ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH HIỆN NAY

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 của đất nước. Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định: “Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước nói chung và từng ngành, lĩnh vực nói riêng, với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong nhà trường cũng như trong quá trình sản xuất kinh doanh”. Đối với ngành du lịch nguồn nhân lực được xem là tài sản quý giá, tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phát triển bền vững của ngành. Đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội và xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay luôn được tất cả các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lưu ý.


         Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR) với tốc độ tăng trưởng 6,2%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015, đến hết năm 2015, nhu cầu nhân lực làm việc trực tiếp (hướng dẫn viên, lễ tân…) trong ngành du lịch ước cần 620.000 người. Với tốc độ tăng trưởng 7,0%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020, con số này lên đến 870.000 lao động trực tiếp. Ngành du lịch được đánh giá có nhu cầu nhân sự cao gấp 2 - 3 lần so với các ngành trọng điểm khác như giáo dục, y tế, tài chính…

            Đảng, Nhà nước ta đã có những chủ trương chính sách phát huy vai trò đào tạo đối với nguồn nhân lực du lịch. Hiện cả nước có 62 trường đại học, 80 trường cao đẳng (trong đó có 8 trường cao đẳng nghề), 117 trường trung cấp (trong đó có 12 trường trung cấp nghề), 2 công ty đào tạo và 23 trung tâm có tham gia đào tạo nghiệp vụ du lịch. Hầu hết các tỉnh, thành phố có trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghề du lịch ngắn hạn. Tuy nhiên, những cơ sở đào tạo chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... Do đặc thù của ngành nên trong quá trình đào tạo cần gắn thực hành với lý thuyết để sinh viên có sự gắn kết với thực tế, nhưng các cơ sở đào tạo thường thiếu trang thiết bị phục vụ cho môn học. Điều này gây khó khăn cho sinh viên khi học tập và ảnh hưởng đến chất lượng lao động khi ra trường. Các chương trình, phương pháp đào tạo không đặt trọng tâm nhiều về kỹ năng mềm và phát triển nhân cách, trong khi những điều này rất cần thiết để thực hiện hiệu quả công việc. Đội ngũ giáo viên ở các cơ sở đào tạo vừa thiếu, vừa yếu. Phần lớn giáo viên ở các cơ sở đào tạo tự nghiên cứu, chưa có kinh nghiệm thực tế nên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

         Mỗi năm ngành du lịch cần 40.000 lao động nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch ra trường khoảng 15.000 người, trong đó hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học... Nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch không những thiếu về mặt số lượng, mà còn yếu về chuyên môn. Chất lượng nguồn nhân lực do các cơ sở đào tạo cung cấp cho thị trường lao động du lịch chưa đạt yêu cầu của doanh nghiệp. Báo cáo tổng hợp về thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam những năm qua cho thấy: lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm 9,7%, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm 51%, dưới sơ cấp là 39,3%... Trong đó chỉ có 43% được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về các ngành nghề du lịch.

         Theo báo cáo thống kê của các sở quản lý du lịch địa phương, trong những năm qua sự chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực của ngành du lịch chưa đảm bảo tính bền vững, quy mô còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Nhiều lĩnh vực nhân lực còn thiếu lao động có tay nghề cao và thông thạo ngoại ngữ như dịch vụ lưu trú, hướng dẫn viên…. Bên cạnh đó, còn thiếu cán bộ chuyên môn, chuyên gia giỏi về quản lý nhà nước, doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, hoạch định chính sách, nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược, quy hoạch…

         Những con số trên cho thấy ngành du lịch Việt Nam đang cần nguồn nhân lực du lịch có trình độ, năng lực, ý thức, trách nhiệm với sự phát triển của ngành. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng được chất xám, phát huy sự sáng tạo, ý tưởng để tạo ra những sản phẩm dịch vụ du lịch mới và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tăng khả năng cạnh tranh đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Theo đó, đào tạo nguồn nhân lực du lịch hiện nay cần phải:

         Nâng cao nhận thức và dự báo đúng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực

         Cần đổi mới nhận thức, tăng cường tuyên truyền về đào tạo, phát triển và sử dụng nhân lực trong ngành du lịch. Thực hiện nguyên tắc sử dụng, đánh giá, đãi ngộ nhân lực phải dựa vào năng lực và hiệu quả công việc. Bảo đảm công tác đào tạo nhân lực trong ngành du lịch phải gắn với nhu cầu phát triển ngành, lĩnh vực, xã hội và thị trường lao động. Tăng cường truyền thông về đào tạo, phát triển nhân lực trong ngành du lịch thông qua các hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức của đại bộ phận xã hội về hướng nghiệp và dạy nghề du lịch.

         Trên cơ sở nâng cao nhận thức, cần dự báo đúng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch, nhằm đáp ứng đòi hỏi của du khách trong bối cảnh cạnh tranh về chất lượng, năng lực hoạt động... Theo quy hoạch phát triển nhân lực ngành du lịch thời kỳ 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22 - 07 - 2011: nhu cầu nhân lực ngành du lịch ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu phải hợp lý hơn theo yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển du lịch và xu thế phát triển khoa học, công nghệ khi nước ta hội nhập quốc tế sâu, toàn diện trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức.

         Trên cơ sở dự báo thị trường phát triển du lịch, cần định hướng cơ cấu đào tạo cho các nghề kinh doanh trong du lịch, tránh tình trạng mất cân bằng cung cầu lao động trên thị trường, tạo ra cơ cấu đồng bộ từ nhân viên phục vụ, công nhân lành nghề, đến cán bộ quản lý kinh doanh...

         Xây dựng và phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý

         Phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo du lịch đảm bảo phù hợp với sự phát triển của từng vùng, miền. Đầu tư cho những trường trực thuộc Bộ VHTTDL làm hạt nhân đào tạo nhân lực ngành du lịch ở tất cả các cấp đào tạo tại nhiều trung tâm du lịch trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, Cần Thơ… Đồng thời hình thành bộ phận đào tạo du lịch ở các trường nghề của địa phương. Khuyến khích mở những cơ sở đào tạo du lịch ở các doanh nghiệp, ngoài công lập và có vốn đầu tư của nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa các loại hình trường, lớp, trung tâm và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng du lịch. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan xây dựng quy định chuẩn trường đào tạo về du lịch. Xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo nhân lực du lịch đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu. Đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, giáo viên của các cơ sở đào tạo nghề du lịch. Đào tạo trong nước và ngoài nước cho các chuyên gia, giảng viên đầu ngành về du lịch làm việc trong các cơ quan hoạch định chính sách, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục, đào tạo. Thu hút công chức, viên chức, các nhà quản lý, doanh nhân, nghệ nhân, chuyên gia, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao… tham gia đào tạo du lịch. Đào tạo kỹ năng cho đội ngũ thẩm định viên, giám sát viên, đào tạo viên và sử dụng hiệu quả đội ngũ này trong hoạt động du lịch.

         Nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, phương pháp giảng dạy để giảng viên, giáo viên và đào tạo viên đủ khả năng giảng dạy, tự nghiên cứu, trao đổi chuyên môn với chuyên gia nước ngoài, tham gia hội nghị, hội thảo, diễn đàn trong nước và quốc tế.

         Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng nâng cao kỹ năng thực hành cho nguồn nhân lực ngành du lịch

         Tổng cục Du lịch đã đưa ra bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam làm tiêu chuẩn phục vụ cho việc giảng dạy tại các trường đào tạo ngành du lịch. Tuy nhiên, bộ tiêu chuẩn này cần áp dụng và thống nhất trong quá trình giảng dạy, phải được xem là kim chỉ nam trong đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch.

         Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch gắn với nhu cầu của doanh nghiệp phải theo hướng nâng cao kỹ năng thực hành để đạt được sự chuyên nghiệp, tiêu chuẩn mang tầm khu vực và quốc tế. Trên quan điểm đổi mới và hội nhập, trang bị khung cơ bản về chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành du lịch tương ứng với tiêu chuẩn của từng nhóm chức danh quản lý, nghiệp vụ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nhóm gián tiếp (lãnh đạo, quản lý, nhà nghiên cứu, nhà giáo…), phải có tài trong lãnh đạo, quản lý, sử dụng và biết cách định vị nguồn nhân lực; tâm trong thu phục lòng người, phát huy lòng yêu nghề, khả năng cống hiến và sáng tạo; tầm nhìn xu hướng vận động của ngành du lịch trong mối quan hệ với thế giới và hiện trạng đất nước, dự báo có kế hoạch sánh ngang, vượt đối thủ. Nhóm trực tiếp (lễ tân, phục vụ buồng, bàn, hướng dẫn viên, đầu bếp…), phải đảm bảo yêu cầu về đạo đức, kỹ năng, khả năng sáng tạo, biết vận dụng công nghệ tiên tiến phù hợp... vào công việc.

         Các cơ sở đào tạo du lịch cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi chương trình khung đào tạo chuyên ngành du lịch bậc trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học thống nhất cả nước. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức xây dựng các chương trình khung đào tạo trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề... Tham khảo, học tập kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chương trình, giáo trình môn học. Đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo du lịch các cấp đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

         Huy động các nguồn lực và điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch

         Để đáp ứng yêu cầu tăng quy mô và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho ngành du lịch cần phải tập trung huy động các nguồn lực cho đào tạo. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch.

         Cần sửa đổi và bổ sung chính sách, cơ chế xã hội hóa phát triển nhân lực ngành du lịch. Tổ chức thực hiện các văn bản đã ban hành và tiến hành rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách xã hội hóa công tác đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội. Có cơ chế, chính sách phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch trong hoạt động đào tạo, tham gia vào xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình, giáo trình đào tạo. Tạo cơ sở kiến tập, thực tập, hỗ trợ kinh phí cho người học. Chú trọng phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch trong các doanh nghiệp.

          Tập trung và sử dụng có hiệu quả kiến thức, kinh nghiệm của các nhà khoa học trong nước, nước ngoài cho phát triển nhân lực ngành du lịch. Tạo điều kiện để các thành phần trong xã hội có thể tham gia phát triển nhân lực ngành du lịch, đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, góp ý kiến cho chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch đào tạo về du lịch.

         Rà soát các chính sách đã ban hành, nghiên cứu vận dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, thủ tục hành chính, thông tin thị trường cho nhà đầu tư vào đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch.

         Việc thành công của một quốc gia hay doanh nghiệp lữ hành trong phát triển du lịch phụ thuộc nhiều vào nhân tố con người. Bởi nhân tố này là cầu nối giữa doanh nghiệp lữ hành và du khách. Họ đại diện cho doanh nghiệp trước khách hàng, đồng thời là nhân tố quan trọng để du khách quay trở lại. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực đủ tiêu chuẩn, trình độ phục vụ luôn đòi hỏi sự quan tâm và phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cấp, các ngành và toàn xã hội.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016

Tác giả : NGUYỄN SƠN HÀ

;