Trải qua thời gian hình thành và phát triển, vọng cổ không chỉ được sử dụng độc lập mà đã được các nhạc sĩ sáng tạo, trở thành thể điệu có tính hòa kết cao. Nó có thể hòa kết với nhiều thể điệu từ dân gian truyền thống cho đến bác học hiện đại như nhạc quãng tám, hò, lý, các bản vắn của cải lương… Điều này đã làm cho vọng cổ thêm lôi cuốn, giàu sức biểu đạt, dễ đi vào lòng công chúng.
Vọng cổ nhịp 32 là một thể điệu đặc biệt trong loại hình đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp. Nó có nhiều đặc điểm nổi trội so với các bài bản khác trong cùng dòng âm nhạc truyền thống như tốc độ phổ biến nhanh, tạo nên chất trữ tình, mượt mà; nét nhạc khi diễn tấu lúc thì thông thoáng, phóng khoáng, bay bổng, lúc thì sâu lắng, ngọt ngào, mùi mẫn đến buồn da diết... Chính nhờ những tính chất đó mà vọng cổ nhịp 32 đã có nhiều đóng góp đáng kể trong lĩnh vực đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng Nam Bộ.
Từ lâu vọng cổ nhịp 32 đã trở thành một biểu tượng trong tâm thức văn hóa của người Nam Bộ. Khi người có tâm trạng buồn hay đau khổ, ca vọng cổ để nỗi niềm ấy vơi đi; hưng phấn, vui sướng, ca vọng cổ để tăng nguồn cảm hứng; khi sinh hoạt tập thể, ca vọng cổ như trút nỗi niềm chia sẻ, giao tiếp với mọi người. Vọng cổ không bị giới hạn thời gian, không gian, ở bất cứ nơi đâu, lúc nào cũng có thể ca và nghe được; khi nghe vọng cổ, người ta lại nhớ quê hương và những kỷ niệm gần gũi... Vọng cổ nhịp 32 không chỉ có một giai điệu truyền cảm, ngọt ngào, trữ tình dễ đi vào thị hiếu của người nghe mà còn có vốn ca từ phong phú, gần gũi với cuộc sống quần chúng.
Thể điệu vọng cổ có nguồn gốc từ bản Dạ cổ hoài lang 20 câu nhịp 2 của nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) ở Bạc Liêu. Bản Dạ cổ hoài lang ra đời gắn với hoàn cảnh gia đình của ông Sáu Lầu, chỉ vì sống với nhau trên ba năm mà chưa có con nên ba mẹ bắt vợ chồng ông phải chia tay nhau. Từ nỗi nhớ thương vợ và hoàn cảnh đất nước đang bị thực dân xâm lược, biết bao chinh phụ phải xa chồng, ông cảm tác mà viết lên Dạ cổ hoài lang.
Năm 1919, Dạ cổ hoài lang chính thức được công bố trong giới tài tử Bạc Liêu, từ đó không dừng ở nguyên dạng như các bản cổ nhạc khác mà đã phát triển về mặt hình thức, tăng nhịp thành nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64… và được gọi là vọng cổ.
Người đầu tiên có công phát triển bài vọng cổ từ Dạ cổ hoài lang là nhạc sĩ, soạn giả Trịnh Thiên Tư, ông là người sáng tạo từ nhịp 2 sang nhịp 4. Tiếc là hiện nay bản gốc Dạ cổ hoài lang nhịp 4 này đã bị thất lạc chỉ còn bản thứ là bản Tiếng nhạn kêu sương do soạn giả Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi) viết lời.
Năm 1934, nhạc sĩ Lư Hòa Nghĩa (Năm Nghĩa) đã phát triển và sáng tác 20 câu cho bản Dạ cổ hoài lang nhịp 8, đó là bài Văng vẳng tiếng chuông chùa. Trong lễ giỗ tổ cổ nhạc Bạc Liêu năm 1935, soạn giả Trịnh Thiên Tư đề nghị gọi bản Dạ cổ hoài lang nhịp 8 là vọng cổ (vọng cổ Bạc Liêu) (1).
Bản vọng cổ nhịp 8 của nhạc sĩ Lư Hòa Nghĩa ra đời là một phát kiến lớn nhưng nhạc sĩ Trần Tấn Trung (soạn giả Mộng Vân) nói độ mùi chưa đủ. Sau đó ít lâu, khoảng năm 1939-1940, ông đã phát triển nhạc bản vọng cổ nhịp 8 lên nhịp 16 (2).
Nhạc sĩ Trần Tấn Hưng (Năm Nhỏ) đã căn cứ vào bản vọng cổ nhịp 16 này để tạo nên bản vọng cổ nhịp 32. Ông đã độc tấu bản vọng cổ nhịp 32 trong ngày giỗ tổ cải lương 12 - 8 năm Tân Tỵ (1941). Bản nhạc gốc của ông đã được nhạc sĩ Trịnh Thiên Tư ghi lại và sáng tác lời. Đó là hai bài vọng cổ 6 câu nhịp 32 là Huyền Trân tủi phận và Tìm bạn lạc loài. Hai bài này được xem là hai bài vọng cổ đầu tiên loại 6 câu nhịp 32 (3).
Năm 1950, nhạc sĩ Lý Khi (Ba Khi) đã nghiên cứu phát triển bản vọng cổ nhịp 32 lên nhịp 64. Đây cũng có thể xem bước phát triển mới của thể điệu vọng cổ mặc dù bản vọng cổ nhịp 64 chưa được sử dụng nhiều. Đến nay, vọng cổ nhịp 32 vẫn chiếm vị trí chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong nhạc tài tử cải lương với một sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng.
Bài vọng cổ nhịp 32 có 6 câu hoặc 4 câu, mỗi câu có 32 nhịp gồm 20 nhịp gắn với ca từ, 12 nhịp còn là nhạc sĩ diễn tấu. Cấu trúc âm nhạc của bài vọng cổ là “cấu trúc rút gọn và mở, rút gọn số câu mở rộng tiết tấu ở lòng bản” (4). So với vọng cổ nhịp 4, 8, 16 thì vọng cổ nhịp 32 có những đặc điểm nổi trội hơn hẳn về tính chất âm nhạc, văn học, ngôn ngữ… Do nó được mở rộng lòng câu, lòng bản, nhịp tăng lên nên có tiết tấu nhanh, tươi vui hơn. Vọng cổ nhịp 32 phong phú về nội dung do lượng ca từ tăng lên, có thể phản ánh các sự vật, sự việc, hiện tượng trong cuộc sống, diễn đạt mọi tâm tư, tình cảm, trạng thái của con người. Chính nhờ những ưu điểm đó mà nó trở nên phổ biến cả trên sân khấu chuyên nghiệp lẫn sinh hoạt đời thường.
Hòa kết âm nhạc là một đặc điểm nổi trội của bài vọng cổ nhịp 32. Theo Từ điển Tiếng Việt: “Hòa kết là sự kết hợp, hòa lẫn với nhau” (5). Hòa kết âm nhạc trong vọng cổ nhịp 32 là sự kết hợp hòa quyện một cách hài hòa, chặt chẽ giữa bản nhạc vọng cổ với các thể loại âm nhạc từ dân gian cho đến bác học. Các kiểu hòa kết âm nhạc phổ biến thường gặp là hòa kết với nhạc quãng 8, với hò, lý và các bản vắn của cải lương.
Hòa kết với nhạc quãng 8
Những năm đầu thập niên 60 TK XX, Viễn Châu là một trong những tác giả đã hòa kết rất thành công bài vọng cổ nhịp 32 với tân nhạc gọi là tân cổ giao duyên. Đây là kiểu hòa kết mang tính phối hợp giữa vọng cổ với tân nhạc. Tác giả mở đầu bài vọng cổ bằng một đoạn tân nhạc rồi vô vọng cổ câu 1, 2, giữa bài ca là một đoạn tân nhạc rồi vô vọng cổ câu 5, 6.
Nhạc: Biên cương lá rơi Thu Hà em nơi
Đường dài mịt mùng em không đến
Mây nước buồn cơn lửa binh
Hết kể chuyện chúng mình
Khóc than riêng em một mình…
Vọng cổ: Trời ơi, bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn… Bạch Thu Hà…
(Trích vọng cổ Võ Đông Sơ - Viễn Châu)
Bài vọng cổ khi hòa kết với nhạc quãng 8 mang màu sắc mới mẻ vừa truyền thống vừa hiện đại đáp ứng được sở thích, nhu cầu phong phú của người thưởng thức.
Hòa kết với hò, lý và các bản vắn của cải lương
Theo tác giả Đỗ Dũng, “thể điệu là sự cấu trúc hài hòa các âm và cân bằng tiết tấu ở một thể loại bài bản” (6). Hòa kết của vọng cổ nhịp 32 với hò, lý và các bản vắn của cải lương là kiểu hòa kết mang tính phức hợp. Nghĩa là cùng trong một bài vọng cổ, tác giả có thể đan xen nhiều thể điệu. Tác giả có thể dùng một câu hò, một điệu lý để gác đầu rồi vọng cổ câu 1, 2, giữa bài có thể đan xen lý, hoặc một bản vắn của cải lương rồi vọng cổ câu 5, 6. Sự kết hợp các thể điệu giúp bài vọng cổ diễn tả được nhiều cung bậc tình cảm, trở nên sinh động, lôi cuốn, hấp dẫn hơn đối với người thưởng thức.
Hòa kết với hò, lý
Các điệu hò, lý ra đời cùng với thời điểm tiền nhân mở cõi khai hoang vùng đất Nam Bộ, gắn với quá trình lao động, sản xuất của nhân dân khi đến vùng đất mới. Khi hòa kết hò, tác giả thường dùng câu hò để mở đầu bài vọng cổ.
Hò: Hò… ơi… Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm,
Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu.
Chiếu này tôi chẳng bán đâu,
Tìm em không gặp, hò… ơi….
Tìm em không gặp, tôi gối đầu mỗi đêm.
Vọng cổ: Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra… chào. Cửa vườn cô đã khóa kín tự hôm nào…
(Trích vọng cổ Tình anh bán chiếu - Viễn Châu)
Có rất nhiều điệu lý dùng để hòa kết trong vọng cổ. Một số điệu có nguồn gốc từ dân gian được nhạc sĩ sưu tầm, ký âm, cải biên đưa vào nhạc tài tử, cải lương như Lý con sáo, Lý giao duyên, Lý Cái Mơn, Lý chiều chiều… Sau năm 1975, một số điệu lý được các nhạc sĩ sáng tác dựa trên âm hưởng dân ca như Lý sâm thương của Trương Bỉnh Tòng, Lý bông trang, Lý Mỹ Hưng, Lý trăng soi… của Phạm Lý.
Tác giả lựa chọn điệu lý để hòa kết phải phù hợp với nội dung biểu đạt. Chẳng hạn Lý giao duyên, Lý con sáo có chất buồn, ai oán, Lý Cái Mơn thì có chất khoan nhặt, du dương về giai điệu (7)… Các tác giả luôn có sự cân nhắc để bài vọng cổ được hòa kết một cách hiệu quả về ca từ, giai điệu, hài hòa giữa nội dung, nghệ thuật.
Mặc dù được sinh ra ở vùng đất phương Nam nhưng bài vọng cổ không chỉ hòa kết với hò, lý của Nam Bộ mà còn hòa kết với hò, lý ở các vùng miền khác một cách rất rộng mở, đa dạng để phù hợp với nội dung cần biểu đạt.
Hò mái nhì Huế: À ơi…hò… ơi… Chiều chiều trước bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm, ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông….Ơ…ơ… Thuyền ai thấp thoáng trên sông, đưa câu mái đẩy, chạnh lòng non nước non.
Vọng cổ: Dưới bến Kim Long con đò khuya đã tắt rồi ánh lửa. Sao cô lái vẫn ngồi trông lá úa rụng… chân… cầu. Biết gửi về ai mấy khúc nhạc thương sầu…
(Trích vọng cổ Đêm tàn bến Ngự - Lời vọng cổ: Viễn Châu)
Hòa kết với bản vắn của cải lương
Bài bản hay thể điệu là từ được dùng trong nhạc tài tử, cải lương. Bài là bài ca, bản là bản nhạc. Các bản vắn của cải lương nhiều vô số, hơn trăm điệu, vui, buồn đầy đủ cả như Sương chiều, Tú anh, Xang xừ líu, Lưu thủy hành vân… Đối với các thể điệu lớn như Nam ai, Nam Xuân, Phụng hoàng… các tác giả thường chặt khúc để hòa kết. Mỗi bản nhạc có tính năng riêng. Như bản Sương chiều tính cách giai điệu trữ tình, duyên dáng, bản Xang xừ líu thì giai điệu tươi tắn, dí dỏm, bản Phụng hoàng thì giai điệu mang tính tự sự, kể lể nhưng không quá sướt mướt, bi lụy (8).
Phụng hoàng: Ba ngã sông chia ba dòng nước,
Bông lục bình bỡ ngỡ chọn dòng trôi
Hành trang mang theo là loài hoa tím
Lục bình cũng muốn chọn cho mình một bến
Nhưng lại ngại dòng trong, đục, rủi, may
Bến chợ Gò Quao
Đợi chuyến đò ngang thương tâm sự lục bình
Nay đó mai đây như đời nghệ sĩ
Sáng ngọn, tối vàm, vừa nở, vừa trôi.
Vọng cổ: Về thăm quê anh bên dòng sông Cái Lớn, nhìn lục bình trôi giữa ba ngã sông… chiều… Đa cảm làm chi tâm sự Thúy Kiều…
(Trích vọng cổ Như loài hoa ấy - Hà Nam Quang)
Ngoài ra, một số điệu mới như Phi vân điệp khúc, Đoản khúc lam giang… của nhạc sĩ Văn Giỏi cũng thường được các tác giả chọn hòa kết với bài vọng cổ. Rõ ràng chỉ với đặc điểm hòa kết âm nhạc, bài vọng cổ nhịp 32 luôn thể hiện sự phát triển đầy sáng tạo, mới mẻ.
Từ một địa vị hát chơi, giải tỏa những tâm tình, trình diễn đơn lẻ thuở ban đầu, bài vọng cổ đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển với một tinh thần phóng khoáng, rộng mở. Đến nay, bài vọng cổ nhịp 32 đã chiếm địa vị độc tôn trên sân khấu cải lương. Trong đó, hòa kết âm nhạc là một đặc trưng hết sức độc đáo, tuyệt vời. Hòa kết âm nhạc đã làm cho bài vọng cổ nhịp 32 vốn quen thuộc, gần gũi nhưng mới mẻ liên tục với nhiều màu sắc, sắc thái. Sự hài hòa giữa các thể điệu tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với người thưởng thức. Hòa kết âm nhạc giúp cho tác giả thể hiện được nhiều cung bậc tình cảm trong nội dung bài vọng cổ. Nó cũng đòi hỏi nhạc sĩ luôn tư duy, sáng tạo, tinh tế để việc hòa kết đạt hiệu quả về nội dung biểu đạt cũng như giá trị nghệ thuật.
______________
1, 4. Đỗ Dũng, Đặc điểm ngôn ngữ của ca từ vọng cổ, Nxb Văn hóa Văn nghệ, TP.HCM, 2013, tr.21-22, 28.
2. Trần Phước Thuận, Tác giả cổ nhạc Bạc Liêu, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007, tr.83.
3. Trịnh Thiên Tư, Ca nhạc cổ điển: Điệu Bạc Liêu, Quốc Hoa xuất bản, Sài Gòn, 1962, tr.113.
5. Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2017, tr.591.
6, 7, 8. Đỗ Dũng, Âm nhạc cải lương tính năng, giai điệu và nhạc cụ, Nxb Sân khấu, TP.HCM, 2007, tr.25, 85, 51-53.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 - 2018
Tác giả : CHÂU HOÀI PHƯƠNG