Hơn 50 năm gắn bó với điện ảnh, đạo diễn, NSND Vũ Lệ Mỹ đã làm đạo diễn hơn 40 bộ phim tài liệu, khoa học và đã nhận gần 20 giải thưởng trong và ngoài nước. Nhưng nói đến bà là nói đến hai bộ phim đã làm nên tên tuổi và dấu ấn cho phim tài liệu, khoa học Việt Nam.
NSND Vũ Lệ Mỹ với giải Nhất bộ phim Vì cuộc sống bình yên trong LHPQT tại Brazil
Làm nhiều phim nhưng có một mảng đề tài thường trở đi, trở lại trong các bộ phim của NSND Vũ Lệ Mỹ. Đó là những phim làm về nỗi đau con người. Nỗi đau đó có thể do chiến tranh, do bom mìn hay bệnh tật đem lại. Chia sẻ về lý do chọn đề tài, bà cho biết: Nhiều người từng hỏi tại sao tôi lại say sưa với những đề tài “gai góc” như vậy? Tôi đã trả lời: Đơn giản vì tôi là một người mẹ. Tôi thấu hiểu nỗi đau của những bà mẹ có con bị nhiễm chất độc da cam và những trẻ em vô tội phải chết hoặc đui mù, què quặt vì bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Xuất phát từ tâm thế ấy mà các phim của bà đều trĩu nặng tình thương, với những hình ảnh liên quan đến nỗi đau con người, đặc biệt là trẻ em. Bà chia sẻ: Dân gian thường nói có đứa con như có mặt trời ở trong nhà. Thế mà “mặt trời” đó lại bệnh hoạn, không hoàn thiện thì ngôi nhà đó không thể sáng, mà lòng người mẹ cũng đau đớn từng khúc.
Hàng loạt kịch bản, bộ phim đã bắt nguồn từ những nỗi đau như thế, đặc biệt là hai bộ phim Nơi chiến tranh đã đi qua và Vì cuộc sống bình yên. Đây cũng là hai mốc son trong cuộc đời làm phim của bà. Kịch bản ban đầu của Nơi chiến tranh đã đi qua có tên Nỗi đau sau cuộc chiến nói về vùng đất Quảng Trị và những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam đang được các tổ chức từ thiện quốc tế tài trợ phục hồi chức năng. Ngay từ khi mới chào đời các em đã bị tước đi quyền sống, quyền làm người bởi tác hại, di chứng của chất độc mầu da cam khiến thân thể dị dạng, méo mó... Không chỉ có 5 hay 7 em mà nhiều lắm, đến đâu cũng gặp những hình ảnh xót xa, đau lòng và hầu hết rơi vào hoàn cảnh gia đình nghèo khó.
Phim Nơi chiến tranh đã đi qua
Khi Nỗi đau sau cuộc chiến đã làm xong, đã được hãng và hội đồng phim quốc gia duyệt nhưng những hình ảnh thương tâm ấy cứ lẩn quất, và bản thân đạo diễn cũng chưa thực sự cảm thấy hài lòng với đứa con tinh thần ấy. Điều làm bà trăn trở nhất là phim chưa nêu bật được vấn đề, chưa có điểm nhấn, chưa khắc họa được dấu ấn cho người xem.
Những suy nghĩ ấy cứ trở đi trở lại và khi được tác giả kịch bản là NSND Lương Đức ủng hộ, cả biên kịch và đạo diễn đã cùng đến Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tìm hiểu. Cuộc gặp với GS Hoàng Đình Cầu - người cũng đang nghiên cứu về vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam đã mang lại cho êkip nhiều tư liệu quý. Đặc biệt, ông đã cho êkip làm phim xem cuốn sách Cha và Con của một đô đốc hải quân Mỹ viết về chính ông và đồng đội khi đã từng chiến đấu trong quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Chiến tranh kết thúc, họ trở về, sinh con đẻ cái cũng bị dị dạng, quái thai do nhiễm chất độc da cam. Các cựu binh Mỹ đã đấu tranh đòi Chính phủ Mỹ bồi thường cho con cái họ. NSND Vũ Lệ Mỹ chia sẻ: Những ý nghĩ ấy một lần nữa cứ canh cánh trong lòng, thúc giục tôi phải làm gì để vạch trần tội ác chiến tranh của Chính phủ Mỹ ở Việt Nam. Đặc biệt là loại chất độc màu da cam để đồng bào cả nước và nhân dân toàn thế giới hiểu được tác hại của chúng. Đồng thời kêu gọi những người có lương tri trên toàn thế giới cùng chung tay giúp đỡ cho những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam. Nhưng vấn đề là phim Nỗi đau sau cuộc chiến sản xuất rồi, tiền đâu và ai cho đi quay bổ sung? Sau khi bàn bạc, cả bà và NSND Lương Đức thấy chỉ có một cách duy nhất là viết một kịch bản mới, gửi sang đài truyền hình xin làm phim để có điều kiện kết hợp quay bổ sung thêm tư liệu, hình ảnh cho bộ phim đã quay xong. Trong thời gian quay bộ phim Số phận người lính cho đài truyền hình êkip đã kết hợp đi lùng, tìm bổ sung thêm những cảnh phim tư liệu mới, làm dầy dặn hơn cho bộ phim. Với những tư liệu, hình ảnh được bổ sung thêm, phim cũng được đổi tên từ Nỗi đau sau cuộc chiến thành Nơi chiến tranh đã đi qua để nêu bật chủ đề của bộ phim.
Lần quay Nơi chiến tranh đã đi qua tại nhà vợ chồng anh Lớp, một cựu binh bị di chứng chất độc da cam làm mù cả hai mắt ở tỉnh Thái Bình, êkip phải làm việc đến hơn 12 giờ trưa mới xong. Anh em đã dọn dẹp, đóng máy. Ra khỏi cổng, bỗng bà sực nhớ mình bỏ quên cuốn vở ghi chép trong nhà. Vội quay laị, bà thấy vợ chồng anh Lớp đang ngồi ăn cơm. Trên mâm chỉ có duy nhất một bát canh rau nấu với muối, đặt chỏng chơ giữa mâm gỗ cũ đã sờn xung quanh. Bà vội chạy đuổi theo mọi người và yêu cầu đoàn quay tiếp cảnh bữa cơm của vợ chồng anh Lớp. Người cựu chiến binh ấy khi xuất ngũ, còn rất trẻ, khỏe, đẹp trai nhưng năm tháng trôi đi, mắt anh cứ mờ dần, rồi không nhìn thấy gì nữa. Chính chất độc màu da cam anh nhiễm ở chiến trường miền Nam Việt Nam đã khiến vợ anh chín lần chửa, không một lần đẻ khi chỉ được bốn, năm tháng, thai lại chết lưu trong bụng… Giờ nói về con cái, chị chỉ biết khóc.
Khi trình chiếu bộ phim Nơi chiến tranh đã đi qua tại LHP Quốc tế tổ chức ở CHLB Đức cả hội trường im phăng phắc, chỉ nghe thấy tiếng thổn thức, nghẹn ngào vọng lại. Vài phút sau, tiếng vỗ tay mới rầm rầm vang lên. Phim đã được ban tổ chức LHP tặng giải Nhất cho thể loại phim ngắn. Ông Sato Tadao Chủ tịch Ban giám khảo LHP Môi trường toàn cầu trong lễ trao giải Nhì cho bộ phim Nơi chiến tranh đã đi qua tại Tokyo - Nhật Bản năm 2001 nhận xét: “Chị đã làm phim bằng cả tấm lòng”.
Ngoài phim Nơi chiến tranh đã đi qua, một bộ phim khác là Vì cuộc sống bình yên cũng mang lại cho bà nhiều giải thưởng danh giá, sự ngưỡng mộ của đồng nghiệp. NSND Vũ Lệ Mỹ nhớ lại: Trong lúc quay phim chất độc da cam ở Quảng Trị, tôi đã có ý tưởng làm bộ phim Vì cuộc sống bình yên. Ý tưởng về bộ phim xuất hiện khi trên đường tôi bắt gặp rất nhiều người dân đi đào bới bom mìn còn sót lại. Có người dùng máy rà mìn tự chế, tìm sắt vụn và cả những quả bom, đạn, chưa nổ để bán lấy tiền đong gạo nuôi gia đình. Nhiều người đang tháo kíp nổ hoặc đang cưa bom thì chúng phát nổ. Có người đã chết và không ít những người còn sống nhưng lại bị cụt chân, cụt tay, mù lòa suốt đời.
Nguy hiểm là vậy, nhưng không hiểu sao lúc đó chúng tôi cứ lần tìm và nghĩ cách thể hiện, lia máy quay từ quả bom nọ sang quả bom kia hoặc dùng chân của mình để lần tìm trong đám cỏ cây và thấy còn nhiều đạn, bom nằm ẩn mình trong đó. Tất cả chỉ mong muốn minh chứng qua tác phẩm nhằm giúp mọi người hiểu và phòng tránh tác hại của bom mìn.
Phim Vì cuộc sống bình yên
Tại LHP quốc tế Fica - III, bộ phim tài liệu Vì cuộc sống bình yên, giành giải phim ngắn xuất sắc nhất kèm theo một cây Bon sai bằng đồng, nặng tới 10kg. Hai bộ phim Nơi chiến tranh đã đi qua và Vì cuộc sống bình yên đã được chiếu tại nhiều bang ở nước Mỹ và chiếu cho nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ điện ảnh, truyền hình của Mỹ, tới thăm và làm việc tại Việt Nam. Ủy ban hình ảnh trái đất, cơ quan tổ chức LHP Môi trường toàn cầu Tokyo Nhật Bản đã lựa chọn bộ phim Vì cuộc sống bình yên vào danh sách những bộ phim hay nhất được sản xuất từ 1992 - 1999. Họ đã làm bản thuyết minh tiếng Nhật cả hai bộ phim để chiếu rộng rãi tại Nhật và một số nước châu Á từ năm 2000 đến 2004, không mang tính lợi nhuận.
Bộ phim Nơi chiến tranh đã đi qua còn được Ủy ban bảo vệ trẻ em làm phụ đề tiếng Pháp, tiếng Anh để chiếu ở các hội nghị trong nước cũng như quốc tế, tuyên truyền gây quỹ, ủng hộ trẻ em nghèo khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đồng thời Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã in hàng trăm băng VHS phim Nơi chiến tranh đã đi qua để chiếu và tặng các đại biểu dự hội nghị quốc tế về chất độc da cam, lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam năm 1997. Hội hữu nghị Đức-Việt và Hội Việt kiều ở Pháp đã xin phụ đề tiếng Đức, tiếng Pháp cả hai bộ phim chiếu nhiều năm liền ở các thành phố ở Đức và Pháp để gây quỹ giúp trẻ em khuyết tật và trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam. Có thể nói hai bộ phim cũng giúp khán giả thế giới tiếp cận với hai vấn đề nóng hổi sau chiến tranh ở Việt Nam. Đó là chất độc mầu da cam tàn phá con người và bom mìn sót lại sau cuộc chiến đang ảnh hưởng đến người dân tại nhiều vùng quê.
Ở tuổi ngoài 80, NSND, đạo diễn Vũ Lệ Mỹ vẫn cùng êkip rong ruổi làm phim cho các đài truyền hình, các tổ chức nghề nghiệp. Nhưng nói đến bà, người trong ngành và khán giả vẫn luôn nhớ tới hai bộ phim đã làm nên tên tuổi cũng như khắc họa rõ nét nhất tâm thế, quan điểm của bà trong sáng tác.
HÀ PHƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 529, tháng 3-2023