Quan Đô ngự sử này là Lê Tuấn Mậu. Ông sinh năm 1457, người làng Xuân Lôi, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh xưa - nay thuộc làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Đền thờ Tiến sĩ Lê Tuấn Mậu được xây dựng từ thời Hậu Lê, đến nay đã được tu sửa nhiều lần - Ảnh: ST
Lê Tuấn Mậu đỗ Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp) khoa Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (năm 1490). Sách Đại Việt sử ký toàn thư khi nhắc về khoa thi này, cho biết: “Vua thân ra đầu đề văn sách. Sai thượng thư Binh bộ Định Công bá Trịnh Công Đán và thượng thư Hình bộ Lễ Năng Nhượng làm đề điệu; phó đô Ngự sử đài Quách Hữu Nghiêm làm giám thi; Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung và thượng thư Lại bộ Nguyễn Bá Ký làm độc quyển. Vua xem quyển thi, xếp thứ bậc cao thấp, cho bọn Vũ Duệ, Ngô Hoán, Lưu Thư Ngạn 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ, bọn Lê Tuấn Mậu 19 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Lê Đình Quát 32 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr. 714-715). Rất nhiều tư liệu, thư tịch cổ nói về các vị đại khoa thời xưa như: Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, Đại Việt lịch đại đăng khoa, Đăng khoa lục sưu giảng, Liệt huyện đăng khoa bị khảo, Toàn Việt thi lục… cũng đều trang trọng ghi tên Lê Tuấn Mậu (xin xem Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006, tr. 186-187).
Lê Tuấn Mậu từng làm phó sứ sang cống triều Minh năm 1498 cùng với Nguyễn Quan Hiền và Phạm Thịnh; được cử giữ các chức: Ngự sử đài, Đô ngự sử, Thư điện tiền đô chỉ huy sứ, Lễ bộ thượng thư... Trong đó, Đô ngự sử là “chức vụ khá quan trọng, thường được giao phó cho những người cương trực, có nhiệm vụ dò xét, kiểm soát, can gián vua và đình thần”. Ông có tài làm thơ và là một trong hai mươi tám thành viên của Hội Tao đàn. Thời điểm Mạc Đăng Dung chuyên quyền, ông sớm nhận ra chân tướng họ Mạc. Lê Tuấn Mậu “coi Dung có tướng phản nghịch nên đã nhiều lần tâu vua chớ nghe lời Dung và không nên cho Dung lui tới ra vào gần bên nhưng vua không nghe” (Thơ văn Tự Đức, tập 1, phần Ngự chế Việt sử tổng vịnh, Nxb Thuận Hóa - Huế, 1996, tr. 358). “Đau đời có cứu được đời đâu”, ông về quê ở ẩn. Khi họ Mạc tiếm đoạt ngôi nhà Lê, như nhiều quan lại cũ, Lê Tuấn Mậu cũng bị cưỡng ép vào chầu. Tại đây, ông lấy đá giấu kín trong ống tay áo, ném vào Mạc Đăng Dung nhưng không trúng, sau đó bị giết (có tài liệu nói ông “đâm đầu vào cột đá tuẫn tiết”). Sử sách nhà Nguyễn chép về cái chết của Lê Tuấn Mậu rằng: “Lễ bộ thượng thư Lê Tuấn Mậu bị Đăng Dung cưỡng ép vào chầu, ông xu xu hòn đá trong ống tay áo, ném Đăng Dung, không trúng (…) bị Đăng Dung giết chết” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội 2007, tr. 94).
Về sau, thời Lê Trung Hưng, Lê Tuấn Mậu (cùng 12 người nữa) được vua Lê Huyền Tông truy phong là những bề tôi tiết nghĩa (năm 1666), ban sắc Thượng đẳng phúc thần, cho dựng “Tiết nghĩa từ” ở quê nhà (làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm), hằng năm cúng tế. Trải qua nhiều lần trùng tu, đền thờ Lê Tuấn Mậu cùng với cụm di tích Đình Thuỵ Lôi, Đền Sái và Đền Thượng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa từ năm 1986 (Quyết định số 15/VH-QĐ ngày 27/1/1986).
Vua Tự Đức từng có thơ cảm khái về Lê Tuấn Mậu: “Phản tướng tiên tri thục dữ mưu/ Hà kham điến diện sự gian du/ Tụ trung hoài thạch tuy hư trịch/ Thượng hữu tâm trung thạch khả đầu”. Nghĩa là: Tướng phản xem qua biết đã lâu/ Thẹn thùng nhìn mặt kẻ gian thâu/ Trong mình giấu đá quăng không trúng/ Đá giấu trong lòng chửa hết đâu (Thơ văn Tự Đức, tập 1, sđd, tr. 359).
THANH HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 528, tháng 3-2023