CẢM NHẬN CỦA KHÁCH DU LỊCH VỚI SINH HOẠT CA TRÙ

Khác với các loại hình nghệ thuật khác, ca trù có ngôn ngữ nghệ thuật mang tính bác học, kén người nghe, do đó số lượng người thưởng thức loại hình nghệ thuật này bị hạn chế. Tuy nhiên, từ năm 2010 cho đến nay, ca trù lại thu hút du khách quốc tế mỗi khi đến Hà Nội.

Hiện nay, tại khu vực phố cổ, cứ đều đặn một tuần ba buổi, các nghệ nhân của Giáo phường Ca trù Thăng Long lại bắt đầu những canh hát tại đền Quan Đế, số 28 Hàng Buồm (trước đây, các canh hát này được câu lạc bộ tổ chức tại ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây), một di tích tiêu biểu trong khu phố cổ Hà Nội. Trong một canh hát, giọng hát của ca nương cùng tiếng sênh phách, tiếng trầm đục của đàn đáy diễn ra trong không gian của di tích đền Quan Đế cổ kính, khiến du khách quốc tế như được trở về với quá khứ của sinh hoạt ca trù trước đây.

Theo ca nương Phạm Thị Huệ, chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Thăng Long, thì khán giả đến với các canh hát là khách du lịch, trong đó, khách quốc tế chiếm tới 90%. Tuy không gian biểu diễn sinh hoạt ca trù khá chật hẹp, nhưng có những buổi biểu diễn đạt lượng khách từ 30 - 40 người. Sau thời điểm ca trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (2009), không ít khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đều tỏ ý muốn thưởng thức loại hình nghệ thuật này. Nhưng khi đó, hầu hết các giáo phường, câu lạc bộ ca trù trên địa bàn Hà Nội chỉ biểu diễn một năm đôi ba lần, riêng có Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội và Giáo phường Ca trù Thăng Long hoạt động thường xuyên nhất. Nhiều nghệ nhân tâm huyết với ca trù không có địa điểm biểu diễn, chủ yếu là đi mượn hoặc thuê với nguồn kinh phí hạn chế.

Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã tạo điều kiện cho Giáo phường Ca trù Thăng Long thuê mặt bằng với giá hợp lý để biểu diễn định kỳ mỗi tuần một lần tại đền Quan Đế, 28 Hàng Buồm. Không lâu sau, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội đã tổ chức địa điểm biểu diễn thứ hai tại đình Kim Ngân, số 42 Hàng Bạc.

Khi nhớ lại những ngày đầu biểu diễn, ca nương Phạm Thị Huệ cho biết: “Đây là lần đầu tiên sau mấy thập kỷ ca trù trở lại biểu diễn định kỳ, có thu phí. Thời kỳ đầu nhiều hôm biểu diễn không có người đến nghe. Đào nương, kép đàn biểu diễn... cho nhau xem. Nhiều ngày diễn ra như vậy, nên chúng tôi cũng rất lo lắng về tình hình hoạt động biểu diễn của câu lạc bộ. Song các thành viên trong câu lạc bộ đều tin một sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo sẽ tìm được chỗ đứng trong đời sống của người dân Hà thành và khách du lịch trong nước, quốc tế. Do vậy, chúng tôi đã động viên nhau cố gắng khắc phục khó khăn để gìn giữ và phát huy nghề tổ của cha ông để lại…”.

Trải qua một thời gian khá dài, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long phải bù lỗ cho những buổi biểu diễn do không có khách. Rất nhiều người đã nghĩ đến chuyện những canh hát sẽ biến mất khỏi khu phố cổ khi các nghệ nhân không đủ sức trụ lại trước những thách thức về kinh tế. Nhưng dần dần, số lượng khách đến thưởng thức ca trù ngày một đông. Nhiều công ty du lịch trên địa bàn đã nhanh chóng đưa ca trù vào tour tham quan phố cổ. Nhờ vậy, số lượng khách đến với các buổi biểu diễn tăng dần và giữ được mức độ ổn định như hiện nay.

Hiện nay, một buổi biểu diễn của Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long và Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội kéo dài khoảng một tiếng. Ngoài phần thưởng thức nghệ thuật, khán giả còn được giao lưu với các ca nương, kép đàn về cách thức biểu diễn ca từ, nhạc cụ, các sinh hoạt văn hóa ca trù theo song ngữ Anh - Việt. Nhiều vị khách quốc tế nghe biểu diễn xong đã bày tỏ sự ngưỡng mộ trước nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, cùng với kỹ thuật điêu luyện của các nghệ nhân dân gian.

Qua quan sát thực tế và thông tin cung cấp của Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long, số lượng khách đến nghe ở các canh hát tại những buổi trong tuần không đều nhau. Vào các buổi biểu diễn ngày thường, số lượng khách khoảng 15 - 20 lượt, những buổi cuối tuần đạt từ 25 - 30 lượt, tỷ lệ khách du lịch quốc tế chiếm 90%. Kết quả nghiên cứu canh hát ca trù diễn ra từ 20giờ  5 phút - 21giờ 10 phút ngày 13 - 12 - 2015 cho thấy, số lượng khách đến thưởng thức sinh hoạt ca trù là 28 lượt, đối chiếu sổ sách ghi chép việc bán vé với phỏng vấn đại diện các nhóm khách đến cho thấy: 25/28 lượt khách đến nghe ca trù là khách nước ngoài đi tham quan du lịch, đến từ Pháp, Mỹ, Anh, Nhật Bản…; 3 lượt khách còn lại là Việt kiều về thăm quê hương. Giá vé bán cho khách nghe ca trù là 10 đô la (tương ứng với 210.000đ/khách), đối với khách trong nước có thể lấy vé nghe miễn phí hai ngày nghỉ cuối tuần vào thứ 6.

Khi tiếp xúc với khách quốc tế, họ đều cho biết: tuy có sự bất đồng về ngôn ngữ, song khi nghe và quan sát về sinh hoạt ca trù, họ đều cảm nhận được đây là một bộ môn nghệ thuật bác học, thích giai điệu âm thanh của chiếc đàn đáy, tiếng gõ của phách và đặc biệt là cách thể hiện ca từ của người phụ nữ biểu diễn mặc trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam. Khi được hỏi về ca trù, bà Anas Smith đến từ Pháp đã trả lời: “Đây là lần đầu tiên đến Việt Nam và được đi nghe ca trù, vì tính hiếu kỳ về thể loại nhạc chỉ đọc tư liệu chứ chưa có điều kiện được xem trực tiếp, nên tôi đã quyết định cùng các thành viên trong gia đình đi nghe ca trù. Cảm nhận đầu tiên của tôi là ca trù rất đặc biệt, từ cách ăn mặc, cách ngồi, cách hát, rồi đến tiếng đàn đáy, tiếng phách được vang lên hòa cùng với ca từ do một người hát chính cất lên hòa vào màn đêm tĩnh lặng tại một ngôi nhà cổ kính mang chức năng thờ tự. Quả thật là thú vị và để lại ấn tượng sâu sắc trong suy nghĩ của tôi. Mặc dù hạn chế về ngôn ngữ, nhưng tôi vẫn cảm nhận được cung bậc của âm thanh và ca từ thể hiện. Chồng và hai người con của tôi đều trao đổi với nhau và cho rằng, ca trù ở Hà Nội rất đặc biệt, nó làm cho chúng tôi có những giây phút lắng đọng tâm hồn. Nếu như có điều kiện trở lại du lịch tại Hà Nội, gia đình tôi vẫn muốn được thưởng thức nghệ thuật ca trù”. Cũng giống như bà Anas Smith, anh Zone Kent, đến từ Anh cho biết: “Trước khi đến Hà Nội, tôi được một người bạn giới thiệu đi nghe hát ca trù. Cảm nhận đầu tiên về nghệ thuật này của đất nước các bạn thật đặc sắc, tuyệt vời từ con người đến cách biểu diễn. Tuy không hiểu về tiếng Việt, nhưng tôi vẫn cảm nhận được về hát ca trù. Nhất định sau đợt này tôi sẽ tìm cách để nhờ người dịch mấy đoạn thơ mà người nữ nghệ sĩ vừa thể hiện được in trên tờ gấp để hiểu hơn về ca từ của nghệ thuật ca trù”.

Nhìn chung, sinh hoạt ca trù tuy có những rào cản về ngôn ngữ, nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế khi đến tham quan và lưu trú tại Hà Nội. Đây cũng là động lực kích thích loại hình nghệ thuật này chuyển mình, đổi mới để đáp ứng nhu cầu của thời đại. Nếu như trước đây, từ chỗ biểu diễn mỗi tuần một buổi, hiện nay hai đơn vị Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long và Ca trù Hà Nội đã tăng số buổi biểu diễn lên ba, bốn lần một tuần. Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long diễn vào các tối thứ ba, năm, bảy, chủ nhật, còn câu lạc bộ Ca trù Hà Nội diễn vào các tối thứ hai, tư, sáu. Biểu diễn ca trù bước đầu mang lại thu nhập cho các thành viên trong câu lạc bộ, tạo điều kiện để họ yên tâm gắn bó với loại hình nghệ thuật này.

Để ca trù tồn tại một cách bền vững, cần có những chính sách hỗ trợ nghệ nhân cao tuổi, đào tạo những người trẻ, tạo điều kiện để họ phát huy năng lực. Đồng thời, cần có biện pháp quảng bá để sinh hoạt ca trù đến với người dân và phục vụ tốt hơn khách du lịch quốc tế mỗi khi đến tham quan Hà Nội.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Tác giả : PHAN THỊ DUYÊN

;