CẦU TRÊN SÔNG KWAI - CHUYỆN CỔ TÍCH ĐIỆN ẢNH

Trong thế giới văn chương ngày càng bất tận, thật hiếm những tác phẩm mang nét duyên thoảng qua nhưng khiến người đọc không sao cưỡng lại. Một trong những tác phẩm ấy, chính là Cầu trên sông Kwai của nhà văn Pháp Pierre Boulle (1912-1994). Và cũng thật khó hiểu, những sáng tạo văn chương như Cầu trên sông Kwai nhất thiết phải kết duyên mặn nồng với nghệ thuật thứ bảy mới bộc lộ hết sức mạnh tiềm tàng và hóa nên bất tử.

Cuốn sách Cầu trên sông Kwai được ấn hành năm 1952, cho đến nay vẫn là một trong hai tiểu thuyết được hoan nghênh nhất của tác giả Pierre Boulle vào nghề muộn nhưng viết rất khỏe. 5 năm sau, tác phẩm được Hollywood đưa lên màn bạc. Bộ phim cùng tên, hợp tác giữa Anh và Mỹ, xuất xưởng năm 1957, do đạo diễn người Anh David Lean (1908-1981) dàn dựng là một hiện tượng chấn động không chỉ thế giới điện ảnh bấy giờ. Phim ra mắt toàn cầu ở vương quốc Anh tháng 10-1957. Tháng 12-1957, phim mới được chiếu ở Mỹ, Pháp và Bỉ, lập tức được một số ấn phẩm báo chí lớn nhất bấy giờ bình chọn là phim hay nhất năm 1957. Đầu năm 1958, trong mùa giải thưởng điện ảnh hành tinh, bộ phim liên tục chiếm nhiều BAFTA, giải thưởng của xứ sở sương mù, quả cầu vàng và Oscar của hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Trong ba loại giải đó, Cầu trên sông Kwai luôn đạt những hạng mục cao như: phim xuất sắc nhất, đạo diễn cừ khôi nhất, nam diễn viên chính gạo cội nhất. Riêng tại giải Oscar, bộ phim được tặng tới 7 giải, mà cho tới giờ vẫn tỏ ra xác đáng, giữ nguyên giá trị. Cầu trên sông Kwai mau chóng trở thành một tác phẩm điện ảnh kinh điển.

 Dù bình chọn dưới góc độ nào, tác phẩm này vẫn nằm trong bảng vàng danh dự. Năm 1997, Cầu trên sông Kwai được thư viện quốc hội Hoa Kỳ vinh danh là phim giàu ý nghĩa thời sự bậc nhất. Năm 1998, nó đứng thứ 16 trong 100 bộ phim Mỹ hay nhất của mọi thời đại. Năm 2001, bộ phim đứng thứ 58 trong các phim đặc biệt hãi hùng của điện ảnh hành tinh. Đến năm 2006, nó chiếm vị trí 14 trong các phim vĩnh viễn gây phấn chấn nhất trong lòng khán giả. Vào năm 2007, khi một số kiệt tác mới được đưa vào nhóm 100 viên ngọc của nghệ thuật thứ bảy Hoa Kỳ, Cầu trên sông Kwai vẫn còn ở vị trí 36. David Lean được lọt vào nhóm những nhà điện ảnh hàng đầu trong lịch sử nhân loại, chủ yếu nhờ vào hai tác phẩm kinh điển: Cầu trên sông Kwai Bác sỹ Jivago. Năm 2002, ông được xếp thứ 9 trong các đạo diễn lẫy lừng nhất của lịch sử nghệ thuật thứ bảy toàn cầu.

Trong rất nhiều giải thưởng dành cho Cầu trên sông Kwai, có một chuyện thật như đùa. Trong những năm đầu công chiếu bộ phim, hai nhà biên kịch người Mỹ, Carl Foreman và Michael Wilson không được nêu tên trong danh sách những người làm nên tác phẩm kinh điển này. Thời ấy, chủ nghĩa chống cộng của thượng nghị sĩ cộng hòa Josep Raymond MacCarthy (1906-1957) đang làm mưa, làm gió ở Mỹ. Không chỉ những người cộng sản, mà những người có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản cũng bị đả kích, vô hiệu hóa và tẩy chay. Carl Foreman và Micheal Wilson bị liệt vào danh sách đen những nhân vật phải bị phân biệt đối xử. Hãng Columbia vốn phát hành bộ phim đã thẳng thừng từ chối làm việc với những người trong danh sách tủi nhục ấy. Pierre Boulle, tác giả cuốn sách Cầu trên sông Kwai được ghi danh vào mục tác giả kịch bản. Ông cứ điềm nhiên nhận giải Oscar cho tác giả kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất và BAFTA tác giả kịch bản thành công nhất. Thật đáng kinh ngạc, báo chí hồi ấy không hề chúi mũi vào những chuyện giật gân như vậy. Sau đó không lâu, Carl Foreman và Michael Wilson được trả lại quyền lợi một cách công bằng.

Không ai chê trách gì Pierre Boulle bởi không có ông làm sao có được Cầu trên sông Kwai độc đáo và chấn động lòng người đến thế. Ông thích sống phiêu lưu, nên sau khi nhận bằng kỹ sư điện, đã chu du nhiều nơi ở châu Á, rồi vào làm việc cho một khu đồn điền cao su ở Malaysia. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, sau khi phát xít Nhật xâm chiếm toàn bộ Đông Nam Á, từ năm 1941, ông tham gia lực lượng kháng chiến Pháp. Là sĩ quan liên lạc đặc nhiệm, ông bị chính các sĩ quan Pháp trung thành với Vichy bắt vì tội cho nổ nhiều cây cầu. Ông bị kết án hai năm lao động cưỡng bức. Song ông trốn được và tìm cách đến được với lực lượng Anh quốc chống phát xít bí mật, đang hoạt động trong vùng. Ông lăn lộn ở Thái Lan, Đông Dương, Malaysia, thực hiện những phi vụ kín, được thưởng rất nhiều huân chương của lực lượng kháng chiến ở cả Pháp lẫn Anh. Bị theo dõi quá chặt, năm 1944, ông âm thầm trốn về Pháp. Từ năm 1950, ở tuổi 38, ông quyết định đi sâu vào văn học. Ông sử dụng nhiều loại hình, tạo dựng những cốt truyện kỳ lạ, đặt nhân vật vào những tình huống tiến thoái lưỡng nan, dở khóc dở cười. Chủ nghĩa anh hùng và lòng quả cảm luôn xuất hiện trong tác phẩm của ông. Thoạt nhìn, Cầu trên sông Kwai như tiểu thuyết lịch sử. Ông căn cứ vào vô vàn trải nghiệm của bản thân để sáng tạo nên tình huống và nhân vật. Nhà văn không tuân theo một lý luận hay thi pháp được xưng tụng nào, mà chỉ tuân theo mách bảo thầm kín của lòng mình, rồi thông qua màn bạc, vẫn được hàng triệu người đồng cảm và chia sẻ.

Chuyện của Cầu trên sông Kwai của Pierre Boulle chỉ là một phần nghìn hoặc một phần triệu những bi kịch lịch sử của đường sắt tử thần, tuyến đường dài 450 km, nối Rangoun và Bangkok, xuyên qua rừng rậm hầu như bao giờ cũng mưa to gió lớn. Năm 1941, quân Anh định làm con đường này, song bỏ cuộc vì gặp quá nhiều khó khăn. Đầu năm 1942, chiếm được Singapore, phát xít Nhật nhất quyết làm bằng được con đường sắt ấy, để chống lại quân Anh và quân Trung Quốc. Chừng 262.000 người được huy động cho việc xây dựng, gồm: quân Nhật, tù binh Anh và dân châu Á. Trong đó có 62.000 tù binh, mà không dưới 13.000 người, trong tổng số 90.000 người đã bỏ mạng vì kiệt sức, bom đạn, đói khát và bệnh tật. Hai năm lao động quá sức và máu xương đổ ra oan uổng của bấy nhiêu con người thực tế là vô bổ. Vì hiểu được tầm quan trọng của con đường máu rùng rợn, ngay từ đầu, quân đồng minh Anh Mỹ đã liên tục dội bom xuống, vô hiệu hóa hoàn toàn tuyến đường. Khánh thành năm 1945 nhưng đường sắt tử thần chỉ là chứng tích của một nỗi nhục nhã ê chề của phát xít Nhật. Cây cầu trên sông Kwai, yết hầu của đường sắt tử thần đã được xây dựng, song năm 1945, bị bom đạn quân đồng minh phá hủy. Sau khi Nhật đầu hàng, quân đồng minh buộc Nhật xây dựng lại như một khoản bồi thường chiến tranh. Song một người Nhật trong số những hàng binh làm cầu đã cho nó nổ sập đúng vào ngày khánh thành. Pierre Boulle chưa bao giờ trả lời rằng ông có nắm được toàn bộ sự thật đó hay không. Chỉ biết, để thai nghén cuốn tiểu thuyết, ông từng bỏ công gặp gỡ nhiều người, tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu.

Pierre Boulle đã sáng tạo ra một câu chuyện gây sửng sốt. Quân Anh ở Myanma đầu hàng quân Nhật và đại tá Anh Nicholson tuân lệnh ngay. Quân Nhật buộc đạo quân đầu hàng, gồm cả lính thường lẫn sĩ quan, không trừ ai hết, phải xây dựng cầu Kwai. Nicholson dám chống lệnh quân Nhật, yêu cầu Saito, viên chỉ huy đạo quân chiến thắng, tôn trọng quy chế tù binh đã được ấn định trong Công ước Geneve, theo đó, sĩ quan được miễn. Bất chấp mọi nguy cơ đòn thù vì mình là tù binh, Nicholson không chịu nhượng bộ. Ông được quân lính ủng hộ. Saito không thể hãm hại ông, đành thương lượng và giao cho đội quân của Nicholson xây dựng cây cầu. Nicholson đã huy động mọi chiến sĩ dưới quyền, kể cả người ốm đau bệnh tật dốc sức thực hiện thật tốt và đúng hạn nhiệm vụ mới. Ấy là vì danh dự quân nhân và danh dự con người, để chứng minh người da trắng tài giỏi hơn người da vàng. Biết tin về cây cầu, quân Anh vẫn đang chiến đấu chống Nhật ở Calcuta, Ấn Độ, tìm cách đưa người tới phá hoại. Tình cờ biết được âm mưu, Nicholson đã báo cho Saito. Chiến tranh mà không ai là kẻ thù của ai cả. Ngay người Anh với nhau, ai cũng muốn tỏ ra xứng đáng với vị trí của họ: người thì hết mình xây dựng cây cầu thật vững, thật hữu dụng; người thì phải làm sao phá nó kỳ được. Kẻ chiến thắng và người chiến bại dường như đều không đáng ghét. Cả hai đều đáng trọng, đều đáng là bạn bè của nhau. Ngột thở sao nghịch lý chiến tranh, nghịch lý cõi đời. Sự thật cơ bản của cõi người là vậy, phó thường dân nào suy cho cùng cũng muốn sống đúng là con người, cũng muốn tôn trọng nhân phẩm, cũng muốn biết điều với đồng loại. Thế tại sao, họ cứ phải xung đột với nhau, chém giết nhau, coi nhau như những con vật tranh ăn chí tử?

Phi lý trần gian này có lẽ là một phát hiện của Pierre Boulle. Nó đã được thừa nhận công khai ít nhất bởi một nhà biên kịch Mỹ, chính là Carl Foreman. Được đạo diễn Mỹ Alexander Korda đề nghị một kịch bản về thế chiến II, ông bèn chuyển thể cuốn Cầu trên sông Kwai của Pierre Boulle mà ông vừa đọc. Do bị liệt vào danh sách đen những người thân cộng, ông phải rời Mỹ sang xứ sở sương mù. Kịch bản Cầu trên sông Kwai được viết ở đây. Nhưng A.Korda không chấp nhận, vì cho rằng nhân vật chính Nicholson quá phức tạp. Carl Foreman đem kịch bản ấy tới Sam Spiegel (1901-1985), một trong những nhà sản xuất phim sâu sắc nhất. Sam Spiegel rất thích và một mặt gửi cho David Lean một bản sách Cầu trên sông Kwai, mặt khác sang Paris ngay để xin phép được chuyển thể. Pierre Boulle và nhà xuất bản Julliard đều ngỡ ngàng. Trong lịch sử nghệ thuật thứ bảy, có lẽ không có trường hợp nào như Cầu trên sông Kwai, hình thành và phát huy hiệu quả cao nhất một sự hiệp đồng tác chiến vô tiền khoáng hậu. David Lean thấy kịch bản của Carl Foreman hãi hùng quá, nên buộc Sam Spiegel cho ông được chỉnh sửa. Trong thời gian David Lean sang Sri Lanca chuẩn bị trường quay, Sam Spiegel mời một nhà viết kịch vào nhóm biên kịch Cầu trên sông Kwai để nâng cao kịch bản. David Lean không thích nhà biên kịch mới, nên ông ta đành tự rút lui. Sam Spiegel bèn mời Michael Wilson thế chỗ. Michael Wilson dù thuộc nhóm thân cộng bị kỳ thị, vẫn toàn tâm toàn ý cho kịch bản được hoàn chỉnh nhất có thể.

Hãng Columbia đã yêu cầu nhất thiết phải có một nhân vật người Mỹ trong phim, đây chính là điểm nút của khâu kịch bản Cầu trên sông Kwai. Dù tiểu thuyết của Pierre Boulle và kịch bản đầu tiên không có người Mỹ nào, Carl Foreman đã mau chóng sáng tạo đội biệt động Hoa Kỳ và nhân vật Shears, một lính Mỹ trốn thoát trại tù binh và bị quân đồng minh phái trở lại để phá cầu Kwai. Ý tưởng của Columbia vô tình khiến cho tầm vóc của phim Cầu trên sông Kwai được nhân lên rất nhiều. Trong quá trình hợp tác để nâng cao tính tư tưởng và hiệu ứng cảm xúc của kịch bản, Carl Foreman và David Lean thường không ai chịu ai về một số điểm. Song hai người biết giữ cho công việc không già néo đứt giây, Sam Spiegel biết hòa dịu nên về sau nhà sản xuất thường tự hào rằng “lạ thay, chính những bất hòa hay lục đục đó đã làm cho kịch bản đạt tới độ chín thuyết phục nhất”. Cả đoàn làm phim Cầu trên sông Kwai không ai bảo ai đều không coi cái tôi mà coi chất lượng tác phẩm là cốt tử. Tư tưởng của Pierre Boulle được cả đoàn thực thi mĩ mãn. Tư tưởng này điều hành, cố kết mọi thành viên của đoàn trong suốt quá trình làm việc. Giá trị vàng mười của phim Cầu trên sông Kwai là kết quả viên mãn của sự chung sức, chung lòng đầy nhân bản của một tập thể biết lấy lợi ích của lao động chung, của khán giả làm mục tiêu tối thượng. Chưa có phim nào mà tác giả kịch bản gồm tới 5 người.

Đặc biệt, đạo diễn và nhà sản xuất với sự chỉ đạo quyết đoán của David Lean luôn có sự phối hợp ăn ý. Khi một người gợi ý rằng nên có một nhân vật nữ, để không khí phim bớt ngột ngạt. Nhà sản xuất vui vẻ chấp thuận ngay việc đưa vào phim những nữ cứu thương người bản địa. Để tăng tính chân thực cho phim, mọi người bàn bạc, không quản tốn kém, Sam Spiegel để David Lean mời vào vai binh lính, quần chúng công dân của 37 nước. Nhà sản xuất cử người thăm dò, định quay phim ở Tiệp Khắc, rồi ở các trường quay Hollyood, cuối cùng ở Sri Lanka, vì cảnh vật ở đây mới gợi cảnh vật có thật.

Cây cầu cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, dù nó chỉ là bài trí. Cây cầu được xây dựng đúng kích cỡ cầu thật. Lại phải xây mấy đập chắn nước bên trên để có thể quay những cảnh tối cần. Rồi dùng 40 con voi chuyên chở 1.500 cây đến trồng hai bên bờ sông gần cây cầu bất hạnh. Chi phí dựng cầu Kwai, một trong những cảnh trí điện ảnh hoành tráng nhất trong lịch sử nghệ thuật, lên tới nửa triệu USD, con số đáng nể thời bấy giờ.

Bộ quốc phòng Anh thường tài trợ những phim nói về quân đội Anh trong đại chiến II, song với Cầu trên sông Kwai thì từ chối. Thế nhưng, nguyên mẫu của nhân vật Nicholson, không hề hợp tác với quân Nhật, nhất định không khởi kiện đoàn làm phim, dù được thúc ép khá nhiều. Một viên tướng xứ sở sương mù, đồng ý làm cố vấn quân sự cho phim đã cho nhiều chỉ dẫn mà đoàn làm phim rất cần, dù thường khúc mắc với nhà sản xuất và đạo diễn. Đoàn làm phim gặp nhiều tai nạn dưới nước và trên cạn, nhiều người bị thương, một trợ lý đạo diễn mất mạng. Cầu Kwai cũng suýt bị thiêu rụi. Vào một đêm khuya, một xe chở xăng bất ngờ bốc cháy và chạy thẳng về phía cây cầu. Rất may, nhóm lính bảo vệ cầu liều mạng, xông ra dùng sào dài, đổi hướng được chiếc xe đang ngùn ngụt lửa. Như vậy, dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm phim, nhưng cuối cùng Cầu trên sông Kwai đã ra đời và gặt hái nhiều thành công. Được chuyển thể từ một kiệt tác văn học, tác phẩm nghệ thuật thứ bảy này đã trở thành một tác phẩm điện ảnh kinh điển, sống mãi với thời gian.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 377, tháng 11-2015

Tác giả : NGUYỄN NHẬT QUANG

;