Làng Phù Đức thuộc xã Kim Đức, huyện Phù Ninh, nay thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Nơi đây được biết đến là một trong bốn phường xoan gốc, nơi khởi thủy của loại hình dân ca độc đáo này. Trải qua thời gian, hát xoan đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân vùng đất Tổ. Trong bối cảnh hiện nay, để bảo tồn và phát huy giá trị của hát xoan, nghệ nhân các phường xoan đang tích cực biểu diễn và truyền dạy những câu hát bình dị nhưng có sức sống bền bỉ và sự lan tỏa mãnh liệt.
1. Nguồn gốc và quá trình phát triển của hát xoan
Hiện nay, có nhiều câu chuyện dân gian, lý giải về sự ra đời của hát xoan làng Phù Đức. Cụ trùm xoan Nguyễn Xuân Hội, nói về nguồn gốc của hát xoan: Vua Hùng đi tìm đất để xây dựng kinh đô Văn Lang vào tiết mùa xuân, đến trưa, nhà vua dừng chân tại gò đất Lãi Lèn. Sau khi vua dừng chân, nhìn thấy có đám trẻ chăn trâu hò hát các câu đồng dao và chơi các trò chơi dân gian, nhà vua mời bọn trẻ vào và chỉnh sửa lại những câu hát, lúc bấy giờ đặt tên là hát xuân, sau này dân gian gọi chệch đi là hát xoan. Dân làng Phù Đức thấy vua về, dâng lễ lên nhà vua cầu ban phúc cho dân. Sau khi nhà vua băng hà, dân làng Phù Đức đã cùng nhau xây dựng miếu Lãi Lèn để thờ vua. Hằng năm, vào dịp Tết đến, mỗi độ xuân về và vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội đền Hùng, nhân dân làng Phù Đức sửa soạn lễ vật chu đáo dâng lên miếu Lãi Lèn, đồng thời, ca hát những bài hát xoan nhà vua đã truyền dạy để hát thờ tại miếu, cầu cho quốc thái dân an, cầu đinh, cầu tài, cầu lộc… (1).
Trước Cách mạng tháng Tám, hát xoan nơi đây không được giai cấp phong kiến và thực dân Pháp coi trọng, chỉ tồn tại nhỏ lẻ, tự trao truyền, tự phát theo các mối quan hệ trong làng như dòng họ, gia đình, huyết thống… Giai đoạn 1945-1954, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân làng Phù Đức tiến hành tiêu thổ kháng chiến. Tất cả bài vị và tài sản trong miếu Lãi Lèn, nhân dân tập trung cất giữ về đền Hùng Lô và chùa Chanh, lúc này hát xoan tạm thời lắng đi. Sau kháng chiến chống Pháp, đặc biệt từ năm 1954 trở lại đây, dân ca xoan thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ… Đã có nhiều công trình sưu tầm, khảo cứu về loại hình dân ca độc đáo này như:Hát xoan dân ca Phú Thọ (1958) của nhạc sĩ Tú Ngọc; Hát xoan Phú Thọ (1962) của Nxb Âm nhạc; Tục ngữ ca dao Việt Nam (1976) của tác giả Vũ Ngọc Phan; Hát xoan, hát ghẹo Vĩnh Phú (1979) của tác giả Nguyễn Khắc Xương và Dương Huy Thiện... Lúc đó, hát xoan dần được chú ý hơn trong kho tàng dân ca của đất nước và đời sống văn hóa văn nghệ của người dân.
Từ năm 1989 đến trước 1998 (Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII ra đời), tại làng Phù Đức, hát xoan bắt đầu được khôi phục. Thời điểm này, phường xoan Phù Đức có 6 cụ và 10 thanh niên, do cụ trùm xoan Lê Xuân Ngũ và Nguyễn Xuân Hội truyền dạy. Hát xoan làng Phù Đức được động viên về tinh thần to lớn, đặc biệt, vào năm 1994, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Vĩnh Phú tổ chức Hội thảo khoa học Dân ca xoan, ghẹo Vĩnh Phú nhằm khẳng định giá trị đích thực của hát xoan, hát ghẹo và phương hướng bảo tồn phát huy loại hình dân ca độc đáo này. Từ đó, được sự quan tâm của Ban Quản lý di tích đền Hùng, từ mồng 3 đến mồng 10-3 âm lịch hằng năm, làng Phù Đức được mời hát xoan tại lễ hội đền Hùng. Đến năm 1998, xã Kim Đức thành lập các Câu lạc bộ dưới sự hướng dẫn chỉ đạo của Sở Văn hóa Thông tin Vĩnh Phú và UBND huyện Phù Ninh, lúc đó, Câu lạc bộ Xoan Phù Đức có 7 người trong Ban Chủ nhiệm, trong đó 2 cụ Lê Xuân Ngũ và Nguyễn Xuân Hội là người trực tiếp truyền dạy, còn 5 người lo các công việc khác. Có 20 học viên theo học, chủ yếu là các bậc nữ trung tuổi và thanh thiếu niên trong làng.
Đặc biệt, sau Hội nghị T.Ư 5 khóa VIII đến nay, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều văn bản chính sách hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy hát xoan trong bối cảnh mới. Đặc biệt, vào tháng 5 -2005, Đoàn Nghệ thuật Hát xoan đã tham dự Hội thảo Âm nhạc dân gian quốc tế do GS, TSKH Tô Ngọc Thanh làm Trưởng đoàn, nghệ nhân Nguyễn Xuân Hội - làng Phù Đức trình diễn các phần nghi lễ như: giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám…, thu hút được sự chú ý của các nhà nghiên cứu về âm nhạc, ngôn ngữ, dân tộc học… trên thế giới.
Năm 2005, Sở Văn hóa, Thông tin Phú Thọ tổ chức Liên hoan Tiếng hát xoan lần thứ nhất thu hút 220 diễn viên, Hội Văn nghệ dân gian hỗ trợ 100 triệu đồng để khôi phục các phường xoan gốc trong xã Kim Đức và Phượng Lâu. Đến năm 2006, Sở Văn hóa Thông tin Phú Thọ ra quyết định thành lập 4 phường xoan gốc tại xã Kim Đức và Phượng Lâu. Ngày 7-7 - 2008, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội thảo khoa học lần thứ nhất để lựa chọn di sản văn hóa trình uNeSCo ghi danh. Ngày 28 -12 -2008, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội thảo khoa học lần thứ hai, xác định tiến hành xây dựng Hồ sơ Di sản Hát xoan là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Sau đó, hát xoan nơi đây được Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm, bảo vệ và phát triển.
Ngày 24-11-2011, Ủy ban liên quốc gia của Tổ chức UNESCO họp tại Bali, Indonesia chính thức ghi danh Hát xoan Phú Thọ vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Ngày 7-11 -2013, Thủ tưởng Chính phủ ban hành quyết định số 2058/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - Hát xoan Phú Thọ (giai đoạn 2013 - 2020). Ngày 8 -12- 2017, tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 tại Jeju, Hàn Quốc, hát xoan chính thức được đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, và ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bên cạnh đó, miếu Lãi Lèn - di tích gắn với hát xoan cổ, đã được đầu tư khôi phục trên nền móng cũ với tổng diện tích gần 3.000m2 rất khang trang. Miếu có kiến trúc chữ Đinh, gồm tiền tế và hậu cung theo hướng Đông Nam, hai tòa tả vu và hữu vu xây dựng theo kiểu 5 gian truyền thống. Trước miếu là bức bình phong bằng đá nguyên khối, chiều dài 7,6m, trang trí cuốn thư, hổ phù. Có thể nói, miếu Lãi Lèn vừa là bảo tàng hát xoan, vừa là nơi giới thiệu, trình diễn hát xoan phục vụ du lịch, đồng thời, cũng là nơi tổ chức truyền dạy hát xoan của làng Phù Đức. Hằng năm, các cấp chính quyền cũng hỗ trợ về mặt vật chất cho làng xoan Phù Đức, góp phần bổ sung kinh phí đối với hoạt động truyền dạy hát xoan, nhờ đó, hoạt động bảo tồn di sản ở địa phương ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Nói về hát xoan làng Phù Đức, còn gọi là họ xoan/ phường xoan Phù Đức, là một loại dân ca hát cửa đình, phục vụ tế lễ, có tổ chức phường họ, có quy định về tổ chức, tục lệ và đình đám. Phường xoan được tổ chức như một đoàn văn nghệ nghiệp dư của những người cùng làng (chỉ nhận người cùng làng, thường có quan hệ họ hàng với nhau). Không nhận người làng khác vì tuyển lựa người cùng làng mới có nhiều người trong một gia đình, chi họ tham gia, hình thành các gia đình xoan truyền thống.
Trong phường xoan, trùm xoan là người đã tham gia từ lâu, có uy tín cao, có nhiều kinh nghiệm, thuộc và giỏi các làn điệu, bài bản, có trình độ trình diễn và hiểu biết về hát xoan. Trùm xoan thường thuộc các gia đình xoan truyền thống, được nhân dân trong làng tín nhiệm cử ra. Họ phải có kiến thức Hán Nôm để đọc các bài bản, hướng dẫn và giải nghĩa cho các thành viên trong phường. Trùm xoan quản lý các thành viên trong phường, chỉ dạy về cách lựa chọn trang phục, đánh trống, múa, hát các làn điệu, bài bản trong các chặng hát…; chịu trách nhiệm sử dụng quỹ trong phường; thay mặt phường xoan giao tiếp và quyết định các công việc lớn. Ngoài ra, phường xoan Phù Đức còn có kép và đào. Kép xoan là nam (có 2 kép nhỏ tuổi từ 10- 15 tuổi để múa hai điệu giáo trống giáo pháo). Đào là nữ, số đào bao giờ cũng đông hơn số kép, để múa minh họa và ứng đáp với trai làng khác khi hát giao duyên trong chặng hát hội. Phương tiện sử dụng khi trình diễn của phường xoan gồm: một trống nhỏ, tang bằng gỗ mít hoặc cọ già, hai mặt bịt da trâu hoặc da bò; một số cặp phách làm từ gốc tre già; quạt giấy; một quyển sách chữ Nôm chép đủ 14 quả cách.
Số lượng thành viên phường xoan Phù Đức
(Nguồn: Trùm xoan Phù Đức - Nguyễn Xuân Hội) 2. Những thay đổi trong việc truyền dạy hát xoan
2. Những thay đổi trong việc truyền dạy hát xoan
Về mục đích truyền dạy
Mặc dù hát xoan có tính phường/ hội, nhưng việc sinh hoạt, truyền dạy loại hình dân ca này lại mang tính dân dã. Bất cứ ai trong làng yêu thích hát xoan đều có thể tìm đến nhà trùm xoan để học hát, múa, đánh trống, phách, rồi gia nhập vào phường xoan, cùng tham gia diễn xướng mỗi dịp xuân về. Nếu như trước đây, người dân học hát xoan để tham gia vào sinh hoạt cộng đồng, thì đến nay, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, mục đích truyền dạy cũng ít nhiều có những thay đổi.
Trước hết, nghệ nhân truyền dạy hát xoan cho thế hệ trẻ vừa dạy hát vừa nhắc lại bài học về “đạo đức” cho con cháu vùng đất Tổ - nhớ công lao của các bậc tiền nhân và trân trọng những giá trị văn hóa của quê hương. Nghệ nhân Nguyễn Xuân Hội cho rằng: “Hiện nay, chúng tôi truyền dạy cho các cháu thanh, thiếu niên trong tỉnh với mục đích để các cháu trở thành những người công dân biết nhớ ơn về tổ tiên, về các Vua Hùng, biết yêu quê hương, thiên nhiên và các công việc lao động chân chính” (2).
Hiện nay, truyền dạy và học tập hát xoan còn có mục đích quảng bá du lịch, đồng thời, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Từ khi hát xoan được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, lượng khách du lịch quốc tế đến với tỉnh Phú Thọ tăng lên đáng kể. Ngoài các địa chỉ truyền thống như Khu di tích đền Hùng và các cảnh quan đẹp của tỉnh Phú Thọ, có một số lượng lớn du khách đến nơi đây nhằm nghiên cứu, thưởng thức, tìm hiểu về hát xoan cổ. Với hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát xoan Phú Thọ, tỉnh đã thu hút được 6,5-7,5 triệu lượt khách hành hương, du lịch mỗi năm (3).
Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy hát xoan, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ đã cho phép các trường cấp 1, 2, 3 trong toàn tỉnh được đón các nghệ nhân hát xoan thuộc làng xoan gốc truyền dạy cho giáo viên âm nhạc và học sinh trong các đợt tập huấn/ giờ học ngoại khóa.
Bên cạnh đó, việc truyền dạy và học tập hát xoan còn phục vụ cho các chương trình biểu diễn, hội diễn… khi địa phương, đất nước có tổ chức sự kiện lớn về chính trị, xã hội.
Về phương thức truyền dạy
Trong bối cảnh hiện nay, khi Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển, đối tượng dạy hát xoan cổ không chỉ là những người dân trong làng có niềm yêu thích, say mê với loại hình dân ca này, mà còn những đối tượng khác, tham gia học tập theo chủ trương bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của Nhà nước, Bộ VHTTDL, UBND, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ… Trước niềm yêu thích và nhu cầu của nhiều tầng lớp nhân dân, đòi hỏi phương thức truyền dạy của các nghệ nhân làng Phù Đức có những thay đổi sao cho phù hợp.
Khi dạy cho cán bộ Trung tâm Văn hóa của tỉnh, huyện, xã; giáo viên âm nhạc của các trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; sinh viên các trường Văn hóa Nghệ thuật, các nghệ nhân sẽ hát nhờ nhạc sĩ chuyên nghiệp ghi lại theo ký tự của thang 7 âm (âm nhạc châu Âu), kể cả phần tiết tấu gõ trống, gõ phách theo bài bản của các chặng thành bản nhạc đầy đủ, sau đó, ngoài phần dạy trực tiếp sẽ phát những tài liệu này, để những người học có kiến thức âm nhạc, biết xướng âm và tự học thêm về giai điệu xoan cổ. Tài liệu được ký âm theo thang 7 âm sẽ giúp cho người học có thể tự ôn tập lại các câu hát, nhịp, phách được khoa học, rõ ràng và tránh nhiều “dị bản” trong truyền dạy.
Cùng với đó, sử dụng các phương tiện khoa học công nghệ trong truyền dạy, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người học. Học hát xoan thông qua ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người học có thể học từ xa, dễ dàng ôn lại bài… Đặc biệt, phương thức này phù hợp với cuộc sống hiện đại, khi mà con người luôn đòi hỏi phải khẩn trương, tiết kiệm về mặt thời gian. Những người thông thạo về kỹ thuật điện tử sẽ giúp các nghệ nhân ghi âm, ghi hình khi truyền dạy về cách đánh trống, phách, khi múa, hát các bài bản trong ba chặng hát; sau đó, ghi thành các file để người học có thể mở ra xem lại, luyện tập bất cứ khi nào.
3. Một số đề xuất hỗ trợ đào tạo truyền nghề
Nhà nước cần có quy hoạch về đào tạo, truyền dạy hát xoan cổ và có những chính sách hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các câu lạc bộ hát xoan cổ làng Phù Đức. Trong đó, cần chú ý đến một số vấn đề sau:
Một là, bảo tồn nguyên trạng hát xoan cổ. Cần thành lập Trung tâm văn hóa hát xoan cổ tại địa phương để lưu trữ các nguồn tư liệu sưu tầm, hoặc do các nghệ nhân cung cấp. Phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn để ghi âm, ghi hình các bài bản hát xoan làng Phù Đức. Bên cạnh đó, cần giữ gìn và khôi phục môi trường hát xoan cổ.
Hai là, bảo tồn, phát triển các làn điệu hát xoan cổ phải dựa vào cách sống, cách nghĩ, cách cảm của con người thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Từ đó, phát triển hát xoan về mặt nội dung, lời ca cho phù hợp và phản ánh cuộc sống hiện đại.
Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm hát xoan cổ làng Phù Đức trong các cơ quan văn hóa địa phương với đội ngũ cán bộ có chuyên môn, có trách nhiệm với công việc.
Bốn là, cần có nguồn tài chính để phục vụ công việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa hát xoan cổ làng Phù Đức.
Năm là, xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ với nghệ nhân truyền dạy hát xoan và thành viên tham gia học tập hát xoan cổ, tạo động lực để hát xoan không bị mai một.
Hát xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại là niềm tự hào của cả Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Phú Thọ. Đi cùng với niềm tự hào ấy, trong nhiều năm qua, tỉnh Phú Thọ đã vào cuộc tích cực, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy di sản quý báu này. Hát xoan ngày nay không chỉ ngân vang nơi những mái đình cổ kính, mà đã ngân vang trên khắp các làng quê vùng đất Tổ.
____________
1, 2. Phỏng vấn trùm xoan làng Phù Đức hiện nay - nghệ nhân Nguyễn Xuân Hội, ngày 15-4-2021 và 26-5-2021, tại miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
3. Đình Hợi, Phú Thọ đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, kinhtenongthon.vn, 12-7-2020.
THS LẠI THẾ ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021