Trong năm qua, với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Thành phố Đà Nẵng, công tác phòng, chống tệ nạn ma túy nói chung, công tác cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng. Hầu hết số người nghiện đã phát hiện đều được tổ chức cai nghiện và hỗ trợ giúp đỡ sau cai nghiện, góp phần vào sự ổn định an ninh trật tự xã hội trên địa bàn thành phố.
UBND phường Thanh Khê Đông trao phương tiện sinh kế cho người thuộc diện quản lý ma túy
Nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng, chống và cai nghiện ma túy, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng đã triển khai cuộc thi sáng tác vẽ tranh tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy trong học đường năm 2022; cấp phát 27.200 tờ rơi tuyên truyền về công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, chế độ, chính sách về công tác dự phòng nghiện và tái nghiện ma túy cho các quận, huyện, xã, phường; lắp đặt 98 áp phích tuyên truyền phòng, chống ma túy tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố; phối hợp với 5 trường THPT, THCS và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tổ chức tuyên truyền về tác hại, cách phòng tránh ma túy. Đồng thời, thiết kế, in ấn 320 quyển sổ tay tuyên truyền kỹ năng phòng tránh ma túy trong học đường, cấp phát cho các trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố; cấp phát 128 băng rôn tuyên truyền phòng, chống ma túy cho các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và phối hợp xây dựng 5 phóng sự tuyên truyền về công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, công tác dự phòng nghiện, tái nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố. Sở cũng phối hợp với Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức cuộc thi thiết kế Infographic với chủ đề “Tuổi trẻ Đà Nẵng chung tay đẩy lùi ma túy” năm 2022. Các tác phẩm dự thi trên mạng xã hội thông qua trang Fanpage Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội đã thu hút 106.033 lượt tiếp cận, 4.995 lượt “like” và 2.561 lượt “share”.
UBND các quận, huyện chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền những điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 cho các đối tượng có nguy cơ cai nghiện ma túy, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và đối tượng quản lý sau cai tại các khu dân cư; tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm, các loại tội phạm, phòng, chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên ở trọ; tuyên truyền “Phổ biến pháp luật về phòng, chống ma tuý - bạo lực học đường và xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong trường học” cho giáo viên và học sinh tại các trường THCS; thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, lồng ghép tại các buổi sinh hoạt chuyên đề; tổ chức Hội thi tuyên truyền phòng, chống ma túy.
Trao sinh kế cho người sau cai giúp họ ổn định cuộc sống, qua đó đoạn tuyệt với ma túy
Bên cạnh đó, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy cũng được chú trọng. Năm 2022, có 308 lượt học viên cai nghiện bắt buộc, 47 lượt học viên cai nghiện tự nguyện; dạy nghề 120 học viên; khám sức khỏe định kỳ cho 500 lượt học viên. Học viên vào cơ sở được lập hồ sơ, phân loại mức độ nghiện, loại ma túy sử dụng, số tiền án, tiền sự… để tổ chức cắt cơn và có kế hoạch cai nghiện, giải pháp quản lý, giáo dục phù hợp. Tổ chức điều trị cắt cơn theo phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế, phương pháp châm cứu - thuốc Nam, kết hợp các liệu pháp tư vấn tâm lý, vật lý trị liệu, xông hơi giải độc... để giúp học viên nhanh chóng hồi phục sức khỏe, ổn định tinh thần. Tiến hành tư vấn cho 3.720 lượt học viên, 96 nhóm với 788 học viên, 67 lượt thân nhân gia đình học viên. Tổ chức gặp mặt, trao đổi để gia đình học viên nắm bắt tình hình sức khỏe, quá trình cai nghiện, rèn luyện của con em mình, từ đó động viên, giúp đỡ học viên ổn định tư tưởng, an tâm cai nghiện. Phối hợp với các trường nghề mở 4 lớp nghề điện lạnh và điện ô tô cho 120 học viên; 32 lớp chuyên đề giáo dục sức khỏe, pháp luật, đội hình, đội ngũ, kỹ năng phòng, chống tái nghiện cho 642 học viên.
Công tác chăm lo đời sống tinh thần cho học viên luôn được quan tâm hằng ngày như tạo điều kiện cho học viên xem thời sự, phim ảnh, đọc sách, báo, điện thoại cho gia đình… bố trí sân bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, phòng tập thể hình để tập thể dục, thể thao. Tiến hành luân chuyển, bổ sung sách, báo tại thư viện cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách của học viên, đã phục vụ 7.358 lượt đọc và mượn sách.
Các đơn vị trên địa bàn Thành phố đã tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 75 người; hoàn thành chương trình cai nghiện cho 53 người, tái nghiện đưa đi cai nghiện tập trung 5 người. Hiện toàn Thành phố có 17 người đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Đến nay, các địa phương đã hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ tự học nghề cho 11 người với tổng số tiền 110 triệu đồng.
Tổng số người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú là 565 người. Học viên sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện tập trung đều được địa phương phối hợp với gia đình đón về cộng đồng được chính quyền, đoàn thể cùng gia đình chăm lo giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất, được UBND các xã, phường lập đầy đủ hồ sơ, phân công cán bộ đoàn thể theo dõi, giúp đỡ, giáo dục. Trong năm, các địa phương đã hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ tự học nghề cho 50 người với tổng số tiền 500 triệu đồng. Ngoài ra, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định hỗ trợ người hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy tập trung, có thời gian sau cai đủ 5 năm không tái nghiện ma túy cho 19 người, với mức 10 triệu đồng/người.
Trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, tạo nhận thức đúng đắn cho các cấp, các ngành. Chú ý tuyên truyền đến đối tượng đích về tác hại của tệ nạn ma túy; đầu tư nguồn lực, phương pháp thực hiện truyền thông bằng hình thức phù hợp. Tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội quận, huyện, xã, phường và các cơ quan có liên quan. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác dự phòng nghiện, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; cai nghiện ma túy tự nguyện, quản lý sau cai nghiện. Tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội sau cai nghiện. Hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ tự học nghề, hỗ trợ vay vốn cho người nghiện có hoàn cảnh khó khăn, đủ điều kiện.
TRIỆU THỊ MẠO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 549, tháng 10-2023