Quảng Ninh: Tiếp tục duy trì, triển khai các mô hình thí điểm về phòng, chống tệ nạn xã hội

Ngày 20/5/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch 146/KH- UBND thực hiện công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022.

 

Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch là: Đảm bảo 100% các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy, hỗ trợ tư vấn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người cai nghiện ma túy năm 2022. 100% các xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất 1 hoạt động truyền thông về phòng, chống tệ nạn ma túy; 50% các địa bàn khu công nghiệp, khu kinh tế được tiếp cận thông tin phòng, chống tệ nạn ma túy; 50% các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tập huấn, tuyên truyền kỹ năng phòng, chống tệ nạn ma túy. Hằng tuần, có ít nhất 2 bài hoặc tin về công tác phòng, chống tệ nạn ma túy đăng tải trên báo hoặc cổng thông tin điện tử của tỉnh, huyện hoặc trên các trang thông tin điện tử chính thống.

Phấn đấu 60% cán bộ chính quyền các cấp phụ trách lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội và trên 50% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết, nhận thức đúng về tệ nạn ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện ma túy; 100% cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai được đào tạo, tập huấn, cập nhật kỹ năng, kiến thức về cai nghiện ma túy, quản lý sau cai phù hợp với tình hình mới. Cai nghiện ma túy cho 900 lượt người, trong đó, cai nghiện tập trung cho 750 lượt người, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 150 lượt người; 100% người sau cai nghiện ma túy có nhu cầu đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; đào tạo nghề cho 360 người nghiện ma túy, giải quyết việc làm cho 420 người sau cai nghiện.

Phấn đấu 100% người hoàn thành cai nghiện ma túy hoặc người đã hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế được quản lý sau cai tại nơi cư trú. Tiếp tục duy trì hoạt động của các mô hình phòng, chống tệ nạn ma túy: 25 đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã, 6 điểm tư vấn; 9 Câu lạc bộ hỗ trợ người sau cai nghiện. Xây dựng mới mô hình phòng, ngừa tệ nạn xã hội tại trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và không ngừng đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về phòng, chống tệ nạn ma túy nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, người dân. Tập trung tuyên truyền về: quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của tỉnh Quảng Ninh trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, tác hại của tệ nạn ma túy (đặc biệt là ma túy tổng hợp): các biện pháp dự phòng, điều trị, hỗ trợ  cho người nghiện ma túy. Thực hiện tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp, sân khấu hóa, hoạt động ngoại khóa, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, chú trọng đến công tác dự phòng nghiện ma túy tại nơi công cộng và tại các trường học, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.

Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh, trong đó, ưu tiên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, nhóm cộng tác viên, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ làm công tác tuyên truyền tại cơ sở (cấp huyện, xã, tổ dân, khu phố, các trường học…), thành viên Đội tình nguyện, các nhóm, câu lạc bộ thuộc mô hình cai nghiện ma túy và hỗ trợ người sau cai. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn tại một số địa phương để nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tệ nạn ma túy.

Triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các Nghị định, Thông tư, văn bản pháp luật có liên quan. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy tập trung tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở trong quản lý, thực hiện công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện.

Phát huy hiệu quả các đề án, mô hình phòng, chống tệ nạn ma túy. Triển khai, tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án thí điểm cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex tại 4 địa phương: Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Quảng Yên và tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Quản lý, khai thác có hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý người cai nghiện ma túy.

Tiếp tục duy trì, triển khai các mô hình thí điểm về phòng, chống tệ nạn xã hội gồm: mô hình 25 đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã; Mô hình về cai nghiện phục hồi (6 điểm tư vấn) và quản lý sau cai (9 Câu lạc bộ hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy)… nhằm tạo cơ hội, hỗ trợ cho người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng bền vững.

Xây dựng mới thí điểm Mô hình “Dự phòng nghiện ma túy, tệ nạn xã hội”; gắn kết xây dựng mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội với xây dựng Mô hình An ninh cơ sở…

UBND tỉnh giao Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai; đảm bảo thực hiện kịp thời, đầy đủ các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản pháp luật có liên quan.

Tổ chức các hoạt động truyền thông dự phòng, nâng cao nhận thức về cai nghiện ma túy, quản lý sau cai và dự phòng tái nghiện; đặt hàng Đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn ma túy với hình thức sân khấu hóa.

Tổ chức công tác cai nghiện ma túy tập trung; chủ trì, phối hợp cùng các địa phương triển khai thực hiện, tổng kết, đánh giá Đề án thí điểm cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex; tập huấn, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy theo quy định. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật…

 

MINH HIẾU

Nguồn: Tạp chí VHNT số 501, tháng 6-2022

;