Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ tập huấn công tác cai nghiện và quản lý sau cai
Thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan triển khai nhiều giải pháp và đã thu được những kết quả tích cực.
Nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ về công tác cai nghiện ma túy, Sở đã chỉ đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thực hiện biên soạn tài liệu, bài giảng về nội dung các quy định mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định liên quan đến công tác cai nghiện ma túy.
Tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện cho 160 cán bộ lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác phòng chống tệ nạn xã hội, cai nghiện ma túy của 2 cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội cấp huyện, Ủy ban nhân dân 20 xã, phường, thị trấn và 20 đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã chú trọng triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy nói chung và cai nghiện ma túy nói riêng bằng các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng; tập trung tuyên truyền tại địa bàn dân cư, trong các trường học, cơ quan, doanh nghiệp, các khu công nghiệp, cơ sở cai nghiện ma túy;… kết hợp giữa tuyên truyền trực tiếp và tuyên truyền thông qua các chuyên trang, chuyên mục, tin bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các nền tảng mạng xã hội và hệ thống truyền thanh ở địa phương. Trọng tâm nội dung tuyên truyền là về tác hại của ma túy, cách nhận biết và phòng tránh ma túy, hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy và các quy định của Nhà nước đối với công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.
Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Phú Thọ, Cổng thông tin điện tử tỉnh đưa tin về chế độ chính sách, nội dung đổi mới công tác cai nghiện của tỉnh. Năm 2023, ký hợp đồng tuyên truyền về công tác phòng chống tệ nạn xã hội trên các ấn phẩm của Báo Phú Thọ (Báo Phú Thọ hằng ngày, Báo Phú Thọ cuối tuần và Báo Phú Thọ điện tử). Đến nay, các thông tin tuyên truyền về lĩnh vực phòng chống tệ nạn được đăng tải trung bình 3- 4 tin/tháng. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội xây dựng trang fanpage để cảnh báo các nguy cơ, thủ đoạn cũng như cập nhật các kiến thức, kỹ năng phòng tránh tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn ma túy nói riêng cho người dân. Đến nay, trang có số người theo dõi là gần 1.800 người, số lượng người mà fanpage tiếp cận trong tháng gần nhất là 25,6 nghìn người.
Đổi mới các hoạt động truyền thông trực tiếp với việc cập nhật các thông tin mới, sử dụng nhiều hình ảnh trực quan, sử dụng các hình thức sân khấu hóa, thi hùng biện, thi vẽ tranh cổ động, thi Rung chuông vàng… qua đó, đã giúp đối tượng được truyền thông trở thành người xây dựng các sản phẩm truyền thông. Kết quả: đã tổ chức hội nghị tuyên truyền về công tác phòng chống tệ nạn ma túy cho trên 15.000 cán bộ, giáo viên, đoàn viên thanh niên và học sinh các trường THCS, THPT, các Trường Trung cấp nghề; cán bộ các tổ chức đoàn thể và người dân các xã vùng sâu vùng xa của huyện Hạ Hòa, huyện Tân Sơn, huyện Cẩm Khê, huyện Yên Lập và thị xã Phú Thọ. Qua các hoạt động truyền thông đã cấp phát hơn 30.500 tờ gấp, tờ rơi tuyên truyền phòng, chống ma túy, 675 tạp chí về phòng chống tệ xã hội, tệ nạn ma tuý.
Hiện nay, tỉnh Phú Thọ có cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh (bao gồm: cơ sở 1; cơ sở 2) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ với chức năng chính: điều trị nghiện ma túy bắt buộc, điều trị nghiện ma túy tự nguyện, quản lý người nghiện ma túy đang trong thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Hằng năm, cùng với việc đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở thường xuyên tổ chức quán triệt đến cán bộ làm công tác điều trị nghiện ma túy để thay đổi nhận thức, tinh thần, thái độ phục vụ, coi người nghiện là người bệnh, là đối tượng cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ cả về thể chất và tinh thần.
Nhằm duy trì đảm bảo thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý, điều trị, giáo dục, phục hồi chức năng và tái hòa nhập cộng đồng cho người cai nghiện, cơ sở đã chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương và các ban ngành trên địa bàn như: Tòa án nhân dân huyện, Công an huyện, Y tế huyện để giữ gìn an ninh trật tự đảm bảo an toàn tại cơ sở.
Từ ngày 1/1/2022 đến 31/3/2024, số người đăng ký cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập là 239 người, số người hoàn thành cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập 206 người. Số người nghiện được lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc là 321 người; số người cai nghiện bắt buộc mà cơ sở cai nghiện công lập tiếp nhận là 321 người.
Sau khi học viên thực hiện xong quyết định cai nghiện, các cơ sở điều trị nghiện ma túy bàn giao người và hồ sơ cho UBND xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú để tiếp tục quản lý. UBND cấp xã giao cho các ban, ngành, đoàn thể, Đội công tác xã hội tình nguyện phối hợp với các tổ dân phố, gia đình quản lý, giúp đỡ, tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ vay vốn theo quy định.
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn công tác hỗ trợ xã hội; phòng, chống tái nghiện đối với người sau cai nghiện. Sau khi trở về địa phương, người sau cai nghiện được tư vấn, trợ giúp về tâm lý, các thủ tục pháp lý; hướng dẫn chấp hành pháp luật, nghĩa vụ công dân; hỗ trợ kinh phí, cho vay vốn, tìm kiếm, giới thiệu việc làm theo quy định để giúp người sau cai nghiện ổn định cuộc sống.
Đồng thời, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp đối với người sau cai nghiện. Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội các huyện, thành, thị đã mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề giới thiệu các ngành nghề truyền thống, kỹ năng cơ bản một số nghề thủ công, mỹ nghệ, lao động dịch vụ cho người lao động, trong đó, đã chú trọng và quan tâm đối với người sau cai nghiện về cư trú tại địa phương.
Ở một số địa phương, UBND cấp xã, các tổ chức đoàn thể khu dân cư và Đội công tác xã hội tình nguyện đã vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp nhận lao động là người sau cai nghiện ma túy vào làm việc… Kết quả, số người quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú là 527; số người được hỗ trợ dạy văn hóa, đào tạo nghề, vay vốn, tạo việc làm là 50 người.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ còn gặp một số khó khăn cần khắc phục như: tại cơ sở cai nghiện công lập cơ sở vật chất để phục vụ điều trị và ăn ở của học viên xuống cấp; còn thiếu nhiều khu chức năng theo quy định như thiếu khu nhà ở dành cho học viên nữ, học viên từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi…Hiện nay, các cơ sở đang tận dụng các khu nhà ở có sẵn để phân khu nhằm dễ quản lý. Công tác hướng nghiệp, dạy nghề trong các cơ sở điều trị nghiện ma túy gặp khó khăn do kinh phí hỗ trợ đào tạo thấp, thiếu về cơ sở vật chất, nguồn giáo viên. Chế độ đãi ngộ, chính sách ưu đãi đối với viên chức, người lao động tại cơ sở còn thấp so với đặc thù công việc nên gây khó khăn trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là các chuyên ngành y, dược.
Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội nói chung thiếu, mỏng về số lượng lại thường xuyên thay đổi nên khó khăn trong việc nắm bắt tình hình địa bàn và tổ chức thực hiện. Đội ngũ cán bộ, cộng tác viên công tác xã hội, tình nguyện viên tham gia tư vấn, giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy hầu hết còn thiếu kỹ năng, nghiệp vụ.
Công tác hỗ trợ người sau cai nghiện tiếp cận các chương trình vay vốn, dạy nghề, giải quyết việc làm... chưa thực sự có hiệu quả. Các chương trình, chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn được xây dựng theo hướng lồng ghép vào các chính sách chung, do vậy, việc tiếp cận chính sách cũng là thách thức với đối tượng này do mặc cảm hoặc hạn chế về thông tin, sức khỏe, kỹ năng công việc. Bên cạnh đó, nhiều người sau cai nghiện ma túy thường xuyên thay đổi chỗ ở gây khó khăn trong công tác thống kê, quản lý và xây dựng kế hoạch hỗ trợ tại địa phương...
TRIỆU MẠO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 576, tháng 7-2024