Câu hỏi về “Nghĩa” giữa triều đình của Trương Phu Duyệt

 

Trong bộ tiểu thuyết chương hồi nổi tiếng Tam quốc diễn nghĩa, nhà văn La Quán Trung từng đề cập đến một nhân vật là Tổ Bật dưới triều vua Hiến Đế ở hồi thứ tám mươi:

“Bọn Hoa Hâm và các quan văn võ vào tâu với vua Hiến Đế rằng: - Từ khi Ngụy vương lên ngôi đến nay, ân đức gieo khắp bốn phương, nhân nghĩa ra tới muôn vật, chưa có ai bì kịp; dẫu Đường, Ngu cũng chỉ đến thế là cùng. Quần thần chúng tôi đã bàn với nhau; vận nhà Hán đã hết, xin bệ hạ bắt chước vua Nghiêu vua Thuấn, đem sơn hà xã tắc nhường cho Ngụy Vương, trên hợp lòng trời, dưới thuận ý dân, bệ hạ cũng được hưởng phúc thanh nhàn, mà tổ tiên và sinh linh cũng được may mắn cả. Chúng tôi bàn định đâu đấy cả rồi, xin lại tâu với bệ hạ” (…) Vua đau lòng khóc nói rằng: - Các ngươi ăn lộc nhà Hán đã lâu cả, mà cũng nhiều người là con cháu công thần nhà Hán, sao nỡ làm việc phản nghịch như thế? (…) Hâm bước lên, lôi lấy vạt áo long bào, hầm hầm nói: - Ưng hay không ưng, hãy nói cho biết? Vua run cầm cập không đáp lại được. Tào Hồng, Tào Hưu rút gươm quát to lên rằng: - Quan giữ ấn đâu? Tổ Bật bước ra nói: - Đây, quan giữ ấn đây! Tào Hồng bắt đưa ngọc tỷ ra, Tổ Bật mắng rằng: - Ngọc tỷ là đồ quý báu của thiên tử, đòi thế nào được? Hồng quát võ sĩ lôi Tổ Bật ra chém. Bật chửi mắng om sòm kỳ đến lúc chết mới thôi”… (Tam quốc diễn nghĩa, tập 6, Nxb ĐH và THCN, Hà Nội, 1988).

Những tưởng câu chuyện trên đây chỉ có trong văn chương, vậy mà nó gần như đã tái hiện ở thời khắc Mạc Đăng Dung “bắt hiếp vua” phải nhường ngôi. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: tháng 6 năm 1527, “Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai vào Kinh bắt hiếp vua phải nhường ngôi. Bấy giờ thần dân trong nước đều theo Mạc Đăng Dung, đều đón vào kinh sư. Ngày 15, các quan đã đứng vào ban chầu, chưa có tờ chiếu nhường ngôi, các quan bảo Lại bộ thượng thư Trương Phu duyệt thảo ra. Phu Duyệt trợn mắt mắng rằng: thế là nghĩa gì? Lại bảo đông các Đại học sĩ Đạo Nguyên bá Nguyễn Văn Thái thảo. Thái cầm bút…” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr. 822).

Có thể nói, chỉ một câu hỏi (không lời đáp) về nghĩa của Trương Phu Duyệt đã cho chúng ta thấy tấm lòng trung, nhân cách sáng ngời quốc sử của một vị đại quan, một nhà khoa bảng.

Trương Phu Duyệt (chưa rõ năm sinh, năm mất) người làng Kim Đâu, huyện Thanh Miện, phủ Hạ Hồng - nay thuộc tỉnh Hải Dương. Ông đỗ tiến sĩ năm 1505, làm quan trải 4 đời vua: Lê Uy Mục (1505-1509), Lê Tương Dực (1510-1516), Lê Chiêu Tông (1516-1522) và Lê Cung Hoàng (1522-1527). Nếu không có câu hỏi về nghĩa giữa triều đình, hẳn ông có thể tiếp tục làm quan với nhà Mạc như nhiều người khác… song câu hỏi ấy chính là sự khước từ mọi vinh hoa phú quý để giữ lấy tấm lòng trung, sự cương trực, cốt cách của một ông nghè, một đại quan trong thời buổi có sự cướp ngôi, thoán đoạt. Xin bạn đọc đừng quên: sự cương trực, cốt cách ấy ở thời bình nhiều người còn khó giữ nữa là lúc sơn hà biến động!

Không làm quan với nhà Mạc, Trương Phu Duyệt lui về quê vui thú điền viên, quyết giữ lấy tiết tháo, cốt cách “uy vũ bất năng khuất của mình”. Sách Công dư tiệp ký (Ghi nhanh lúc rỗi việc công) của Vũ Phương Đề (1698-1761) có ghi lại câu chuyện và lời đánh giá về ông như sau:

“Một hôm, viên quan huyện sở tại có việc đi ngang qua quán rượu, mọi người trông thấy liền đứng dậy chào, chỉ có mỗi mình ông là vẫn điềm nhiên ngồi. Bọn lính hầu của quan thấy vậy liền quát mắng và toan đánh ông. Viên quan huyện thấy ông có bộ râu rất đẹp, vội bảo lính hầu rằng:

- Ta trông người này râu ria đạo mạo, hẳn phải là có học, vậy để ta ra cho một vế đối, nếu không đối được thì đánh cũng chẳng muộn gì.

Quan huyện nói xong, liền ra một vế đối như sau:

-Thanh Miện huyện quan, kiến vô lễ nhi dục công (nghĩa là Quan huyện Thanh Miện thấy kẻ vô lễ nên muốn đánh).

Ông liền ứng khẩu đối ngay:

- Kim Đâu Tiến sĩ, vị hữu tu nhi đắc miễn (nghĩa là Tiến sĩ làng Kim Đâu nhờ có râu nên được miễn).

Quan huyện nghe xong lời đối, biết đó là ông nghè quê làng Kim Đâu, liền vội bái tạ và xin ông thứ lỗi nhưng ông nghè Kim Đâu chỉ cười. Xét ông không chịu giúp nhà Mạc, thực xứng là bậc trọng tiết nghĩa lắm thay”!

 

THANH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 504, tháng 7-2022

 

 

;