CHÍNH SÁCH ĐÃI NGỘ VĂN NGHỆ SĨ TRONG CÁC TỔ CHỨC NGHỆ THUẬT HIỆN NAY

1. Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò nghệ sĩ - chiến sĩ của văn nghệ sĩ

Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rất rõ vai trò của văn nghệ sĩ trong sự nghiệp cách mạng với sứ mệnh cao quý là chiến sĩ xung kích, mắt sáng, lòng trong, không chỉ đem tài năng nghệ thuật, khát vọng sáng tạo để chuyên chở đạo làm người mà còn sáng tạo nên nhiều hình tượng nghệ thuật có sức cảm hóa, lan tỏa. 

Hiện nay, văn nghệ sĩ Việt Nam đã thấm sâu quan điểm văn dĩ tải đạo (văn để chở đạo). Điều đó đã trở thành ý thức thường trực của các văn nghệ sĩ chân chính, thể hiện qua những tác phẩm văn nghệ gắn liền với vận mệnh dân tộc, với cách mạng, có giá trị nhân văn sâu sắc. Đó cũng là trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ đối với dân, với nước, với sứ mệnh lịch sử của dân tộc, cuộc sống xã hội. Đó cũng chính là chất thép của văn học nghệ thuật chính thống, là tư tưởng, phẩm chất của người nghệ sĩ chân chính.

Để tạo điều kiện cho tầng lớp văn nghệ sĩ sáng tạo, cống hiến tài năng, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách động viên, ưu đãi, hỗ trợ văn nghệ sĩ. Nhiều chế độ đãi ngộ, điều kiện cơ sở vật chất để văn nghệ sĩ có điều kiện phát triển, cống hiến đã được triển khai. Đảng ta nhận định, đội ngũ văn nghệ sĩ được hình thành, phát triển, rèn luyện trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là lực lượng tin cậy, trung thành của đất nước, xứng đáng với danh hiệu cao quý nghệ sĩ - chiến sĩ. Khi ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Đảng ta đã chỉ rõ là phải chăm lo, đãi ngộ xứng đáng những cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng, đức độ, sáng tạo, biểu diễn nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị phục vụ công chúng. Các nghệ sĩ, diễn viên đạt danh hiệu nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), nghệ sĩ nhân dân (NSND), đoạt giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật xứng đáng là những đại diện tiêu biểu của nền nghệ thuật nước nhà.

Đối với các nghệ sĩ, diễn viên chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, ngoài tố chất, năng khiếu bẩm sinh, muốn thành danh trên con đường nghệ thuật đòi hỏi phải trải qua một quá trình học tập bài bản, lâu năm, cùng với ý chí bền bỉ, nỗ lực rèn luyện vô cùng vất vả. Đảng, Nhà nước đã ghi nhận, đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ, những người đã góp phần củng cố, chấn hưng, làm vinh quang nền nghệ thuật cách mạng. Nhiều nghệ sĩ được Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý, đó không chỉ là sự ghi nhận mà còn là nguồn động viên, khích lệ to lớn của Đảng, Nhà nước dành cho văn nghệ sĩ.

Để văn nghệ sĩ toàn tâm toàn ý, dốc trọn đam mê cho những tác phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị cống hiến cho xã hội, không bị gánh nặng cơm áo trong đời sống thường nhật chi phối, Nhà nước cần xây dựng, ban hành thêm những chính sách phù hợp đối với văn nghệ sĩ. Đó có thể là chế độ đãi ngộ, điều kiện cơ sở vật chất, tài trợ để họ yên tâm công tác, có thêm nhiều cơ hội cống hiến tài năng cho xã hội.

2. Mấy nét về đời sống văn nghệ sĩ, một số bất cập trong chính sách đãi ngộ văn nghệ sĩ hiện nay

Tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16 - 6 - 2008 của Đảng CSVN về tiếp tục xây dựng, phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, Đảng ta cũng đã nhận định “các chính sách về lương, phụ cấp đối với nghệ sĩ nhìn chung còn thấp, chế độ đãi ngộ, đầu tư còn hạn chế, thiếu sự động viên khuyến khích”.

Nhiều nghệ sĩ trẻ lo ngại khi chế độ, chính sách áp dụng cho nghệ thuật đã lạc hậu, bất cập. Đó cũng chính là lý do khiến họ dù có tài năng, yêu thích nghệ thuật cũng không lựa chọn dấn thân. Công tác đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ chưa đạt hiệu quả, một số ngành đào tạo nghệ thuật gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh do thiếu đầu vào.

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là chính sách tiền lương cho văn nghệ sĩ có nhiều bất cập. Mức lương chưa trở thành nguồn sống cơ bản tương ứng với giá trị lao động của văn nghệ sĩ, với đa số là công chức nhà nước. Nhiều nghệ sĩ được Chủ tịch nước công nhận là NSND, NSƯT hiện đang hoạt động trong các đơn vị nghệ thuật đã vượt khung lương diễn viên hạng 3 từ nhiều năm vẫn chưa có cơ hội được xét hoặc thi nâng ngạch bậc 2. Chế độ bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn thấp khiến cho nghệ sĩ chưa thể yên tâm cống hiến.

Đặc biệt là các nghệ nhân di sản hiện nay, nhất là nghệ nhân ca trù còn phải tự xoay sở sống, tự truyền nghề. Một số nghệ nhân trẻ, yêu thích ca trù, được đào tạo bài bản, hát tốt, nhưng đã phải từ bỏ niềm đam mê, rẽ sang làm nghề khác. Nhiều người phải đối mặt với cuộc sống khó khăn khi hào quang không còn.

Cách phong tặng danh hiệu đã có sự thay đổi, nhưng vẫn chưa phù hợp với thực tế. Nghệ sĩ muốn được xét tặng danh hiệu phải có phẩm chất đạo đức tốt, tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành nghề nghệ thuật, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp, nhân dân mến mộ. Đồng thời, phải có 20 năm hoạt động chuyên nghiệp trở lên đối với các loại hình múa, xiếc thì 15 năm trở lên, có ít nhất 2 giải vàng quốc gia sau khi có danh hiệu NSƯT đối với nghệ sĩ muốn được xét tặng danh hiệu NSND. Đối với việc xét tặng NSƯT, tiêu chuẩn về nghề nghiệp cũng như với NSND, nhưng thời gian hoạt động nghệ thuật là 15 năm trở lên (với xiếc, múa là 10 năm trở lên), có ít nhất 2 giải vàng quốc gia hoặc 1 giải vàng cùng 2 giải bạc quốc gia.

Chưa có sự phân cấp rõ ràng trong đánh giá tiêu chí, thống nhất các danh hiệu. Theo Luật thi đua khen thưởng thì phải sau 3 năm sau nữa thì các nghệ nhân mới tiếp tục được xét tặng ở danh hiệu NSND. Đó là điều không công bằng với các nghệ nhân trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian bởi hầu hết các nghệ nhân đã ở tuổi xưa nay hiếm.

Dễ thấy là văn nghệ sĩ nước ta có nhiều người rất tài năng, trong đó có một bộ phận văn nghệ sĩ có cuộc sống dễ chịu, thậm chí sung túc bằng nghề, đặc biệt là các ca sĩ hát dòng nhạc giải trí, nghệ sĩ hài. Tuy nhiên, còn khá nhiều người phải chật vật với gánh nặng cơm áo, các nhà văn, đặc biệt là nghệ sĩ sân khấu, còn ít người sống được bằng nghề biểu diễn. Ví dụ như NSND Ngọc Giàu có hơn 40 năm gắn bó với sân khấu, diễn hơn 100 vai diễn cải lương, khoảng 50 vở kịch, hàng chục phim truyện nhựa, video, tấu hài nhưng vẫn không đủ sống với đồng lương.

Danh hiệu NSND, NSƯT là phần thưởng cao quý mà Nhà nước phong tặng cho nghệ sĩ nhằm ghi nhận công lao đóng góp của họ cho nền nghệ thuật nước nhà. Dư luận quan ngại việc bình chọn những danh hiệu chưa đánh giá đúng tài năng, sự cống hiến của nghệ sĩ, vẫn là một thứ đặc ân của cơ chế xin - cho. Các nghệ sĩ lớn của nghệ thuật cải lương trong nước như Bạch Tuyết, Kim Cương, Ngọc Giàu, Lệ Thủy đến nay vẫn phải đặc cách thì mới trở thành NSND, lý do là họ thiếu các loại huy chương tại các hội diễn được quy định trong quy chế về xét phong các danh hiệu nghệ sĩ.

Quy luật khắt khe của loại hình nghệ thuật biểu diễn “thày già, con hát trẻ” khiến nhiều nghệ sĩ, diễn viên đã phải trăn trở khổ luyện, cống hiến hết tuổi thanh xuân cho nghề nghiệp. Vì vậy, muốn trở thành NSƯT, NSND, họ phải có thời gian cống hiến từ 15 đến 20 năm, đó là điều chưa hợp lý để đạt được danh hiệu cao quý của hầu hết các nghệ sĩ, diễn viên.

3. Cần nhiều chính sách kịp thời, thỏa đáng

Tại Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) về “Xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Đảng ta đã nêu nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, trong đó chỉ rõ: “Chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho văn nghệ sĩ. Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo lớp văn nghệ sĩ trẻ”; “Bảo đảm tự do sáng tác, đi đôi với nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa”.

Yêu cầu của cách mạng, mong mỏi của nhân dân là sự nghiệp văn học, nghệ thuật của chúng ta phải chủ động hơn, bản lĩnh hơn để sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, khẳng định được bản sắc, cốt cách dân tộc Việt Nam thời hiện đại. Đây là một thách thức, cũng là đòi hỏi đối với sự nghiệp văn học, nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhằm tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ làm tốt vai trò, sứ mệnh vinh quang của mình, Đảng, Nhà nước ta phải thể chế hóa bằng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tiếp cận, đi sâu vào thực tiễn đời sống, cống hiến cho văn học nghệ thuật. Để chính sách đãi ngộ văn nghệ sĩ dần hoàn thiện, đi vào cuộc sống, trở thành động lực nuôi dưỡng, thúc đẩy khát vọng cống hiến của văn nghệ sĩ, cần nhiều giải pháp.

Để những nghệ sĩ tài năng tồn tại, theo đuổi nghề, cống hiến nhiều hơn cho đất nước, cho xã hội, Nhà nước phải có cơ chế, chính sách thuận lợi để động viên, thúc đẩy họ không ngừng sáng tạo. Đó cũng là giải pháp để họ yên tâm gắn bó với nghề, hiến dâng công sức, trí tuệ, tài năng, mang đến cho đời những tác phẩm nghệ thuật làm lay động lòng người, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa nghệ thuật của đất nước.

Chế độ tiền lương, thù lao phải xứng đáng cho văn nghệ sĩ, diễn viên. Đây cũng là một sự ghi nhận công lao, đem lại công bằng cho văn nghệ sĩ. So với nhiều chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm khác trong xã hội, hầu như những người công tác, gắn bó với văn hóa, nghệ thuật ít khi có một khoản thu nhập nào khác ngoài tiền lương, phụ cấp thanh sắc cùng một số tiền ít ỏi hỗ trợ khi trực tiếp luyện tập, biểu diễn.

Cần có cơ chế chính sách phù hợp để nghệ sĩ sống được bằng nghề. Riêng với văn nghệ sĩ có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn thì sẽ được hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng. Nâng mức lương, thưởng, chế độ bồi dưỡng, luyện tập của nghệ sĩ trong ngành sân khấu. Đối với các nghệ sĩ hoạt động biểu diễn trong các đơn vị nghệ thuật của Nhà nước, cần hỗ trợ ngoài lương  một khoản phụ cấp như phụ cấp luyện tập thường xuyên, phụ cấp thanh sắc, phụ cấp biểu diễn cho những buổi phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phục vụ đồng bào ở vùng nông thôn hẻo lánh, vùng núi, hải đảo. Cần nghiên cứu xây dựng các văn bản quy định chuyển ngạch bậc lương, chế độ phụ cấp nghề, chế độ bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn, chế độ nghỉ hưu sớm, chế độ bảo hiểm xã hội cho nghệ sĩ, diễn viên, chế độ đặc thù khuyến khích học sinh, sinh viên theo học các ngành nghệ thuật, diễn viên theo đuổi các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương…

Về việc phong tặng danh hiệu: cần có cái nhìn toàn diện quá trình cống hiến cho nghệ thuật, cho địa phương chứ không nên chỉ căn cứ giải thưởng, huy chương, gây nên áp lực tâm lý cho những nghệ sĩ, nghệ nhân cao tuổi. Việc phong danh hiệu nghệ sĩ đang tồn tại những bất ổn từ cơ chế, tiêu chí xét duyệt. Có những nghệ sĩ rất nổi tiếng, có uy tín trong nghề, được nhân dân mến mộ, có nhiều lớp học trò nổi tiếng nhưng bản thân họ lại chưa có danh hiệu gì. Quy định phải có 15 năm cống hiến mới được xét danh hiệu NSƯT, 5 năm sau mới được xét NSND là không cần thiết, vì tài năng không đợi tuổi.

Tiếp tục đặt hàng, công bố tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật nhằm kịp thời khuyến khích, huy động có hiệu quả trí tuệ, tâm huyết của văn nghệ sĩ sáng tạo các tác phẩm. Đảm bảo quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy nguồn sáng tạo của văn nghệ sĩ. Tạo thêm cơ chế về chính sách, kinh phí, cơ sở vật chất, tăng cường đặt hàng… với các hoạt động vănhọc, nghệ thuật nhằm động viên đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm hay, phục vụ nhucầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Tài năng nghệ thuật là vốn quý của dân tộc, vì vậy, chăm lo bồi dưỡng, quý trọng, phát huy, phát triển các tài năng là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng trước hết là của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ trước hết thể hiện ở chính sách đãi ngộ kịp thời, phù hợp đối với văn nghệ sĩ.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016

Tác giả : NGUYỄN THANH XUÂN

;