Các nhà trường quân đội (NTQĐ) vừa mang đặc điểm chung của hệ thống giáo dục quốc dân trên cả nước, vừa mang những đặc trưng riêng về tính chất đặc thù ngành quân sự. Theo đó, văn hóa thẩm mỹ (VHTM) trong NTQĐ luôn gắn bó sâu sắc, hòa quyện với tổng thể giá trị VHTM của dân tộc, luôn được tích hợp thành hệ giá trị mang đặc trưng riêng của môi trường sư phạm quân sự. Với đặc thù của môi trường quân đội, VHTM phản ánh những hoạt động thẩm mỹ mang đặc trưng riêng, gắn liền với nhiệm vụ giáo dục, đào tạo.
1. Tính ưu trội của các giá trị VHTM ở NTQĐ
Trong nền VHTM mang đậm bản sắc Việt Nam, không thể không nói tới VHTM trong quân đội và NTQĐ. Các loại hình thẩm mỹ chi phối đời sống quân sự được phản ánh trong nghệ thuật, đời sống tinh thần, biểu hiện rõ sức sống của VHTM trong các nhà trường. NTQĐ không chỉ đơn thuần là nơi diễn ra các quan hệ thẩm mỹ đặc thù quân sự như luyện tập kỹ thuật, chiến thuật quân sự... mà còn là nơi diễn ra các quan hệ thẩm mỹ cao đẹp.
Trước tiên, có thể thấy tính ưu trội của các giá trị VHTM được kết tinh từ môi trường sư phạm quân sự phản ánh trực tiếp trong mối quan hệ thẩm mỹ giữa thày và trò. NTQĐ là nơi diễn ra các quan hệ thẩm mỹ và hoạt động sư phạm nhằm đào luyện quân nhân đáp ứng mục tiêu, yêu cầu giáo dục, đào tạo. Do đó, mối quan hệ thẩm mỹ của thày và trò trong môi trường sư phạm quân sự mang đậm tính giáo dục và hướng đến phát triển, toàn diện nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Mối quan hệ thẩm mỹ giữa hai chủ thể chính còn mang ý nghĩa tình đồng chí, đồng đội, cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ với chiến sĩ thể hiện sâu sắc tình đồng chí, đồng đội. Mối quan hệ thẩm mỹ này được đo bằng trình độ phát triển của dân chủ, tương thân, tương ái và biểu trưng hóa theo quy luật cái đẹp, là bản thân cái đẹp của các quan hệ người, đồng thời là nhân tố chủ yếu tạo nên môi trường giáo dục thuận lợi cho sự hình thành, phát triển nhân cách của cả giảng viên và học viên. Nét đẹp trong quan hệ thày, trò trở thành một thuộc tính mới, nhân cách thẩm mỹ mang đặc thù quân đội, luôn lấy chủ nghĩa yêu nước, quốc tế, việc bảo vệ nền độc lập dân tộc làm đại nghĩa, lấy tình đồng chí, đồng đội làm nền tảng. Nét đẹp trong mối quan hệ này đã trở thành những giá trị VHTM, có sức lan tỏa, tác động vào đời sống học viên. Các quan hệ thẩm mỹ quân sự hình thành mối liên hệ bền chặt giữa học viên với giảng viên, học viên với nhau trên cơ sở hiểu biết, tôn trọng, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, học tập, công tác. Nét đẹp này còn giúp học viên thêm động lực để khám phá và sáng tạo thẩm mỹ. Như vậy, nét đẹp trong mối quan hệ ứng xử thẩm mỹ giữa thày và trò trong các NTQĐ đã trở thành một đặc trưng nổi trội, một sức mạnh mà “các hình thái ý thức xã hội khác không thể có được” (1).
Hai là, tính ưu trội của VHTM trong NTQĐ còn thể hiện trong rèn luyện kỷ luật, xây dựng nếp sống chính quy. Kỷ quân đội luật mang tính bắt buộc, nhưng về bản chất là sự thống nhất giữa hai mặt tự giác và nghiêm minh. Các học viên tiếp nhận, thực hiện một cách tự nguyện, tự giác, coi đó là chức trách, nghĩa vụ, nhu cầu và trở thành nếp sống thẩm mỹ của từng cá nhân trong tập thể quân nhân. Nói cách khác, chính quy và VHTM có sự thống nhất chặt chẽ, trong đó VHTM là tiền đề, là cội nguồn để tạo dựng sự chính quy, tự giác của cán bộ, giảng viên, học viên. Việc thực hiện chính quy trong các NTQĐ vừa là yêu cầu tất yếu để nâng cao sức chiến đấu của quân đội, đồng thời cũng là thực hiện, xây dựng giá trị VHTM quân sự. Đó chính là cái đẹp của sự thống nhất, cân đối, mạnh mẽ, khỏe khoắn, có tác dụng nâng cao năng lực thẩm mỹ, xây dựng nhân cách, động viên mọi cán bộ, giảng viên, học viên luôn vươn lên trong học tập, rèn luyện, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đúng như Bác Hồ đã khẳng định: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm” (2). Việc chấp hành điều lệnh, kỷ luật tự giác, nghiêm minh của học viên trong NTQĐ đã góp phần đào luyện ra những chủ thể thẩm mỹ, giỏi về chuyên môn, có đức có tài, có tình cảm, thị hiếu tốt, có lý tưởng trong sáng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động quân sự hiện nay. Đồng thời, sẽ giúp học viên hấp thụ, thẩm thấu, chuyển hóa thành các giá trị nhân cách, hình thành niềm tin, lý tưởng, lẽ sống, tạo động lực thôi thúc mỗi học viên tu dưỡng rèn luyện, phấn đấu vươn lên. Qua đó hình thành ở họ các nhu cầu, thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ lành mạnh. Chính kỷ luật quân đội đã hình thành nhân cách và điều chỉnh hành vi của mỗi học viên, hướng họ tới hệ giá trị chân - thiện - mỹ. Ngược lại, nhân cách, ý thức, năng lực, tình cảm thẩm mỹ của mỗi học viên sẽ là cơ sở để chấp hành và thực hiện nghiêm kỷ luật quân đội; thúc đẩy, định hướng hành vi của mình phù hợp yêu cầu của kỷ luật quân đội. Khi học viên biết tôn trọng và tuân thủ các chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ của xã hội thì đó sẽ là điều kiện tốt để họ chấp hành pháp luật của nhà nước và kỷ luật quân đội, ra sức vươn lên trong rèn luyện, học tập, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý và giữ nghiêm kỷ luật.
Ba là, các giá trị VHTM trong NTQĐ luôn vận động và phát triển mạnh mẽ, làm tăng trưởng cái tốt, cái đẹp, tính tự chủ, tự giác, hình thành lý tưởng, ý chí thẩm mỹ, xây dựng nhân cách tốt đẹp. Những giá trị VHTM này đã và đang đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nâng cao đời sống VHTM cho cán bộ, giảng viên, học viên, gắn kết từng cá nhân với tập thể, xây dựng nhân cách, lối sống lành mạnh, văn minh; phát huy năng lực sáng tạo, thúc đẩy mỗi học viên thường xuyên phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động và rèn luyện. Từ đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm của nhà trường và quân đội, giúp học viên xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, gắn bó với sự nghiệp xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, VHTM trong NTQĐ đã tạo ra những giá trị chung với tính cách là một môi trường thẩm mỹ rộng lớn, đậm đặc tình cảm, lý trí và cảm xúc của con người quân sự; cái đẹp, cái cao cả, sự hoàn thiện, hoàn mỹ sẽ đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo của cán bộ, giảng viên, học viên. Muốn tạo nên một cộng đồng quân sự tốt đẹp trong NTQĐ cần phải tạo nên môi trường VHTM lành mạnh, phong phú. Phải chuyển được mục tiêu của sự nghiệp văn hóa, xây dựng con người vào xây dựng môi trường, nếp sống VHTM quân sự trong từng môi trường cụ thể như nhà trường, tập thể quân nhân... Trong đó, sự kiến tạo các quan hệ văn hóa mới sẽ tạo ra hệ giá trị VHTM ưu trội thúc đẩy các quan hệ hài hòa trong xã hội, giữa vật chất và tinh thần, giữa truyền thống và hiện đại.
2. Tính đồng thuận giữa VHTM và môi trường giáo dục, đào tạo trong NTQĐ
Sự đồng thuận giữa VHTM và môi trường giáo dục, đào tạo trong NTQĐ luôn biểu hiện ở mức độ cao nhất, tạo ra sự thống nhất phát triển giữa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… vì mục tiêu xây dựng con người quân sự và xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đây còn là điều kiện khách quan cho sự tồn tại, ổn định, phát triển bền vững của các nhà trường, đồng thời là phương thức tập hợp lực lượng giáo dục, đào tạo hữu hiệu nhất của quân đội và xã hội. Bởi yếu tố con người giữ vai trò quyết định đến sức mạnh chiến đấu của quân đội, song đó phải là con người có văn hóa, trình độ thẩm mỹ, ý thức tổ chức kỷ luật. Do đó, sự đồng thuận đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định, phát triển con người và các tổ chức trong NTQĐ. Trong môi trường sư phạm quân sự, VHTM luôn luôn là chất xúc tác tạo ra sự đồng thuận trong tất cả các mối quan hệ và các hoạt động giáo dục, đào tạo. Học viên trong NTQĐ với tư cách là một thực thể văn hóa được rèn luyện và học tập trong một môi trường thẩm mỹ có tính kỷ luật cao, sẽ có khả năng nhận thức tốt hơn, có điều kiện để tư duy khoa học và sáng tạo nhiều hơn. Nói cách khác, NTQĐ luôn “là một trường học chiến đấu, dạy cho người ta tinh thần yêu nước, ý thức công dân, lòng trung thành với tổ quốc” (3). NTQĐ là nơi giáo dục cho học viên cảm nhận cái đẹp, vững mạnh tinh nhuệ về chính trị, tư tưởng, phát triển những năng lực còn tiềm ẩn...; dám đấu tranh xóa bỏ cái cũ, lạc hậu, xây dựng khát vọng mạnh mẽ về cái đẹp, cái hoàn thiện. Sự đồng thuận giữa VHTM và chương trình giáo dục, đào tạo trong NTQĐ đã tạo ra sự phát triển hài hòa giữa con người và tổ chức quân sự, tạo ra một môi trường thuận lợi để học viên học tập, tu dưỡng, rèn luyện. Trong môi trường VHTM đó, cái đúng, cái tốt, cái đẹp được sản sinh, thúc đẩy học viên luôn ra sức tìm tòi, sáng tạo. Những mặt tích cực của các cá nhân ảnh hưởng lẫn nhau, lai tạo thành những giá trị VHTM mới, làm cho thị hiếu của học viên thêm lành mạnh, lý tưởng thẩm mỹ thêm phong phú, trình độ thẩm mỹ phát triển cao hơn, tạo nên sức sống mãnh liệt, khát vọng cống hiến, sống say mê hơn, phát huy hết tài năng sáng tạo phục vụ quân đội và đất nước. Các hoạt động giáo dục, đào tạo trong NTQĐ luôn hướng giá trị VHTM vào mục tiêu xây dựng con người, trang bị cho học viên những kiến thức thẩm mỹ tiến bộ, xây dựng toàn bộ hệ thống năng lực thẩm mỹ từ tình cảm, đến lý trí thẩm mỹ. Hình thành ở họ tri giác cảm xúc tinh nhạy, làm cơ sở cho sự rung cảm trước cái đẹp, làm bệ phóng cho sáng tạo trong học tập, rèn luyện; giúp các học viên sống có lý tưởng, hoài bão, ước mơ. Khi học viên có được tri thức, tình cảm, năng lực, lý tưởng thẩm mỹ họ sẽ trở thành những con người văn hóa, biết phát huy khả năng sáng tạo thẩm mỹ, xây dựng quân đội, xã hội đậm tính nhân văn trong thời đại văn minh trí tuệ.
VHTM với tư cách là sự tổng hòa các giá trị bản chất người, có vai trò cực kỳ quan trọng trong xây dựng con người quân sự một cách trực triếp, toàn diện. Đặc biệt, nó tạo ra tất cả các điều kiện để nuôi dưỡng, vun đắp phát triển nhân cách, năng lực thẩm mỹ, năng lực sáng tạo của các học viên; phát huy tính độc lập, sáng tạo, kế thừa những giá trị thẩm mỹ tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu những thành tựu trí tuệ của nhân loại, nâng cao năng lực thẩm mỹ và khả năng sáng tạo đang tiềm ẩn, hoàn thiện ở họ năng lực tư duy. Có thể coi đây là “bí quyết phát triển con người toàn diện” (4), hình thành ở học viên khả năng cảm nhận, suy ngẫm và tự rút ra cho mình những tư tưởng từ hình tượng thẩm mỹ, chi tiết của đời sống thẩm mỹ quân sự liên quan đến những kiến thức, những kinh nghiệm, những dự định tương lai cho mình. Khi đó, học viên sẽ luôn tìm tòi, khám phá những tri thức quân sự, giá trị thẩm mỹ mới, làm phong phú kho tàng tri thức của bản thân. VHTM trong NTQĐ đã tạo ra phương thức thúc đẩy các chủ thể thẩm mỹ vươn tới cái hoàn thiện, tác động đến vùng cảm xúc tinh tế và sâu kín nhất của tâm hồn, đánh thức những năng lực tiềm ẩn biến chúng thành những giá trị thẩm mỹ, phẩm chất đạo đức trong nhân cách quân nhân. Như vậy, sự đồng thuận giữa VHTM và môi trường giáo dục, đào tạo trong NTQĐ đã chuyển đổi, hoán cải sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất trong hoạt động dạy và học của cán bộ, giảng viên, học viên.
3. Tính nghiêm cách về truyền giá trị VHTM trong NTQĐ theo các quan hệ thống nhất, đa dạng và truyền thống, hiện đại
Trong môi trường quân sự, tính nghiêm cách, mực thước luôn có sự kết hợp với tính năng động, uyển chuyển, vì hoạt động quân sự là loại hình hoạt động luôn đòi hỏi sự khẩn trương, quyết liệt, kịp thời. Các lực lượng vũ trang được tổ chức thành hệ thống chặt chẽ, trên cơ sở kỷ luật quân sự nghiêm minh, việc thực hiện nhiệm vụ trong đời sống và trong hoạt động của quân nhân vừa mang tính tự giác, tự nguyện, vừa mang tính bắt buộc, nghiêm cách vô điều kiện. Mối quan hệ giữa tính kỷ luật, tự giác nghiêm minh và phát huy dân chủ rộng rãi, được chuyển hóa thành giá trị VHTM tiên tiến, định hướng cho sự phát triển của học viên trong NTQĐ. Một bình diện khác quy định tính nghiêm cách là do nhu cầu truyền giá trị, bởi VHTM trong NTQĐ thực chất là môi trường vận hành theo cơ chế truyền giá trị và tiếp nhận giá trị. Đây là quá trình được thực hiện thông qua sự tác động của các nhân tố thẩm mỹ xã hội tới cá nhân, khi bảo đảm tính nghiêm cách sẽ diễn ra cơ chế di truyền đặc biệt, khách quan, đảm bảo sự liên hệ thẩm mỹ giữa các thế hệ quân nhân không bị đứt đoạn, giúp học viên đứng vững trên nền tảng VHTM để phát triển nhân cách. Còn tiếp nhận giá trị thẩm mỹ thực chất là quá trình phát triển cảm xúc, lý tưởng thẩm mỹ theo phương thức nhập thân văn hóa, mỗi cá nhân tự tích lũy, dung hợp các giá trị VHTM theo cơ chế mang đặc tính sáng tạo. Song, sự lựa chọn, tiếp nhận, thẩm định, xử lý và sáng tạo giá trị thẩm mỹ của cá nhân trong NTQĐ luôn mang tính nghiêm cách thống nhất, bị chi phối trực tiếp bởi nhu cầu sư phạm quân sự…
Nói đến tính nghiêm cách trong NTQĐ là nói đến kỷ luật quân đội, nghiêm minh nhưng cũng rất năng động, mềm dẻo. Sự mực thước thấm vào từng suy nghĩ, hành động, nhân cách, đạo đức mỗi cán bộ giảng viên, học viên, trở thành những giá trị thẩm mỹ mang đặc thù quân sự. Tính nghiêm cách cũng không tách bạch với tính tự giác, tự nguyện trong truyền giá trị và tiếp nhận giá trị, mà nó luôn tồn tại và phát triển trong sự tương tác biện chứng, phức tạp giữa các mặt, các yếu tố thẩm mỹ có khuynh hướng vận động trái ngược nhau. VHTM luôn gắn quá khứ với hiện tại, dân tộc với quốc tế trong một thể thống nhất đa dạng. Đồng thời, gắn lợi ích cá nhân với cộng đồng, là điều kiện cho sự phát triển năng lực thẩm mỹ của tất cả các học viên trong NTQĐ. Vì vậy, quá trình phát triển và phát huy VHTM trong NTQĐ cần phải giải quyết đồng bộ những vấn đề chung mang tính dân tộc, toàn cầu, vừa phải tính đến sự phát triển những đặc thù riêng của môi trường sư phạm quân sự. Sự thống nhất, đa dạng không vận hành độc lập mà luôn gắn chặt với nhau: trong thống nhất có đa dạng và chỉ đa dạng trong thống nhất. Còn trong quan hệ truyền thống - hiện đại, VHTM trong NTQĐ lấy truyền thống làm nền tảng vững chắc để phát triển, đồng thời tiếp thu những yếu tố hiện đại một cách có chọn lọc, trở thành động lực quan trọng để phát huy và làm tăng bề dày của giá trị VHTM truyền thống. Nếu chỉ nhấn mạnh, tuyệt đối hóa yếu tố hiện đại trong VHTM sẽ làm cho sự phát triển của VHTM trở nên không bền vững. Ngược lại, nếu tuyệt đối hóa yếu tố truyền thống, sẽ hình thành tâm lý thủ cựu, trì trệ, bằng lòng, chậm đổi mới, phủ nhận tính năng động và sáng tạo.
Tính nghiêm cách về truyền giá trị của VHTM còn biểu hiện trong lựa chọn, tiếp nhận và thực hiện giá trị cũng như sáng tạo ra các giá trị VHTM mới, phát triển hệ giá trị văn hóa quân sự truyền thống trong xử lý giữa chuẩn và lệch chuẩn, giữa xây và chống. VHTM trong NTQĐ còn tham gia vào quá trình tiếp nhận, định hướng, thực hiện giá trị, bồi dưỡng năng lực cảm xúc, tạo dựng nhân cách cho học viên, hướng họ tới những giá trị tích cực, luôn gắn liền với các chuẩn mực VHTM. Các chuẩn mực VHTM đều là những giá trị gốc sẽ được phong hóa, có sức lan tỏa mạnh mẽ, không ngừng làm giàu, tỏa sáng trong các không gian, thời gian khác nhau. Đi kèm theo đó là sự bổ sung các yếu tố mới phù hợp hơn, “đề xuất những cái tốt, cái đúng, cái đẹp chưa thật phổ biến trong đời sống, nhân chúng lên thành các hiện tượng phổ biến, kêu gọi mọi người sống theo nó” (5). Ngoài ra, VHTM trong NTQĐ thông qua chức năng thẩm mỹ tạo tiền đề cần thiết để cán bộ, giảng viên, học viên sáng tạo những giá trị thẩm mỹ tiên tiến, mở rộng giao lưu qua những hình thức hoạt động VHTM và thiết lập những quan hệ thẩm mỹ lành mạnh. Quá trình sáng tạo, truyền tải, phát huy giá trị thẩm mỹ góp phần định hướng thị hiếu, bồi dưỡng khả năng, nhu cầu thẩm mỹ của cán bộ, giảng viên, học viên. Như vậy, các giá trị VHTM truyền thống sẽ là tiền đề để các chủ thể thẩm mỹ trong NTQĐ sáng tạo ra các giá trị thẩm mỹ mới, đồng thời các giá trị thẩm mỹ mới sẽ làm phong phú đời sống VHTM quân sự, thúc đẩy sự phát triển của mỗi cá nhân và tập thể. Do đó, mỗi quân nhân khi không có vốn giá trị thẩm mỹ đủ dày, thì sẽ không có tiền đề để sáng tạo giá trị thẩm mỹ mới, cái đi sau sẽ làm đa dạng cho cái trước. Sự sáng tạo của các chủ thể trong NTQĐ khi đạt tới hoàn mỹ sẽ có sức sống lâu bền, được phong hóa trở thành màng lọc ngăn chặn những phản giá trị thẩm lậu vào môi trường quân đội. Các giá trị thẩm mỹ cốt lõi, tiến bộ khi được phong hóa sẽ xuyên thấm vào các hoạt động dạy và học, làm gia tăng yếu tố thẩm mỹ trong mọi hoạt động của con người và tổ chức quân sự. Đến lượt nó, sự gia tăng yêu cầu đưa cái đẹp vào cuộc sống đòi hỏi phải đẩy mạnh việc xem xét VHTM cả về mặt đặc trưng cũng như mặt tương tác của nó đối với những lĩnh vực xã hội khác.
Việc nghiên cứu đặc trưng của VHTM trong NTQĐ chính là đi sâu tìm hiểu bản chất, cơ chế tác động của VHTM đến con người và các tổ chức trong NTQĐ. Sự phát triển của VHTM trong NTQĐ làm cho đời sống của các cán bộ, giảng viên, học viên được trau dồi về phương diện thẩm mỹ, làm nảy sinh ở họ khả năng sáng tạo ra những giá trị VHTM mới, xây dựng cho học viên ý thức, thái độ, động cơ học tập, rèn luyện đúng đắn, “để phụng sự tổ quốc, nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ là người làm chủ nước nhà” (6).
_______________
1. Lê Thanh Trà, Giáo dục thẩm mỹ và xây dựng con người mới Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1982, tr.135.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.560.
3. A.X. Miloviđốp và B.V. Xaphrônốp (chủ biên), Mỹ học Mác - Lênin với việc giáo dục bộ đội, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984, tr.208.
4. Xỉ Lửa Bun Khăm, Xây dựng và phát triển nền VHTM ở nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào trong thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế, Luận án Triết học, Học viện Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 62.
5. Đỗ Huy, Văn hóa Việt Nam trên con đường giải phóng, đổi mới, hội nhập và phát triển, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2013, tr.177.
6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.339.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016
Tác giả : PHẠM VĂN XÂY