Các nhà văn Việt Nam thường hay viết về chuyện ăn uống như một trong những nét sinh hoạt thường ngày của người Việt. Không ít các nhà văn được bạn đọc mến mộ vì đã thể hiện thú ẩm thực của người Việt, đặc biệt là ẩm thực của người Hà Nội, như Miếng ngon Hà Nội của Vũ Bằng, Nguyễn Tuân với Chén trà sương sớm, Phở, Thạch Lam với Cốm - một thức quà của lúa non. Có nhà văn nói về chuyện ăn uống để gửi gắm vấn đề thân phận con người như Nam Cao trong Một bữa no, Nguyễn Công Hoan trong Bữa no.. đòn, Vũ Trọng Phụng trong Cơm thầy cơm cô, Kim Lân trong truyện ngắn Vợ nhặt... Đọc tác phẩm của Tô Hoài có thể thấy chuyện ăn, chuyện uống không chỉ nằm trong chuỗi những sinh hoạt thường ngày tạo nên chất hiện thực, đời thường của các nhân vật mà còn thể hiện những giá trị văn hóa, thể hiện góc nhìn riêng của ông về vấn đề văn hóa xưa và nay.
1. Chuyện ăn, uống trong nếp sinh hoạt đời thường của người Việt
Cảm quan nghệ thuật của Tô Hoài là cảm quan hiện thực đời thường. Vì thế ông thường đặt nhân vật trong cuộc sống đời thường. Họ làm lụng, lo toan cho cuộc sống thường nhật, mang những khát vọng bình dị, những buồn, vui trong cuộc sống đời thường. Trong nếp sinh hoạt đó, Tô Hoài rất chú ý tới chuyện ăn, chuyện uống.
Đọc Tô Hoài, có thể lập được từ điển về hệ thống từ chỉ sự ăn uống và phần lớn là từ dân dã gắn với lối ăn, uống của người bình dân. Trong các gia đình nghèo, các món ăn hàng ngày đạm bạc được Tô Hoài tả bằng những từ rất mộc mạc, lặp đi lặp lại với ý liệt kê, kể ra nhiều món, giàu về số lượng nhưng nghèo về dinh dưỡng “Thức ăn bày trên cái mâm gỗ, loang lổ dấu sơn son. Một đĩa tôm muối rang đỏ sạm. Một bát dưa cần và một đĩa đậu nướng - món ăn đặc biệt, chỉ những ngày phiên mới có” (1).
Những từ chỉ món ăn dân dã của người sống ven sông nước đã có màu sắc mới: “Ở vùng đồng trũng cả đời sũng nước này hiếm hạt thóc nhưng được cái dễ vơ váo. Con nhái, con chẫu, lá mùng tơi, cây dền cơm đâu cũng sẵn…Tháng tháng đổ chĩnh chắt hết cá mú đã ngấu đem bỏ vào nồi, nước cáy với giềng cả miếng, trát bùn quanh nồi, quấn rơm hầm cả đêm. Sáng ra, nồi kho đã nục như bánh đúc ngô. Cái nước cáy ăn quanh năm, ngọt hơn mật” (2).
Lớp từ miêu tả món ăn của người dân tộc miền núi Tây Bắc không xa lạ với thực tế và sinh động như đời sống hoang sơ: “Đời sống hàng ngày của mỗi nhà người Mông chia ra rành rõ. Cái ăn thì trông vào cây ngô ngoài nương, trong hốc đá. Người Mông ăn ngô quanh năm. Tết đến mới thổi xôi, nấu cơm. Săn con thú, nuôi lợn lấy mỡ thắp đèn, thịt thì xả ra ướp muối treo làm thức ăn quanh năm” (3).
Là người luôn có ý thức nhặt từ trong đời sống dân tình nên từ điển ẩm thực của Tô Hoài thường được bổ sung những cụm từ mới liên quan tới các món ăn mới. Thời chiến tranh, ông bổ sung từ ngữ mới (cũng là từ cửa miệng của người dân). Đó là cụm từ “phở không người lái” chỉ một món ăn thời chiến với xuất xứ: “từ khi trời thành phố hay có máy bay không người lái của Mỹ vào thám thính, bát phở không thịt thành ra cái tên “phở không người lái”. Cùng với cụm từ “phở không người lái” còn có cụm từ “canh không người lái” xuất hiện trong cải cách ruộng đất, đó là canh nấu suông không thịt, cua, cá, không cả mì chính. Những cụm từ nôm na trở thành những thành ngữ hiện đại gắn với một thời bao cấp thiếu thốn đủ thứ, khổ nhưng người dân vẫn đùa tếu để vơi đi cơ cực. Nếu khi xưa, Tô Hoài dùng từ gần nghĩa để tả cơm đầu ghế, cơm nắm dành cho những người buôn thúng bán mẹt trên các con phố Hà Nội thì sau này thời bao cấp, ông lại bổ sung thêm lớp từ gần nghĩa: cơm căng tin, cơm mậu dịch, cơm hàng cháo chợ…
Miêu tả chuyện ăn, chuyện uống để đời thường hóa các nhân vật của cuộc sống thực tại là nét riêng của Tô Hoài. Nét riêng đó còn biểu hiện ở việc ông miêu tả chuyện ăn uống để giải ảo và giải thiêng cho huyền thoại. Ở bộ ba truyền thuyết Nhà Chử, Đảo hoang, Nỏ thần, Tô Hoài đã khai thác chuyện xưa từ cảm quan hiện thực đời thường. Chuyện ăn uống của các nhân vật trong huyền thoại cũng không xa lạ với chuyện ăn của người thời nay. Vì thế, ông tả các món ăn của nhà Chử miền ven sông Cái giống như các món ăn quen thuộc trong gia đình lao động bây giờ: “Gấc thổi xôi gấc. Lá cẩm, củ từ, củ cẩm nên xôi tím… Lá dong gói bánh chưng. Lá gai làm bánh gai đen nhuyễn” (4). Món ăn của gia đình Mai An Tiêm trong ngày đầu lên đảo có bánh dày mang từ đất liền. Hết bánh dày phải tìm cái ăn trên đảo. Món ăn đầu tiên là lá ngót bọc lá dong bên ngoài để nướng ăn cho đỡ đói. Món ăn tự chế không chỉ cứu đói mà cứu cả những tâm hồn đang nhớ về miền Bãi Lở ven sông Hồng, đang sống trong lo sợ vì mới chân ướt chân ráo trên hòn đảo chưa có dấu vết con người. Không trải nghiệm cuộc sống, không thể thể hiện nỗi nhớ bắt đầu từ một mùi hương tỏa ra từ món ăn bình dị như Tô Hoài: “Canh rau ngót thơm mát lạ lùng, trời ôi, cái nước canh ngót. Nước canh ngót này mà có cua, có hến sông Cái…” (5). Những ngày sau An Tiêm tìm được củ mài, luộc bằng ống nứa, lại ăn rồi lại nhớ cõi Bãi Lở, nhớ xóm làng ven sông Cái “mùi mài tỏa thơm ngậy khắp nhà hệt mùi xôi nếp cái mới” (6). Sự kiếm tìm nguồn thức ăn để thấy “không ai đóng cửa cái sống của mình được” của những thành viên trong gia đình Mai An Tiêm cũng là quá trình khám phá thiên nhiên nguyên sơ nhưng tiềm tàng nguồn sống nơi hoang đảo. Hết thế giới của cây được chế thành món ăn đến thế giới của cá. Giống cá lờm lưng đen sì, bụng trắng nhả, thịt nướng thơm điếc mũi ngọt như cá sông Cái rồi đến thế giới của ong với “sáp ong vàng mỡ, mật ong ngọt lừ, tê đầu lưỡi”. Mật ong làm món ăn chính của chú bé Mon trong thời gian lạc bố mẹ. Khi vợ chồng Mai An Tiêm phát hiện hạt giống lạ do chim tha đến đảo và ươm trồng cho hạt thành quả chín thì cũng là lúc họ nhận ra thiên nhiên không chỉ nuôi sống con người mà còn là liều thuốc thần diệu cứu sống con người. Bé Gái khỏi sốt nhờ ăn miếng dưa ngọt mát, một miếng dưa bằng một miếng thuốc: “Quả các cụ nói không sai, nhà ta gặp được quả quý rồi”. Hơn cả sự hồi tỉnh của Gái, quả dưa đỏ còn đem đến cho nàng Hoa niềm hy vọng tìm được đứa con bị lạc. Sự sống này là dấu hiệu của một sự sống khác đang tồn tại trên hòn đảo hoang sơ, giữa sóng biển mịt mùng: “Quả dưa, quả dưa đỏ thôi mà sao nàng Hoa tưởng như sắp có người tới, sắp được gặp người. Có phải con đã cho những con chim đến đây thả hạt dưa xuống?. Những quả dưa ngon ngọt ấy khác nào tin báo cho bố mẹ biết: con đây, con sống đây, con lạy bố mẹ! Con chào bố mẹ!” (7). Những quả dưa ngọt mát giúp gia đình Mai An Tiêm duy trì cuộc sống trên đảo qua nhiều năm tháng và là cầu nối để họ trở về với đất liền.
Qua những món ăn được miêu tả bằng hệ thống ngôn từ mang đậm chất dân dã được đặt ở những không gian khác nhau, hiện thực đời sống hiện lên muôn dáng vẻ trong tác phẩm của Tô Hoài.
2. Chuyện ăn, chuyện uống biểu hiện nét văn hóa Việt
Sự kết hợp giữa cảm quan hiện thực đời thường và cảm quan văn hóa biểu hiện ở việc nâng niu những giá trị văn hóa dân tộc qua các món ăn. Ông tả các món ăn của vùng quê, miền núi, miền sông nước, trên đảo hoang mang đậm màu sắc dân tộc và dành sự ưu ái khi viết về các món ăn của người Hà Nội. Trong Chuyện cũ Hà Nội có 114 câu chuyện thì có tới 67 chuyện có nhắc tới việc ăn, trong đó 12 chuyện miêu tả trực tiếp chuyện ăn, chuyện uống. Giấc mộng ông thợ dìu có 82 truyện trong đó có 38 truyện nhắc trực tiếp tới ăn uống. Nếu trong tiểu thuyết và truyện ngắn, bữa ăn, món ăn được Tô Hoài miêu tả để tạo một không gian, không khí đời thường thì trong ký, món ăn được ông miêu tả với ý nghĩa của văn hóa ẩm thực, của phong tục Việt. Điều này tạo nên một điểm độc đáo trong phong cách Tô Hoài. Món chả cá Lã Vọng được ông miêu tả rất kỳ công “Từ xưa đến nay, nhà hàng này chuyên một món, chỉ dùng cá lăng làm chả. Cá được lọc kỹ xắt miếng mỏng con cờ. Cá ướp mắm muối nhạt, bóp nghệ già thật kỹ. Miếng chả màu nghệ tươi như hoa hiên, cặp lại từng gắp. Cái gắp cũng phải kén tre cật cho hơ vào lửa khi nướng khỏi cháy” (8). Món phở làm nên một nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội được Tô Hoài miêu tả kỹ lưỡng ở từng chi tiết: “nước phở trong và ngọt vì xương hầm. Bát phở vừa nước, vừa thịt”. Phở có nhiều loại như phở tái, phở chín, phở tái nạm gầu, phở chua, phở bò, phở gà, phở trâu… Nếu Nguyễn Tuân tôn vinh cho món phở, cách ăn phở, nâng thành đạo phở thì Tô Hoài lại quan tâm đến sự “biến thái” của phở trong cuộc sống đời thường “Phở đã thay đổi nhiều theo thời gian và theo thời thế. Bây giờ nước phở ngọt vì mì chính, nước phở vàng ngậy, hắc mùi thảo quả, cái vị phở như món thịt giả của phát xít Đức chế ra để binh lính nhai cho đỡ nhớ thịt thật..”. Tô Hoài gọi vị phở nhân tạo ấy là “diệt phở”. Điều làm ông khó chịu hơn nữa nhất là cách ăn phở thời nay: “Phở không còn là quà mà ăn phở lấy no. Bát phở xưa là bát chiết yêu vừa đủ cho người ăn còn thòm thèm. Bát phở phẳng mặt không đầy ú lên. Bây giờ bát phở cao có ngọn do người ăn bây giờ thực dụng: ăn cho no... phở. Người ăn phở dường như không có khái niệm gì về ẩm thực nên ăn một cách xô bồ, hỗn tạp “đập vào hai quả trứng gà, lại thêm nửa khoanh giò lụa, lại một cục thịt lợn trắng hếu” (9). Tô Hoài giúp người đọc vừa thưởng thức, vừa thẩm định món phở một cách nghiêm túc, kỹ càng qua lớp từ với các sắc thái khác nhau. Ý thức về giá trị văn hóa qua các món phở gia truyền cũng là ý thức giữ gìn nét đẹp của văn hóa ẩm thực. Tô Hoài chê cách ăn bất chi kỳ vị đối với phở cũng là bảo tồn cho thuần phong mỹ tục đang có nguy cơ mất dần trong nhịp sống công nghiệp. Bên cạnh món ăn có màu sắc đô thị, Tô Hoài còn quan tâm đến những món ăn dân dã mà đậm chất dân tộc. Món bánh đúc là món quà đặc nhà quê được ông miêu tả rất sinh động với nhiều loại: “Bánh đúc dừa rắc vừng, bánh đúc lá giềng xanh ngắt đổ vào mẹt. Bánh đúc chấm tương. Bánh đúc gạo tám trắng giòn. Bánh đúc gạo dự màu đỏ son già. Chiếc bánh đúc tròn xoe được lột ở bát ra, mặt bóng nhẫy” (10). Món cháo vốn nằm trong danh mục món ăn của nhà nghèo. Kim Lân đã từng tả miếng cháo cám “chát sít” ở cổ người vợ Tràng chặn đứng niềm hạnh phúc của gia đình anh kéo xe bò (Vợ nhặt) khi anh có được vợ trong ngày đói. Ở Tô Hoài, những loại cháo gắn với sự am hiểu đời sống sinh hoạt của dân tình. Không đi vào đời sống không thể có những thống kê chính xác và độc đáo qua lớp từ bình dân như Tô Hoài: “Cháo là thứ quà hàng ngày. Cháo có liên quan đến thịt cá thì có cháo bò, cháo phổi, cháo lòng, cháo gà, cháo lươn, cháo vịt, cháo tim gan, cháo tiết, cháo trứng… Cháo ngũ cốc rau đậu có cháo ngô, cháo kê, cháo đậu đen, cháo bột lọc, cháo đậu xanh, cháo bột se…”. Đặc biệt món cháo tiết được tả rất chi tiết: “Tiết lợn, tiết bò nấu cháo muối suông. Người ta bảo tiết ấy là tiết vụn không thành miếng, vét hố ở các lò mổ, xúc lẫn lên cả đất cát”. Nghe Tô Hoài tả bằng những từ cụ thể, ai cũng thấy ghê người nhưng Tô Hoài kết thúc chuyện ăn cháo tiết bằng một câu tục ngữ quen thuộc “khuất mắt trông coi mà” như lý giải cho sự dễ dãi của người bình dân trong ăn uống và cũng ngụ ý phê phán cách ăn uống xô bồ, mất vệ sinh của thời nay.
Món ăn thể hiện đậm nét văn hóa Việt là món ăn trong ngày tết trong đó có các món ăn trong tết Trung thu và tết Nguyên đán. Tết Trung thu với mâm cỗ trông trăng của trẻ con gồm bưởi đào, hồng, dừa, bánh nướng, bánh dẻo. Theo phong tục vùng Bưởi, các nhà ăn ốc luộc, nấu bánh đúc quấy lá gừng, xanh mát mắt. Tết Nguyên đán với các món ăn truyền thống nhưng cũng gắn với kinh tế của từng gia đình. Món ăn ngày tết của các gia đình ở quê thường có “miếng thịt lợn, cái chân giò, con gà”, nhà túng bấn hơn thì có “đĩa xôi, nải chuối”. Món ăn ngày tết nơi đô thị có “cỗ đặt trên mâm đồng chân quỳ, có bánh chưng, thịt gà luộc, cá kho, thịt bò quấn lạt, sườn xào chua ngọt, đĩa giò lụa, bát canh bóng và bát canh miến dong riềng” (11).
Tô Hoài đã miêu tả các món ăn quen thuộc của người Việt với sự nâng niu, trân trọng bởi ông nhận thấy trong các món ăn đó có đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc. Trong mỗi món ăn truyền thống đều có nét văn hóa Việt: “Bánh dày ăn với chè kho mật mía ráo như ngói, phảng phất mùi thảo quả. Cối giò hoa, giò lụa, giò mỡ gói thành chiếc kẹp hai thanh tre nẹp. Chỉ trông màu lạt tươi lạt chín mới phân biệt giò luộc rồi hay chưa” (12). Trong các món ăn truyền thống có một món ăn đặc biệt gắn với đời sống tinh thần của dân gian là món ăn bằng… đất. Đó là món ăn có lịch sử từ xa xưa và đến nay không còn. Món bánh đất lạ lùng xuất phát từ quan niệm về vũ trụ, về tự nhiên và cả tâm linh của người Việt cổ: con người gắn bó với đất, từ đất mà có mùa màng và khi chết người ta lại về với đất. Tô Hoài nói về mối quan hệ giữa người và đất theo kiểu dân dã “đất hầu hạ con người”. Ông tả món bánh ngói làm từ đất “nặn cắt miếng đem hun khói”. Thứ bánh chế biến giản đơn nhưng lại có công dụng như một thứ thuốc hiệu nghiệm: đàn bà sau khi sinh nở ăn bánh ngói phòng hậu sản, trẻ con ăn bánh ngói thì giun sán trong bụng ra hết” (13). Tô Hoài không làm lạ hóa chuyện ăn đất để kích thích trí tò mò như một số nhà văn lãng mạn viết về phong tục ở chốn quê, cũng chẳng phải để miệt thị người dân đen ăn bẩn mà vì với ông những gì của đời sống đều đáng ghi nhớ, nhất là khi sự vật ấy lại là một phần của sinh hoạt dân gian cần được kể lại cho đời sau biết, từ biết mà hiểu phong tục người Việt mình.
3. Chuyện ăn, uống với tính cách, thân phận con người
Đọc Tô Hoài, thấy ông thường thông qua những chuyện giản dị trong đời thường mà nói những chuyện khác thường một cách tự nhiên, giản dị, ẩn dấu chút hài hước, tinh quái nhưng chiều sâu là sự chia sẻ, đồng cảm với số phận con người. Tô Hoài đã chọn lọc kỹ lưỡng từ ngữ để tả cách ăn, cách uống của từng kiểu người trong không gian cụ thể của đời sống thực bởi vì với ông, chuyện ăn, chuyện uống là chuyện của đời thường nhưng đôi khi cách ăn, cách uống thành tình huống truyện để xoay quanh nó là tính cách, số phận con người.
Kiểu ăn của lão Múi trong truyện Ông dỗi được miêu tả bằng những từ đồng nghĩa để thấy chuyện ăn là chuyện đời người. Từ ăn trong lời than vãn của bà vợ: “Còn có từng ấy gạo. Mai đong được thêm thì mới có mà ăn đủ” chuyển thành từ nốc trong lời đay nghiến “Ngồi giữ vua bếp ở nhà thì nốc gì lắm cho hại gạo nhà nước”. Từ “nốc” còn được nhắc lại lần thứ hai trong truyện để cảnh báo cách ăn lấy được của ông chồng để phản ứng cách quản lý chặt chẽ của bà vợ “Nốc lắm ốc, lắm nhái vào! Tối nay miệng nôn trôn tháo sớm”(14). Lão Múi định trêu tức bà vợ vốn chặt chẽ trong miếng ăn, miếng uống bằng kiểu nhai tóp tép, tóp tép, nhai rau ráu nhưng rồi chính lão lại phải chịu hậu quả vì bị Tào Tháo đuổi. Những từ chỉ cách ăn đã thể hiện lối nói và lối làm của người lao động.
Tô Hoài tả cách ăn cỗ cưới của người nhà quê rất sinh động: “Có mụ ngồi xềm xệp, đứa con ngủ lắc lư trong lòng mà cũng và lấy và để. Đàn bà, trẻ con cả xóm kéo đến, ăn như trống đánh. Khắp mọi chỗ om lên những tiếng soàn soạt, sùn sụt, cười, nói, văng tục văng rác ba hoa, lăng nhăng. Không khí rượu thịt sực lên” (15). Những khẩu ngữ, thành ngữ chỉ cách ăn trong khát thèm và cũng thể hiện tâm lý “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” của người nhà quê...
Đến Ba người khác, chuyện ăn uống đo nhân cách con người. Kiểu ăn bánh đúc ngô của mấy anh đội thể hiện bản năng được dấu che trong cái mã “hét ra lửa” bề ngoài “có anh đội bưng hẳn bát tương lên để chấm và húp, khỏi phải cúi lom khom và ngồm ngoàm hay là có nuốt chửng cả cái cũng không ai trông thấy”. Những từ “ngồm ngoàm”, “nuốt chửng” đã bóc mẽ mấy anh cán bộ “rởm, miệng hô hào phải “ba cùng” với nông dân nhưng cái mồm tham ăn lại không kìm được nỗi khát thèm nên họ đã “húc đầu vào ăn giữa mênh mênh đói khát”. Trí thức mà ăn một cách ngấu nghiến, thô lỗ hơn cả những người “cổ cày vai bừa”. Tệ hơn nữa, đội trưởng Cự còn giấu bánh ngô định ăn vụng, ăn lén nhưng đồng đội của Cự cũng là những tay chuyên ăn mảnh đã nhè lúc anh ta sơ hở để “phân bổ” lại miếng ăn không đường hoàng ấy. Đội viên Bối ăn chiếc bánh dày nhân đậu của “rễ chuỗi” là cô Duyên, cô tình nhân táo bạo với kiểu cợt nhả: “Duyên đút miếng bánh vào miệng tôi, mỗi đứa cắn một nửa vừa nhai vừa lè đổi cho nhau ăn chung”. Miếng bánh ấy là sự ràng buộc của Duyên với anh đội cùng với lời đe dọa “từ giờ cấm không được đi tuần đêm” và mệnh lệnh “kết nạp em, anh phải đứng tuyên bố”. Miếng ăn, thân xác đàn bà là cạm bẫy để những “anh đội” đi làm cải cách sa dần vào tội lỗi, đánh mất dần tư cách của mình. Đầu tiên họ ý thức đi làm “cách mạng” ruộng đất, nhưng đi thực tế và bắt tay vào việc, họ lại trốn chạy khó khăn, mềm lòng trước cám dỗ của đời thường, trong đầu lúc nào cũng ám ảnh bởi miếng ăn: “Tôi mong hôm nào về huyện ủy lấy xe đạp ra chợ huyện đánh một bữa bánh đúc riêu kễnh bụng”. Làm cải cách mà chỉ ước sao được ăn “đã mồm, kễnh bụng” thì mấy anh cán bộ không hơn gì anh nông dân “chân đất mắt toét” ở làng. Sự đổi thay giữa thân phận anh đội và thằng phản động thôn Am là Tư Nhỡ thể hiện những nghịch lý, trớ trêu của cuộc cải cách được đo bằng sự đãi đằng một bữa rượu sau bao năm họ gặp lại nhau... Như vậy, qua chuyện ăn Tô Hoài giúp người đọc hiểu chuyện đời, thấy tính cách, thân phận con người.
Một điểm độc đáo là Tô Hoài từ việc ăn thể hiện những cảm xúc khác nhau của con người, đôi khi là sự thức tỉnh. Nhân vật Thào Nhìa trong Miền Tây sau bao năm lưu lạc được người mẹ cho ăn hạt đậu răng ngựa đã cảm nhận vị ngọt ngào của tình mẫu tử, của hơi ấm gia đình. Tô Hoài đã diễn tả sự hòa trộn của cảm giác và cảm xúc qua cách ăn: “Cái hạt đậu răng ngựa đem ninh rừ, tráng một ít nước ớt, bùi bùi lạ lùng. Mẹ ơi con chỉ nhai vài hạt đậu trong miệng mà đã quen thuộc như con vừa mới ra khỏi nhà ban chiều” (16). Thào Nhìa nhai hạt đậu từ từ để nhấm nháp vị bùi bùi của món ăn quen thuộc. Từ vị của món ăn gợi tình nhà, đưa con người lầm lạc ấy trở lại với mẹ, với anh, em, với bản làng.
Cùng với việc miêu tả chuyện ăn, Tô Hoài chú ý miêu tả chuyện uống. Hầu hết các nhân vật nam trong sáng tác của Tô Hoài đều được khắc họa một nét chân dung trong cách uống rượu. Ông ngoại của nhân vật tôi- cu Bưởi - trong Tự truyện uống rượu: “Buổi chiều, ông tôi uống rượu. Ông tôi uống ngữ, hết áng chừng một cút nhỡ bốn xu. Thức nhắm chỉ là đậu phụ chấm mắm tôm. Ông tôi ưa thích thức nhắm lặt vặt, linh tinh ếch, lươn, tép, cá. Thịt chó, húng quế thì thú lắm” (17). Cái thú bình thường ấy cũng là cái thú của nhiều người đàn ông ở chốn quê và đến nay vẫn được duy trì trong nếp sinh hoạt đời thường.
Ông Nhiêu Thục trong Quê người là người nghiện rượu được Tô Hoài tả bằng giọng “khen ngợi” vì uống rượu vốn là một thú của người dân quê: “Ông Nhiêu vào hạng cừ rượu trong làng”. Từ khen, Tô Hoài chuyển sang chê khi ông Nhiêu hay rượu thành người nghiện rượu rồi nát rượu: “Trước ông được tiếng là uống rượu đứng đắn, không nát lắm như nhiều người khác. Nhưng bây giờ không còn giữ hẳn được nết ít nói như xưa nữa. Bởi ông uống rượu đã thành lệ mà hóa ra nghiện” (18).
Cai Giắt trong Mười năm uống rượu theo cách “xếp bằng tròn, hai ống quần xoe lên tận bẹn. Mỗi tợp rượu lại một húp cháo xoàn xoạt. Chắc là bên Tây người ta đánh chén cái lối vừa ăn vừa uống thế” (19). Cõi trong Kẻ cướp bến Bỏi uống rượu trong nỗi buồn nhớ bạn, “tựa lưng vào tường, mua xỉ từng chén một, nhấp suông” (20). Trắt là người cùng hội cùng thuyền với Cõi khi cùng nuôi chí báo thù cho thày Cao. Trắt chưa giết được kẻ thù thì đã bị kẻ thù giết. Nỗi đau đớn vì mất bạn cùng nỗi căm thù dồn nén trong hành động Cõi “nhấp suông từng chén rượu”. Rượu suông mà đầu óc Cõi không suông khi đang nung nấu tìm cách báo thù cho thày, cho bạn.
Nét lạ mà Tô Hoài phát hiện trong nếp sống của người Tây Bắc là cách uống rượu và thử rượu: “Họ đêm ngày chè chén trong các quán người Hoa. Chủ quán ra mời khách phải xách theo cái hũ sành đựng rượu. Rồi đổ rượu xuống lòng bàn tay, đánh cái diêm châm. Lửa rượu xanh lét bùng lên, hắt ngọn lửa từ lòng bàn tay ra. Có rượu mạnh thế, khách mới chịu vào quán” (21).
Điều đặc biệt trong sáng tác của Tô Hoài là ông còn miêu tả nhân vật nữ uống rượu. Đối với nhân vật nữ, uống rượu là điểm đặc biệt trong tính cách và số phận, để giải tỏa tâm trạng bi kịch. Đó là cách uống rượu của Mỵ trong Vợ chồng A Phủ, thể hiện sức sống tiềm tàng, tinh thần phản kháng hay ý thức nữ quyền trong người đàn bà bao năm bị khống chế bởi cường quyền và thần quyền: “Mỵ lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát” (22). Nhân vật nữ thứ hai uống rượu là Thào Mỵ, một cô gái Mèo cũng bị bắt về làm dâu gạt nợ như Mỵ trong Vợ chồng A Phủ. Chỉ khác Mỵ lấy A Sử, kẻ có nhiều vợ rồi mà vẫn bắt nhiều con gái đẹp về làm vợ, còn chồng Thào Mỵ lại là một thằng bé mới lên bốn tuổi, kém Thào Mỵ sáu tuổi. Thào Mỵ là nạn nhân của tục tảo hôn và của cảnh mẹ chồng nàng dâu. Thào Mỵ cũng từng ăn lá độc để chết nhưng mẹ và em đã cứu sống cô, cứu sống về thể xác nhưng lại kéo dài thêm sự chết về tâm hồn vì bố mẹ chồng, chồng của Thào Mỵ tiếp tục hành hạ, đuổi cô ra khỏi nhà. Thào Mỵ tìm đến cái chết lần thứ hai bằng thuốc độc. Lần này, Thào Mỵ chủ động tìm đến cái chết nên không chỉ dùng thuốc độc mà còn dùng cả rượu. Cô “không biết sợ ai nữa, vào bếp, lấy ống rượu, rót ra nửa cân, uống hết rồi vào giường đắp chăn”. Thào Mỵ chờ chết trong hơi rượu khác với hơi rượu làm Mỵ thấy bồi hồi tha thiết nhớ trong Vợ chồng A Phủ. Sự quyết liệt, dữ dội trong cách tìm đến cái chết của Thào Mỵ khác với Mỵ trong Vợ chồng A Phủ nhưng giống ở cội nguồn của hành động là cả hai người phụ nữ Mèo đều ý thức về quyền sống hay đây là biểu hiện của nữ quyền mà sau này những tác phẩm văn xuôi sau 1986 khai thác sắc nét hơn. Nhân vật nữ thứ ba uống rượu là cô bé Sâm trong Mẹ mìn, bố mìn. Cô uống rượu cùng với người bố nuôi của mình là bác Xồm. Cả hai cùng đau khổ vì bác Xồm mất vợ mất con, Sâm không có bố mẹ đẻ: “Sâm đòi uống rượu. Chẳng biết sao, Sâm lại bắt chước bác Xồm, muốn uống rượu. Cho khác đi chăng, buồn quá. Sâm nhấc bát rượu, uống cả một hơi. Sâm chỉ cảm thấy xót xa, tủi cực, muốn uống rượu. Rượu cho người ta thành người khác” (23). Chất men không làm Sâm lơ lửng, bồng bềnh như Mỵ mà đem lại nỗi đắng cay khi ý thức về thân phận cô đơn, trơ trọi của mình giữa cõi đời đen bạc.
Tô Hoài còn dụng công miêu tả chuyện uống nước chè. Điểm khác là Tô Hoài không miêu tả uống chè thành một thú chơi sành điệu như Nguyễn Tuân (Chén trà sương sớm) mà là kiểu uống thường ngày: uống nước chè xanh. Có nhiều lần Tô Hoài tả việc uống nước chè xanh. Lần một trong Nhà Chử: “Chè tươi nấu nước giếng đất. Cái chè xanh nhấm đầu cành cũng ngọt đậm lưỡi” (24). Lần hai trong Kẻ cướp bến Bỏi: “Đêm hôm ra đấu phường được bát nước chè đậm cũng giải nhiệt, cũng ấm bụng. Ngày nắng chang chang khát rã họng thế mà uống hết bát chè tươi nóng xanh đặc, cơn khát vã mồ hôi tan hẳn. Khối người nghiện trà tươi nhưng đun nấu, vò rửa lỉnh kỉnh, người ta lại ngày đôi ba bữa ra quán” (25). Tô Hoài tả nếp uống chè tươi của người bình dân nhưng nếp sinh hoạt ấy lại có thêm chuyện mới: Quán nước chè tươi là nơi bàn “việc kín” của những người trọng nghĩa khinh tài nơi bến sông. Bát chè xanh đem lại cho họ sự tỉnh táo và thú vị, mọi việc lớn trở nên nhẹ nhàng hơn.
Đến Chiều chiều, Tô Hoài tả chuyện uống nước chè tạo nên sự gắn kết giữa những con người. Ông Ngải gặp lại người ngày xưa cũng là gặp lại thói quen uống chè vò thuở hàn vi. Món nước chè vò thành đặc sản của người Thái Bình và với ông Ngải, nó là điểm nhớ cho một thời đã qua. Sự thành thạo cuộc sống dân tình giúp Tô Hoài có lượng từ rất phong phú để tả, để kể về cùng một việc uống mà không lần nào giống lần nào.
Có lúc, Tô Hoài miêu tả cách uống để thể hiện sự lạc quan của con người trong hoàn cảnh chiến tranh. Hiếm có nhà văn nào chụp được hình ảnh người Hà Nội trong những năm bom Mỹ dội lại có kiểu uống cà phê lạ như Tô Hoài: “Bom ném xuống ngã tư, khách bưng cả cốc cà phê uống dở xuống hố cá nhân, nhấp nhô đầu lên uống nốt” (26). Hai từ “uống nốt” rất suồng sã, chẳng phải chỉ là cách thỏa nỗi thèm của những người nghiện cà phê mà có cả cái phớt đời của những người dân đã nghe quen tiếng bom trên thành phố.
Tô Hoài không giống Vũ Bằng miêu tả các món ăn chủ yếu để thưởng thức và sau sự nhấm nháp hương vị là nỗi buồn nỗi nhớ của người xa quê “một chén trà do nhà ướp, mấy cái bánh Tô Châu nhấm nháp vào một hôm mát trời, một nồi cơm gạo tám với thịt rim, bát canh cần bốc khói xanh nghi ngút…tất cả những thứ đó gợi cho ta một nỗi thèm tiếc mờ mờ, như làm rung động tới những nơi thẳm kín nhất của lòng ta”. Tô Hoài, từ việc miêu tả chuyện ăn, chuyện uống, ông giúp người đọc hiểu chuyện cuộc đời, thấy nét văn hóa Việt, thấy tính cách, thân phận con người trong những biến động của lịch sử và xã hội. Sâu xa hơn, từ chuyện ăn, chuyện uống, Tô Hoài gửi gắm một quan niệm nhân sinh giàu chất nhân văn: “Miếng ăn ngon không phải chỉ vì no đói mà còn vì nỗi cảm thương nghìn đời đối với đất quê chôn rau cắt rốn của mình” (27).
Chuyện ăn, chuyện uống là một trong nhiều câu chuyện đời thường mà Tô Hoài đã lựa chọn để kể, để viết cho ra truyện. Đây là điểm mạnh của ngòi bút Tô Hoài. Người đọc nhớ Tô Hoài vì ông đã phản ánh được muôn mặt đời thường, trong đó chuyện ăn, chuyện uống là một phương diện biểu hiện đời sống con người Việt và nét văn hóa Việt mà ông đã nâng niu, gìn giữ .
_______________
1, 14, 15, 17, 18. Tô Hoài, Tuyển tập Tô Hoài, tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội, 1987, tr.178, 243, 120, 21, 52.
2, 20, 25. Tô Hoài, Kẻ cướp bến Bỏi, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1996, tr.86, 145, 146.
3, 16, 21, 11. Tô Hoài, Miền Tây, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015, tr.108, 188, 24.
4, 5, 6, 7, 12, 24, 27. Tô Hoài, Nhà Chử, Đảo hoang, Nỏ thần, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2006, tr.43, 260, 264, 352, 183, 184, 181.
8, 9, 10, 13. Tô Hoài, Chuyện cũ Hà Nội, Nxb Văn học, Hà Nội, 2005, tr.439, 460, 201, 324.
19. Tô Hoài, Mười năm, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1998, tr.188.
22. Tô Hoài, Truyện Tây Bắc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1999, tr.116.
23. Tô Hoài, Mẹ mìn, bố mìn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015, tr.73.
26. Tô Hoài, Chiều chiều, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999, tr.416.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 378, tháng 12-2015
Tác giả : VŨ THÙY NGA