1. Con người, sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1586), tên thật là Văn Đạt, tự Hanh Phủ, hiệu Bạch Vân cư sĩ, được học trò tôn xưng là Tuyết Giang phu tử, người làng Trung Am, Vĩnh Lại, Hải Dương (nay thuộc Lý Học, Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Thân phụ ông là nhà nho Nguyễn Văn Định, thân mẫu là bà Nhữ Thị Thục, là con quan Thượng thư bộ Hộ Nhữ Văn Lan, tương truyền rất giỏi văn thơ, lý số. Ông là người thông minh, theo học bảng nhãn Lương Đắc Bằng, thường bày tỏ chí hướng làm việc nghĩa giúp nước, an dân.
Ở thời đại của Nguyễn Bỉnh Khiêm, những thành quả hưng thịnh của đời sống xã hội được tạo dựng dưới thời Lê Thánh Tông đã lùi vào dĩ vãng. Xã hội ngày càng trở nên rối ren, chỉ tính từ năm 1497 đến năm 1527, nhà Lê đã có tới 6 lần thay ngôi vua. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chọn con đường ẩn thân tu dưỡng, dạy học. Ngay cả khi xảy ra cuộc thay bậc đổi ngôi, Mạc Đăng Dung xưng vua năm 1527, ông cũng chưa tham gia chính sự mà chiêm nghiệm, kiên nhẫn chờ thời. Phải đến khi nhà Mạc cầm quyền được nhiều năm, khoảng năm 1534 - 1535, ông mới tin vương triều mới là nơi có thể thi thố tài năng giúp dân, giúp nước nên quyết định ra ứng thí, đỗ đầu liên tiếp ba kỳ, chiếm ngôi trạng nguyên. Ông được cử giữ chức Đông các hiệu thư, rồi được thăng làm Tả thị lang bộ hình kiêm Đông các đại học sĩ. Nhiều tài liệu nghiên cứu đều chỉ ra rằng, do những thành công to lớn của nhà Mạc trong quản lý, phát triển đất nước mà Nguyễn Bỉnh Khiêm quyết định ra thi, dốc lòng phò tá triều đại này qua nhiều đời vua.
Quyết định nhập thế với lý tưởng xây dựng xã hội thái bình, thịnh trị, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dốc hết tâm sức với triều đại mà mình gửi gắm nhưng khi chứng kiến cảnh tham lam, lộng quyền của nhiều quan lại trong triều, ông đã dâng sớ hạch tội 18 lộng thần nhưng không được chấp thuận. Năm 1542, ông cáo quan về làng, dựng am Bạch Vân dạy học. Ông được Mạc Phúc Hải phong tước Trình tuyền hầu, ngụ ý đề cao ông có công khơi nguồn lý học, về sau người đời quen gọi ông là trạng Trình. Năm 1586, sau khi mất, ông còn được truy phong chức Thượng thư bộ Lại, Thái phó Trình quốc công.
Thực tiễn xã hội đương thời đã làm cho tư tưởng tầng lớp nho sĩ chuyển biến mạnh mẽ, nhất là trong vấn đề quan niệm sống. “TK XV, nho sĩ là những người trí thức, những nhà tư tưởng của xã hội. Nhưng khác với tầng lớp họ ở thế kỷ trước, các nhà nho ở TK XVI, XVII phải đối diện với một đất nước triền miên trong loạn lạc, trong các cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, trong sự chia cắt của non sông. Cục diện đó khiến cho suy tư của họ tập trung vào vấn đề làm sao cho đất nước trở về một mối, làm sao cho xã hội được yên vui” (1). Nhưng trên thực tế, cũng chính tại thời điểm này, Nho giáo đã bộc lộ sự bất lực của nó trước thực tiễn xã hội Đại Việt. Một phần do ở thời đại của Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất hiện chủ trương xử (không ra làm quan) như là một trong những khuynh hướng chủ yếu trong nhân sinh quan. Nhưng quan niệm xử của Nguyễn Bỉnh Khiêm chủ yếu mang tư tưởng ưu dân ái quốc. Bởi thế, tuy cáo quan về quê nhưng trên thực tế ông vẫn hành đạo thông qua giáo dục. Bạch Vân am của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đào tạo nên nhiều nhân tài, sau trở thành lương đống của các chính quyền Mạc, Lê, Trịnh như Nguyễn Quyện, Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Đinh Thì Trung, Trương Thì Cử…
Thời điểm Nguyễn Bỉnh Khiêm sống, Nho giáo đã không còn đóng vai trò chi phối toàn bộ đời sống tư tưởng xã hội; ngay bản thân ông, dù rất nỗ lực, cũng đã không thể làm cho nó sống động để có thể tiếp tục hấp dẫn mọi tầng lớp xã hội. Ông cũng đành bất lực như bao nhân cách cao cả khác chọn cảnh sống nhàn để giữ đạo.
Tuy đánh giá về quan điểm chính trị của Nguyễn Bỉnh Khiêm có những ý kiến khác nhau nhưng đánh giá về cuộc đời ông thì người ta đều nhất trí rằng đó là một cuộc sống thanh bạch, thiết tha yêu dân, yêu nước. Vì thế, ông không cảm thấy nuối tiếc điều gì trong hành trình cuộc đời có cả gần thế kỷ của mình mà thanh thản, tự hào: “Mình tuy chẳng nêu cao đức cũ, làm bậc lão thành của thiên hạ nhưng được hưởng thú an nhàn, cũng được là bậc tiên trên mặt đất” (2).
Trọn cuộc đời, dù là khi làm quan hay khi về dạy học, Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn đau đáu một chủ trương duy nhất xây dựng đất nước thái bình, thống nhất, lên án chiến tranh làm nhọc sức dân, tổn hao sinh lực dân tộc. Là người coi phú quý, danh lợi tựa như mây trôi, nước chảy, nghiền ngẫm thấu đáo các quan hệ xã hội, ông đã tổng kết nhiều tư tưởng sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan đến nay còn đáng để chúng ta suy ngẫm.
Ngoài công việc dạy học, truyền bá đạo Nho, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn sáng tác khoảng một nghìn bài thơ chữ Hán. Ngoài ra lại có hai tập: Trình quốc công Bạch Vân thi tập, Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập, gồm khoảng hơn một trăm bảy mươi bài thơ chữ Nôm. Thơ văn của ông đã thất lạc một số không nhỏ, nhưng số tác phẩm còn lại cũng đủ làm cứ liệu để xác định vị trí của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lịch sử văn học nước ta.
Điều đặc biệt là thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm thấm đẫm chất triết lý, trong đó có những bài thơ thể hiện rất rõ thế giới quan của ông ở tầm triết học.
So với Nguyễn Trãi ở giai đoạn trước, Nguyễn Bỉnh Khiêm không có một sự nghiệp kinh bang tế thế lừng lẫy, nhưng tư tưởng của ông vẫn chiếm vị trí quan trọng trong TK XVI, tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. “Tấm lòng của ông, tư tưởng của ông được phản ánh trong thơ văn đã từ lâu thuộc truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của nhân dân. Nguyễn Bỉnh Khiêm xứng đáng được coi như một trong những người đã góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng phẩm chất Việt Nam, tâm hồn Việt Nam” (3).
2. Vị trí, vai trò con người trong tự nhiên theo quan điểm Nho gia
Bản chất của con người
Trong Nho gia với Trung Quốc ngày nay, Vi Chính Thông có những nhận xét về vị trí của con người trong vũ trụ qua các thời kỳ lịch sử tư tưởng Trung Hoa như sau:
Đặc điểm vũ trụ luận thời đại Tiên Tần, con người ngang hàng với trời đất gọi là tam tài.
Trong đặc điểm vũ trụ luận thời Lưỡng Hán, quan niệm âm dương có từ Chu Dịch, Hán Nho lấy đó làm khái niệm cơ bản trong vũ trụ luận của họ. Quan niệm chủ yếu nhất trong vũ trụ luận của Hán Nho là khí. Còn âm dương là do khí phân ra mà có. Gọi khí của trời đất là âm dương bắt đầu từ Hán Nho, luận thuyết đó ảnh hưởng rất lớn đến đời sau. Hán Nho tuy vẫn bảo lưu ý kiến thời Tiên Tần, cho thiên đạo là chí thiện, nhưng lại nói rằng con người hấp thụ nhân đức của trời, chứ không phải của người, ở đây có khác với Nho gia Tiên Tần cho rằng đạo đức của trời, của người là một. Đến đời Lưỡng Hán thì trời là vĩ đại, tối cao. Ngược lại, con người lom khom trôi nổi dưới vòm trời, nhỏ bé, hèn hạ.
Đặc điểm vũ trụ luận thời đại Tống Minh đã có thay đổi, quan hệ giữa trời với người không còn chỉ là bên nhau như quan niệm thời Tiên Tần nữa, mà là: trời là người, người là trời; trời với người đồng tâm, đồng lý, nên vừa là siêu việt vừa nội tại.
Theo như lời Thiệu Tử, vũ trụ ở trong tay ta, mọi sự biến hóa trong lòng ta, mọi sự biến hóa từ ta mà ra, chẳng còn gì phải nói nữa, thì có khuynh hướng người thắng trời.
Đến đây, tinh thần nhân văn kiểu Nho gia đã thể hiện rõ, đã hoàn toàn thoát khỏi quan niệm thiên thần trong tôn giáo nguyên thủy. Thiên thần đã hóa thành thiên tâm, thiên tính của con người. Ý tưởng thiên nhân hợp nhất trong lịch sử Trung Quốc từ đây đã thực sự hình thành.
Trong bài Cảm hứng, Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa ra quan điểm trời, đất, người cùng bẩm thụ một khí chất do đó về cơ bản, ba lực lượng quan trọng nhất trong vũ trụ có vị trí ngang hàng nhau:
Thái cực từ lúc mới tạo lập đã phân chia
Tam tài đã ổn định ở vị trí của chúng
Nhẹ và trong bốc lên là trời
Nặng và đục lắng xuống là đất
Ở giữa tập kết lại thành người
Bẩm thụ cùng một khí chất
Cũng có ý kiến cho rằng, trong đoạn thơ trên, Nguyễn Bỉnh Khiêm không nêu lên được sự hình thành vũ trụ trong đó có con người là một quá trình lâu dài. Nhưng thực ra, ông đã diễn tả rất cô đọng rằng, quá trình vận động lâu dài của sự hình thành vũ trụ đó là sự thăng, giáng của khí:
Nhẹ và trong bốc lên là trời
Nặng và đục lắng xuống là đất
Ở giữa tập kết lại thành người
Còn câu:
Thái cực từ lúc mới phân chia
Tam tài đã ổn định ở vị trí của chúng
Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ muốn nói đến vị trí của con người trong vũ trụ. Vị trí đó ngay lập tức, từ đầu đã có cơ sở để ngang hàng với trời đất. Nhưng rõ ràng đến câu:
Bậc thánh nhân theo khuôn phép của trời
Muôn đời lập nên kỷ cương của loài người
thì lại cho thấy, trong quan niệm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, trời vẫn có phần cao hơn con người. Đó cũng là tư tưởng gần như xuyên suốt của Nho gia Việt Nam. Vì vậy, khi khẳng định con người vốn tính thiện: “người ta tính vốn thiện (nhưng) tự ràng buộc ở bẩm khí bị che lấp vì vật dục” (4), ông cũng rất gần với Hán Nho khi nói về nguồn gốc tính thiện đó: “trời cao ban xuống tấm lòng thiện, con người có đầy đủ đạo thường” (5).
Khả năng chung nhất về nhận thức, hành động của con người theo quan điểm Nho gia
Trước hết về đối tượng nhận thức, Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng:
Bởi lẽ trời ư hay bởi việc người ư
Là lý đấy mà cũng lại là số đấy
Chính là ông diễn đạt cái ý rằng: đạo trời, đạo người có nguyên do từ lý. Mà lý với số là một. Tức là ta có thể suy từ số ra lý, để mà biết lẽ hành động.
Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nói rõ hơn cái quy luật lý, số ấy được áp dụng cho xã hội loài người:
Bậc thánh nhân theo khuôn phép của trời
Muôn đời lập nên kỷ cương của loài người
Nguyễn Bỉnh Khiêm quan niệm vũ trụ cũng như xã hội loài người vận hành một cách có quy luật.
Cũng có đôi lúc, ông nói sơ qua về phương pháp nhận thức:
Muốn nhận thức chỗ nhất chân do trời định sẵn
Thì vào lúc trăng sáng dọi nước thu ở sông Hàn
Thuật ngữ nhất chân được một ý kiến giải thích là thuần nhất, chân thực tự nhiên đạt đến mức lý tưởng, giống như nghĩa chân như của đạo Phật.
Nhưng tác giả cho rằng, đó chỉ là một cách diễn đạt phảng phất phong vị nhà Phật thôi. Vì theo Nguyễn Bỉnh Khiêm, cái nhất chân cần nhận thức đó là do trời định sẵn, vậy nó chính là cái lý - thái cực của Nho gia. Còn câu “vào lúc trăng sáng dọi nước thu ở sông” có lẽ là liên tưởng hình ảnh nguyệt ấn vạn xuyên của Chu Hy khi nói về thái cực.
Ở bài Quá Kim Hải môn ký, ông viết:
Sau khi lặng lẽ xem nước thủy triều buổi hôm trước
Hiểu được tình hình đời xưa đời nay
Phương pháp nhận thức ở đây lại có phong vị của một đạo sĩ, đậm chất bí hiểm của thuật bói toán lý số.
Cách nhận thức thế giới theo phong cách đó là một sở thích của Nguyễn Bỉnh Khiêm, được ông thể hiện qua hàng loạt câu thơ:
Suy từ tượng của tám quẻ biết sự vãng phục của trời
Nghiệm qua vài tiếng đỗ quyên hiểu lẽ hưng suy ở đời
hoặc:
Khảm chảy cấn dừng rõ nét hành tàng
Muốn biết cơ trời huyền diệu muôn vật cứ sinh sôi mãi
Hãy xem mai nở tháng rét sẽ thấy một khí dương lại sinh ra
Ông cũng muốn xem xét sự vật theo nguyên tắc lịch sử, thịnh, suy phải xét nghiệm ở xưa, nay.
Trần Quốc Vượng cho rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà nho nhưng đầy chất lý số, sấm vĩ.
Nhưng cũng cần phải nói rõ hơn, trong quan niệm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, con người nhận thức là con người quân tử, còn thứ dân thì không hề có khả năng nhận thức:
Phép tắc của trời phải thuận theo mà không thể biết
Ngôi vua đã lập thì không thể đổ
Đó cũng là quan điểm chung của Nho gia, không chỉ có thánh nhân mà quân tử, hiền nhân đến bách tính đều noi theo đạo của trời đất để hành sự, chỉ có điểm khác nhau là quân tử thì tự giác noi theo, còn trăm họ thì chỉ biết làm theo.
Đặc điểm chung trong nhận thức của Nho gia là tin vào số phận, mệnh trời, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng không thể khác:
Hoa càng khoe nở hoa nên rữa
Nước chứa cho đầy nước ắt vơi
Mới biết doanh hư đà có số
Ai từng rời được đạo trời
Ông cho rằng, tạo hóa vốn công bằng, mong muốn rằng sự công bằng đó sẽ biểu hiện ở sự làm xuất hiện ra những ông vua biết sửa mình thành bậc minh quân. Ở bài Cảm hứng thi, ông viết:
Nghe nói cung chấn lại xuất hiện quẻ chấn
Bậc vua thánh biết sửa mình dự đoán đó là điềm lành
Tin tưởng như vậy nên ông chấp nhận sự yên phận. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm rất hay nhắc tới sự yên phận. Trong sự yên phận của ông cũng cho thấy tư tưởng tam giáo luôn đeo bám ông. Đây là cách yên phận của nhà nho. Nhưng trong tâm trạng yên phận, không khỏi có lúc nhà nho nhập thế Nguyễn Bỉnh Khiêm băn khoăn về sự chủ động của con người:
Bởi lẽ trời ư hay bởi việc người ư
Là lý đấy mà cũng lại là số đấy
Mệnh ở trời há phải cầu
Đòi thời đi đỗ mặc ta dầu
Không cầu ở mệnh trời mà hành động theo suy nghĩ của mình. Thế giới quan đó đã khiến Nguyễn Bỉnh Khiêm không ra làm quan với nhà Lê đã mục nát, mà người tôn thờ phương pháp nhận thức chữ thời theo Kinh Dịch ấy đã không ngần ngại ra ứng thí, phục vụ vương triều Mạc một cách đầy nhiệt huyết.
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chủ động chờ thời để hành động, nhưng cũng chờ thời để từ quan. Ông đã thất bại, bởi đó chính là thất bại của thế giới quan Nho giáo nói chung. Tư tưởng ông có phần đã vượt chiều kích học thuyết Nho giáo đang dần lỗi thời, nhưng lại không tìm được học thuyết nào khả dĩ để giúp dân, giúp nước. Đó chính là bi kịch của cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm, khiến ông buộc phải tìm đến với Phật giáo, đặc biệt là tư tưởng Lão - Trang, để rồi suốt đời giằng mắc trong tư tưởng tam giáo.
_____________
1. Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.344.
2, 4, 5. Đinh Gia Khánh chủ biên, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Văn học, Hà Nội, 1983, tr.3, 48, 294.
3. Vi Chính Thông, Nho gia với Trung Quốc ngày nay, Nxb Chính trị Quốc gia, 1996, tr.196.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017
Tác giả : NGUYỄN THÀNH TUẤN