Sơn La: Chú trọng thực hiện Công ước ASEAN phòng, chống buôn bán người

Thực hiện Quyết định số 1957/QĐ-TTg ngày 30/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Công ước ACTIP), trong thời gian qua, tỉnh Sơn La luôn quan tâm thực hiện Công ước ASEAN phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La tuyên truyền cho bà con về những thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người

 

UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; ban hành các kế hoạch thực hiện văn bản của Đảng, Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người gắn với nội dung Công ước; huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt. Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; có sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin kịp thời giữa các lực lượng liên quan; tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, về các thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người cho người dân; thực hiện kịp thời công tác xác minh, xử lý tội phạm mua bán người theo quy định; làm tốt công tác hỗ trợ nạn nhân bị lừa bán,… qua đó góp phần kiềm chế tội phạm mua bán người, ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Công tác tuyên truyền, phòng chống mua bán người được UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện thường xuyên và đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức tuyên truyền. Trọng tâm là tổ chức các hội nghị truyền thông tại cộng đồng về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống mua bán người; xây dựng các tin, bài tuyên truyền về thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm mua bán người và các tội phạm khác đăng tải trên các Fanpage của các cơ quan, đơn vị, địa phương, thu hút nhiều lượt người theo dõi, chia sẻ; chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh tổ chức biên tập, xây dựng tin bài nhận diện, phòng, chống tội phạm mua bán người để tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân (như Truyền hình ANTV, báo Công an nhân dân, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, báo Sơn La, Chuyên mục “An ninh Sơn La” và cổng/trang thông tin điện tử của tỉnh, của các sở, ngành), chú trọng các địa bàn, đối tượng có nguy cơ… đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong giai đoạn từ tháng 12/2020 đến tháng 9/2023, đã tổ chức tuyên truyền 17.353 cuộc với tổng số 1.250.286 lượt người tham gia, nghe).

Điển hình như Công an tỉnh xây dựng phát sóng trên 140 chuyên mục với tổng số gần 1.000 tin, bài,  phóng sự; xây dựng gửi cộng tác phát sóng, đăng tải trên các báo, đài Trung ương, địa phương trên 600 lượt tin, bài phản ánh về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người của lực lượng Công an tỉnh Sơn La; chỉ đạo Đoàn Thanh niên Công an tỉnh xây dựng và triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên trang Facebook, Fanpage, chuyên mục “Pháp luật trong tay”, “Điều hay cần thiết”; BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo tổ chức tuyên truyền cho nhân dân 17 xã biên giới tổng số 215 đợt với 10.350 lượt người tham gia, phối hợp xây dựng 2 phóng sự và 7 tin bài về tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về. Đài PTTH tỉnh, báo Sơn La đã thực hiện gần 1.700 tin, bài, phóng sự về công tác PCMBN và việc thực hiện Công ước. Các đơn vị thông tin, truyền thông, văn hóa cấp cơ sở đã thực hiện trên 2.300 tin, bài, phóng sự, chuyên mục tuyên truyền PCMBN. Hội LHPN các cấp tổ chức 100 cuộc/lớp tập huấn, truyền thông; phổ biến giáo dục pháp luật cho 3.557 người tham gia; lồng ghép tuyên truyền được 247 buổi cho 134.066 lượt hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia; tổ chức 37 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ cho trên 1000 cán bộ Hội, 5 cuộc với 2.000 hội viên, phụ nữ và học sinh tham gia nói chuyện chuyên đề về tình hình tội phạm, cách nhận biết các thủ đoạn hoạt động của tội phạm; cử cán bộ Hội tham gia hội thẩm nhân dân xét xử 12 vụ án liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái và các trường hợp khác; đăng 183 tin bài trên Trang thông tin điện tử Trung ương Hội LHPN Việt Nam, 501 tin bài, bài viết và ảnh lên Trang thông tin điện tử Hội LHPN tỉnh; 456 tin bài trên Trang Fanpage của Hội LHPN tỉnh. Ban Dân tộc chỉ đạo tổ chức 38 Hội nghị tuyên truyền có liên quan phòng, chống mua bán người. BTV Tỉnh Đoàn chỉ đạo tổ chức 71 buổi với 12.380 lượt người tham gia tuyên truyền, 290 hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, đăng tải trên 50 tin, bài, phát 8.096 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu; treo 189 băng rôn, pa nô, áp phích tuyên truyền có nội dung PCMBN; xây dựng được 195 mô hình tuyên truyền lưu động, 91 CLB với 1.838 đoàn viên tham gia về công tác PCMBN. 

Bên cạnh đó, hằng năm chỉ đạo tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người thiết thực, hiệu quả. Từ 1/7/2022 – 30/9/2022, Công an tỉnh đăng tải trên trang thông tin điện tử 98 tin, bài, video thu hút hơn 33.000 lượt người theo dõi, trong đó có nhiều tin bài về nội dung phòng, chống mua bán người, đồng thời đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Bộ Luật hình sự, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Bộ luật hình sự trong đó có nội dung liên quan đến tội phạm mua bán người, Luật Phòng, chống mua bán người. Đoàn Thanh niên Công an tỉnh xây dựng và triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên diễn đàn, trang Facebook, Fanpage, Zalo chuyên mục “Cẩm nang phòng, chống tội phạm và pháp luật”, trong đó có nội dung tuyên truyền phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người. Báo Sơn La đăng tải 24 tin, bài, ảnh; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng 60 lượt tin, bài, phóng sự, duy trì định kỳ các chuyên mục An ninh Sơn La, Pháp luật và cuộc sống, Hỏi đáp pháp luật. Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa các huyện, thành phố đã tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh huyện, xã, phường, thị trấn, tuyên truyền trực quan thông qua xây dựng các cụm panô, áp phích, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu…; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền nhóm đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua bán người, đăng tải 258 tin, bài, chuyên mục; 74 lượt phát qua hệ thống loa phát thanh ở cơ sở; căng treo khẩu hiệu hành động 93 băng rôn; tuyên truyền bằng xe văn hóa thông tin 12 lượt; tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng 27 lượt…

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp tham mưu với Chủ tịch Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh hướng dẫn các ngành, thành viên tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống mua bán người; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật về hộ tịch, hôn nhân gia đình, nuôi con nuôi, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến phòng ngừa tội phạm mua bán người; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động cho nhận con nuôi; môi giới, tổ chức đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc nhằm kịp thời phát hiện việc mua bán người. Đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng về Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người với các khẩu hiệu hành động, quảng bá rộng rãi số điện thoại đường dây nóng phòng, chống mua, bán người “18001567” và tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em “111”.

Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng, trọng tâm là lực lượng Công an, Biên phòng phối hợp với các chính quyền, cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đặc biệt là lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt chuyên đề về pháp luật, các cuộc tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật, hoạt động truyền thông phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội; tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mua, bán người ra nước ngoài; phối hợp nắm tình hình ngoại biên, tình hình xuất nhập cảnh trái phép, hoạt động tổ chức người Việt Nam xuất cảnh trái phép, người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam; chủ động nắm tình hình liên quan đến mua bán người trên không gian mạng và dựng các đường dây, băng nhóm hoạt động phạm tội mua bán người để tập trung đấu tranh, ngăn chặn; tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mua, bán người ra nước ngoài.

Sơn La còn tập trung lực lượng thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân gắn chíp điện tử trên địa bàn tỉnh; tăng cường nắm hộ, nắm người; thường xuyên tiến hành rà soát, kiểm tra hành chính đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (như quán bar, karaoke, massage… và khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, địa bàn giáp ranh nơi tội phạm thường lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội để chủ động phát hiện, phòng ngừa tội phạm mua bán người. Qua đó, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, đồng thời nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới về các phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người, từ đó có những biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.

Hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm phạm luật; chỉ đạo sở, ban, ngành có liên quan tham mưu cho Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, đồng thời chỉ đạo Hội đồng Phổ biến Giáo dục pháp luật các cấp rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác phòng, chống mua bán người; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người nói riêng. Từ đó ngăn chặn có hiệu quả việc lợi dụng sơ hở trong tư vấn môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, đi hợp tác lao động để lừa gạt đưa phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài bán.

Chỉ đạo các lực lượng chức năng, trọng tâm là lực lượng Công an, Biên phòng tỉnh tiếp tục tham mưu và tổ chức các hoạt động thực hiện có hiệu quả Hiệp định giữa Việt Nam- Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống buôn bán người (ký ngày 15/9/2010); Hiệp định giữa Việt Nam - Lào về hợp tác phòng, chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán (ký ngày 3/11/2010); Biên bản Hội nghị hợp tác phòng, chống tội phạm lần thứ 7 giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc; Kế hoạch số 95/KH-BCNDA4 ngày 19/3/2020 của Ban Chủ nhiệm Dự án 4 tỉnh về triển khai thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Căm-pu-chia về phòng, chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2020- 2022. Thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin hoạt động tội phạm mua bán người thông qua các chương trình hợp tác, tăng cường mối quan hệ đối ngoại giữa tỉnh, các lực lượng chức năng của tỉnh Sơn La và 3 tỉnh phía Bắc nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (Hủa Phăn; Luông Pha Băng; Bò Kẹo); phối hợp với bạn trong tuần tra, kiểm soát biên giới, quản lý địa bàn biên giới, phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với tội phạm mua bán người.

 

TRIỆU MẠO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023

 

;