• Văn hóa > Cổ truyền

Đôi nét về tục thờ An Dương Vương

Theo chiều dài lịch sử, tín ngưỡng dân gian ra đời phản ánh ước vọng, khao khát về một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc của con người. Mà ở đó, tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc trở thành một nét đẹp văn hóa, là đạo lý truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam: “uống nước nhớ nguồn”. Đức An Dương Vương, nối tiếp sự nghiệp dựng nước của các Vua Hùng, trở thành một biểu tượng văn hóa gắn với tiến trình phát triển của người Việt qua nhiều thế kỷ. Tìm hiểu, nghiên cứu tín ngưỡng thờ An Dương Vương chính là nghiên cứu một sinh hoạt văn hóa dân gian được chuyển hóa từ việc phụng thờ một nhân vật lịch sử trở thành đối tượng thờ cúng của tín ngưỡng dân gian.

Giá trị thẩm mỹ và văn hóa của trang phục liền chị quan họ xưa và nay

Dân ca quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể năm 2009. Các nhà nghiên cứu đã nhận định rằng: Dân ca quan họ không chỉ đặc biệt ở lối hát, cách biểu diễn mà còn đặc biệt cả ở trang phục hát quan họ nữa, tất cả đã làm nên giá trị của dân ca quan họ. Trong quá trình hội nhập và phát triển, việc chuyển dịch nền văn hóa theo những góc độ khác nhau, trong đó yếu tố văn hóa mặc là điều dễ thay đổi. Bảo tồn, gìn giữ những giá trị thẩm mỹ vững bền của dân tộc trong văn hóa mặc là điều cần thiết. Không những thế cần phải góp phần khẳng định và phát triển những giá trị cốt lõi ấy trong đời sống thời trang Việt Nam ngày nay.

Giá trị của dân ca Mường trong sinh hoạt cộng đồng Mường Hòa Bình

Mỗi một dân tộc, mỗi một vùng miền đều có những làn điệu dân ca riêng, những lời ru, hò vè... mang dáng dấp và phong cách của âm nhạc truyền thống. Mỗi một thể loại dân ca, đều mang một ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống lao động, cũng như trong sinh hoạt cộng đồng và đó chính là nơi để con người thổ lộ những tâm tư tình cảm, rồi qua đó con người hiểu nhau, trao cho nhau những gì tốt đẹp và cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc…

Biến đổi thực hành lễ chùa trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến tất cả lĩnh vực của xã hội; trong đó có đời sống tôn giáo tín ngưỡng của con người. Từ lý thuyết và khảo sát thực tế cho thấy, thực hành lễ chùa trong bối cảnh đại dịch đã có những thay đổi sâu sắc trên các phương diện: thời gian, không gian thực hành lễ chùa; tần suất, hình thức tham gia lễ chùa; đồ lễ và cách thức thực hiện công đức.

Lễ chùa trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt

Thực hành lễ chùa là một sinh hoạt Phật giáo điển hình, tiêu biểu, trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam hàng nghìn năm nay. Lễ chùa nhằm thỏa mãn những nhu cầu về đời sống văn hóa tâm linh, giúp con người có thêm niềm tin, sức mạnh trước khó khăn của cuộc sống. Bài viết khẳng định vai trò, vị trí của hoạt động lễ chùa trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt trên 3 khía cạnh: đáp ứng nhu cầu được che chở và tìm kiếm sự an toàn, tăng cường gắn kết cộng đồng, lan tỏa giá trị đạo đức tích cực.

Diễn xướng sắc bùa ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam)

Hát sắc bùa là hình thức diễn xướng văn nghệ dân gian, được tổ chức vào những ngày đầu xuân ở các làng quê tỉnh Quảng Nam, mang tính chất nghi lễ cộng đồng được kế thừa, chắt lọc qua thời gian, kết hợp theo một trình tự và cấu trúc chặt chẽ. Ở mỗi địa phương, hình thức các cuộc diễn xướng có những đặc điểm riêng, gắn với đặc trưng văn hóa từng vùng. Bài viết phân tích những giá trị văn hóa, nghệ thuật của loại hình diễn xướng này từ góc độ văn hóa, với mong muốn góp phần xây dựng lại hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng - hát sắc bùa ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam).

Múa và nhạc cụ nghi lễ của người Dao Đỏ ở huyện Na Hang (Tuyên Quang)

Người Dao Đỏ có hệ thống các nghi lễ phong phú và đa dạng. Đây chính là môi trường hình thành, tồn tại những điệu múa và nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Na Hang là huyện có số lượng người Dao Đỏ sinh sống tập trung đông nhất trong tỉnh Tuyên Quang, phân bố tập trung tại các xã Đà Vị, sơn Phú, Thanh Tương, sinh Long, Năng Khả. Do tác động của dự án di dân tái định cư, sự phát triển của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, văn hóa truyền thống của người Dao Đỏ ở Na Hang đã bị biến đổi, mai một, như nhà ở, trang phục, ẩm thực, các phong tục tập quán... Khai thác, phát huy các loại hình múa và nhạc cụ trong nghi lễ phục vụ cho phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.