêm nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này, từ đó tạo ra sự thành công bền vững cho điện ảnh Việt Nam.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 532, tháng 4-2023

;