Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, dù trong bất kỳ giai đoạn nào, cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm nhuần tư tưởng về công tác dân vận trong suốt cuộc đời và các tác phẩm của Người, hình thành một hệ thống quan điểm vững chắc. Trong đó, các nguyên tắc tuyên truyền, vận động nhân dân trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc được thể hiện rất rõ nét ở các nội dung: tuyên truyền, vận động nhân dân phải thể hiện xuyên suốt tư tưởng lấy dân làm gốc; phương châm tuyên truyền, vận động là từ trong, sâu trong quần chúng mà ra; phải luôn củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; và công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phải cụ thể, sát hợp với trình độ, nhu cầu, mong muốn, hoàn cảnh của nhân dân.
Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết xong vào tháng 10-1947, sau hai năm đất nước giành được chính quyền, tình hình thế giới và trong nước đang có nhiều khó khăn phức tạp. Đây là tác phẩm lý luận dài nhất, hoàn chỉnh nhất viết về xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đề cập đến nhiều nội dung liên quan đến công tác xây dựng Đảng cầm quyền, trong đó có công tác dân vận của Đảng. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, dù trong bất kỳ giai đoạn nào, cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Việc thực hiện tốt công tác vận động nhân dân sẽ đóng góp vào việc tạo sự đồng lòng trong xã hội, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thành công cuộc cách mạng đổi mới, đảm bảo an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị, cải thiện cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao công tác dân vận trong suốt cuộc đời và các tác phẩm của Người, hình thành một hệ thống quan điểm vững chắc. Trong đó, các nguyên tắc tuyên truyền, vận động nhân dân trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc được thể hiện ở các nội dung sau:
Một là, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phải thể hiện xuyên suốt tư tưởng lấy dân làm gốc, phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân
Bài học “lấy dân làm gốc” đã đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước, thể hiện qua những thành tựu to lớn suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Chủ nghĩa Mác-Lênin luôn khẳng định cách mạng là sự nghiệp của nhân dân. V.I. Lênin đã nhắc nhở những người cộng sản: “quần chúng lao động ủng hộ chúng ta, sức mạnh của chúng ta là ở đó. Nguồn gốc khiến chủ nghĩa cộng sản thế giới trở thành vô địch cũng là ở đó” (1). Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong” (2).
Kế thừa quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”. Nội dung cơ bản trong tư tưởng của Người là xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, thúc đẩy dân chủ và đảm bảo tốt đời sống vật chất cũng như tinh thần cho nhân dân, tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới. Để tôn trọng nhân dân, ta phải đánh giá cao vai trò và vị trí của họ; để hiểu được dân, ta cần lắng nghe họ; sự khôn khéo, hăng hái và anh hùng của nhân dân, cùng với tài sản, sức mạnh và quyền lực của họ, tất cả đều cùng tạo nên “cái gốc” của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, để dân tin tưởng và yêu mến, cán bộ và đảng viên phải tin tưởng vào nhân dân và đặt quyền lợi của họ lên hàng đầu, cần phải dựa vào dân và tận tâm phục vụ nhân dân: “Nơi nào công việc kém, là vì cán bộ cách xa dân chúng, không cùng dân chúng bàn bạc, không giải thích. Nơi kha khá, là vì cán bộ biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc, nhưng chưa hoàn toàn. Nơi nào khá lắm là vì việc gì to nhỏ, cán bộ cũng biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc đến nơi đến chốn, dựa vào dân chúng” (3).
Hai là, phương châm tuyên truyền, vận động nhân dân là từ trong quần chúng và sâu trong quần chúng
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Những cán bộ không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại” (4). Đến nay, những chỉ dẫn của Người vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Do đó, để thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng cần phải tập trung nguồn lực và nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Tất cả các cán bộ, đảng viên và những người tiếp xúc với nhân dân đều cần phải đóng góp cho công tác này. Trước khi trở thành cán bộ, mỗi người đều là dân, do đó, khi tiếp xúc và đối thoại với nhân dân, mỗi cán bộ phải đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của người dân để thấu hiểu.
Làm gì cũng phải học hỏi dân, bàn bạc với dân, nói và viết phải sát với trình độ, phong tục của dân. Muốn nghe được ý kiến của nhân dân thì người cán bộ phải thực sự cầu thị, “phải khéo khơi cho họ nói” và “nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích” (5).
Cán bộ phải tôn trọng ý kiến của dân và hành động theo những ý kiến đúng đắn của họ. Nếu có ý kiến không đúng, cán bộ phải lắng nghe và giải thích cho dân hiểu rõ, để có thể tuyên truyền và vận động phù hợp, có hiệu quả.
Với tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng. Vì vậy, mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng” (6). Rất tin tưởng quần chúng nhân dân nên Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ không chỉ biết lắng nghe, mà còn phải học hỏi quần chúng nhân dân. Theo Người, sự nghiệp cách mạng luôn mang tính sáng tạo nên tri thức, kinh nghiệm không bao giờ đủ; cán bộ muốn tiến bộ, muốn hoàn thành nhiệm vụ thì phải không ngừng học tập. Họ phải vừa học trong sách vở, vừa học trong công tác; nhưng quan trọng nhất là “học hỏi quần chúng”. Lý do là bởi dân chúng rất đông đảo, “rất khôn khéo”, “biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, nhanh chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Người khẳng định: “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân” (7).
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người đã nêu lên bài học kinh nghiệm quý báu, đó là: “muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng, thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó. Nếu không vậy, thì dân chúng sẽ không tin chúng ta. Biết, họ cũng không nói. Nói, họ cũng không nói hết lời. Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên” (8). Việc học hỏi quần chúng nhân dân một cách nhiệt thành, quyết tâm, khiêm tốn, cầu thị không chỉ giúp người cán bộ thành công trong công việc; mà qua đó, còn có được lòng dân, vì thực tế chứng minh rằng, quần chúng nhân dân không bao giờ tin cậy và yêu mến những kẻ xa rời nhân dân, tự cao, tự đại.
Ba là, trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phải luôn củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tất cả vì lợi ích của giai cấp công nhân và dân tộc, Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, giải phóng dân tộc. Toàn thể cán bộ, đảng viên đã phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của nhân dân. Đã có biết bao cán bộ, đảng viên anh dũng hy sinh trong lao tù đế quốc, trên chiến trường chống ngoại xâm để mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Từ nhân dân mà ra, Đảng đã chăm lo phục vụ lợi ích của nhân dân, ngày càng gắn bó với nhân dân và chính quan hệ mật thiết ấy tạo nên sức mạnh của Đảng và toàn dân tộc. Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là mối quan hệ hai chiều gắn bó, tương hỗ như một lẽ tự nhiên.
Để giữ vững mối liên hệ giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân, xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân, mỗi cán bộ và đảng viên phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân; thành tâm học hỏi quần chúng, kiên quyết dựa vào quần chúng, giáo dục và phát động quần chúng tiến hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và của Nhà nước. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi” (9). Nhờ biết giữ mối quan hệ mật thiết với nhân dân và luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, Đảng ta đã huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, đất nước ta giành được những thắng lợi vô cùng to lớn, những thành tựu có ý nghĩa lịch sử chính là nhờ sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, đoàn kết, tập hợp, phát huy được sức mạnh của toàn dân.
Cũng với tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra lời cảnh báo: “Cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại” (10). Đó là bài học xương máu của các cán bộ, đảng viên nếu phạm vào sai lầm vừa xa dân, vừa che giấu khuyết điểm. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên đánh giá kết quả công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện phê bình và tự phê bình, kịp thời nhận ra khuyết điểm để sửa chữa sai lầm.
Bốn là, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phải cụ thể, sát với trình độ, nhu cầu, mong muốn, hoàn cảnh của nhân dân
Công tác tuyên truyền, vận động muốn đạt hiệu quả thì mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự gần dân, lắng nghe dân, thấu hiểu dân, tôn trọng ý nguyện và quyền làm chủ của dân. Lực lượng của nhân dân rất đông, trí tuệ của họ là vô tận nên mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự cầu thị, khiêm tốn, học hỏi dân chúng. Vì họ chính là người chịu tác động của mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nên việc xây dựng đường lối phải dựa trên ý nguyện của dân, tuyệt đối không được chủ quan, duy ý chí. Muốn thực hiện bất công việc nào, đều phải bàn bạc với dân, dựa vào dân, huy động sức mạnh trong nhân dân. Sâu sát, gần gũi với nhân dân không những để nắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của nhân dân mà còn học tập được ở nhân dân nhiều kinh nghiệm hay, cách làm tốt, đưa lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “việc gì cũng phải hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc và giải thích cho dân chúng. Có người thường cho dân là dốt không biết gì, mình là thông thái tài giỏi. Vì vậy, họ không thèm học hỏi dân chúng, không thèm bàn bạc với dân chúng. Đó là một sự sai lầm nguy hiểm lắm. Ai có sai lầm đó, phải mau mau sửa đổi. Nếu không sẽ luôn luôn thất bại” (11).
Việc bàn bạc với dân chúng là yêu cầu không thể thiếu trong mỗi hoạt động của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Bởi dân chúng có rất nhiều kinh nghiệm, đề xuất, hiến kế rất chính xác và kịp thời. Nếu không tin dân, không bàn bạc thảo luận, tham khảo, học hỏi nhân dân sẽ là một thiếu sót lớn, dễ làm cho các chủ trương, chính sách xa rời thực tiễn, không phù hợp với tâm tư nguyện vọng và hoàn cảnh của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc phê phán “Có nhiều cán bộ không bàn bạc, không giải thích với dân chúng, không để cho dân chúng phát biểu ý kiến, giải quyết các vấn đề, chỉ bắt buộc dân chúng làm theo mệnh lệnh. Thậm chí khi dân chúng đề ra ý kiến và nêu rõ vấn đề, họ cũng tìm cách dìm đi. Họ chỉ làm theo ý kiến của họ. Kết quả làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn” (12).
Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải phân biệt rất rõ sự khác nhau giữa việc lắng nghe, học hỏi quần chúng với “theo đuôi” quần chúng. Mỗi một người dân không thể giống nhau về mọi mặt. Họ ở nhiều tầng lớp khác nhau, mức độ nhận thức, tư duy và trình độ khác nhau nên ý kiến cũng sẽ khác nhau. Do vậy, cho dù phần đông nhân dân đều rất tốt, có nhận thức đúng đắn và hết lòng tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhưng vẫn có một bộ phận dân chúng, do trình độ hạn chế, ít hiểu biết về pháp luật, lập trường, tư tưởng không vững vàng, nhẹ dạ, cả tin nên có thể bị một số đối tượng phản động lôi kéo, kích động, làm nảy sinh trong họ những suy nghĩ và nhận thức chưa đúng, những đòi hỏi và hành động cực đoan, quá khích. Vì thế, mỗi cán bộ phải biết lắng nghe dân, nhưng không phải dân chúng nói gì thì chúng ta cũng cứ nhắm mắt làm theo, mà phải có bản lĩnh, sự quyết đoán để phân tích rõ đúng - sai; từ đó, vận động, cảm hóa quần chúng nhân dân, nhất là bộ phận quần chúng nhân dân còn có nhận thức sai lệch, để họ sống và làm việc theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Nếu người cán bộ không có bản lĩnh và khả năng phân tích để nhận biết cái gì đúng và không đúng, nên và không nên, thì sẽ rơi vào tình trạng “đẽo cày giữa đường”. Chính vì thế, Bác đã căn dặn cán bộ, đảng viên “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo. Người cán bộ cũng phải dùng cách so sánh của dân chúng mà tự mình so sánh. Nghĩa là đem các ý kiến khác nhau để so sánh kỹ, phân tích kỹ các nội dung của các tầng lớp xã hội có cái ý kiến đó. Tìm ra mối mâu thuẫn trong những ý kiến khác nhau đó. Xem rõ cái nào đúng, cái nào sai. Chọn lấy ý kiến đúng, đưa ra cho dân chúng bàn bạc, lựa chọn lại, để nâng cao dần dần sự giác ngộ của dân chúng” (13).
Tóm lại, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không chỉ để dân biết, dân an mà quan trọng hơn là phải đi đến phát huy vai trò của nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội hiện nay, phải huy động được các nguồn lực của nhân dân, trước hết là nguồn nhân lực, vật lực, trí sáng tạo, lòng nhiệt tình cách mạng của mọi tầng lớp nhân dân. Phải khơi dậy được lòng nhiệt tình cách mạng, tinh thần yêu nước, ý chí vượt khó khăn, tinh thần dân tộc, cùng chung tay, góp sức hiện thức khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Muốn vậy, cần phải thấm nhuần và vận dụng có hiệu quả các nguyên tắc tuyên truyền, vận động nhân dân trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí, tập hợp, đoàn kết, phát huy được sức mạnh của nhân dân, bởi vì “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” (14).
______________
1. V.I. Lênin toàn tập, tập 39, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1977, tr.257-258.
2, 3, 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.335, 335, 333, 333, 326, 326, 353, 334, 337.
4, 7, 14. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.234, 432, 234.
5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.421.
Ths LÊ MINH SƠN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023