Các bảo tàng trên thế giới thu hút khách tham quan bằng cách nào?

     Có nhiều kênh để thúc đẩy phát triển du lịch của một quốc gia, nhưng để thu hút du khách lựa chọn và tìm đến với mong muốn vừa được thư giãn, vừa có cơ hội trải nghiệm, khám phá lịch sử, văn hóa của đất nước đó thì bảo tàng là một trong những điểm đến tuyệt vời. Với khối lượng giá trị khổng lồ về mọi mặt đang lưu trữ, các bảo tàng không chỉ giúp khách tham quan thỏa mãn sự tò mò về những hiện vật, những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày, mà hơn hết, còn có khả năng truyền cảm hứng sống giữa con người với con người, vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ, khác biệt về tôn giáo, chủng tộc, chính trị...

 

     Khối lượng các tác phẩm trưng bày có giá trị cao và những cuộc triển lãm quy mô lớn

     Tại nhiều quốc gia trên thế giới, bảo tàng luôn là địa chỉ mà du khách trong và ngoài nước tìm đến mỗi khi có cơ hội. Điều này cho thấy, sức hút của bảo tàng là vô cùng lớn. Điển hình, Viện bảo tàng Metropolitan ở New York (còn gọi là Bảo tàng The Met) lập kỷ lục với gần 7,5 triệu khách tham quan trong vòng 12 tháng (năm 2018). Sự thành công rực rỡ này phần lớn do uy tín của một bảo tàng hàng đầu thế giới và chất lượng của các cuộc triển lãm, kể cả các hiện vật thuộc bộ sưu tập thường trực và các buổi triển lãm theo chuyên đề. Điển hình, triển lãm về thiên tài hội họa thời Phục hưng Michelangelo (Michel Ange), đã thu hút trong 3 tháng đầu năm 2018 hơn 700.000 lượt người xem, lọt vào danh sách 10 cuộc triển lãm chuyên đề cực kỳ ăn khách của bảo tàng này. The Met là chủ sở hữu của nhiều tuyệt phẩm nghệ thuật, đầu tiên là của Renoir, rồi sau đó là của các họa sĩ Matisse, Manet, Monet, Durer, Rembrandt lần lượt tựu về. Đến nay, hơn 3 triệu tác phẩm nghệ thuật đã hội tụ ở The Met. Trong bảo tàng có nhiều sưu tập quý hiếm về nghệ thuật Ai Cập cổ đại và phương Ðông cổ, những báu vật Hy Lạp cổ đại, La Mã, Hồi giáo Trung cổ, đặc biệt là hội họa châu Âu TK XX. Trong số các kiệt tác mỹ thuật thế giới được trưng bày tại đây, phải kể đến các tuyệt tác như: Ðức Mẹ với Chúa Hài Ðồng và cây đàn của Raphael, Thần Vệ Nữ và cây đàn của Titian, Phong cảnh Toledo của El Greco… Tất cả tạo nên một tổng thể sưu tập khổng lồ mà du khách đến thăm hoặc thậm chí chỉ đọc về chúng cũng đã tốn rất nhiều thời gian. Bảo tàng này đã minh chứng sức hút to lớn khi tăng giá vé lên đến 25 USD thay vì như trước đây, du khách chỉ cần đóng vài USD tượng trưng, 10 hay 15 USD nếu hào phóng để được vào cửa. Sự thay đổi này không làm giảm lượng khách tham quan mà còn giúp tăng lượng khách lên ngoài sức mong đợi.

     Tại châu Á, Bảo tàng quốc gia Trung Quốc, được xem là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới, sở hữu bộ sưu tập với nhiều di vật giá trị bằng đồng, gốm cùng các sản phẩm mỹ nghệ bằng ngọc và nhiều tác phẩm nghệ thuật. Đây là một điểm đến lý tưởng để tìm hiểu về văn hóa và lịch sử các triều đại Trung Hoa. Trong năm 2016 - 2017, Bảo tàng quốc gia Trung Quốc dẫn đầu danh sách với 7,55 triệu lượt người ghé thăm, vượt qua cả các bảo tàng nổi tiếng khác như Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ quốc gia tại thủ đô Washington (Hoa Kỳ) với 7,5 triệu lượt người và Bảo tàng Louvre (Pháp) với 7,4 triệu lượt khách ghé thăm.

     Yếu tố giúp Bảo tàng quốc gia Trung Quốc trở thành địa điểm thu hút nhiều khách du lịch như vậy bởi nơi đây sở hữu những báu vật vô cùng giá trị của Trung Quốc, bao gồm: Tư mẫu mậu đỉnh (cuối thời nhà Thương), chén uống rượu làm bằng đồng Tứ Dương phương tôn (cuối nhà Thương), bức tượng bằng gốm Đường tam thái Kỳ đà lạc vũ dũng (nhà Đường)… Đặc biệt, ngoài gian trưng bày cố định mô tả lịch sử 5000 năm của Trung Quốc, còn có những tác phẩm nghệ thuật đến từ mọi nơi trên thế giới được thay đổi, bổ sung thường xuyên để thu hút khách du lịch. Với lợi thế đất nước hơn tỷ dân, được xây dựng tại thành phố du lịch trọng điểm, cùng với việc không thu phí vào cổng đã giúp Bảo tàng quốc gia Trung Quốc trở thành một điểm thu hút khách du lịch trong nước và thế giới.

     Công nghệ làm thay đổi cách trải nghiệm nghệ thuật khi tới thăm bảo tàng, tăng cường các trưng bày tương tác

     Các bảo tàng hiện đang được thay đổi cách tiếp cận nghệ thuật. Việc kết hợp với công nghệ không chỉ là một cách để cải thiện những triển lãm nghệ thuật mà còn mở rộng, thậm chí phá vỡ những quan niệm về nghệ thuật. Có thể nói, thời của những viện bảo tàng cũ kỹ, lạc hậu, ngột ngạt đang dần trở thành quá khứ. Hiện tại, bảo tàng không chỉ là nơi để treo các tác phẩm nghệ thuật. 55.000 bảo tàng trên khắp thế giới đang trở thành nơi du khách đến trải nghiệm những viễn cảnh mới, chiêm ngưỡng những khoảnh khắc lịch sử quan trọng hoặc đơn giản là nơi đánh thức và truyền cảm hứng.

     Sự chuyển đổi các trưng bày “một chiều” sang “tương tác” đem đến cho công chúng khả năng tiếp cận gần hơn với hiện vật gốc của bảo tàng, được trực tiếp thưởng ngoại và hòa mình vào sự kiện lịch sử… Chính sự chuyển đổi và cách tiếp cận này đã thu hút, khuyến khích lượng khách đến với bảo tàng ngày một tăng và giúp bảo tàng có nguồn thu bổ sung. Khách tham quan giờ đây không đến bảo tàng chỉ đơn giản để ngắm nhìn các hiện vật quý được trưng bày trong các tủ kính mà họ còn mong muốn được tham gia, thực hành, trải nghiệm cùng các hiện vật, để tìm hiểu kiến thức, thông tin và thỏa mãn nhu cầu giải trí.

     Đặc biệt, những năm gần đây, khách tham quan bảo tàng ngày càng mong muốn ở một mức độ cao hơn về các hoạt động tương tác trưng bày trong bảo tàng. Cụm từ “tương tác trong bảo tàng” ngày càng trở nên phổ biến. Giờ đây ở hầu hết các quốc gia, đến với mỗi bảo tàng dù lớn hay nhỏ, công lập hay tư nhân…, khách tham quan đều có thể trải nghiệm những gian trưng bày tương tác với rất nhiều kiểu dạng, phương thức khác nhau. Đó có thể chỉ là một góc trưng bày nhỏ với những chiếc hộp xinh xắn mời gọi khách tham quan tự mở nó ra để khám phá bí mật bên trong; hay trong không gian trưng bày các loại nhạc cụ truyền thống của một cộng đồng, khách tham quan chỉ cần nhấc chiếc ống nghe được bố trí bên cạnh hiện vật lên là có thể được đắm chìm trong âm thanh của mỗi loại nhạc cụ; trong góc trưng bày của một hàng bán gia vị và hương liệu ở một khu phố cổ: mỗi ngăn đựng gia vị, hương liệu được khách tham quan kéo ra, ngoài các loại nguyên liệu nhìn thấy, khách tham quan còn có thể cảm nhận được mùi hương của từng loại gia vị, hương liệu đó (1).

 Để minh chứng cho kỷ nguyên công nghệ số ngày càng xâm chiếm mọi ngóc ngách, mọi lĩnh vực của cuộc sống, trong đó, bảo tàng cũng không nằm ngoài xu thế tất yếu này, đất nước có ngành công nghệ thông tin phát triển bậc nhất thế giới là Nhật Bản, đã trở nên nổi tiếng với bảo tàng kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới (2018). Được biết, bảo tàng đặc biệt này là ý tưởng kết hợp giữa teamLab - Borderless công ty sáng tạo kỹ thuật số với hơn 500 nghệ sĩ, chuyên gia công nghệ tài năng bậc nhất Nhật Bản và Mori Building, tập đoàn xây dựng hàng đầu xứ sở hoa anh đào. Khác với những bảo tàng nghệ thuật thông thường, bảo tàng kỹ thuật số tận dụng tối đa công nghệ tiên tiến nhất để mang đến cho mọi người trải nghiệm đến từ tương lai. Chính từ “Borderless” (tạm dịch: Không biên giới) trong tên gọi của nó đã thể hiện rằng một khi bước chân vào nơi đây, ranh giới giữa con người và nghệ thuật sẽ được xóa bỏ. Những tác phẩm sẽ biến đổi liên tục dựa trên sự hiện diện của con người.

     Đại diện teamLab chia sẻ “Công nghệ kỹ thuật số mở ra giới hạn mới cho nghệ thuật làm từ vật liệu. Chúng tôi tin rằng giữa con người và thiên nhiên, hay giữa chúng ta và thế giới ngoài kia hoàn toàn không tồn tại bất kỳ ranh giới nào. Mọi thứ trên đời này đều có thể hòa quyện với nhau”. Với việc tận dụng triệt để công nghệ kỹ thuật số, trong không gian 3 tầng gồm 10.000m², thứ mà khách tham quan ở mọi lứa tuổi được trải nghiệm ở đây không phải là những bức tranh, tượng hay phù điêu mà là 50 tác phẩm nghệ thuật “sống” được tạo nên từ các mô hình kết hợp 520 máy tính và 470 chiếc máy chiếu để tạo ra những trải nghiệm kích thích cả 5 giác quan. Với 50 tác phẩm nghệ thuật tương tác công nghệ cao, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng, tương tác mà còn được hòa nhập vào từng tác phẩm, không gian như biến đổi và chuyển động theo sự tương tác của khách tham quan. Với một bước tiến mới quan trọng như vậy, việc du khách trong nước và quốc tế đổ dồn về đất nước mặt trời mọc ngày một tăng là điều dễ hiểu, góp phần to lớn trong việc quảng bá văn hóa và phát triển du lịch ở Nhật Bản.

     Chú trọng, tạo hứng thú cho trẻ em và thanh niên yêu thích tham quan bảo tàng

     Dù bằng cách nào đi chăng nữa, điều quan trọng mà bảo tàng cần hướng tới là có thể đem lại trải nghiệm cho khách tham quan ở tất cả các lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em và thanh niên. Hiểu biết về lịch sử của dân tộc mở mang được nhiều kiến thức khoa học thông qua những trải nghiệm tại bảo tàng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động trí tuệ của trẻ, buộc trẻ suy nghĩ nhiều hơn, từ đó rèn luyện tư duy và chủ động trong học tập.

     Có thể kể đến một trưng bày rất đặc sắc hướng tới đối tượng chính là trẻ em của Bảo tàng quốc gia Singapore mang tên Chuyện kể rừng sâu mô phỏng sống động quá trình hình thành và phát triển của những khu rừng nhiệt đới Đông Nam Á qua ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR). Gian trưng bày là sự kết hợp giữa hình ảnh và âm thanh vô cùng sống động. Khách tham quan có thể tương tác trực tiếp, dõi theo các loài thực vật và động vật xuất hiện trên màn hình. Theo quãng đường di chuyển của khách tham quan, hình ảnh các khu rừng cũng thay đổi qua thời gian từ sáng đến tối theo 2 mùa: mùa khô và mùa mưa. Đến với triển lãm, trẻ em không chỉ được vui chơi mà còn học hỏi được rất nhiều điều.

     Hiện nay, hệ thống bảo tàng tại Việt Nam cũng đang nỗ lực theo đuổi công nghệ để thu hút công chúng, nhất là giới trẻ. Thời gian qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã ứng dụng thành công minh họa video tại không gian trưng bày nhằm mở rộng thông tin thuyết minh. Hay Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đưa vào hoạt động thử nghiệm miễn phí hệ thống thuyết minh tự động với 3 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan quốc tế. Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiên phong xây dựng bảo tàng ảo tương tác 3D để tăng tính trải nghiệm, tương tác cho bảo tàng thực...

     Với hệ thống bảo tàng tương tác thông minh, diện mạo của bảo tàng và cảm nhận của công chúng về các hiện vật, hình ảnh được trưng bày sẽ hoàn toàn thay đổi. Khách tham quan hoặc người nghiên cứu còn có thể tra cứu được cả thông tin liên quan hiện vật, tư liệu mình quan tâm đang được trưng bày, giới thiệu ở những bảo tàng khác, bất kể đó là bảo tàng tại Việt Nam hay quốc gia nào. Trong năm 2018, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được vinh danh trong top 10 bảo tàng du khách bình chọn tốt nhất thế giới và là đại diện duy nhất của châu Á góp mặt. Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc gắn bảo tàng với phát triển du lịch ở nước ta trong thời gian tới. Việc gắn kết giữa bảo tàng với du lịch là một mối quan hệ cộng sinh, cần được chú trọng, quan tâm để phát huy tối đa tiềm năng của cả hai phía. Trong thời gian tới, nếu tiếp tục đổi mới, học tập những kinh nghiệm của các bảo tàng trên thế giới thì chắc chắn, bảo tàng và du lịch Việt Nam sẽ cùng đồng hành và ngày một phát triển.

 

Tác giả: Ngô Huyền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

 

 

;