Tình yêu hôn nhân là yếu tố quan trọng nhất để hình thành và phát triển bền vững của gia đình. Sống thủy chung, tình nghĩa là nhu cầu cốt lõi của đời sống tình cảm vợ chồng. Điều đó chi phối mọi thành viên trong gia đình và có tác động trực tiếp tới việc chăm sóc người già, nuôi dạy trẻ nhỏ. Đó chính là giá trị văn hóa của một gia đình có đời sống tiến bộ, lành mạnh.
Ngày nay, việc xây dựng Gia đình văn hóa có nhiều nội dung phong phú và giàu bản sắc ở nhiều vùng miền, phù hợp với địa bàn dân cư và tập quán truyền thống. Song dù ở đâu, nơi nào thì đạo đức gia đình vẫn luôn được đề cao, coi trọng và phát huy cùng với những nếp sống mới do tiến bộ xã hội đem lại. Sống thủy chung, tình nghĩa là lối sống trên nền tảng đạo đức gia đình và nhận thức xã hội. Đó là yêu cầu đặt ra để điều chỉnh hành vi lối sống, cách ứng xử của con người trong gia đình và ngoài xã hội.
Nghĩa vợ chồng theo quan niệm truyền thống là gắn với lòng nhân ái, nhân hậu, chia ngọt sẻ bùi, đắng cay cùng vượt qua, hoạn nạn cùng chống chọi. Là "thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn". Các giá trị đạo đức truyền thống bền vững đó ngày nay được bổ sung thêm những yếu tố văn hóa, văn minh mới, nâng tầm vóc tình yêu hạnh phúc gia đình lên tầm cao mới. Chính vì thế mà những tàn dư của hủ tục lạc hậu trong đời sống vợ chồng và gia đình đang bị lên án mạnh mẽ, dần được loại bỏ về cơ bản trong cuộc sống.
Trong xã hội ngày nay hôn nhân được hình thành trong môi trường văn hóa dựa trên nguyên tắc bình đẳng tự nguyện, xây dựng hạnh phúc gia đình và được pháp luật bảo hộ. Mối quan hệ vợ chồng mang tính pháp lý ràng buộc nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm vừa mang yếu tố tình cảm sâu nặng và lòng vị tha, đức hy sinh cao cả. Nền tảng đạo đức gia đình chi phối sự phân công lao động, ứng xử và thụ hưởng thành quả sản xuất cùng những hoa thơm trái ngọt do hạnh phúc, tình yêu mang lại.
Văn hóa gia đình luôn đề cao lòng chung thủy và tình nghĩa vợ chồng, coi đó là báu vật thiêng liêng là bảo bối vô giá để cùng nhau nâng niu, giữ gìn trọn đời. Văn hóa gia đình không tự dưng mà có, Gia đình văn hóa không tự dưng mà đạt được. Cũng như hạnh phúc gia đình, sự thủy chung và tình nghĩa trong quan hệ vợ chồng không tự dưng từ đâu đưa đến. Nguồn năng lượng tình cảm này phải bắt nguồn từ tình yêu thương, đùm bọc sẻ chia, gánh vác nhường nhịn và cảm thông sâu sắc của các thành viên gia đình. Phải được hình thành trong nền giáo dục gia đình, được nuôi dưỡng trong dòng chảy nhân ái của cuộc sống; được đúc kết qua những bài học thấm thía trong đường đời của mỗi con người, của mỗi gia đình trong hành trình đi tìm và xây đắp hạnh phúc của riêng mình.
Đức tính thủy chung, tình nghĩa cần được gieo mầm trên mảnh đất màu mỡ của các giá trị nhân ái, nhân văn và tri thức cuộc sống. Tình nghĩa thủy chung là một biểu lộ của ứng xử văn hóa, của nếp sống văn hóa cần được giáo dục, rèn luyện, trải nghiệm, thử thách, khuyến khích và nêu gương. Trong cuộc sống mỗi con người phải trải qua không ít những éo le, trắc trở, những nghịch cảnh số phận thử thách tình nghĩa, thủy chung của đôi lứa, vợ chồng. Cuộc sống cũng đôi khi xảy ra những xáo trộn, biến cố thăng trầm, ma sát, những trải nghiệm ngang trái trớ trêu. Đó là những lúc thử thách bản lĩnh của con người về lòng thủy chung và tình nghĩa vợ chồng để vươn lên, vượt qua sự nghiệt ngã giữ vẹn tròn hạnh phúc.
Ngày nay, ngoài xã hội không ít những chông gai, thử thách hạnh phúc lứa đôi. Càng không ít những cám dỗ mua chuộc, mật ngọt quyến rũ sai trái, xa hoa phù phiếm. Không thiếu sự bóng gió, lả lơi, dễ dãi làm ai đó "say nắng" bởi mối tình ngoài luồng. Cũng không hiếm những cạm bẫy lừa phỉnh để ai đó mắc vào vòng nghiêng ngả, sa ngã. Đã có những ngõ cụt tối tăm, ngợp ngụa bi thảm mà kẻ phản bội lòng thủy chung, tình nghĩa phải gánh chịu. Ranh giới hạnh phúc và bi kịch đôi lúc rất mong manh, ảo mờ, dễ bị nhầm lẫn khi không đủ tỉnh táo và bản lĩnh cùng với kinh nghiệm sống. Sức mạnh của văn hóa gia đình sẽ giúp người trong cuộc vượt qua phép thử của lòng chung thủy, giữ trọn vẹn tình nghĩa vợ chồng để không đánh mất mình trước mọi sự cám dỗ, mua chuộc.
Trong cuộc sống xô bồ hôm nay vẫn còn tồn tại một số ít người có thói trăng hoa, gian díu, quan hệ bất chính ngoài hôn nhân, phản bội tình yêu và lòng chung thủy quý giá. Đây là nguy cơ rạn nứt tình cảm, gặm nhấm phá vỡ hạnh phúc gia đình, đẩy cuộc hôn nhân tới bờ vực thẳm. Cái giá của sự phản bội lòng chung thủy là quá đắt đối với một đời người. Một khi hạnh phúc gia đình tan vỡ, sự tìm lại vô cùng gian nan, sự rủi ro là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi thành viên gia đình nhất là với người già và trẻ nhỏ. Những người sống không trọn vẹn với người mình yêu thương, phản bội tình chồng nghĩa vợ sẽ bị gia đình, dòng họ và cộng đồng lên án mạnh mẽ, tiếng xấu để đời.
Văn hóa ứng xử trong lối sống thủy chung tình nghĩa là nét đẹp trong văn hóa gia đình, là sự xây đắp nên nền tảng đạo đức gia đình hạnh phúc. Tình yêu thủa ban đầu mang tính cảm tính, tình nghĩa vợ chồng đã đằm sâu chất lý tính. Cho dù không có lời hứa, lời thề cụ thể nhưng họ vẫn sống với nhau trọn đời bền chặt, thủy chung, son sắt, thiêng liêng và cao cả. Sống thủy chung, tình nghĩa là nền tảng đạo đức gia đình, là nội dung cốt lõi có tính chất bảo bối để xây đắp một gia đình văn hóa.
Thủy chung, tình nghĩa là chất kết dính bền vững của hạnh phúc đôi lứa và gia đình, là thước đo hàm lượng văn hóa của gia đình hạnh phúc. Chỉ có thủy chung, tình nghĩa mới xây đắp nên tòa lâu đài hạnh phúc gia đình để truyền đời cho các thế hệ tiếp nối tin yêu, tự hào vững bước trong cuộc sống cùng với hành trang văn hóa gia đình.
NGÔ QUANG HƯNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 528, tháng 3-2023