Đào tạo nguồn nhân lực thông tin trước tác động của cuộc CMCN 4.0 là xu thế tất yếu khách quan đối với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Bởi có đào tạo được nguồn nhân lực thì mới phục vụ cho hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng các loại hình có liên quan đến công nghệ số một cách hiệu quả nhất. Đối với Việt Nam, nguồn nhân lực thông tin vẫn còn rất hạn chế so với tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cả về số lượng và chất lượng. Những trung tâm, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực thông tin vẫn chưa nhiều, việc trang bị hệ thống thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc đào tạo chưa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng dạy chưa thật sự tài năng, nắm bắt được những thành tựu tiên tiến nhất từ cuộc CMCN 4.0 đem lại để truyền đạt đến đối tượng được đào tạo; những cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực thông tin chưa nhiều, chưa được quan tâm đúng mức, đúng với mức độ khó khăn, phức tạp của nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực thông tin; nguồn nhân lực thông tin được đào tạo chưa phát huy hết năng lực, sở trường, thế mạnh của mình, còn có hiện tượng “chảy máu chất xám”.
Cuộc CMCN 4.0 đang phát triển như vũ bão, bất kỳ ngành nào, lĩnh vực nào cũng chịu sự tác động, trong đó, việc đào tạo nguồn nhân lực thông tin được xem là bước nhảy quan trọng để tạo ra sự chuyển biến, ứng dụng và phát triển vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng hệ thống thiết bị thông tin nhanh chóng, chính xác, đem lại nhiều tiện ích nhất cho con người trong cuộc sống thì lại thiếu thích ứng, nhạy bén với thời cuộc. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực thông tin trước tác động của cuộc CMCN 4.0 sẽ trả lời cho câu hỏi: ai sẽ là người tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các công nghệ thông tin để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Đào tạo nguồn nhân lực thông tin ở nước ta hiện nay được hiểu là những hoạt động mang tính tích cực, chủ động của các tổ chức, lực lượng có liên quan tới những nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo phong phú, đa dạng nhằm nâng cao năng lực tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin cho người học, qua đó hướng dẫn, thực hành công việc một cách nhanh chóng, chính xác để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Như vậy, đào tạo nguồn nhân lực thông tin trước tác động của cuộc CMCN 4.0 là hoạt động mang tính phối kết hợp chặt chẽ, thường xuyên của các tổ chức, lực lượng có liên quan, tạo ra những chu trình ăn khớp, đồng bộ với nhau trong suốt quá trình đào tạo, chứ không phải của riêng trung tâm đào tạo, của tổ chức, cá nhân nào đứng ra đào tạo. Để đào tạo được nguồn nhân lực thông tin có chất lượng, nội dung đào tạo phải thiết thực, cụ thể gắn với năng lực, trình độ, môi trường, điều kiện công tác, cơ sở vật chất bảo đảm. Theo đó, nội dung đào tạo là những nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao, sử dụng thành thạo các công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới, có khả năng nắm bắt được xu thế công nghệ thông tin của thế giới để có thể dự báo được tiềm năng, lợi thế của mình; chú trọng đến những ngành, những lĩnh vực mà mọi người có thể áp dụng, sử dụng được để tạo thành làn sóng phổ cập về công nghệ thông tin cho tất cả người dân trong xã hội; tiên phong đi đầu trong việc sử dụng công nghệ mới để có thể tạo ra những bước phát triển mới trong nâng cao năng xuất lao động, giảm chi phí sản xuất cho con người. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nhân lực thông tin ở nước ta vẫn đang trong quá trình hình thành, phát triển, ở giai đoạn đào tạo, bồi dưỡng. Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tranh thủ những cơ hội và thành tựu của cuộc CMCN lần thứ 4” (1).
Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin trước tác động của cuộc CMCN 4.0 ở nước ta hiện nay cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:
Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực thông tin
Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế đã chỉ rõ: “Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin là một yếu tố quan trọng trong bảo đảm thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, cần được chú trọng, ưu tiên trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội”. Do đó, người đứng đầu địa phương, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, các ban, ngành có liên quan nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của nguồn nhân lực thông tin trong giai đoạn hiện nay để có những chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý, khoa học đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đào tạo nguồn nhân lực thông tin sẽ giúp cho các địa phương, các cơ sở đào tạo giải đáp được bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực thông tin chất lượng cao để có thể hướng dẫn mọi người dân sử dụng được những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào tất cả các lĩnh vực một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất. Theo đó, lãnh đạo địa phương, ban, ngành và các cơ sở đào tạo cần làm tốt công tác tuyển chọn nguồn nhân lực thông tin đi đào tạo, xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn đối với từng đối tượng để có nội dung, chương trình, hướng bố trí, sử dụng cho phù hợp với năng lực, sở trường, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; tăng cường các nguồn lực hiện có của địa phương, ban, ngành và huy động các nguồn lực khác ở bên ngoài để xây dựng các trung tâm công nghệ thông tin nhằm phát huy năng lực của những nguồn lực đã được đào tạo và cũng để thu hút các nguồn lực khác vào làm việc; cùng với đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành công nghệ thông tin, có những cơ chế, chính sách kịp thời để khuyến khích, động viên đối với nguồn nhân lực thông tin chất lượng cao.
Tăng cường sự phối hợp giữa doanh nghiệp với các trường đại học trong đào tạo nguồn nhân lực thông tin
Đây là giải pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực thông tin ở nước ta hiện nay. Bởi tăng cường sự phối hợp giữa doanh nghiệp với nhà trường sẽ giải quyết được bài toán giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực thông tin ở nước ta hiện nay. Đồng thời, giúp cho các cơ sở đào tạo chú trọng đến việc nâng cao đầu vào, đầu ra, coi trọng về chất lượng đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần những sản phẩm đào tạo như thế nào thì nhà trường cần phải đào tạo như vậy để khi doanh nghiệp tuyển dụng đưa ra những tiêu chí thì nguồn nhân lực thông tin đáp ứng được yêu cầu đó. Thực tế, ở các nước phát triển, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học là yếu tố cốt lõi, mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho cả doanh nghiệp, nhà trường và người học. Trong khi ở Việt Nam, mối quan hệ này còn hạn chế, thiếu sự liên kết trong các khâu, các bước của quá trình đào tạo, người học sau khi ra trường thường tìm kiếm các doanh nghiệp để tìm việc làm, có người đáp ứng được, có người không đáp ứng được. Nguyên nhân là do chất lượng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nguồn nhân lực thông tin chưa làm được những nhu cầu mà doanh nghiệp mong muốn. Vì vậy, giữa doanh nghiệp và nhà trường thường xuyên có sự liên doanh, liên kết với nhau về phương pháp, quy trình đào tạo, về các điều kiện bảo đảm cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, của từng giai đoạn phát triển, đảm bảo tính tiên tiến, hiện đại. Nhà trường cần thực hiện tốt phương châm đào tạo những gì xã hội cần chứ không đào tạo những gì nhà trường có. Doanh nghiệp tham gia đào tạo bằng cách góp ý kiến về xây dựng, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo thông qua việc cung cấp thông tin, phản biện nội dung chương trình đào tạo. Qua đó, nhà trường có thể chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế. Doanh nghiệp cử các chuyên gia, kỹ sư, tham gia trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn thực hành. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tạo điều kiện tiếp nhận các giảng viên, cán bộ quản lý đến doanh nghiệp học tập kinh nghiệm, trao đổi những vấn đề giữa chương trình đào tạo và yêu cầu của thực tế. Trong và sau quá trình đào tạo cần kiểm tra chặt chẽ, sâu sát chất lượng của sinh viên qua việc thực hiện phương pháp đánh giá từ bên ngoài (người sử dụng lao động) kết hợp với đánh giá bên trong (nhà trường).
Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho đào tạo nguồn nhân lực thông tin
Đây là điều kiện cần và đủ để bảo đảm cho việc đào tạo nguồn nhân lực thông tin diễn ra thông suốt, đạt được mục đích yêu cầu đề ra. Muốn đào tạo được nguồn nhân lực thông tin thì cơ sở hạ tầng kỹ thuật, từ các phòng thí nghiệm, công nghệ thông tin, trung tâm thông tin tư liệu, các hệ thống mô phỏng bằng chương trình máy tính, hệ thống chương trình mã nguồn mở đến các công cụ quản trị cơ sở dữ liệu, các hệ thống mạng, máy tính, hệ thống ứng dụng, phần mềm có bản quyền cho các chương trình dạy học… phải được trang bị đầy đủ, đồng bộ, hiện đại gắn với từng chuyên ngành, lĩnh vực đào tạo. Để làm được việc này, các cơ sở đào tạo thông tin cần đẩy mạnh các chương trình hợp tác với doanh nghiệp, nhà đầu tư để có thể nắm bắt được những công nghệ thông tin tiên tiến nhất. Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho đào tạo nguồn nhân lực thông tin phải được bắt đầu từ chính những người đứng đầu địa phương, ban ngành, cơ sở đào tạo bởi họ là những chủ thể chính trong việc lựa chọn, quyết định đưa ra những chủ trương, đường lối phát triển công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực thông tin cho mình. Do vậy, trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực thông tin phải tích cực, chủ động trang bị hệ thống cơ sở hạ tầng một mặt để nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu từ cuộc CMCN 4.0, bồi dưỡng những nguồn nhân lực thông tin kế tiếp bảo đảm cho sự phát triển bền vững, ổn định trong quá trình đào tạo.
Cuộc CMCN 4.0 đã tác động sâu sắc tới các ngành, các lĩnh vực. Trong sự tác động ấy, nguồn lực thông tin đối tượng tác động chủ yếu, trực tiếp, thường xuyên trên mọi phương diện, đặc biệt là việc đào tạo nguồn nhân lực để tiếp nhận, xử lý, ứng dụng những thành tựu đó vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều tiện ích cho con người, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, đưa nước ta trở thành nước có nền kinh tế phát triển ở trong khu vực và trên thế giới.
_______________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr.54.
Tác giả: Nguyễn Hữu Hồi
Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019