1. Những biểu hiện của sự biến đổi văn hóa mưu sinh trong bối cảnh phát triển du lịch
Biến đổi về các nguồn lực văn hóa mưu sinh (sinh kế)
Trong các bản hướng dẫn sinh kế bền vững do DFID công bố, để thúc đẩy các chính sách và hành động giảm nghèo, phát triển cuộc sống trong bối cảnh xã hội mới, cần khai thác nguồn lực văn hóa mưu sinh theo 5 biểu hiện: nguồn lực tự nhiên bao gồm toàn bộ nguyên liệu về tự nhiên để tạo dựng sinh kế của một gia đình hay cộng đồng, như đất đai, rừng, nước, khí hậu...; nguồn lực vật chất bao gồm: cơ sở hạ tầng, các loại hàng hóa mà con người sản xuất cần thiết để hậu thuẫn kinh tế; nguồn lực xã hội là các nguồn lực xã hội mà con người sử dụng để theo đuổi các mục tiêu sinh kế, bao gồm: quan hệ, mạng lưới, thành viên nhóm, niềm tin, sự phụ thuộc lẫn nhau và trao đổi cung cấp các mạng an ninh chính thống quan trọng; nguồn lực con người là những kỹ năng, tri thức, khả năng làm việc và sức khỏe tốt; nguồn lực tài chính, nguồn lực tài chính mà con người sử dụng để đạt các mục tiêu sinh kế.
Biến đổi về các hoạt động mưu sinh trong bối cảnh du lịch
Nghề nghiệp, việc làm, phương thức mưu sinh, một trong những biểu hiện cụ thể thường thấy là những công việc, nghề nghiệp khác nhau; phương thức mưu sinh khác nhau tùy theo địa bàn, bối cảnh cụ thể. Xuất phát từ nhu cầu thị trường, sẽ tự xuất hiện những nghề nghiệp khác nhau để cân bằng nhu cầu của đời sống xã hội. Để hỗ trợ, đảm bảo cho các nghề nghiệp và việc làm trong xã hội được hiệu quả, phương thức mưu sinh ra đời như những hệ quả tất yếu. Tùy theo nghề nghiệp mà phương thức mưu sinh cũng khác biệt: nghề đánh bắt thú rừng cần phương thức săn, bắt con thú; nghề làm nông nghiệp cần kỹ năng hái, lượm, gieo, trồng, cấy…
Công cụ, trình độ, kỹ năng mưu sinh là những yếu tố tác động trực tiếp đến hiệu quả mưu sinh của cộng đồng cư dân. Với mỗi ngành nghề khác nhau sẽ có những công cụ tương ứng, phù hợp để mang lại hiệu quả trong quá trình mưu sinh. Bên cạnh đó, trình độ và kỹ năng mưu sinh còn thể hiện trí tuệ của cộng đồng cư dân trong xã hội. Là sự lựa chọn công cụ, phương thức mưu sinh dựa vào nguồn vốn mưu sinh.
Không gian, thời gian, các yếu tố khác cũng tác động đến các hoạt động mưu sinh. Các chủ thể mưu sinh khi biết vận dụng yếu tố này vào hoạt động mưu sinh sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn như: thời gian nào thì trồng lúa, cấy lúa, gặt lúa với người mưu sinh trong nông nghiệp…
Biến đổi trong nghi lễ mưu sinh liên quan
Nghi lễ mưu sinh là từ chỉ chung cho nghi thức hành lễ, sinh hoạt trong hoạt động mưu sinh, nghề nghiệp của một cộng đồng cư dân. Tùy theo quy mô cộng đồng cư dân, ngành nghề mưu sinh và bối cảnh khác nhau, mà có những nghi lễ mưu sinh cộng đồng và gia đình khác nhau.
Nghi lễ mưu sinh cộng đồng là nghi thức có sự tham gia của một cộng đồng người vì niềm tin, tín ngưỡng chung của cộng đồng cư dân đó trong hoạt động nghề nghiệp, thương mại, mưu sinh. Tùy theo tôn giáo và tín ngưỡng của quốc gia hay vùng miền, ngành nghề và quan niệm của chủ thể mưu sinh mà các nghi lễ cộng đồng xuất hiện và có biểu hiện khác nhau.
Nghi lễ mưu sinh gia đình giới hạn trong không gian gia đình chủ thể mưu sinh. Tùy vào tập quán của từng vùng, gia đình và quan niệm về nghi lễ mưu sinh của chủ thể khác nhau mà đối tượng được thờ khác nhau. Nhưng tựu chung lại, những đối tượng được thờ trong gia đình thường là: tổ tiên, ông bà, bà cô, ông mãnh, thần tài... Mục đích vẫn là cầu mong những điều may mắn về sức khỏe, buôn may bán đắt, những điều tốt đẹp đến với các chủ thể mưu sinh trong hoạt động nghề nghiệp.
Biến đổi trong mối quan hệ giữa các chủ thể mưu sinh
Du lịch phát triển tạo ra cơ hội việc làm, cơ hội mưu sinh mới cho cộng đồng có di sản và sự biến đổi trong quan hệ giữa các chủ thể mưu sinh, các mối quan hệ tương hỗ cùng phát triển. Tùy theo vị trí và vai trò cụ thể của ngành nghề và mong muốn của chủ thể vào thời điểm mưu sinh xác định, mà chủ thể của nghề nghiệp này lại có thể là khách thể của nghề nghiệp mưu sinh khác. Một cá thể có thể là chủ thể hay khách thể của nhiều ngành nghề mưu sinh khác nhau. Các chủ thể và khách thể mưu sinh biến đổi ngành nghề lao động trong du lịch và duy trì các quan hệ:
Quan hệ mưu sinh hữu cơ cùng tồn tại: trong bối cảnh phát triển du lịch, các chủ thể mua bán sản phẩm, hàng hóa của nhau, gần như quan hệ trao đổi nhưng qua vật trung gian là tiền giao dịch.
Quan hệ hệ quả: chủ thể mưu sinh cần sự hỗ trợ từ những chủ thể khác để nhập nguồn vốn mưu sinh cụ thể của mặt hàng nào đó, có thể là vốn tự nhiên (ruộng, rau, đất, gia súc…), vốn xã hội (quan hệ xã hội, giao dịch)… sau đó vận dụng vốn con người (tri thức, kinh nghiệm…) hình thành lên quan hệ giữa các chủ thể mưu sinh và kênh mưu sinh của riêng mình.
Quan hệ cung cầu giữa các chủ thể: hai bên bình đẳng cùng có lợi, cùng hợp tác phát triển trong cung ứng sản phẩm du lịch.
2. So sánh văn hóa mưu sinh của cư dân xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội trước và sau khi phát triển du lịch
STT | Góc độ so sánh | Văn hóa mưu sinh của cộng đồng cư dân (trước năm 1990) | Sự biến đổi văn hóa mưu sinh của cộng đồng cư dân trong sự phát triển du lịch |
1 | Bối cảnh nghiên cứu | Cư dân làm nông nghiệp thuần túy, kết hợp với nghề nghiệp phụ như: chăn nuôi nhỏ lẻ gia súc, gia cầm, nấu rượu, trồng rau, thợ may, thợ thủ công... | - Xu hướng thoái trào các nghề truyền thống như trồng lúa nước, đi rừng săn thú, hái thuốc... - Xu hướng du lịch hóa văn hóa nông thôn nhất là vào thời vụ du lịch của địa phương. - Biến đổi lối sống, văn hóa, xã hội; thu hút đầu tư liên vùng và quốc tế về du lịch. - Những người nhạy bén đầu tư, nắm bắt nhanh các cơ hội phát triển sinh kế và chuyển đổi nghề nghiệp. - Sự tăng nhanh số dân nhập cư từ các vùng nông thôn, vùng ven đô. - Văn hóa truyền thống bị biến đổi, đan xen cả tính truyền thống và tính hiện đại. - Khai thác các giá trị văn hóa hiện đại và bảo tồn văn hóa truyền thống bằng phát triển du lịch. |
2 | Ngành mưu sinh | Nông nghiệp | Dịch vụ du lịch |
3 | Chủ thể mưu sinh | Chủ yếu là nông dân, thợ thủ công nhỏ lẻ, phu rừng, phu hồ, thợ đánh bắt cá, người chăn nuôi nhỏ lẻ và một bộ phận làm trong nhà nước bao cấp... | Người lao động dịch vụ, người kinh doanh lưu trú, ăn uống, các dịch vụ liên ngành như: điều hành tour, vận chuyển, hướng dẫn viên du lịch, người bán hàng rong, thợ chụp ảnh, xe ôm, người làm dịch vụ du lịch,... |
4 | Phương tiện mưu sinh | Dụng cụ lao động nông nghiệp truyền thống | - Xe máy, ô tô, taxi, đò, thuyền, xe ba gác, lán, trại, bàn ghế, bát đĩa... - Biển quảng cáo, tờ rơi dịch vụ, cờ hướng dẫn, bài thuyết minh hướng dẫn du lịch... - Dụng cụ lao động truyền thống làm nông nghiệp |
5 | Nghề nghiệp, công việc | Nông dân, công nhân, thợ thủ công, nghệ nhân, người đi rừng, thày thuốc, phu hồ,... | Nghề truyền thống và nghề dịch vụ đan xen tồn tại trong xã hội. Một số nghề mới hình thành như: nghề bán các sản vật du lịch và lưu niệm, bán cafe dạo trên bến, dưới thuyền, nghề trồng rau rừng, nghề nấu bánh kẹo, nghề bán vàng mã, nghề bán và sắp lễ cho du khách... |
6 | Trình độ lao động, kỹ năng mưu sinh | Chủ yếu do kế thừa từ thế hệ trước trong truyền thống gia đình và do chính nghệ nhân/chủ thể mưu sinh tự học, quan sát và thực hành từ nhỏ. | - Thay đổi và kết cấu phù hợp theo bối cảnh phát triển du lịch mới. - Linh hoạt và nhiều thay đổi sáng tạo theo xu thế, bối cảnh phát triển mới. - Nhiều “bí quyết nghề mới”’ trong dịch vụ du lịch được hình thành. - Có thể tồn tại xu thế bảo tồn kỹ năng nghề một cách cục bộ trong gia đình truyền thống hoặc trong vùng văn hóa. |
7 | Nghi lễ (tín ngưỡng) | - Chùa, đình: thờ thần, phật, anh hùng dân tộc. - Gia đình: thờ bác Hồ, ông bà tổ tiên. - Cửa hàng, nơi buôn bán: thờ vật linh, thiên thần | - Chùa, đình: thờ thần, phật, anh hùng dân tộc. - Gia đình: thờ bác Hồ, ông bà tổ tiên. - Cửa hàng, nơi mưu sinh: thờ thần tài gần cửa ra vào; thờ thiên thần, các vật thiêng (cây đa, cây gạo) |
8 | Không gian văn hóa | Giới hạn rõ ràng về đơn vị hành chính, địa lý | Biểu hiện tính liên vùng do tác động ảnh hưởng liên ngành của du lịch |
9 | Tính thời vụ | Ổn định và gần như cố định với hai vụ lúa nông nghiệp/năm/hộ hoặc thời vụ trồng trọt, chăn nuôi chi phối gia đình. | Gắn với thời vụ du lịch; chủ thể lao động và cung lao động tại khu du lịch tăng mạnh về số lao động nhập cư ngoại vùng trong một số nghề: chèo đò, phục vụ ăn uống, ngủ nghỉ... |
10 | Quan niệm kinh doanh | Trọng nông ức thương | Ưu tiên phát triển ngành nghề dịch vụ du lịch |
11 | Điểm nhấn thời kỳ văn hóa | Mưu sinh thụ động (chủ yếu dựa vào tự nhiên và vốn mưu sinh sẵn có) | Mưu sinh bán chủ động (không chỉ dựa vào tự nhiên và vốn mưu sinh sẵn có, mà còn chủ động tìm ra thời vụ mưu sinh chính - trồng rừng thay vì đi rừng, trồng rau sắng và nuôi thú rừng thay vì đi hái và săn bắt trong rừng... |
12 | Thu nhập | - Những người lao động nhỏ lẻ, thủ công: ngày thường vài chục ngàn; ngày hội 200 ngàn đồng - Những nhà hàng, nhà buôn bán lớn: ngày thường vài trăm ngàn; ngày xuân hội một vài triệu đồng | - Những người lao động nhỏ lẻ, thợ thủ công: ngày thường là 200 - 300 ngàn; ngày hội 500 - 700 ngàn - Những nhà hàng, nhà buôn bán lớn: ngày thường từ 1 đến 3 triệu; ngày xuân hội: 5 đến 7 hoặc hơn chục triệu
|
13 | Thành phần bữa ăn chủ trong gia đình | Cơm độn: ít cơm, sắn, củ mài, rau, thịt, cá có nguồn gốc từ tự nhiên | Cơm, rau, thịt, cá, hải sản có nguồn gốc tự nhiên ít, chủ yếu là do chăn nuôi |
14 | Giá trị văn hóa (Từ góc độ đánh giá của chính cộng đồng cư dân Hương Sơn) | - Thu nhập không đủ chi tiêu, đời sống đạm bạc và lạc hậu. Đời sống văn hóa tinh thần phát triển qua các phong trào sinh hoạt văn nghệ quần chúng - Không có các tệ nạn xã hội lớn | - Phần đông cư dân đảm bảo đời sống cơ bản. Xuất hiện những hộ gia đình có thu nhập cao - Một bộ phận cư dân nghèo chỉ tập trung vào dịp xuân hội để chèo đò và mưu sinh từ du lịch như một nguồn thu nhập chính, trong khi thu nhập từ nông nghiệp thất thường - Đời sống văn hóa tinh thần cộng đồng không bằng thời kỳ trước - Xuất hiện mặt trái từ những yếu tố văn hóa tiêu cực từ sự phát triển xã hội và sự phát triển của du lịch |
3. Các nguyên tắc bảo tồn văn hóa mưu sinh bền vững trong bối cảnh phát triển du lịch hiện nay
Để cư dân xã Hương Sơn mưu sinh bền vững trong bối cảnh phát triển du lịch cần có 7 nguyên tắc chính chỉ đạo phát triển, gồm: con người phải là trung tâm, hoạt động văn hóa mưu sinh bắt đầu bằng việc phân tích về hoạt động mưu sinh của người dân và làm thế nào họ thay đổi được theo thời gian. Bản thân người dân cần tích cực tham gia trong suốt dự án; mưu sinh cần toàn diện, mọi người cần chủ động áp dụng nhiều chiến lược để đảm bảo đời sống sinh kế, chủ động tổ chức hoặc lôi kéo nhiều đối tượng tham gia; mưu sinh bền vững cần chủ động, tìm hiểu bản chất sự năng động của đối tượng mưu sinh, những gì ảnh hưởng, tác động đến họ; xây dựng thế mạnh, mưu sinh bền vững xây dựng dựa trên thế mạnh, cơ hội nhận thức của người dân chứ không tập trung vào vấn đề và nhu cầu của họ. Nó hỗ trợ các chiến lược sinh kế hiện có; đẩy mạnh liên kết vĩ mô: mưu sinh bền vững xem xét ảnh hưởng của các chính sách, thể chế về lựa chọn sinh kế, các chính sách và đặc biệt ưu tiên người nghèo; khuyến khích quan hệ đối tác rộng, mưu sinh bền vững dựa trên nhiều quan hệ xã hội, trong các giai tầng và cơ chế xã hội khác nhau; mục tiêu phát triển bền vững, tính bền vững là quan trọng nếu giảm nghèo được lâu dài.
Cộng đồng cư dân xã Hương Sơn, Hà Nội chỉ thực sự phát triển bền vững khi nắm vững và tuân thủ các nguyên tắc bền vững về sinh kế; giải đáp được bài toán cân bằng các nguồn lực mưu sinh địa phương, thỏa đáng các lợi ích và trách nhiệm của các chủ thể mưu sinh tham gia. Nếu chỉ tập trung mưu sinh trong bối cảnh thuận lợi hiện tại, mô hình phát triển của họ tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn và rủi ro trong sự phát triển sinh kế và văn hóa truyền thống.
4. Xu hướng biến đổi văn hóa mưu sinh truyền thống
Trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, dựa thêm vào phương pháp phỏng vấn chuyên gia, tác giả nhận thấy biến đổi văn hóa mưu sinh trong phát triển du lịch hiện nay đang diễn ra theo 3 xu hướng:
Biến đổi thích ứng hoàn toàn (đổi nghề): trong quá trình chịu sự tác động của yếu tố bên ngoài, các thành tố văn hóa vận động và biến đổi hoàn toàn. Các chủ thể văn hóa mưu sinh chuyển đổi hẳn nghề nghiệp sang nghề làm du lịch để thích ứng nhanh với bối cảnh phát triển, dùng các nghề mưu sinh phục vụ khách du lịch để có thu nhập từ hoạt động này. Xu hướng biến đổi thích ứng hoàn toàn từ chủ thể văn hóa mưu sinh còn kéo theo sự biến đổi về các hoạt động mưu sinh, công cụ, kỹ năng, trình độ mưu sinh… tùy theo ngành nghề cụ thể sẽ có sự biến đổi khác nhau. Nhưng nhìn chung sự biến đổi thích ứng này thường theo chiều tiến lên do kế thừa thành tựu các thời kỳ trước, theo quy luật vận động và phát triển của lịch sử.
Xu hướng biến đổi bảo thủ: các thành tố văn hóa không thích ứng với điều kiện phát triển mới, khả năng hội nhập kém, do vậy nội hàm văn hóa truyền thống giữ nguyên, nhưng không phát triển mà dần mai một đi.
Xu hướng biến đổi đan xen: trước các yếu tố tác động từ bên ngoài chi phối, thành tố văn hóa gốc (truyền thống) linh hoạt và vận động biến đổi phù hợp với bối cảnh mới, từ đó giữ được những yếu tố truyền thống; đồng thời tiếp thu được những yếu tố tiên tiến, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của xã hội.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 - 2017
Tác giả : ĐỖ HẢI YẾN