Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022

 

Thực hiện Công văn số 3042/VPCP-KGVX ngày 17/5/2022 của Văn phòng Chính phủ về triển khai Tháng hành động phòng chống ma túy năm 2022, từ ngày 1 đến ngày 30 tháng 6 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy - Vì một cộng đồng khỏe mạnh và an toàn”, ngày 3/6/2022, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành công văn số 1845/LĐTBXH-PCTNXH gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung sau:

1. Tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy, nhất là tại các cơ sở cai nghiện ma túy và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, với các nội dung:

- Phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cùng các quy định pháp luật hiện hành về công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai; đặc biệt là những điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định số 116/2001/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

- Xây dựng, kẻ vẽ pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền gắn với chủ đề của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại cơ sở cai nghiện ma túy và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng trên địa bàn.

- Tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về công tác cai nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học gắn với chủ đề của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm như: ra quân, tổ chức xe diễu hành, cổ động về phòng, chống ma túy; chú trọng lồng ghép các nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và du lịch, quảng bá du lịch; trọng điểm vào các đối tượng nguy cơ cao, nhân viên trong nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện; thực hiện tiếp cận tuyên truyền thông qua hội viên các Hội, đoàn thể, cộng tác viên, tình nguyện viên Đội Công tác xã hội tình nguyện...; giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục; nghiên cứu lồng ghép tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào chương trình và hoạt động giáo dục của các cấp học.

2. Đẩy mạnh triển khai, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện kết nối người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy tham gia các dịch vụ ngay tại cộng đồng (tư vấn tâm lý, dạy nghề, tạo việc làm, điều trị cắt cơn và điều trị HIV/AIDS): Mô hình hỗ trợ tư vấn, pháp lý và xã hội chuyển gửi đối với người nghiện ma túy có sự tham gia của Tòa án; Mô hình quân dân y kết hợp cai nghiện ma túy thuộc các xã khu vực biên giới; Mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng; Các mô hình khác địa phương đang thực hiện.

3. Hướng dẫn, hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng mô hình mới phòng, ngừa nghiện ma túy, cai nghiện ma túy, tái hòa nhập cộng đồng.

4. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy: Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao cho cán bộ, học viên trong Cơ sở cai nghiện ma túy; Tăng cường các hoạt động tư vấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cai nghiện ma túy, hỗ trợ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng.

 

TRIỆU MẠO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 501, tháng 6-2022

 

;