Đã thành thông lệ, triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 vốn là triển lãm mỹ thuật toàn quốc định kỳ 5 năm, là sự biểu dương lực lượng sáng tác và là ngày hội của giới mỹ thuật. Triển lãm để lại không chỉ cảm xúc mà còn nhiều băn khoăn, trăn trở cho giới mỹ thuật và công chúng về sự chuyển mình của mỹ thuật Việt Nam sau mỗi chặng đường. Xét ở góc độ chất liệu, trong thực tế sáng tác hội họa hiện nay ở nước ta, sơn dầu vẫn là chất liệu phổ biến, được đa số các họa sĩ sử dụng. Thực tế này được phản ánh rõ nét trong triển lãm với 128/409 tác phẩm sử dụng chất liệu sơn dầu, bên cạnh rất nhiều chất liệu khác của hội họa, đồ họa, điêu khắc, các hình thức nghệ thuật đương đại.
Vậy triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 đã có những bước chuyển gì cho ngôn ngữ hội họa sơn dầu? Yếu tố không gian có còn được đề cao trong các sáng tác hội họa sơn dầu? Bài viết bước đầu tìm hiểu từ một số tác phẩm sơn dầu tiêu biểu trong triển lãm, nhằm đưa ra cái nhìn tương quan về chất lượng nghệ thuật của triển lãm này.
Các tác phẩm trong triển lãm hội đủ các thế hệ theo đuổi chất liệu sơn dầu, đặc biệt là các tác giả trẻ. Có lẽ, sơn dầu là chất liệu dễ biểu cảm, các họa sĩ đã mượn chất liệu hội họa để tích cực tìm tòi ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình thông qua bút pháp cá nhân. Từ tả thực, ấn tượng, cách điệu - biểu hiện dân gian đến trừu tượng... Tất cả được các họa sĩ thể hiện bằng ngôn ngữ của nghệ thuật, tận dụng được nhiều ưu điểm của chất liệu sơn dầu như dễ xử lý kỹ thuật tương quan đường nét, sáng tối, đậm nhạt của màu sắc, làm toát lên không gian trong hội họa sơn dầu vừa độc đáo vừa khác lạ, không giống không gian biểu cảm của những loại chất liệu khác như lụa, sơn mài, bột màu... Có nhiều tác phẩm sơn dầu phản ánh phong cách tạo hình độc đáo nhờ vào kỹ thuật giải quyết không gian trong tranh của các họa sĩ. Đó chính là quá trình chuyển biến từ không gian theo khuynh hướng hiện thực sang lối không gian biểu hiện trừu tượng của chất liệu sơn dầu. Đôi khi, sơn dầu mang đặc điểm riêng, qua thời gian có sự tiếp biến, hội nhập, định hình không gian sáng tạo mới, ấn tượng và truyền cảm.
Từ không gian tạo hình theo khuynh hướng hiện thực
Trên thực tế, chất liệu sơn dầu tuy là chất liệu được du nhập từ phương Tây nhưng qua thời gian, được các họa sĩ Việt Nam sử dụng một cách sáng tạo, mang bản sắc văn hóa riêng. Một số tác phẩm trong triển lãm đã khai thác triệt để khả năng dồi dào của chất liệu sơn dầu để xây dựng tác phẩm với hàm lượng thông tin nghệ thuật cao. Có thể nhắc đến một số sáng tác theo đề tài hiện thực này: Chiều biên giới (Trần Huy Oánh, huy chương Bạc), Tháng Ba (Mai Xuân Oanh), Ba cô gái Mường (Nguyễn Trọng Cát), Thuyền vận tải Hạ Long (Lê Vân Hải)... Trên cơ sở phát huy nghệ thuật truyền thống của cha ông, các họa sĩ dù khác nhau về tuổi đời và tuổi nghề nhưng đều có cái nhìn cùng kỹ thuật sử dụng không gian trong tác phẩm khá thống nhất. Mỗi tác phẩm là một cách xử lý không gian khác nhau nhưng cùng tạo nên sự đồng hiện của các nhân vật trong tranh. Đây được xem là ưu điểm dễ nhận thấy của chất liệu sơn dầu. Chủ đề hướng tới tính hiện thực nhưng không gian trong các tác phẩm này có sự mô tả cảnh vật cùng con người khá thống nhất theo phép viễn cận cổ điển. Nguyễn Trọng Cát vốn được đào tạo khá cơ bản và vững vàng về hình, màu dưới mái trường Mỹ thuật Đông Dương, nên trong tác phẩm Ba cô gái Mường, tác giả sử dụng không gian cổ điển làm nền tảng cho sự phát triển thành không gian nghệ thuật được chuyển hóa từ màu và hình, nhân vật chính trong tranh là ba cô gái trong trang phục dân tộc Mường, không gian nội thất được nhấn màu xanh của cảnh quan, cây cỏ, gợi cảm giác yên bình. Cũng bằng kỹ thuật xử lý hình và màu khoáng hoạt, Lê Vân Hải với Thuyền vận tải Hạ Long lại đưa vào tranh cái không gian mênh mang của mây trời, hơi sương và nước biển, dung hòa với những động tác của các nhân vật. Không gian tạo hình như được hòa quyện trong không gian bao la của thiên nhiên. Tác giả lấy gam màu ghi, trắng làm chủ đạo khiến cho toàn bộ bức tranh là một màu ghi, lam tím nhẹ nhàng, bình yên. Bên cạnh lối diễn tả hiện thực còn có những tác phẩm diễn tả phương pháp khai thác môtip trang trí từ vốn cổ dân tộc, như Cái bóng đen của Nguyễn Anh Minh. Ở đây tác giả mô tả hình ảnh các khối tròn căng của năm hình phỗng/chú Tễu cùng những bóng đen tạo không gian có lớp lang trong - ngoài, gần - xa. Kỹ thuật sử dụng sơn dầu luôn tạo ra ranh giới của các mặt đối lập, mảng, hình, màu được diễn tả đan cài trong các môtip trang trí làm cho bức tranh có hiệu quả khác biệt. Những mảng màu tối của bóng đen phía sau làm cho không gian trong tranh như vừa mang tính truyền thống vừa phá cách trong lối diễn tả. Hiệu quả không gian trong chất liệu sơn dầu mang lối hiện thực còn thấy ở nhiều tác phẩm trong triển lãm, như Góc bình yên của Phạm Bình Chương,Quê ngoại của Nguyễn Lê Tân, Đời sống phố của Nguyễn Ngọc Thanh, Kề vai sát cánh của Đặng Thế Minh, Chiều Tây Ninh của Trình Đức Thương, Katê của Hồ Hải Thuận... Những tác phẩm này cơ bản được khai thác lối vẽ truyền thống, đảm bảo tính đặc trưng của chất liệu sơn dầu là mối quan hệ màu sắc, hình khối, đường nét cùng không gian hiện thực đa góc nhìn. Chủ đề phản ánh tạo ra sự khác biệt với các phong cách sáng tác khác, giữ được nét đẹp văn hóa riêng của con người và phong cảnh đất nước Việt Nam.
Chất liệu sơn dầu có khả năng tạo ra những mức độ và sự chuyển đổi màu sắc tinh tế. Bên cạnh sắc độ là sự no đầy và chiều sâu của màu, nhất là khi phủ lớp dầu lần cuối. Đặc biệt lối vẽ mảng và sự chuyển sắc của các họa sĩ cổ điển đã làm cho màu trở nên sâu hút. Do đặc tính hóa học, màu dầu có thể pha quyện vào nhau theo tỷ lệ tùy ý để tạo ra các màu khác nhau, khó lường trước. Do đó, mỗi họa sĩ có thể tìm ra bảng màu của mình để tạo thành sự riêng biệt trong sáng tạo.
Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015 ghi dấu nhiều tác phẩm về hình tượng thiếu nhi, phụ nữ, sinh hoạt, phong cảnh được sáng tác nhằm phản ánh đời sống xã hội hiện thực bằng góc nhìn của xã hội hiện đại như Em nhỏ vùng quê của Nguyễn Văn Đông, Bến công cộng của Nguyễn Hồng Giang, Bắt nhịp của Phạm Hoàng Hà, Lớp vẽ ngoại khóa của Nguyễn Thị Thu Huyền... Với sự đa dạng về góc nhìn cho thấy các họa sĩ nhanh nhạy nắm bắt kịp thời những góc cạnh của cuộc sống, đưa vào nghệ thuật tạo hình bằng bút pháp cá nhân nghệ sĩ. Chính từ những phát hiện, suy tư, phá cách trong sáng tạo đã giúp một số họa sĩ ghi dấu ấn của mình trên con đường hội nhập ngôi nhà mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Tranh Em nhỏ vùng quê mang đến chân dung của một em bé nông thôn trong không gian tranh mênh mang của đồng lúa, hình ảnh em bé khá rắn chắc, lột tả khuôn mặt ngây thơ pha chút suy tư, ánh mắt nhìn về nơi xa. Trên cơ sở phát huy được thế mạnh của chất liệu sơn dầu, tác giả đã thể hiện chân dung em bé gái mang tính hiện thực kết hợp với kỹ thuật sử dụng không gian trong tác phẩm khá thống nhất. Em nhỏ vùng quê có cách xử lý không gian, màu sắc hài hòa, nhấn mạnh cá tính của nhân vật trong tranh cũng là nhờ vào ưu điểm biểu cảm gợi hình, gợi khối trong tranh. Tác giả vận dụng những ưu điểm của chất liệu sơn dầu là tính ngẫu nhiên của màu được pha trộn cùng ý tưởng sáng tạo của nghệ sĩ đã giúp cho bức tranh đạt được những tiêu chí của một tác phẩm chân dung mang cá tính nhân vật cũng như đạt giá trị nghệ thuật cao.
Tranh Bến công cộng của Nguyễn Hồng Giang lại mang đến cho người xem một góc nhìn từ đời sống đô thị hiện đại, các nhân vật ngồi trên ghế đợi xe buýt được đặt ở chính giữa tranh, tác giả sử dụng kỹ thuật trang trí những ô đen, trắng làm nền tranh và tạo ra thứ không gian chật chội. Hình tượng người đàn ông cùng em nhỏ được thể hiện với hai tâm trạng một trầm ngâm đợi chờ, em bé tinh nghịch đứng cạnh. Đặc biệt hình tượng ba cô gái mặc váy đeo kính đen ngồi chăm chú với điện thoại di động tạo cảm giác không quan tâm đến xung quanh. Đây cũng là những thú vui của giới trẻ thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, tác giả khai thác hình tượng nhân vật có từ hiện thực cuộc sống, nhưng ẩn sâu trong nội dung tác phẩm là một thông điệp về sự phát triển của xã hội vừa hiện đại vừa vô tình làm mất đi những kết nối thân thiết giữa con người với con người, dường như có nhiều điều khiến con người quan tâm hơn sự nhìn và thấy trong thực tại. Bằng kỹ thuật xử lý hình và màu tác giả Nguyễn Hồng Giang đã có lối nhìn độc đáo trong cách khai thác chủ đề nhân vật trong tranh. Với tranh Bến công cộng cho thấy yếu tố không gian tạo hình như được phân định trong không gian của hiện thực, tác giả sử dụng màu sắc của sơn dầu nhằm tạo ra ranh giới của các mặt đối lập, mảng, hình, màu được diễn tả đan cài trong các nhân vật có các thế hệ và phản ánh lối sống của con người hiện đại thông qua cử chỉ, trang phục trong xã hội hiện đại. Màu sắc kết hợp với trang trí làm cho bức tranh có hiệu quả biểu đạt cao, hướng tới sự đồng cảm về nhận thức thẩm mỹ mới trong bối cảnh toàn cầu nhưng vẫn lấy không gian tạo hình hiện thực làm tiền đề sáng tác. Đây cũng chính là những điểm nhấn trong triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2015, đồng thời đánh dấu những sáng tạo và khả năng diễn tả không gian trong tranh của các họa sĩ Việt Nam.
Đến không gian biểu hiện huyền ảo, trừu tượng
Khá nhiều họa sĩ tên tuổi và họa sĩ trẻ đang lên lựa chọn không gian này để kể câu chuyện của mình hoặc bộc lộ suy nghĩ cá nhân trước nhiều vấn đề thời cuộc. Có thể kể đến Hai thế giới (Đào Quốc Huy), Gian hàng I (Đinh Minh Đông), Mơ (Lê Trần Anh Tuấn), Ngọn đèn (Đỗ Kích), Xâm lấn (Vũ Thanh Nghị), Niềm vui sống (Đinh Ý Nhi), Phiên chợ Xín Mần (Hoàng Đình Tài), Sau cơn bão (Đỗ Minh Tâm), Phố tuổi thơ (Nguyễn Văn Trung)... Qua những tác phẩm này, ta thấy như các họa sĩ không chỉ có sự đồng điệu với thế giới thực tại mà còn trăn trở, cố gắng diễn tả cái bên trong bản chất của nghệ thuật. Chính vì vậy, không gian nghệ thuật trong mỗi tác phẩm lúc như bay bổng lúc lại ngưng đọng bởi khả năng tạo khối, màu của chất liệu sơn dầu.
Tác phẩm Hai thế giới và Gian hàng I là lối kể chuyện mang tính hiện đại gắn liền với đời sống thực, được các tác giả thể hiện bằng những vẻ đẹp của thời đại, những khát vọng và tình yêu cuộc sống con người. Bằng ngôn ngữ của hội họa, mỗi bức tranh như toát lên một không gian đồng hiện, ảo vọng cùng nhiều suy tư, trăn trở được ẩn giấu trong chiều sâu tác phẩm. Tác phẩm Sau cơn bão của Đỗ Minh Tâm đặt một bố cục phức hợp với nhiều mảng hình, màu đan xen, chồng chất lên nhau. Tác giả sử dụng những ưu điểm của sơn dầu để sắp đặt những gam màu tương phản, làm tăng sức biểu cảm của không gian. Khác với tranh của Đỗ Minh Tâm, họa sĩ Vũ Thanh Nghị đưa ra tác phẩm Xâm lấn bằng khối hình cuộn ống, như biểu hiện của sự chật chội, chen chúc, tạo ra thứ không gian ba chiều vừa lập thể vừa trừu tượng cùng tính chất động. Với thế mạnh của chất liệu sơn dầu, tác giả đã gợi ý cho các tuyến, đường tạo thành những lớp lang của khối và không gian. Vì vậy, người xem như đọc được không gian bên trong và không gian bên ngoài, chúng luôn tương hỗ cho nhau tạo thành khối thống nhất liên kết trong tổng thể bức tranh. Họa sĩ Hoàng Đình Tài lại thể hiện phong cách khác biệt trong lối thể hiện các nhận vật được tạo hình bằng những chu vi của nét và mảng màu bẹt. Phiên chợ Xín Mần của Hoàng Đình Tài mang thể thống nhất trong phong cách riêng của họa sĩ. Một kỹ năng thể hiện không gian đồng hiện, lan tỏa khắp bề mặt tranh, thứ không gian như được lạ hóa dàn trải trên bề mặt bức tranh.
Còn khá nhiều tác phẩm sơn dầu trong triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 với nhiều cách thể hiện khác nhau, điều đó có nghĩa mang lại những thẩm mỹ khác nhau. Tất cả tạo nên một diện mạo của một mô hình triển lãm mỹ thuật với mong muốn khẳng định vị thế đối với đời sống mỹ thuật cả nước, đại diện cho quốc gia (1). Nếu chỉ nhìn vào các sáng tác của chất liệu sơn dầu, dễ nhận thấy đây chính là sự tiếp nối từ các triển lãm định kỳ trước. Hầu hết các tác giả đi theo phong cách mình đã chọn một cách ổn định, có chăng là sự thay đổi về chủ đề, những biến động trong trải nghiệm và cảm xúc sáng tạo. Chính vì vậy, cái đẹp ngày càng trở nên khó nắm bắt, không gian tạo hình trở thành một khái niệm hay một phạm trù vô cùng phong phú, tạo sự hấp dẫn cho nhiều nghệ sĩ.
Tranh sơn dầu trong triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 được thể hiện bằng sự choáng ngợp của màu sắc, hình khối và không gian. Song song với sự đa phong cách ấy là những sáng tác đã đạt được chiều sâu nhất định. Cái sức sống bền chặt của nghệ thuật và năng lượng sáng tạo của nghệ sĩ như gắn kết các tác phẩm để trở thành ngày hội của mỹ thuật Việt Nam. Người sáng tạo giao hòa, đồng cảm với thế giới, với cuộc sống đương đại vừa như hối hả, gấp gáp nhưng cũng tự do bay bổng. Điều đó được thể hiện trong không gian nghệ thuật của mỗi tác phẩm. Cái đẹp dường như chất chứa cái cá tính luôn đồng hành đi trên con đường khám phá.
_______________
1. Đào Mai Trang, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 - những cái nhìn từ bên trong, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 379, tháng 1 - 2016.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016
Tác giả : NGUYỄN QUỐC BẢO