“Tiếp tục mở cửa du lịch quốc tế an toàn, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh đi lại cho khách quốc tế, trong đó cần xem xét tăng thời hạn visa du lịch, tăng thời hạn lưu trú và cho phép nhập cảnh nhiều lần khi visa còn hiệu lực, mở rộng diện du khách được cấp thị thực điện tử” – đó là quan điểm của đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn Ninh Bình- nhằm phục hồi và phát triển bền vững du lịch Việt Nam.
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng 1-6, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho biết: quý 1/2023 khu vực dịch vụ là điểm sáng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, với mức tăng là 6,79%, đóng góp 95,91% vào mức tăng chung. Mặc dù vậy, trong báo cáo Chính phủ đánh giá ngành Du lịch, trong đó có du lịch quốc tế tiếp tục phục hồi so với năm 2022, nhưng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu tương xứng với tiềm năng, lợi thế du lịch sẵn có.
Cần xem xét tăng thời hạn visa du lịch, tăng thời hạn lưu trú…
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ để thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian qua, do vậy ngành Du lịch đã đạt được một số kết quả tích cực, đó là du lịch trong nước phục hồi sớm, mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Du lịch quốc tế mở cửa sớm giúp số lượng khách quốc tế đang dần phục hồi, doanh thu du lịch phục hồi giúp các doanh nghiệp du lịch dần vượt qua khó khăn, năng lực của ngành Du lịch tiếp tục được nâng cao. Tuy nhiên, quá trình phục hồi và phát triển ngành Du lịch vẫn còn một số hạn chế, đó là phục hồi du lịch còn chậm so với các quốc gia trong khu vực; vấn đề visa chậm được tháo gỡ, thủ tục xuất, nhập cảnh còn phức tạp; sản phẩm du lịch chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo, hạ tầng du lịch còn thiếu, chưa đồng bộ; chuyển đổi số phát triển du lịch bền vững còn chậm, công tác truyền thông quảng bá du lịch còn hạn chế; nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh- Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
Về nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan, theo đại biểu nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bao gồm: Công tác quản lý phát triển du lịch mới chỉ tập trung phát triển ở quy mô lượt khách, chưa quan tâm nhiều đến cơ cấu và chất lượng khách. Công tác quy hoạch chiến lược phát triển du lịch chưa được làm một cách bài bản, khoa học và kịp thời; tuyển dụng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chưa được quan tâm thích đáng; Chưa chú trọng nghiên cứu, phân tích, dự báo xu hướng thị trường, thị hiếu khách hàng cũng như ứng dụng công nghệ thông tin.
Để phục hồi và phát triển bền vững du lịch Việt Nam, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nêu rõ: Trước hết, việc quan trọng cần phải thực hiện ngay, đó là tiếp tục mở cửa du lịch quốc tế an toàn. Cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh đi lại cho khách quốc tế, trong đó cần xem xét tăng thời hạn visa du lịch, tăng thời hạn lưu trú và cho phép nhập cảnh nhiều lần khi visa còn hiệu lực, mở rộng diện du khách được cấp thị thực điện tử. Để tháo gỡ những rào cản này, đề nghị Quốc hội quan tâm cho ý kiến và thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngay tại kỳ họp này và quy định hiệu lực có thi hành càng sớm càng tốt. Về lâu dài, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp khá toàn diện trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Nghị quyết số 82 ngày 15-5-2023 của Chính phủ.
Chiến lược phát triển ngành Du lịch cần đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế, xã hội quốc gia
Đồng thời, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nêu 4 kiến nghị tại Hội trường Quốc hội:
Thứ nhất, cần sớm rà soát, cập nhật và điều chỉnh chiến lược phát triển du lịch bền vững đến năm 2030. Theo đó, chiến lược phát triển ngành Du lịch cần đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế , xã hội quốc gia đồng bộ với quy hoạch phát triển của quốc gia và địa phương. Với trọng tâm là nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch quốc tế, chuyển từ tư duy phục vụ cái mình có sang phục vụ cái du khách cần. Cập nhật, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 82 ngày 15-5-2023 của Chính phủ, xây dựng một mục riêng về phát triển du lịch bền vững, trong đó có giải pháp kiên quyết bảo vệ môi trường, giảm rác thải du lịch, xây dựng các kịch bản ứng phó sự cố môi trường tại các điểm khu du lịch. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo tồn môi trường du lịch, giá trị văn hóa, du lịch xanh.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp cần sự vào cuộc của cả lĩnh vực công và tư, cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Do vậy, đại biểu đề nghị trong chiến lược cũng cần làm rõ trách nhiệm công tư trong thực hiện chiến lược để tối ưu hóa nguồn lực quốc gia. Cùng với đó, cũng cần xác định rõ cơ chế, giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư và các mô hình quản trị tích hợp các khu vực công và tư nhân, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững.
Thứ hai, nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch cần được tăng cường với việc tăng tỷ lệ chi ngân sách cho du lịch từ mức 1,4% hiện nay lên 2,5 đến 3% tổng chi ngân sách nhà nước để gần bằng các nước trong khu vực. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo kết nối giữa các địa phương có tiềm năng về du lịch.
Thứ ba, cần tăng cường liên kết du lịch giữa các vùng, địa phương, ngành nghề và doanh nghiệp. UBND các tỉnh, thành phố cần tích cực, chủ động phối hợp thúc đẩy liên kết du lịch trong quy hoạch để cùng phát triển sản phẩm, chia sẻ nguồn lực nhằm phát triển du lịch theo chuỗi giá trị, tăng tính lan tỏa của ngành Du lịch.
Bốn là tiếp tục chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá du lịch một cách bài bản hơn. Theo đó, cần tích cực nghiên cứu, phân tích và dự báo nhu cầu, thị hiếu khách du lịch để thiết kế và cung cấp sản phẩm du lịch có chất lượng và phù hợp; liên kết tạo sản phẩm du lịch vùng, liên kết theo loại hình chuyên đề, liên kết ngành hàng không, đường sắt, tàu biển để tạo sản phẩm đa dạng; chú trọng tìm ra các điểm truyền thông cốt lõi cho tổng thể và từng thị trường; đẩy mạnh tiếp thị và truyền thông mới từ slogan, video, hình ảnh về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, tự nhiên, ẩm thực hấp dẫn nhất. Cùng với đó cũng cần nghiên cứu, tổ chức thêm các lễ hội hoặc các sự kiện tầm quốc tế ngoài Lễ hội Pháo hoa ở Đà Nẵng.
NGỌC BÍCH