Hình ảnh chiếc bánh chưng xanh gắn liền với truyền thuyết thuở xa xưa vẫn luôn gợi nhắc lòng tri ân, thành kính nhớ đến cội nguồn, tổ tiên của mỗi người con đất Việt, đặc biệt vào dịp Tết đến xuân về.
Không chỉ đơn thuần là món ăn cổ truyền, mà giá trị, ý nghĩa của chiếc bánh chưng gói ghém đầy đủ mĩ vị, sản vật đất trời còn tượng trưng cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đem lại niềm an vui sung túc, đoàn viên cho mọi gia đình trong khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng. Theo thời gian, cùng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, tục gói bánh chưng không còn được nhiều nhà duy trì như trước, nhưng nét đẹp văn hóa ấy rất cần được lưu giữ, cũng giống như những chiếc bánh chưng vốn không thể thiếu trên mâm cỗ tất niên. Và giữa nhịp sống hối hả ngay lòng Thủ đô, có một làng quê vẫn miệt mài trao truyền phong tục gói bánh chưng qua biết bao thế hệ, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, tự lúc nào đã hình thành nên tên gọi làng nghề bánh chưng Tranh Khúc. Đồng lòng giữ lấy “lửa nghề”, từ thức quà dung dị mà tạo nên thương hiệu mang đậm dấu ấn riêng, đối với người dân nơi đây đơn giản được sống, được gắn bó với nghề ông cha để lại là niềm hạnh phúc lớn lao, đầy trân quý và tự hào.
Đường vào làng nghề bánh chưng Tranh Khúc
Xuôi về phía Nam thành phố Hà Nội, cách trung tâm khoảng 15km, thuộc vùng ven sông Hồng, làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) dường như hoàn toàn khác biệt với khu vực nội đô sôi động, náo nhiệt. Vùng quê yên ả, thanh bình, không ồn ào, tấp nập hay sở hữu những tòa cao ốc, trung tâm thương mại tiện nghi, hiện đại, mà mang dáng vẻ rất riêng với hình ảnh đặc trưng của làng quê Bắc Bộ xưa, là quán nước, cây đa, cổng làng cổ kính cùng những con người mộc mạc, chất phác yêu lao động. Nơi đây nổi tiếng với nghề làm bánh chưng truyền thống lâu đời và được kế tục qua nhiều thế hệ.
Hiện nay, làng Tranh Khúc có khoảng 215 hộ làm nghề, các thành viên của mỗi hộ gia đình cũng chính là người lao động, trực tiếp đảm nhiệm từng công đoạn khác nhau trong quy trình sản xuất. Bởi vậy, sẽ không lấy gì làm lạ, khi đặt chân tới làng và bắt gặp trước khoảnh sân rộng dưới nếp nhà nào đó, khung cảnh rộn ràng, tất bật. Từ các cụ già, cho tới các thanh niên, trẻ nhỏ, ai vào việc nấy, nhịp nhàng, đều tay trong tiếng nói cười hồn hậu cùng những câu chuyện bình dị sau lũy tre làng.
Những chuyến lá dong cuối cùng của năm đã kịp về đến đầu làng Tranh Khúc
Không ai nhớ chính xác nghề làm bánh chưng hình thành vào khi nào, chỉ biết đã tồn tại từ rất lâu (trước năm 1975). Chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, đi qua chiến tranh loạn lạc, phiêu bạt khắp nơi. Mãi sau năm 1975, hòa bình, thống nhất đất nước, dân làng quay về tụ cư, làng nghề mới được phục dựng và duy trì, phát triển đến tận ngày nay. Những chiếc bánh chưng vuông vức, đầy đặn không chỉ gửi trọn lòng yêu nghề, mà còn nhắc nhớ cho mỗi người dân làng Tranh Khúc về một thời gian khó bôn ba, bám trụ, giữ lấy nghề của quê hương. Và trước sự đổi thay của xã hội hôm nay, đối diện thêm nhiều thách thức, sản phẩm truyền thống phải cạnh tranh gay gắt để tìm chỗ đứng trên thị trường, thì bánh chưng Tranh Khúc vẫn khẳng định được vị thế của mình, được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn không chỉ do thương hiệu có tiếng suốt mấy chục năm mà còn bởi chất lượng, hương vị đặc trưng thật sự… khó quên!
Bên cạnh chiếc bánh chưng xanh vị cổ truyền, người dân làng nghề tiếp tục đổi mới sản phẩm phù hợp đúng thị hiếu, sáng tạo thêm bánh chưng gấc đỏ, bánh chưng cốm xanh,… Tuy vậy, bánh chưng Tranh Khúc vẫn giữ nguyên “bản sắc” với cách gói tay vo thủ công, không cần dùng khuôn mà sắc cạnh, vuông thành 8 góc, hằng trăm chiếc như một, đều nhau tăm tắp. Những mẻ bánh nóng hổi, sau khi luộc sôi vừa lửa, đủ từ 9 đến 10 tiếng sẽ được vớt ra khỏi nồi, đem rửa rồi xếp ngay ngắn, ép ráo nước để kịp sớm mai vận chuyển trên các tuyến phố, tới nhiều tỉnh thành khác nhau.
Thiết nghĩ rằng, dân làng nghề phải có “bí quyết” gia truyền để tạo nên những chiếc bánh chưng thơm ngon, xanh, rền, đậm đà như vậy. Nhưng hóa ra “bí quyết” ấy cũng không có gì quá đặc biệt, nguyên liệu chính cần sử dụng cũng chỉ đơn giản bao gồm lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn. Có chăng, đó là sự tỉ mỉ, cầu kỳ ngay từ khâu đầu tiên tuyển lựa nguyên liệu được đúc rút theo kinh nghiệm ông bà xưa để lại. Gìn giữ nghề bằng chữ tâm - chính là “tôn chỉ” quan trọng nhất, và đó cũng là cách ứng xử, tiếp nhận văn hóa truyền thống bao đời nay của người dân làng nghề Tranh Khúc.
Làng nghề truyền thống bánh chưng Tranh Khúc, nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa qua nhiều thế hệ
Không ngừng củng cố, xây dựng nền tảng vững chắc từ những giá trị đạo đức nghề nghiệp cao đẹp, sản phẩm làng nghề Tranh Khúc xứng đáng vươn tầm đi xa hơn, khẳng định sức mạnh thương hiệu trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu. Đặc biệt, khi làng nghề Tranh Khúc được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho những sản phẩm truyền thống từ năm 2009 đến nay và vinh dự được UBND TP Hà Nội trao tặng Bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” theo Quyết định số 6096/QĐ-UBND ngày 29-12-2011. Với sự quan tâm, hỗ trợ, động viên của các cấp, các ngành, sản phẩm bánh chưng Tranh Khúc ngày càng hoàn thiện hơn về chất lượng, mẫu mã, sử dụng bao bì hút chân không, in logo, ghi hạn sử dụng, mã vạch truy xuất nguồn gốc rõ ràng, gây dựng được niềm tin cho khách hàng và đối tác.
Nhằm hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề bền vững, huyện Thanh Trì cũng như chính quyền địa phương, luôn tạo điều kiện để người dân làng nghề yên tâm nâng cao giá trị sản xuất, tiếp cận được nhiều kênh bán hàng uy tín trong nước như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử,… và có thêm cơ hội xuất khẩu ra thế giới, mở rộng thị trường. UBND huyện đã giao nhiệm vụ cho xã Duyên Hà trực tiếp tổ chức giám sát quá trình sản xuất của các hộ gia đình, đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch, mạng lưới điện chiếu sáng, phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới,... Ngoài ra, để thực hiện chính sách hỗ trợ, thúc đẩy quảng bá, xúc tiến thương mại, UBND huyện cũng tiến hành triển khai: phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch sinh thái; hướng dẫn người dân đăng ký sản phẩm OCOP; tổ chức các sự kiện, chương trình, Hội chợ, Lễ hội văn hóa ẩm thực, Tuần hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng và kết nối giao lưu giữa các đơn vị…
Nhờ sự quan tâm sát sao, kịp thời của các cấp chính quyền thông qua những hoạt động thiết thực, cụ thể, làng nghề bánh chưng Tranh Khúc đã có bước bứt phá, chuyển mình toàn diện. Tín hiệu khởi sắc đáng kỳ vọng từ làng nghề không chỉ đem lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều người lao động, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của toàn huyện, mà còn làm thay đổi diện mạo địa phương, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Chị L.Thủy (chủ một cơ sở bánh chưng tại làng Tranh Khúc) phấn khởi, chia sẻ: “Giờ đây, các hộ đa phần khấm khá, nhiều công đoạn đã nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều, nhờ biết áp dụng, đầu tư công nghệ tân tiến, sử dụng máy cẩu giảm sức lao động; chuyển đổi phương thức luộc bánh từ bếp than, bếp củi sang nồi điện và nồi hơi, vừa vệ sinh, không xả thải khói tro ô nhiễm ra môi trường theo đúng quy định, vừa tiết kiệm chi phí nhân công, lại giúp bánh được chín đều, ngon hơn. Hằng năm, người dân trong làng còn được tham gia các lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, thăm khám sức khỏe định kỳ,… ai cũng nghiêm túc thực hiện vì đó là nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của người tiêu dùng”.
Cách gói bánh chưng tay vo nhanh, gọn, đẹp mắt của nghệ nhân làng nghề
Nghề làm bánh chưng mang tính chất đặc thù, tuy có những vất vả riêng, nhưng người dân Tranh Khúc luôn cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc vì sản phẩm của làng quê mình hiện diện và được đón nhận ở khắp mọi miền Tổ quốc, thậm chí tới cả nước bạn xa xôi.
Vào những chiều cuối năm, tại đất làng nghề truyền thống nức tiếng Hà thành này, thời gian như vội vã hơn, trong không khí khẩn trương, hối hả, nhà nhà, người người rục rịch, bắt tay chuẩn bị, sẵn sàng cho những mẻ bánh chưng cuối cùng của năm. Đây lá dong tươi, gạo nếp nhung, đỗ xanh óng vàng,… Dưới bàn tay khéo léo, thuần thục của người nghệ nhân, chiếc bánh chưng vuông vắn, đẹp mắt, nhanh chóng ra đời và được xếp gọn từng hàng. Thao tác mau mắn, thạo việc không chỉ đơn giản là thói quen, mà ở đó còn là nhiệt huyết, là tình yêu dành trọn cho nghề. Bởi lẽ, với mỗi người dân làng Tranh Khúc, trong từng khâu, từng công đoạn nhỏ nhất, họ tìm thấy niềm vui, ý nghĩa - những giá trị không dễ gì đong đếm, như tìm thấy chính mình được bắt sâu từ cội rễ, thảo thơm, để rồi cứ thế kế nghiệp nối nghề ông cha:
Lang Liêu ngồi gói đất trời
Bốn nghìn năm chẳng đánh rơi vuông tròn
Xanh rờn một dải nước non
Thảo thơm muôn thuở vẫn còn thảo thơm!...
(Tết nhớ Lang Liêu - thơ Nguyễn Hữu Quý)
Những chiếc bánh chưng xanh gửi trọn tình yêu nghề của dân làng Tranh Khúc
Một mùa xuân nữa đã đến, là người Việt Nam, dù ở bất cứ đâu trên mảnh đất hình chữ S, hay ở xa quê hương nơi bên kia bán cầu thì Tết Nguyên đán cổ truyền nhất định không thể thiếu đi cành đào thắm, bánh chưng xanh cho mâm cỗ tất niên thêm phần trọn vẹn, để mọi nhà lại được sum vầy, đoàn tụ, kính cẩn, trang nghiêm, tri ân dâng lên tiên tổ và cùng nhau nguyện ước về một năm mới bình an, thịnh vượng.
Chiếc bánh chưng tuy nhỏ bé, đơn sơ mà chứa đựng ân tình lớn lao, là biểu tượng cho sự gắn kết thiêng liêng giữa những người con đất Việt, của người trao - người nhận. Hơn bao giờ hết, tinh thần dân tộc, truyền thống Lạc hồng mãi luôn ở đó, trong hồi ức, trong trái tim lớp người đi trước và hậu thế hôm nay, muôn đời không đổi…!
Bài, ảnh: MINH HẰNG