CHUYỂN DỊCH TƯ TƯỞNG VĂN HÓA BẢN ĐỊA ĐÔNG NAM Á SANG TƯ TƯỞNG NHO HỌC ĐÔNG Á Ở VIỆT NAM

1. Văn hóa Nho giáo tạo nên sức mạnh mới của văn hóa dân tộc nửa đầu TK XV

Tư tưởng cốt lõi của Nho giáo trở thành kim chỉ nam cho đường lối kháng chiến cứu quốc

Cuộc kháng chiến chống Minh kết thúc thắng lợi, không chỉ có ý nghĩa giành lại độc lập cho dân tộc mà quan trong hơn là còn cứu rỗi nền văn hóa dân tộc thoát khỏi nguy cơ bị đồng hóa bởi mưu đồ bành trướng đã được phát triển đến cực điểm ở triều đại nhà Minh. Chính sách cai trị thâm độc, tàn bạo của một triều đại được Nho giáo hóa sâu đậm như nhà Minh đã thức tỉnh mạnh mẽ tinh thần dân tộc, cụ thể là tinh thần yêu nước của tầng lớp trí thức nho sĩ nước ta. Trong đó, bộ phận nhà nho do thiếu nhạy cảm, thiếu tầm chính trị cần thiết đã tham gia vào bộ máy cai trị của nhà Minh cũng đã được khai sáng. Sau thất bại của nhà Hồ, rất nhiều cuộc khởi nghĩa khác đã liên tiếp nổ ra ở các nơi. Tuy nhiên phải đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thì cuộc kháng chiến phục quốc của dân tộc mới quy tụ được một lực lượng nho sĩ đáng kể; trong số đó có không ít những trí thức vào hàng ngũ xuất sắc bậc nhất của đội ngũ nhà nho lúc bấy giờ. Không ai có thể phủ nhận vị trí số một của những trí thức nho học trên mặt trận ngoại giao với quân giặc, nhất là khi cuộc kháng chiến đã gần bước vào giai đoạn cuối. Cũng chính trên mặt trận ngoại giao ấy, với việc soạn thảo văn thư qua lại với những viên tướng giặc, các nhà nho giai đoạn này trở nên bản lĩnh, già dặn trong lý luận cũng như trong cách vận dụng kinh điển Nho giáo để chống lại luận điệu biện minh cho sự xâm lược của nhà Minh - một triều đại mà Nho giáo đã phát triển ở mức độ sâu đậm. Học giả Trần Đình Hựu đã nhận xét: “Dưới ngòi bút của Nguyễn Trãi, Nho giáo thành một sức mạnh bao vây, công phá quân thù” (1). Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã đem đến cho tầng lớp nhà nho một sự tự tôn dân tộc mạnh mẽ mà trước đây họ chưa có được.

Trước Nguyễn Trãi, dân tộc Việt đã tồn tại một ý thức độc lập rất mãnh liệt. Ngay ở thời Lý Nam Đế đã có sự khẳng định về toàn vẹn lãnh thổ: Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Nhưng phải đến sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mới có sự khẳng định rạch ròi với các triều đại phong kiến phương Bắc ở tất cả các phương diện, đặc biệt là về văn hóa. Không phải đến khi Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo thì chúng ta mới ý thức được về sự độc lập của văn hóa Đại Việt. Trước đấy, chúng ta đã có một nền văn hóa Phật giáo rất rực rỡ thời Lý - Trần. Chính Phật giáo đã là bà đỡ cho triều đại nhà Lý, góp phần tạo nên những võ công hiển hách của triều đại nhà Trần. Nhưng Phật giáo lại không giúp được gì nhiều cho nhu cầu ngày càng cao của giới cầm quyền trong việc cai trị, quản lý đất nước. Trong khi đó Nho giáo vốn là một học thuyết trính trị - đạo đức, ngày càng thể hiện rõ những ưu việt vượt trội, không thể thay thế. Các thiền sư trước đây mà tiêu biểu là Vạn Hạnh cũng đã phải vượt ra ngoài khuôn khổ Phật giáo để tìm đến, vận dụng những tri thức Nho giáo để giúp vua trong công việc quản lý, cai trị đất nước.

Đến cuối triều đại nhà Trần, Phật giáo đã dần mất đi ảnh hưởng của nó với sự tha hóa của một bộ phận không nhỏ của những kẻ khoác áo nhà sư. Trước sự công kích ngày một gay gắt của các nhà nho, đặc biệt là những cải cách nhằm triệt hạ thế lực nhà chùa của Hồ Quý Ly, Phật giáo không còn đủ sức mạnh để thống nhất nhân tâm, vực dậy một triều đại từng ba lần đánh tan đội quân hùng mạnh nhất thế giới nữa. Trong cuộc kháng chiến chống Minh, vai trò của Phật giáo, đội ngũ trí thức nhà sư cũng rất mờ nhạt. Sứ mệnh của lịch sử lúc này cần đặt lên vai một lực lược khác tiến bộ hơn, là tầng lớp nhà nho, trí thức tinh hoa nhất lúc bấy giờ với ý thức hệ chủ đạo là Nho giáo. Tầng lớp nho sĩ ấy đã vận dụng tư tưởng cốt lõi của Nho giáo, tư tưởng nhân, nghĩa kết hợp với truyền thống dựng nước, giữa nước của dân tộc để tạo nên sức mạnh xuyên suốt cho cuộc kháng chiến chính nghĩa. Với việc vận dụng tư tưởng nhân, nghĩa của Nho giáo, Nguyễn Trãi đã lên tiếng để bạo vệ sự chính nghĩa của cuộc kháng chiến vệ quốc, công kích mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược trái đạo lý của nhà Minh. Nhân nghĩa theo Nho giáo mặc dù là một chủ nghĩa nhân đạo chủ trương yêu thương con người, nhưng con người không phải là bình đẳng như nhau mà là con người nằm trong quan hệ luân thường. Nguyễn Trãi đã phát triển mở rộng nội dung ấy thành đường lối sức mạnh của một dân tộc luôn phải thường trực chống chọi với những cuộc xâm lăng của người láng giềng lắm tham vọng phương Bắc.

Xây dựng hình tượng văn hóa mới theo những tiêu chí tích cực của Nho giáo

Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi chính là vị chủ soái được các nhà nho lấy làm hình mẫu để xây dựng nên hình tượng văn hóa mới của dân tộc. Xuất thân là một hào trưởng lớn ở vùng Lam Sơn, phủ Thanh Hóa (nay là Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), Lê Lợi đã được Nguyễn Trãi nhận xét là tuy gặp thời loạn lớn, mà chí càng bền, ẩn giấu vào núi rừng, chăm nghề cày cấy; bởi vì ngài giận giặc cường bạo lấn hiếp, nên càng chuyên tâm về sách thao lược, khánh kiệt cửa nhà, hậu đãi khách khứa. Với tấm lòng hào hiệp vì đại nghĩa đó, Lê Lợi đã nhanh chóng tập hợp được đông đảo những thành phần ưu tú nhất của tất cả các tầng lớp như Nguyễn Chích, Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Lê Lai, Lý Triển, Trình Đồ, Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Lê Sát, Trần Nguyên Hãn…

Dưới con mắt của các nhà nho, Lê Lợi chính là vị vua đầu tiên ở nước ta hội tụ đủ những tiêu chí của một ông vua theo quan điểm Nho giáo, theo tiêu chí của tư tưởng thiên đạo, thiên mệnh, cai quản nhân gian đúng đạo. Tư tưởng thiên mệnh này cũng tiếp tục tồn tại ở các triều đại tiếp theo của nhà Lý, Trần. Tuy cùng là những vị vua có công đánh đuổi quân xâm lược, nhưng họ không được trao thiên mệnh như Lê Lợi mà chỉ là thuận theo ý trời mà thôi.

2. Văn hóa Nho giáo trở thành bộ phận cấu thành của văn hóa dân tộc

Trong những buổi đầu của triều đại Lê sơ, tầng lớp trí thức nhà nho đã sớm nhận thức được trách nhiệm, cơ hội của họ trong việc kiến lập chế độ, định hướng phát triển xã hội cho một triều đại mới. Định hướng ấy cũng không không nằm ngoài con đường đưa Nho giáo lên vị trí độc tôn. Không phải ngẫu nhiên mà Lê Lợi lại được nhiều trí thức nho sĩ so sánh với Hán Cao tổ, vị vua khai sáng ra nhà Hán. Sự tiếp nhận Nho giáo ở nước ta rõ ràng là do nhu cầu phát triển của chế độ phong kiến chuyên chế, bị quy định bởi những điều kiện mặc định lịch sử chứ không phải là biểu hiện của sự lệ thuộc hay bị nô dịch bởi các triều đại Trung Hoa.       

Không chắc rằng những trí thức nho học đã đóng vai trò quyết định đến thắng lợi cuối cùng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, nhưng trong giai đoạn đầu xây dựng, củng cố bộ máy của trính quyền Lê sơ, không ai có thể thay thế được vị trí của họ. Cho đến thời Trần, Hồ, Minh, việc dạy học, truyền bá Nho giáo cũng mới chỉ được phát triển xuống các phủ, lộ. Công cuộc xây dựng thượng tầng kiến trúc ở giai đoạn này chỉ trông cậy phần lớn vào đội ngũ trí thức nhà nho. Bởi thực tế, phần lớn các võ tướng đang nắm những vị trí chủ chốt trong triều, ngay cả vị chủ soái Lê Lợi cũng là người dân tộc thiểu số, còn mang đậm những ảnh hưởng của văn hóa bản địa. Tầng lớp trí thức nho học đã thức nhận được trách nhiệm của họ trong việc định hướng, tạo dựng một xã hội theo mô hình lý tưởng của Nho giáo, xã hội Nghiêu, Thuấn, Thành Thang. Tuy nhiên, với một nước luôn phải đối phó với nguy cơ xâm lược thường trực của các triều đại lắm tham vọng phương Bắc thì biện pháp hòa hiếu với nước lớn luôn là một quy tắc bất di bất dịch. Biện pháp ấy đã được thực hiện từ các triều đại từ Đinh, Lý, Trần. Nhưng đến nhà Hậu Lê, nó đã được chủ động thực hiện từ ngay trong giai đoạn cuộc kháng chiến đang diễn ra.

Đường lối hòa hiếu với các triều đại phương Bắc không phải là biểu hiện của sự khiếp sợ, nô lệ, cam chịu. Đó là cách mà nhà nho học theo lời dạy khôn ngoan của kinh điển Nho giáo. Để giải quyết mọi bất đồng nảy sinh trong quan hệ giữa các quốc gia láng giềng, Mạnh Từ chủ trương nước lớn phải che chở, bảo vệ nước nhỏ, nước nhỏ phải biết sợ nước lớn theo đạo lạc thiên, úy thiên.     

Với tư tưởng xây dựng một xã hội lý tưởng của Nho giáo, các trí thức nhà nho tập trung đề cao văn hiến, văn hơn võ. Với một dân tộc luôn phải chống chọi với những cuộc xâm lược của người láng giềng phương Bắc, thì việc đứng lên khởi nghĩa, dụng binh đao là bất đắc dĩ. Mong muốn của họ và xây dựng một xã hội trọng nhân nghĩa, kinh quyền mưu. Tư tưởng cốt lõi của Nho giáo là nhân, nghĩa đã góp phần tạo nên sức mạnh của của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc kháng chiến chống Minh. Giờ đây, trong thời bình, nó vẫn là tư tưởng chủ đạo cho công cuộc xây dựng mới của đất nước.

Mặc dù Nho giáo du nhập vào nước ta từ rất sớm. Nhưng chỉ đến giai đoạn Lý, Trần nó mới bắt đầu được các triều đại coi trọng để phục vụ cho vương triều. Đó là giai đoạn mà theo như học giả Trần Đình Hượu nhận xét: “Nho giáo từ lâu đã phát triển đến giai đoạn kinh viện, tiên chú, đã tồn tại với cả những thể chế xã hội, những phong tục tập quán, ta đưa Nho giáo vào là với cả những kinh điển đã được Hán Nho, Đường Nho, Tống Nho chú giải, cùng với những quy chế học tập, thi cử, cùng với những tổ chức thờ cúng tiên thánh, tiên hiền, tổ chức văn hội, sĩ hội, cùng với cả những công thức biểu đạt về mặt văn học. Cái được coi là khuôn vàng thước ngọc, là tư tưởng Nho gia với tất cả những điều kiện tồn tại như vậy. Sang Việt Nam, Nho giáo tồn tại như những tín điều chỉ để họp tập, noi theo, ứng dụng, không cần tranh cãi, không cần bổ sung phát triển. Người học phải học thuộc lòng, nhớ kỹ, chỉ cần cân nhắc qua vài ba chữ là phải nhớ ra cả trên cả dưới” (2).

Tuy vậy, ở các triều đại Lý, Trần, Hồ, khi cơ tầng xã hội vẫn còn phân tán, chưa vị vua nào, kể cả Hồ Quý Ly có được quyền lực tuyệt đối. Nho giáo vẫn chưa có môi trường thuận lợi để có thể trở thành ý thức hệ tư tưởng chính trị độc tôn. Với những cải cách của Hồ Quý Ly mặc dù chưa thật sự hiệu quả cùng với giai đoạn cai trị của thiên triều nhà Minh, một triều đại mà Nho giáo đã rất sâu đậm.

Nho giáo đã có những bước rất thuận lợi để tiến lên vị trí độc tôn ở triều đại nhà Hậu Lê, sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc thắng lợi. Trước khi khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra, lực lượng nho sĩ đã là lực lượng trí thức chủ yếu trong xã hội. Họ cũng nắm giữ hầu hết những vị trí quan trọng trong triều đình. Nhưng phải đến sau thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến phục quốc, thế hệ nhà nho ấy mới thực sự trưởng thành. Chỉ đến giai đoạn này, thông qua nhiều hoạt động cụ thể của tầng lớp nhà nho xuất sắc ấy, Nho giáo mới được thể chế hóa trong chính trị, xã hội, trở thành một bộ phận không thể tách rời trong văn hóa dân tộc.

Định hướng dòng văn hóa Nho giáo như một lựa chọn tất yếu cũng phản ánh sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức ở thượng tầng kiến trúc văn hóa, tư tưởng, văn hóa chính trị của các nhà nho về sự tiếp nhận những giá trị tinh hoa của Nho giáo. Từ đó có thể bổ sung, tạo nên sức mạnh mới cho văn hóa dân tộc, đưa cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh đến thắng lợi cuối cùng, bảo vệ nền độc lập dân tộc, nền văn hóa dân tộc trước nguy cơ bị đồng hóa bởi văn hóa Trung Hoa. Đồng thời cũng kiến lập chế độ, hoạch định đường hướng cho công cuộc xây dựng nhà Hậu Lê, triều đại đầu tiên ở Việt Nam mà Nho giáo đã đạt được địa vị độc tôn của nó với không ít những thành tựu rực rỡ, góp phần bồi đắp, tạo dựng những yếu tố quan trọng, tham gia vào cấu trúc mang tính đặc trưng, bền vững của nền văn hóa dân tộc.

_______________

1, 2. Trần Đình Hượu, Tuyển tập, tập 1, 2, Nxb Giáo dục, 2007, tr.56, 61.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 - 2018

Tác giả : NGUYỄN ĐÌNH NGHĨA

;