Công nghệ mới tác động đến việc cảm thụ và sáng tạo văn hóa của giới trẻ

     ​​​​​​​Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, internet và công nghệ mới hiện nay đang có những tác động to lớn đến quá trình sáng tạo, sản xuất, phổ biến và tiêu dùng văn hóa của người dân. Bên cạnh những tác động tích cực, cũng xuất hiện không ít tác động tiêu cực, trong đó nổi bật nhất là việc lợi dụng công nghệ để truyền bá các hành vi sai lệch trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa ở giới trẻ.

 

     Thế hệ trẻ là lớp người rất năng động, sáng tạo, tiếp thu nhanh, thích ứng tốt với các công nghệ mới, có thể sử dụng để phục vụ hữu hiệu cho việc học hành, làm việc, vui chơi, giải trí… Tuy nhiên, công nghệ mới cũng là con dao hai lưỡi đầy nguy hiểm, nếu sử dụng không đúng cách và ở trong tay những kẻ có động cơ xấu, có thể gây ra những hiểm họa khôn lường. Hiện nay, với sự trợ giúp của các phương thức truyền thông mới dựa trên nền tảng internet như các website, đặc biệt, mạng xã hội đang diễn ra rất nhiều hiện tượng, hành vi lệch chuẩn trong sáng tạo và cảm thụ văn hóa của giới trẻ.

     Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng ở top đầu về tốc độ tăng trưởng internet. Tính đến tháng 4 - 2018, Việt Nam có 64 triệu người sử dụng internet, chiếm khoảng 67% dân số, truy cập trung bình 7 tiếng/ngày. Số người sử dụng mạng xã hội khoảng 55 triệu, chiếm 57% dân số. Thời lượng trung bình sử dụng mạng xã hội 1 ngày của người trưởng thành là 2,12 tiếng, riêng đối với Facebook là 3,55 tiếng, cao gấp 2 lần rưỡi so với mức trung bình của thế giới (1). Bên cạnh các ảnh hưởng tích cực thì đây cũng là một môi trường thuận lợi cho việc truyền bá những hành vi lệch lạc, sai phạm trong sáng tạo, phổ biến và tiêu dùng văn hóa của người sử dụng mạng.

     1. Thực trạng lợi dụng công nghệ truyền bá các hành vi sai lệch trong sáng tạo văn hóa của giới trẻ

     Không gian mạng là không gian tự do, các chủ thể tham gia có thể ẩn danh, dùng các nickname để hoạt động, cho nên khả năng bị kiểm duyệt, kiềm chế không cao. Họ ít bị ràng buộc về pháp lý, đạo đức và trách nhiệm hơn so với ngoài đời thực. Vì thế, môi trường mạng là nơi có thể công bố thoải mái nhất các sáng tác cá nhân, diễn ra các thử nghiệm nghệ thuật táo bạo nhất. Bên cạnh việc khuyến khích quyền tự do sáng tác, phát huy năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân, thì môi trường mạng cũng là nơi xuất hiện tràn lan các sáng tác dễ dãi, tầm thường, thậm chí là dung tục, phản cảm, vô văn hóa.

     Lướt qua các trang mạng xã hội, nhất là Facebook, YouTube, Twitter… chúng ta có thể bắt gặp đủ thứ “thượng vàng hạ cám”, các kiểu hỷ, nộ, ái, ố của một thế giới thực ảo lẫn lộn. Không ít kẻ đang biến thế giới nhân văn của các thành tựu khoa học và công nghệ thành nơi thể hiện bản thân, đánh bóng tên tuổi, thỏa mãn cơn khát “hào quang bàn phím” hoặc để trục lợi, kiếm tiền.

     Trong lĩnh vực phim ảnh, đó là các video tự chế, phim ngắn tự dựng, chủ yếu khai thác những chủ đề nhạy cảm, cảnh nóng, phim khiêu dâm, cùng các cảnh sinh hoạt sa đọa, trác táng với gái mại dâm… Phổ biến nữa là phim hài có nội dung gây cười dung tục; phim đao kiếm, bạo lực, đâm thuê chém mướn. Những loại phim ngắn này thu hút số lượng người xem rất đông, đôi khi tới hàng triệu lượt.

     Bên cạnh các phim ngắn, gần đây rộ lên trào lưu làm phim web drama (phim chiếu mạng) về băng đảng xã hội đen, thế giới ngầm… Đối với bộ phận công chúng nghiêm túc, chúng chỉ là những bộ phim câu khách, giật gân, ít tính giáo dục, nhưng lại được giới trẻ rất ưa chuộng và đạt được số lượng người xem kỷ lục nếu so với các phim chiếu rạp. Đơn cử như phim Thập tam muội đã gây bão năm 2018 với nhiều tập phim đứng đầu top trending. Thành công của bộ phim đã khiến rất nhiều nghệ sĩ Việt quyết tâm tham gia đường đua web drama giang hồ, bạo lực, vốn được cho là “dễ làm, dễ hưởng”. Có thể đúc kết công thức của các bộ phim “đình đám” trên YouTube là: giang hồ, bạo lực, hài nhảm. Đây cũng là công thức chung của các phim web drama như Vi Cá tiền truyện, Chết thì chịu, Giang hồ Chợ mới hay mới đây là Thập tứ cô nương (2).

     Trong lĩnh vực âm nhạc, các thể nghiệm âm nhạc như nhạc chế, nhạc châm biếm, nhạc hài, nhạc bình dân, cũng được đăng tải nhiều trên YouTube. Nhiều bài hát có âm nhạc hay, ca từ đẹp, nội dung nghiêm túc bị chế thành những bài hát dung tục, tầm thường, thậm chí phản động. Hoặc xuất hiện những clip cổ xúy bạo lực học đường như Những chị đại học đường (được chế từ bài hát Baby one more time). Lợi dụng công nghệ mới, rất nhiều nhạc sĩ nghiệp dư, nhạc sĩ hội chợ dựa vào kỹ thuật kích âm, các kỹ xảo, phần mềm công nghệ cho ra những sản phẩm phản cảm, các clip ca nhạc thảm họa.

     Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, đó là trào lưu chụp ảnh nude, khoe thân; chụp ảnh độc, lạ; chụp xác chết kinh dị của trào lưu “săn xác” những tử thi đẫm máu, biến dạng; chụp ảnh trong ảnh, lồng ghép quá khứ - hiện tại; cắt ghép ảnh “râu ông nọ cắm cằm bà kia”… mang đến không ít tiếng cười, nước mắt cho những người trong cuộc.

     Trong mỹ thuật, đó là những sáng tác “tự do chủ nghĩa” muôn màu muôn vẻ, không theo một quy chuẩn thẩm mỹ nào. Nhiều sáng tác khó hiểu, đánh đố người xem, không đưa ra được thông điệp nghệ thuật; nhiều bức tranh khỏa thân rất thô thiển, phản cảm, dung tục lại được tung thoải mái lên mạng.

     Trong văn học, đó là việc sáng tác và công bố những tác phẩm có chất lượng thấp, các tiểu thuyết ngôn tình rẻ tiền, các tản văn ba xu, những sáng tác dưới mác văn học dân gian hiện đại với đủ loại châm biếm, giễu nhại, tiếu lâm nhiều khi đến mức phản văn hóa.

     Có thể nói, trong số các sáng tác kiểu đó, nhiều sáng tác không xứng đáng được gọi là tác phẩm mà trở thành “rác” phẩm. Không ít tác giả nhân danh sáng tạo đã có những hành vi ăn cắp bản quyền, vi phạm pháp luật, bất chấp các nguyên tắc đạo đức, không quan tâm đến tác động của nó đối với cộng đồng. Tuy nhiên, các sáng tác đó nhiều khi lại được hỗ trợ bởi các tiểu xảo lăng xê, cộng với tâm lý đám đông và sự tò mò của giới trẻ. Nhờ sức mạnh của công nghệ, chúng được phát tán với tốc độ cực nhanh và phổ cập rộng rãi.

     2. Thực trạng lợi dụng công nghệ truyền bá các hành vi sai lệch trong hưởng thụ văn hóa của giới trẻ

     Bên cạnh việc tiếp nhận, nghe, xem những sáng tác lệch lạc ở trong nước như nêu trên, công chúng Việt Nam hiện nay còn được tự do hưởng thụ các sản phẩm văn hóa độc hại của nước ngoài trên môi trường mạng.

     Về điện ảnh, đó là hàng trăm website phim trực tuyến thoải mái trình chiếu các bộ phim khiêu dâm, bạo lực, kinh dị… Mặc dù có nhiều bộ phim được gắn mác 18+, nhưng được trình chiếu công khai, truy cập không hạn chế đối với thanh, thiếu niên và trẻ em. Các bộ phim này luôn đi kèm với những quảng cáo, tiếp thị rất hấp dẫn, bắt mắt, chào mời người xem, do vậy rất dễ kích động, gợi sự tò mò ở giới trẻ.

     Về văn học, độc giả được tự do tiếp cận với kho tác phẩm đủ các thể loại, kể cả những cuốn sách bị cấm lưu hành ngoài thị trường.

     Về âm nhạc, bên cạnh những bản nhạc hay, kinh điển, có giá trị cao của âm nhạc dân tộc và thế giới, thì cũng có không ít tác phẩm chất lượng kém, ca từ lố lăng, nội dung phản cảm… được giới trẻ đón nhận.

     Về nghệ thuật biểu diễn, nhiều chương trình nghệ thuật, buổi diễn, game show có chất lượng kém, hát múa thì ít, khoe thân thì nhiều. Hiện tượng hát nhép, lợi dụng kỹ xảo, chiêu trò sân khấu, đánh lừa người xem diễn ra phổ biến. Nhiều chương trình được làm nhạc bằng phần mềm vi tính, nhờ công nghệ ghi âm và chỉnh âm hiện đại đã mang tới cho người nghe những clip kém chất lượng, ca sĩ rởm, nghệ sĩ ảo.

     Việc tiêu khiển, thư giãn, sử dụng thời gian rỗi của giới trẻ Việt Nam hiện nay đang bị hút vào những hình thức giải trí rất tiêu cực như: xem những livestream vô bổ, tục tĩu; những tin tức lá cải, chuyện đời tư của các sao, những scandal trong giới showbiz, chuyện “bóc mẽ”, “dìm hàng”, “ném đá hội đồng”; những MV ca nhạc thảm họa, trong khi những sản phẩm nghệ thuật có thông điệp nghiêm túc thì lại rất kén người xem.

     Tất cả những điều đó góp phần tạo nên một loại công chúng có gu thẩm mỹ xoàng xĩnh, thấp cấp; một thế giới tâm hồn nghèo nàn; một thứ thị hiếu kém cỏi, tầm thường; những nhận thức sai lệch về chân - thiện - mỹ. Sự thay đổi về thị hiếu, thẩm mỹ, sự đánh giá về cái đẹp không chỉ dừng lại ở những biểu hiện bề ngoài, mà đã lan rộng vào thế giới tinh thần bên trong. Trong nền văn hóa nghệ thuật nước ta hiện nay, những tiểu thuyết mạng “đình đám”, những bộ phim thị trường giật gân, câu khách; những bài hát “sến” lại có sức hấp dẫn hơn cả những tác phẩm, chương trình nghệ thuật tâm huyết, được đầu tư công phu bởi các văn nghệ sĩ đích thực. Tiêu chí làm nghệ thuật thương mại hiện nay là 3 chữ S: sốc - sex - sến. Đặc biệt, việc sử dụng ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ tuổi “teen” một cách tùy tiện, thiếu chuẩn mực đang góp phần bóp méo ngôn ngữ dân tộc, ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt.

     Nguy hiểm hơn, khi được cộng hưởng với tâm lý “nổi loạn”, phản kháng, chống đối của giới trẻ, chúng dễ tạo nên những hành vi “lệch chuẩn”, những ứng xử vô văn hóa như: bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bạo lực xã hội; tình dục vị thành niên; sa vào các tệ nạn, làm lu mờ những mục đích sống tốt đẹp, làm phương hại đến công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

     3. Xu hướng phát triển của hiện tượng trong thời gian tới

     Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, internet và nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các hiện tượng lợi dụng công nghệ để truyền bá những hành vi sai lệch sẽ ngày càng phức tạp và khó kiểm soát hơn. Về cơ bản, có thể quy về một số xu hướng chính như sau:

     Xu hướng đa dạng hóa các nội dung biểu đạt và đa kênh hóa các phương thức truyền bá: Cùng với những tiến bộ của khoa học công nghệ, sự phát triển của xã hội loài người, các nội dung văn hóa, các biểu đạt văn hóa sẽ ngày càng phong phú hơn; các phương thức phổ biến, truyền đạt thông tin sẽ ngày càng đa dạng hơn.

     Xu hướng truyền bá sẽ ngày càng tinh vi và khó kiểm soát hơn: Sự phát triển của các công nghệ mới rất nhanh chóng, trong khi các biện pháp quản lý, giám sát, kiểm soát chưa theo kịp. Do vậy, những thành tựu mới của khoa học công nghệ sẽ tạo ra mảnh đất màu mỡ cho những hành vi lệch chuẩn, chống đối, dân chủ quá trớn lộng hành.

     Xu hướng cá nhân hóa các hoạt động truyền bá: Vai trò tiên phong và tích cực nhất sẽ thuộc về những cá nhân và nhóm cá nhân vốn được coi là những kẻ “nghiệp dư”, “cá biệt”, “ngoài lề” trong đời sống văn hóa nghệ thuật ở ngoài đời thực.

     Xu hướng trẻ hóa và già hóa chủ thể sáng tạo, đối tượng thụ hưởng: Hiện nay, cộng đồng mạng và những người quan tâm đến các hình thức truyền bá hành vi sai lệch trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa trên môi trường mạng chủ yếu là giới trẻ, nhưng trong thời gian tới đối tượng tham gia sẽ ngày càng rộng rãi hơn, được mở biên tới những lứa tuổi trẻ hơn và lớp người già hơn và sẽ gây ra những tác động lớn lên tổng thể xã hội.

     Xu hướng pha trộn, lai ghép, hỗn dung cả phương diện tích cực và tiêu cực trong một hiện tượng văn hóa: Để tồn tại trên môi trường mạng và có được một cộng đồng bền vững, sẽ hiếm dần việc truyền bá những hiện tượng văn hóa thuần túy tiêu cực, lệch chuẩn bị cả xã hội lên án và bị các cơ quan hữu quan xử lý. Sẽ xuất hiện những hiện tượng mang tính đan xen, song hành cả những mặt tích cực và tiêu cực; có cả mặt phản cảm lẫn những mặt cuốn hút nhất định, song độ đậm, nhạt, mạnh, yếu có thể khác nhau tùy theo chủ thể sáng tạo. Việc phân loại, đánh giá để quản lý sẽ rất khó khăn.

     4. Giải pháp hạn chế việc lợi dụng công nghệ truyền bá các hành vi sai lệch trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa

     Để giải quyết hiệu quả vấn nạn này, rất cần một hệ thống các giải pháp có tính đồng bộ, toàn diện, tổng thể, nhưng về cơ bản có thể quy về các nhóm giải pháp như sau:

     Nhóm giải pháp quản lý bằng hành chính và pháp luật

     Cần tích cực hoàn thiện thể chế quản lý: xây dựng hệ thống văn bản quản lý phù hợp; triển khai Luật An ninh mạng; kiện toàn cơ chế, bộ máy, nguồn lực quản lý…

     Thực thi nghiêm trong thực tiễn các biện pháp quản lý. Có chế tài xử phạt nghiêm minh, đảm bảo tính răn đe đối với các vi phạm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát… Nâng cao hiệu quả quản lý, nhất là của Bộ TTTT và các Bộ, ngành có liên quan.

     Phối hợp với các nhà mạng, nhất là nhà mạng nước ngoài xử lý, gỡ bỏ các video, thông tin phản cảm; khóa các kênh, trang mạng có vi phạm...

     Nhóm giải pháp quản lý bằng công nghệ

     Dùng những biện pháp kỹ thuật, công nghệ để kiểm soát, hạn chế các vi phạm; dùng công nghệ để quản lý công nghệ như: dựng “tường lửa”, “lá chắn”; sử dụng các phần mềm lọc thông tin, kiềm tỏa và ngăn chặn các thông tin xấu độc; các phần mềm tự động mã hóa hoặc xóa bỏ các ngôn từ dung tục, hành vi sai phạm… Ứng dụng các giải pháp công nghệ mới trong quản trị mạng, quản trị hệ thống.

     Nhóm giải pháp quản lý bằng giáo dục

     Giáo dục ý thức trách nhiệm, tinh thần công dân cho những người tham gia hoạt động sáng tạo trên môi trường mạng.

     Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho những người hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa, nâng cao tinh thần tự ý thức của giới trẻ.

     Các cơ quan thông tin đại chúng nên tăng cường đưa tin, bài về những cử chỉ đẹp, hình vi tốt, tránh việc trên các phương tiện truyền thông lúc nào cũng tràn ngập các cảnh cướp, giết, hiếp, hở, lừa…

     Phối hợp hiệu quả trong công tác giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

     Nêu cao vai trò của dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng để điều tiết, chấn chỉnh hành vi của cá nhân và cộng đồng mạng.

     Nhóm giải pháp quản lý bằng văn hóa

     Giới văn nghệ sĩ cần chung tay làm ra những sản phẩm văn hóa có chất lượng, vừa hấp dẫn về nội dung vừa có giá trị cao về nghệ thuật.

     Tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú để cuốn hút giới trẻ vào các sân chơi bổ ích, hấp dẫn, có ý nghĩa ngoài đời thực.

     Đề cao, khuyến khích những giá trị đạo đức, chuẩn mực xã hội tốt đẹp, lên án, phê phán những hành vi sai lệch, tiêu cực; định hướng xã hội hướng tới các giá trị văn hóa và con người tích cực.

     Tựu chung lại, để hạn chế, kiểm soát và ngăn chặn việc lợi dụng công nghệ truyền bá các hành vi sai lệch trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của giới trẻ Việt Nam hiện nay rất cần tới sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các Bộ, ngành có liên quan, phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức, hiệp hội, đề cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường cũng như toàn xã hội.

_____________

     1. Thống kê của We Are Social công bố tháng 4-2018, brandsvietnam.com.

     2. Quang Đức, Vì sao giới showbiz đổ xô đi làm phim giang hồ, bạo lực trên YouTube, news.zing.vn.

 

Tác giả: Từ Thị Loan

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

 

;