Đào tạo mỹ thuật ứng dụng trên thế giới và ở Việt Nam.

Bài báo nhấn mạnh quan điểm hiện tại về thiết kế (Design). Việc chỉ đáp ứng nhu cầu về mặt thẩm mỹ đơn thuần đã không còn đủ thỏa mãn trong xã hội hiện nay và đây cũng chưa phải là điều kiện đủ để đánh giá một thiết kế tốt (good design). Để cập nhật theo những thay đổi này trong đào tạo thiết kế hiện nay ở Việt Nam, rất cần một đội ngũ giảng viên có thể nắm bắt được những tư duy mới này để dẫn dắt sinh viên. Đây chính là mấu chốt để việc thay đổi chương trình và phương pháp đào tạo mang tính khả thi.

     Theo định nghĩa của Từ điển nghệ thuật Oxford mỹ thuật ứng dụng là sự ứng dụng của thiết kế và trang trí vào các vật thể thường ngày để làm cho chúng dễ chịu về mặt thẩm mỹ (1).     

     Đúng như vậy, từ cuộc cách mạng công nghiệp giữa TK XIX, các phong trào nghệ thuật thủ công đã lần lượt ra đời, đả kích sự trang trí tầm thường của các sản phẩm sản xuất hàng loạt và muốn mang lại vẻ đẹp cho các sản phẩm sử dụng hằng ngày. Từ Art Nouve ở Pháp cho đến các phong trào khác ở Đức, Anh, Tây Ban Nha… tất cả đều đề cao vẻ đẹp tạo hình. Yếu tố thẩm mỹ ở sản phẩm được đẩy lên mức tối đa, đôi khi bất chấp cả vấn đề giá thành và công năng sử dụng. Nhiều sản phẩm gia dụng và đồ nội thất trong thời kỳ này đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mà người ta mua về chủ yếu để trang trí như đồ nội thất, vải, đồ dùng nhà bếp và ăn uống, đèn... Công năng sử dụng trở nên mờ nhạt hơn so với vẻ đẹp hình dáng, thậm chí có trường hợp trở nên thứ yếu.

     Trải qua nhiều giai đoạn phát triển cho đến nay, các ngành nghề về thiết kế ngày càng được mở rộng và phát triển sâu về cả triết lý lẫn vai trò tác động của nó đối với xã hội đương đại. Nếu trước đây khái niệm về design đồng nghĩa với một công việc cụ thể, thiết kế một sản phẩm nắm bắt được, thì giờ đây design là một quy trình, một kế hoạch, có thể liên quan đến những sản phẩm vô hình như chương trình, dịch vụ, hình thức quảng cáo… Một số định nghĩa mới của design được tạm dịch như sau:

     Thiết kế là việc sáng tạo ra một sơ đồ hoặc quy tắc để tạo dựng nên một vật thể hoặc một hệ thống (2).

     Thiết kế cần xem xét đến mặt thẩm mỹ, công năng, tính kinh tế và chính trị, xã hội của cả vật thể thiết kế và quy trình thiết kế (3).

     Thiết kế là một bản đồ chỉ dẫn hay một chiến lược cho một người để đạt được một sự mong đợi đặc biệt. Nó xác định các chi tiết kỹ thuật, sơ đồ bố trí, thông số, chi phí, hoạt động, quy trình và cách thức tiến hành trong các giới hạn về kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường cho phép (4).

     Nhiệm vụ của một nhà thiết kế giờ đây trở nên ngày càng khó khăn. Bối cảnh hiện nay không cho phép họ được tự do bay bổng theo những giấc mơ lãng mạn, xa hoa như thời kỳ Art Nouve. Để có được một mẫu thiết kế ra đời, người thiết kế buộc phải sáng tạo trong những điều kiện và sức ép từ nhiều bên liên quan, như người tiêu dùng, nhà sản xuất, người bán hàng, nhà đầu tư, trách nhiệm đối với xã hội và môi trường, chưa tính đến những cạnh tranh khốc liệt trên thị trường hàng hóa mà dần dần, cung đã nhiều hơn cầu.

     Việc chỉ đáp ứng nhu cầu về mặt thẩm mỹ đơn thuần giờ đây chỉ còn là một điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ trong việc đánh giá một thiết kế tốt hiện nay. Cách gọi thiết kế tốt, chứ không phải thiết kế đẹp, cũng đã phần nào phản ánh được quan điểm của xã hội đương đại về thiết kế. Một ví dụ về giải thưởng Good Design của Nhật Bản, được tổ chức từ 1957 đến nay, với 5 quy tắc đánh giá: tính nhân văn, tính thực tế (phù hợp với bản chất của xã hội hiện đại), tính đổi mới (hướng về tương lai), tính thẩm mỹ (làm giàu cuộc sống và văn hóa) và tính đạo đức (ý nghĩa đối với xã hội và môi trường) (5).

     Cùng với sự phát triển của xã hội và mức sống ngày càng nâng cao, nhu cầu của con người cũng dần thay đổi theo các nấc thang được mô tả trong tháp nhu cầu của Maslow (Maslow Hierarchy of Needs) (6). Các phong trào thiết kế trên thế giới xuất hiện, đáp ứng đúng theo các giai đoạn thay đổi về nhu cầu của người tiêu dùng. Bắt đầu từ những thời kỳ khó khăn sau chiến tranh, mọi người chỉ cần có hàng hóa để sử dụng đáp ứng những nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Khi đã có đủ dùng, họ bắt đầu đòi hỏi hơn về các chi tiết thẩm mỹ, độ bền, công năng... Đến một giai đoạn, khi vật liệu bắt đầu khan hiếm, việc mở rộng toàn cầu hóa làm cho giá thành trở thành một yếu tố cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp nhằm lôi kéo khách hàng. Giờ đây, khi nền sản xuất đã bùng nổ, hàng hóa trên thị trường thừa mứa, ngập tràn, mức sống của con người ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần, các yếu tố thẩm mỹ, giá cả, công năng… nhiều khi không còn mang tính quyết định nữa, vì những cái đó đã trở thành mức chất lượng cơ bản của mỗi sản phẩm khi ra đời, gần như một sự đương nhiên. Cái làm cho người tiêu dùng quyết định lựa chọn khi mua một sản phẩm sẽ là những yếu tố tác động đến cảm xúc, các giá trị cộng và những ý nghĩa phía sau sản phẩm đó (7).

     Một thiết kế đương đại ra đời không còn chỉ là đáp ứng các nhu cầu về vật chất mà cả những nhu cầu về tinh thần. Những sản phẩm chỉ đẹp một cách thụ động giờ đây không còn sự thu hút nữa, hoặc chỉ là sự thu hút nhất thời, sẽ qua đi rất nhanh theo thời gian và theo những ảnh hưởng của xu hướng xã hội, xu hướng thời trang. Cảm thụ về thẩm mỹ cũng bị thay đổi và tác động bởi nhiều yếu tố và quan điểm thiết kế khác nhau. Trong một số xu hướng thiết kế và nghệ thuật đương đại, thẩm mỹ về mặt ngoại hình của sản phẩm hoặc tác phẩm không phải là vấn đề ưu tiên, mà thông điệp hoặc ý nghĩa của thiết kế là yếu tố chính, thẩm mỹ là cái đi theo sau bổ trợ, hoặc thậm chí trong một số trường hợp, thẩm mỹ lại được nhìn theo một góc độ hoàn toàn khác, gây nhiều tranh cãi vì khác với các tiêu chuẩn, nhận thức về thẩm mỹ truyền thống.

     Có người tranh luận rằng, trong trường hợp này, thẩm mỹ không nên được nhìn như một giá trị bề ngoài, mà đó còn là giá trị bên trong, hay có thể gọi là vẻ đẹp nội hàm của thiết kế/ tác phẩm. Giải thích theo một cách khác, vẻ đẹp của một thiết kế/ tác phẩm không nằm ở ngoại hình của thiết kế/ tác phẩm đó mà ở cái đẹp tinh thần nó đem lại hoặc gợi lên trong chính bản thân con người tiếp xúc với nó.

Có thể thấy, yêu cầu đối với một thiết kế trong thế giới hiện nay ngày càng khó khăn hơn, đòi hỏi ở người thiết kế khả năng nghiên cứu và nhìn nhận từ nhiều góc độ hơn. Và để đạt được những giải pháp hiệu quả, trong nhiều trường hợp, việc vận dụng các kiến thức liên ngành là một điều phải xảy ra. Các công cụ cho một nhà thiết kế giờ đây không chỉ giới hạn trong các yếu tố của nghệ thuật thị giác như trước kia, mà còn mở rộng linh hoạt sang các yếu tố về xúc giác, thính giác, khứu giác… và cả những loại hình nghệ thuật khác. Biên giới giữa các loại hình nghệ thuật và thiết kế đã dần bị xóa nhòa đi. Nói cho cùng, điều cần thiết nhất vẫn là những giải pháp hiệu quả và có ý nghĩa. Đi cùng xu hướng đó, có những trường đào tạo thiết kế ở châu Âu, ví dụ như trường Design Academy Eindhoven, một trong 20 trường đào tạo thiết kế và nghệ thuật hàng đầu trên thế giới, đã không còn phân chia chương trình đào tạo và các khoa theo tên gọi của các lĩnh vực thiết kế như thiết kế công nghiệp, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất… mà phân chia theo các khía cạnh tương tác với con người và môi trường.

     Trong bối cảnh xã hội như vậy, hãy cùng nhìn lại vấn đề đào tạo thiết kế hiện nay ở Việt Nam đang ở giai đoạn nào so với sự phát triển của thế giới và chúng ta sẽ phải thay đổi như thế nào. Hầu hết các chương trình giảng dạy cử nhân về thiết kế ở các trường đại học tại Việt Nam đều học hỏi theo chương trình của Đức và Pháp từ nhiều thập kỷ trước. Nội dung giảng dạy tập trung rất lớn về việc rèn luyện khả năng tạo hình của nghệ thuật thị giác. Không thể chối cãi rằng đây cũng chính là những điểm mạnh của chương trình. Tuy nhiên, trong yêu cầu của xã hội hiện nay, như đã phân tích ở trên, để thành công, ngoài khả năng thẩm mỹ trong tạo hình, bố cục, màu sắc, một người thiết kế còn cần các kỹ năng nghiên cứu về văn hóa, tâm lý người tiêu dùng, phân tích thông tin và xu hướng thị trường, khả năng nắm bắt các vấn đề xã hội và môi trường, kỹ năng tìm giải pháp và giải quyết vấn đề bằng tư duy liên ngành…          

     Nhưng thử nhìn lại xem có bao nhiêu cơ sở đào tạo thiết kế hiện nay ở Việt Nam đã cập nhật những nội dung này vào chương trình giảng dạy của mình. Đây cũng chính là một trong những lý do vì sao các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu ở Việt Nam rất khó sử dụng các thiết kế từ đội ngũ sinh viên mới ra trường. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu hoàn toàn chỉ sử dụng thiết kế nước ngoài hoặc thuê nhân sự thiết kế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến. Trong một cuộc khảo sát các doanh nghiệp từ Hiệp hội đồ gỗ và mỹ nghệ TP.HCM (HAWA) thực hiện vào năm 2014, một số doanh nghiệp đã phản ánh rằng sinh viên thiết kế ở Việt Nam hầu hết không nắm đúng xu hướng thị trường, thiếu khả năng nắm bắt về phong cách sống và văn hóa của người sử dụng cuối. Đó cũng chỉ là một phần hệ quả của các vấn đề tồn tại trong chương trình đào tạo thiết kế tại Việt Nam hiện nay.

     Để có được một chương trình đào tạo cập nhật không phải là điều quá khó trong thời đại công nghệ thông tin phổ cập đại trà và quan hệ quốc tế rộng mở như hiện nay. Nhiều cơ sở đào tạo có thể sẵn sàng mua lại chương trình từ các trường có uy tín trên thế giới. Tuy nhiên, khi đã có máy móc mới, người vận hành nó cũng cần thấu hiểu và thao tác đúng cách thì mới hiệu quả. Chương trình hay cũng vẫn cần một đội ngũ giảng viên có thể nắm bắt được tư duy mới để truyền tải một cách đúng phương pháp đến sinh viên. Đây chính là vấn đề mấu chốt để việc thay đổi chương trình và phương pháp đào tạo có khả thi hay không.

     Nói tóm lại, để giải quyết các bất cập và khập khiễng giữa đào tạo thiết kế và thực tế nhu cầu xã hội hiện nay tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, việc thay đổi tư duy và nhận thức về thiết kế và cập nhật các yếu tố mới trong xây dựng chương trình đào tạo là điều không thể không làm. Trong một tương lai không xa, khi các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (Mutual Recognition Arrangements - MRAs) giữa các nước ASEAN được ký (hiện tại đã có ngành nghề được ký thỏa thuận), lao động qua đào tạo sẽ được di chuyển tự do để làm việc giữa các nước. Đây là thời điểm mà nếu các cơ sở đào tạo của Việt Nam không mạnh dạn chuyển mình thì sinh viên Việt Nam khi ra trường sẽ gặp phải những khó khăn và cạnh tranh rất lớn từ nhân lực từ các nước láng giềng như Thái Lan, Philippines, Singapore… ngay trên chính thị trường nội địa.

______________

1. Nguyên văn: “The applied arts are the application of design and decoration to everyday objects to make them aesthetically pleasing”, The Oxford Dictionary of Art, Online edition, Oxford University Press, 2004, oxfordreference.com.

2. Nguyên văn: “Design is the creation of a plan or convention for the construction of an object or a system”, The Cambridge Dictionary of American English.

3. Nguyên văn: “Designing often necessitates considering the aesthetic, functional, economic and sociopolitical dimensions of both the design object and design process”. Brinkkemper, S., Method engineering: engineering of information systems development methods and tools. Information and Software Technology, 1996, p.38.

4. Nguyên văn:Design is a roadmap or a strategic approach for someone to achieve a unique expectation. It defines the specifications, plans, parameters, costs, activities, processes and how and what to do within legal, political, social, environmental, safety and economic constraints in achieving that objective”, [4] Don Kumaragamage, Y. (2011), Design Manual, Vol 1.

5. About good design award, thông tin về giải thưởng này, trên trang tin trực tuyến của Ban tổ chức: g-mark.org, ngày 19-1-2019.

6. Maslow, A.H., A theory of human motivation, Psychological Review 50 (vol.4), 1943, pp. 370-96.

7. Steve Diller, Nathan Shedroff, and Darrel Rhea, Making Meaning: How Successful Businesses Deliver Meaningful Customer Experiences, New Riders Publisher, 2005.

Tác giả: Ngô Thị Thu Trang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

;