Đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến tất cả lĩnh vực của xã hội; trong đó có đời sống tôn giáo tín ngưỡng của con người. Từ lý thuyết và khảo sát thực tế cho thấy, thực hành lễ chùa trong bối cảnh đại dịch đã có những thay đổi sâu sắc trên các phương diện: thời gian, không gian thực hành lễ chùa; tần suất, hình thức tham gia lễ chùa; đồ lễ và cách thức thực hiện công đức.
1. Đa dạng về không gian
Ở Việt Nam, ngôi chùa đã trở thành một biểu tượng văn hóa thiêng liêng đối với người dân: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt”. Nói đến chùa là nói đến nơi mang lại bình yên cho tâm hồn. Nơi đó, con người được che chở, nâng đỡ; có sự khuyến khích để hướng thiện. Trên dải đất Việt Nam, mỗi xã, mỗi làng đều có những mái chùa bình dị, thân quen để duy trì sinh hoạt tâm linh và tín ngưỡng cho người dân. Trải qua bao thăng trầm, hình ảnh ngôi chùa đã in dấu ấn sâu đậm trong tâm tư, tình cảm của người dân trong cộng đồng làng xã xưa và nay: “Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của Tổ tông”.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội vì đại dịch, không gian chùa truyền thống vẫn được duy trì cho những sinh hoạt Phật giáo. Tuy nhiên, do việc tạm dừng hoặc hạn chế số người tham dự tùy theo từng giai đoạn để đảm bảo an toàn phòng, chống đại dịch đã dẫn đến nhiều thay đổi, điển hình là những hoạt động trực tiếp bị thu hẹp và hoạt động Phật sự online gia tăng. Khuyến khích chuyển đổi sang hình thức sinh hoạt trực tuyến là định hướng chỉ đạo của Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Qua thực tế khảo sát, trên 30% số người được hỏi trả lời đã tham gia các hoạt động lễ chùa, cầu an, nghe thuyết pháp bằng hình thức trực tuyến.
Chùa online dần trở nên quen thuộc hơn với Phật tử nói riêng và đông đảo quần chúng nhân dân nói chung. Chùa online là ngôi chùa điện tử, được thiết kế dựa trên những tiến bộ của công nghệ thông tin, mang dáng dấp của ngôi chùa ngoài đời thực với ảnh Phật, bát hương, ban thờ… Ngày càng có sự xuất hiện của nhiều ngôi chùa online, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo trực tuyến trong bối cảnh đại dịch như ngôi chùa online tại tuvien.com hay ứng dụng Viếng chùa online trên Google Play… Xu hướng này là một sự sáng tạo từ ngôi chùa truyền thống, phù hợp và đáp ứng nhu cầu phòng dịch, tránh tập trung đông người, đảm bảo giãn cách xã hội… trong bối cảnh COVID-19.
Bên cạnh đó, khảo sát trên nền tảng Facebook, chúng tôi thấy sự xuất hiện của nhóm Đi chùa online được tạo lập từ ngày 1-6-2021, hiển thị dưới hình thức “công khai” và lời giới thiệu: “Chùa không đâu xa/ Chùa ngay bên ta”. Tính đến ngày 20-3-2022, nhóm đã thu hút sự tham gia của 12.100 thành viên. Ứng dụng Viếng chùa online chính thức xuất hiện trên Google Play từ ngày 24-1-2021, được đánh giá 3,8* (từ hơn 3.000 đánh giá), với hơn 100 nghìn lượt tải về. Ứng dụng Viếng chùa online được sử dụng trong mục “Lối sống” với phần giới thiệu: “Ứng dụng cung cấp không gian thanh tịnh và dâng hương lễ Phật cho người dùng. Với ứng dụng Viếng chùa online của chúng tôi phần nào giúp cho bạn cảm giác được không gian thờ Phật, giúp bạn dâng hương niệm Phật ngay trên chính chiếc điện thoại của mình”.
Các hình thức lễ chùa online nói chung hiện tại còn gây một số tranh cãi, chưa phổ biến với cộng đồng, nhưng trong bối cảnh đại dịch đã bộc lộ giá trị tích cực. “Nhờ những tiện ích ứng dụng trực tuyến mà chị vừa có thể theo dõi những nghi lễ ở nhà vừa tuân thủ giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn. Tham gia trực tuyến giúp chị hiểu về giáo lý nhà Phật và cảm thấy bình an hơn” (N.T.H, nữ, 1979, công nhân viên chức).
Đối với hầu hết các chùa, trong đó có chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội), chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội), chùa Phúc Khánh (Thanh Xuân, Hà Nội) đã hình thành các hội nhóm trên nền tảng Facebook với những mục đích: giới thiệu về chùa, kinh nghiệm sắm lễ, chia sẻ và tham gia các hoạt động Phật sự... “Em ở xa nên đã lên mạng tìm hiểu về chùa Hà trước. Khi em tìm thì may mắn có nhóm “Chùa Hà cầu duyên”. Em bình luận hỏi thông tin về cách sắm lễ và được mọi người trong nhóm nhiệt tình hướng dẫn” (L.M.H, nữ, 1993, công nhân).
Có thể nói, sự tồn tại và phát triển các ứng dụng lễ chùa online ít nhiều có một bộ phận nhân dân phản kháng và khó chấp nhận, nhưng không thể phủ nhận giá trị thiết thực của những sinh hoạt trực tuyến trong bối cảnh đại dịch. Sự gia tăng những ngôi chùa online bên cạnh hệ thống chùa truyền thống chính là biến đổi văn hóa nổi bật trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
2. Linh hoạt về thời gian
Hình thức lễ chùa trực tuyến không còn chịu bó buộc giờ mở cửa, đóng cửa, mà thay vào đó, bất cứ khi nào có thời gian, mọi người đều có thể dâng hương lễ Phật. Nói một cách khác, hình thức lễ chùa online, cầu an online đã xóa bỏ ranh giới về thời gian, 24/7 mọi người đều có thể thực hành nghi lễ. Người thực hiện lễ chùa trực tuyến có thể thực hiện ở bất kỳ nơi đâu, bất cứ thời gian nào miễn là tâm thành và có đầy đủ phương tiện kỹ thuật để thực hiện. Theo kết quả khảo sát, có trên 30% người được hỏi đã tham gia hình thức lễ chùa online, cầu an online hoặc lễ Phật đản online. Xét một cách khách quan, con số này chính là sự thừa nhận về hình thức thực hành Phật sự online trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tất nhiên, có sự phát triển hoạt động online này là do chủ trương và sự khích lệ của Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính quyền địa phương; sự hướng dẫn của các nhà quản lý tôn giáo tại địa phương cùng với sự phát triển, tiến bộ của công nghệ 4.0.
Bên cạnh đó, thời điểm đi lễ chùa trực tiếp của người dân hiện nay có sự thay đổi. Qua khảo sát tại chùa Phúc Khánh, chùa Hà và chùa Thầy (Hà Nội) (1), người dân đi lễ chùa linh hoạt hơn, không phụ thuộc vào khoảng thời gian cố định như trước. Với câu hỏi đa lựa chọn về thời điểm đi lễ chùa, ở phương án “Không có khoảng thời gian cố định”, kết quả khảo sát thu được ở chùa Thầy có 47,5%, tại chùa Hà có 40,1%, chùa Phúc Khánh có đến 50% người được hỏi lựa chọn. Khoảng thời gian được mọi người lựa chọn đi lễ nhiều nhất là dịp Tết Nguyên Đán với tỷ lệ tại chùa Thầy, chùa Hà, chùa Phúc Khánh lần lượt là 57,5%, 53,5% và 40%. Tỷ lệ đi lễ vào ngày mồng một nhiều hơn so với ngày rằm (23,6% là tỷ lệ trung bình đi lễ vào mồng một và 19,2% là tỷ lệ trung bình ở lựa chọn đi lễ vào ngày rằm ở ba điểm chùa).
Có thể thấy, hiện nay người dân có sự thoải mái và linh hoạt về thời điểm đi lễ. “Em nghĩ đi chùa vào ngày thường thì sẽ ít người hơn, an toàn hơn. Còn nếu đi lễ vào ngày rằm thì em sẽ đi muộn, ít người hơn” (N.H.M, nam, 1994, kinh doanh online). Phần lớn mọi người đều đồng ý rằng, thời điểm đi lễ chùa không bắt buộc là ngày nào trong tháng, điều quan trọng là ở tấm lòng thành tâm lễ Thần, Phật.
3. Thay đổi về tần suất và hình thức đi lễ chùa
Trên thực tế, trong ba năm đại dịch COVID-19, trước những nguy hiểm, đe dọa về tính mạng, sức khỏe cũng như đảm bảo tuân thủ các chính sách của Đảng và Nhà nước, tần suất đi lễ chùa trực tiếp của người dân giảm đáng kể. Kết quả khảo sát về tần suất đi lễ chùa tại chùa Phúc Khánh, chùa Hà và chùa Thầy (Hà Nội) đã minh chứng cho điều này. Trước câu hỏi: “Trong 3 năm đại dịch gần đây, tần suất đi lễ chùa của ông/bà so với trước kia như thế nào?”, kết quả thu được cho thấy, đa số mọi người đều tham gia lễ chùa trực tiếp ít hơn, tỷ lệ tại chùa Thầy là 83,8%, chùa Hà là 55,1%, chùa Phúc Khánh là 70%. Kết quả phỏng vấn sâu tại các chùa cũng minh chứng cho tình hình này. “Từ khi có Chỉ thị 16 đến vừa qua là chùa Thầy đóng cửa theo yêu cầu của chính quyền. Gần cả một năm đóng cửa đó. Đầu năm nay mới mở cửa. Nhưng do dịch bệnh nên khách vẫn chưa đông như các năm trước. Mọi người thường đến vào ngày Rằm, mùng Một, ngày thường thì ít hơn nhiều. Khách ở xa thì thường đi theo đoàn” (N.H.H, nữ, 1979, kinh doanh tại chùa Thầy).
Hình thức đi lễ chùa hiện nay cũng có sự thay đổi đáng kể so với trước kia. Điển hình là tỷ lệ đi lễ chùa theo nhóm/ tập thể giảm ở cả 3 hình thức: đi lễ chùa cùng với gia đình, người thân; đi cùng bạn bè, đồng nghiệp và đi theo bản hội. Đối với chùa Thầy, các hình thức này có tỷ lệ giảm như sau: đi lễ chùa cùng gia đình, người thân giảm 8,8%; đi lễ chùa cùng bạn bè, đồng nghiệp giảm nhiều nhất với 13,2%; đi theo bản hội giảm 6%. Đối với khảo sát tại chùa Hà: đi lễ chùa cùng gia đình, người thân giảm 14,4%; đi lễ chùa cùng bạn bè, đồng nghiệp giảm 8,1%; đi theo bản hội giảm 4,8%. Đối với khảo sát tại chùa Phúc Khánh: đi lễ chùa cùng gia đình, người thân giảm 5,7%; đi lễ chùa cùng bạn bè, đồng nghiệp giảm 6,9%; đi theo bản hội giảm xuống 5%. Ngược lại, hình thức đi lễ chùa một mình có tỷ lệ gia tăng, tại chùa Thầy tăng 6,2%, chùa Hà tăng 2,7%, chùa Phúc Khánh tăng 9,4%.
Hầu hết mọi người đều chia sẻ, trong 3 năm đại dịch, mọi người đi lễ chùa ít hơn, thường đi theo nhóm nhỏ hoặc đi một mình. Nói cách khác, tần suất của hoạt động lễ chùa và hình thức, quy mô của nhóm người tham gia lễ chùa trực tiếp đều giảm trong bối cảnh đại dịch.
4. Đơn giản hóa về lễ vật và thực hiện công đức
Lễ vật dâng cúng thường là: hương, hoa, quả, oản, xôi, chè… Kết quả khảo sát cho thấy hương, đồ lễ chay và tiền thật là những loại đồ lễ chiếm ưu thế nhất. Hương/ nhang là lễ vật hàng đầu được người đi lễ chùa ưu ái lựa chọn. Tỷ lệ số người được phỏng vấn trả lời mang hương/ nhang khi lên chùa trước đây là trên 61% ở cả ba ngôi chùa. Tỷ lệ người sử dụng đồ lễ chay khá cao và có xu hướng giảm trong bối cảnh đại dịch. Cụ thể, tại chùa Hà, giảm từ 56,9% xuống 41,9%; chùa Thầy, giảm từ 56,3% xuống 41,3%; chùa Phúc Khánh, giảm từ 61,9% xuống còn 51,9%.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ sử dụng vàng mã và đồ lễ mặn cũng có xu hướng giảm. Ngược lại, đồ lễ là tiền thật có xu hướng gia tăng (tăng trên 6% tại ba điểm chùa). Cùng với đó là xu hướng gia tăng số người “không sử dụng đồ lễ” khi đi lễ chùa. Qua phỏng vấn sâu, chúng tôi thấy có những nguyên nhân sau: người đi lễ chùa nhận thấy việc sử dụng đồ lễ như: hương, hoa, đồ lễ chay, đồ lễ mặn… gây lãng phí; tiền thật có giá trị thay thế để nhà chùa sử dụng trong nhiều việc; tiết kiệm thời gian mua sắm đồ lễ, tránh tiếp xúc với người khác, như người kinh doanh bán hàng, người đi lễ cùng (khi sắp lễ, hạ lễ).
Như vậy, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, người đi lễ chùa có xu hướng mua đồ lễ đơn giản, gọn nhẹ hơn, cùng với đó, người đi lễ cũng ưu tiên sử dụng tiền thật vì sự tiện lợi và tính chất sử dụng lâu dài, phù hợp với nhiều mục đích của nhà chùa.
“Trước giờ chị đi lễ chỉ sử dụng tiền mặt thôi. Ai cũng mua đồ lễ thì nhà chùa cũng không dùng hết, thấy lãng phí lắm. Mình sử dụng tiền mặt là hợp duyên nhất. Thày trụ trì muốn sử dụng vào việc nào cũng sẽ thuận tiện. Đầu năm có điều kiện thì phát tâm công đức, thày trụ trì cũng sẽ kêu cầu cho gia đình mình” (V.T.T, nữ, 1982, công nhân).
Về thực hiện công đức tại chùa, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy đa số người đi lễ chùa thực hiện công đức bằng cách tự công đức tiền tại chùa. Hình thức này chiếm vị trí chủ đạo, tại chùa Thầy là 94,4% trước đại dịch và 86,9% trong đại dịch; chùa Hà có tỷ lệ 79,1% trước đại dịch và 71,7% trong đại dịch; chùa Phúc Khánh có tỷ lệ 94,4% trước đại dịch và 93,8% trong đại dịch.
Bên cạnh đó, hình thức công đức bằng hiện vật và công đức bằng công lao động cũng có xu hướng giảm so với trước đây, với tỷ lệ giảm từ 3-7% ở các chùa. Các hình thức khác như chuyển tiền qua tài khoản, gửi tiền mặt qua người khác chiếm tỷ lệ không nhiều nhưng lại có xu hướng gia tăng, với tỷ lệ tăng khoảng 2%-3,2%. Điều này hoàn toàn linh hoạt và phù hợp với bối cảnh dịch bệnh khi người dân sinh hoạt Phật giáo trực tiếp tại chùa ít hơn. Lễ chùa hiện nay ưu tiên công đức bằng tiền mặt, việc sử dụng tiền lẻ và vàng mã ở các chùa cũng ít dần, minh chứng cho sự văn minh, tiến bộ trong văn hóa lễ chùa hiện nay.
Bức tranh về sự biến đổi của thực hành sinh hoạt lễ chùa của người dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có sự biến đổi đa chiều và linh hoạt, nhằm thích ứng với đại dịch và đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân. Quá trình biến đổi không gian, thời gian, tần suất, hình thức… của thực hành lễ chùa chính là quá trình đổi mới phương thức thực hiện và quảng bá nhằm phù hợp với những thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch. Những vận động và biến đổi của thực hành lễ chùa là tất yếu, khách quan để phù hợp với bối cảnh; khẳng định và tôn vinh giá trị Phật giáo, phát huy tinh thần “gắn đạo với đời”, chăm lo đời sống tinh thần của nhân dân.
_________________
1. Trong bài viết, tác giả sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu và điều tra bảng hỏi tại 3 địa điểm, thu được tổng cộng 507 phiếu: chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội), 187 phiếu (102 nữ, 85 nam); chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội) 160 phiếu (112 nữ, 48 nam); chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội), 160 phiếu (107 nữ, 53 nam).
Tài liệu tham khảo
1. Heidi A. Campbell, Religion and the internet (Tôn giáo và internet), Communication Research Trends (Xu hướng nghiên cứu truyền thông), 26 (1), 2006, tr.3-24.
2. Heidi A. Campbell, Religion and the internet: A microcosm for studying internet trends and implications (Tôn giáo và internet: Một mô hình thu nhỏ (để) nghiên cứu các xu hướng và tác động của Internet), tập 15, số 5, 2013.
3. Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ, Lễ hội Phật giáo đầu xuân xưa và nay, moha.gov.vn.
Ths NGUYỄN THỊ NHUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022