Làng nghề truyền thống là nơi sản xuất ra các sản phẩm thủ công độc đáo, tinh xảo mang đậm bản sắc văn hóa của từng dân tộc, từng vùng miền. Làng nghề gốm truyền thống của người Chăm duy nhất ở Việt Nam cho ra đời những sản phẩm đất nung bằng các công cụ sản xuất thô sơ từ bàn tay tài hoa của những người phụ nữ dân tộc Chăm với những nét văn hóa dân gian độc đáo và đã được Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Bài viết phân tích sâu sát những đặc trưng của sản phẩm gốm để thấy thực trạng làng nghề hiện nay trước nguy cơ bị mai một, đồng thời đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật gốm truyền thống Chăm này.
Quang cảnh làm gốm tại làng Bàu Trúc, Ninh Thuận - Nguồn: Tác giả
Làng nghề truyền thống được hình thành từ rất lâu trong quá trình phát triển của xã hội loài người nói chung và từng dân tộc nói riêng. Mỗi làng nghề truyền thống đều có đặc trung cơ bản là tri thức, kỹ năng. Tri thức và kỹ năng liên quan đến các làng nghề truyền thống được truyền dạy cho con cháu qua kỹ năng thực hành, kinh nghiệm thực tế. Các nghệ nhân tạo ra những sản phẩm vừa mang tính hàng hóa, vừa mang tính nghệ thuật và bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Làng nghề truyền thống gốm của người Chăm là nơi lưu giữ, bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồng thời là điểm đến tham quan và mua sắm cho khách du lịch trong nước và quốc tế.
1. Những đặc trưng trong nghề gốm truyền thống của người Chăm ở Việt Nam
Đặc thù địa - văn hóa
Người Chăm là một trong 53 dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên mảnh đất Việt Nam, có nền văn hóa đặc sắc. Nghề làm gốm truyền thống của người Chăm có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Và gốm là vật dụng không thể thiếu trong sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm. Gốm của người Chăm là những sản phẩm gia dụng rất phong phú về kiểu dáng và chủng loại. Trong cuốn Văn hóa người Chăm của Phan Xuân Biên viết: “Phụ nữ Chăm trước sau vẫn quen với truyền thống từ lâu như làm nồi để đun nấu, vò bình để cất trữ, bát, bát bồng để đựng thức ăn, đồ uống và chum lớn để chôn cất người chết” (1); và đến nay nghề làm gốm truyền thống đó của người Chăm hiện ở Việt Nam vẫn còn hiện diện chủ yếu ở hai làng Hamu Crok (Bàu Trúc), tỉnh Ninh Thuận và Ligok (Trì Đức), tỉnh Bình Thuận.
Theo quy định tại Thông tư 04-2010 của Bộ VHTTDL, các di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia phải có đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Năm 2012, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã quyết định đưa nghề làm gốm của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày 20-6-2017, theo Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTTDL, nghệ thuật làm gốm của người Chăm làng Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày 29-11-2022, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Những giá trị đặc trưng của nghệ thuật gốm Chăm
Nghệ thuật gốm sứ là nghệ thuật sản xuất hàng hóa thủ công công mỹ nghệ từ đất, lửa và men. Sản phẩm bằng đất được tạo dáng (men hay không men) phải phơi cho khô rồi mới cho vào lò nung với nhiệt độ tương ứng với mức độ chịu lửa cốt đất. Các mối quan hệ cơ bản của nghệ thuật sản xuất gốm truyền thống dựa trên 4 phương châm “Nhất dáng, nhì da, tam men, tứ trí”.
Nhất dáng: là tạo nên vẻ đẹp của kiểu dáng sản phẩm dựa vào các yêu cầu công năng, tập quán sử dụng. Cách tạo dáng sản phẩm gốm của người Chăm bằng cách xoay tay theo một trục mà không sử dụng bàn xoay.
Nhì da: cốt đất, là đất được sử dụng để nhào nặn, tạo dáng sản phẩm. Đặc điểm cấu tạo địa chất của đất theo vùng miền nói lên sự kết dính, độ dẻo mịn, mức độ chịu lửa, độ bền, độ liên kết của chất đất, tạo nên màu sau khi nung chưa phủ men và tính chất bề mặt của sản phẩm: xốp, đanh cứng, chịu độ nén, độ bóng, mờ và mức độ rò rỉ nếu chứa nước…
Tam men: men là lớp bao phủ cho sản phẩm để tạo màu, để trang trí, tô vẽ lên hình vẽ hay hình khắc, để chống rò rỉ, tạo màu, làm đẹp cho sản phẩm. Sản phẩm gốm của người Chăm không phủ men và không cái nào giống cái nào đó mới là điều đặc biệt nhất - màu nâu mộc mạc của đất nung.
Tứ trí: trang trí cho sản phẩm, cách trang trí tùy thuộc vào sản phẩm từ kiểu dáng, mục đích sử dụng, bản sắc văn hóa, tính dân tộc. Sản phẩm được làm xong, phơi khô, được xếp chồng vào vị trí ở vùng đất trống rồi xếp củi, đổ trấu, phủ rơm thật cao, dày và tiến hành nổi lửa nung đốt - nung lộ thiên, nhiệt độ nung không cao.
Làng gốm Chăm là làng nghề duy nhất ở Việt Nam còn lưu giữ cách làm gốm cổ truyền. Nghề làm gốm thủ công của người Chăm gắn liền với vai trò của người phụ nữ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đôi bàn tay, đôi chân của người phụ nữ đi lấy đất sét, đi lấy cát, sàng lọc cát mịn, ngâm đất, nhào nặn đất sét bằng chân, bằng tay, với tỷ lệ cát và nước thích hợp bằng kinh nghiệm được trao truyền từ thế hệ lớn tuổi đến thế hệ nhỏ tuổi. Dụng cụ tạo hình sản phẩm gốm khá đơn giản: một chiếc bàn kê, một miếng vải thô nhỏ, vỏ sò, chiếc lược, que diêm… Qua bàn tay của phụ nữ - người thợ, các công cụ đó lại mang đến những họa tiết, đường nét, hoa văn thể hiện tính thẩm mỹ và mang tính sáng tạo nghệ thuật. Phương thức sản xuất này đến nay vẫn còn lưu truyền gần như nguyên vẹn. Nhiều phụ nữ Chăm vẫn ngày ngày gắn bó với đất, gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc.
2. Thực trạng làng nghề gốm truyền thống của người Chăm hiện nay
Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, nghề gốm truyền thống của dân tộc Chăm chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa và niềm tự hào với những sản phẩm gốm dân dụng đến những sản phẩm gốm mỹ nghệ mang phong cách độc đáo của dân tộc. Trong phạm vi nghiên cứu, bài viết sử dụng ma trận SWOT - một công cụ hữu dụng để phân tích những thuận lợi (advantages), khó khăn (disadvantages), cơ hội (opportunities) và thách thức (threats) của làng nghề truyền thống trong quá trình phát triển. Thông qua phân tích SWOT giúp nhìn rõ mục tiêu phát triển cũng như các yếu tố bên trong và bên ngoài có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến mục tiêu đề ra. Từ đây, các nhà quản lý cũng có thể đưa ra các nhóm giải pháp phù hợp để phát triển làng nghề truyền thống.
3. Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề gốm của người Chăm
Thứ nhất, xây dựng quy hoạch cho làng nghề sản xuất gốm Chăm
Tập trung quy hoạch làng nghề gốm của người Chăm trong từng tỉnh và cả nước theo hướng quy hoạch những hộ gia đình chỉ sản xuất sản phẩm phục vụ kinh doanh, những hộ gia đình sản xuất sản phẩm chỉ phục vụ du lịch và những hộ gia đình vừa sản xuất sản phẩm vừa phát triển du lịch. Xây dựng quy hoạch tổng thể cho phòng trưng bày sản phẩm, định hướng sản phẩm nghệ thuật, sản phẩm trang trí thích hợp cho quà tặng, trang trí khung cảnh trong nhà, ngoài sân vườn.
Thứ hai, quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất gốm Chăm
Nguyên liệu sản xuất của làng nghề gốm của người Chăm chủ yếu là khai thác đất, cát, rơm, trấu, củi… trong môi trường nông thôn. Chính vì vậy, với những nguyên liệu tự nhiên, địa phương cần có kế hoạch khai thác hợp lý, quy hoạch tổng thể để có kế hoạch cung cấp nguồn nguyên liệu một cách hợp lý và hiệu quả.
Thứ ba, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm gốm Chăm
Để giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm làng nghề gốm của người Chăm thì đầu tiên phải tìm cách hài hòa giữa truyền thống và sáng tạo, đa dạng hình dáng, mẫu mã, trọng lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm theo đúng thị hiếu, yêu cầu của thị trường. Vừa kế thừa những tri thức dân gian trong quy trình chế tác như, vẫn làm bằng tay nhưng chuyên nghiệp hơn; tạo ra những nét đặc trưng độc đáo, tinh xảo cho sản phẩm; tạo mẫu mã phong phú hơn; giá thành rẻ hơn… Có như vậy, sản phẩm của làng nghề gốm truyền thống của người Chăm mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề gốm của người Chăm là rất quan trọng để tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chính quyền và các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ đăng ký thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm và tạo điều kiện để các sản phẩm làng nghề có mặt ở những kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm mua sắm, các địa điểm du lịch. Đồng thời xây dựng các trang web, phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm mới, tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế.
Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực sản xuất gốm Chăm
Thực tế, nghề gốm của người Chăm được truyền lại qua cầm tay chỉ việc “mẹ truyền - con nối” theo lối truyền nghề trong các gia đình, hoặc tổ chức những lớp học ngắn ngày cho con em trong địa phương theo các chương trình của Trung ương và tỉnh. Việc truyền nghề trong từng cơ sở sản xuất với số lượng ít, chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Hơn nữa, mỗi nghệ nhân truyền nghề theo một kiểu nên không có sự thống nhất. Cùng với đó là việc không có sách vở nên nếu công việc không ổn định thì nguy cơ bị thất truyền nghề rất cao. Chính vì vậy, cần xây dựng được nguồn nhân lực đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, thu hút nhiều lao động trẻ, có tài năng gắn bó với nghề. Đồng thời, mở các lớp dạy nghề gốm của người Chăm để các nghệ nhân truyền nghề trong chương trình hỗ trợ bảo tồn văn hóa Chăm.
Thứ năm, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ để bảo vệ môi trường sinh thái trong quy trình sản xuất gốm Chăm
Để phát triển các làng nghề gốm truyền thống của người Chăm một cách bền vững cần phân bố lại các địa điểm nung gốm của người Chăm là rất cần thiết, quan trọng để giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường. Đối với những công đoạn ít gây ô nhiễm môi trường như sơ chế đất, nặn hình sản phẩm thì vẫn có thể sản xuất, kinh doanh ở từng hộ gia đình. Đối với một số công đoạn nung gốm thì nên di dời xa khỏi khu dân cư, hoặc hình thành các khu vực tập trung tách biệt với khu dân cư.
Thứ sáu, phát triển làng nghề gốm của người Chăm gắn với du lịch để bảo tồn và phát triển bền vững
Để làng nghề gốm của người Chăm có thể phát triển du lịch tốt cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ với các công việc cần làm như: quy hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sá, bến xe, cầu cống, các tuyến xe liên tỉnh, bến xe buýt, hệ thống nhà hàng, khách sạn lưu trú, các điểm du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng… Tạo thuận lợi về giao thông và các dịch vụ phục vụ khách du lịch khi đến địa phương.
Thứ bảy, xây dựng chính sách hỗ trợ về vốn và thông tin
Xây dựng chính sách hỗ trợ về vốn, để các cơ sở sản xuất mới có thể mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, các cơ sở sản xuất có tiềm năng phát triển nhưng thiếu vốn dễ tiếp cận nguồn vốn như có cơ chế cho vay ưu đãi, ưu đãi thuế… Bên cạnh việc hỗ trợ về vốn, mặt bằng sản xuất thì việc tạo điều kiện cho các làng nghề tiếp cận được các thông tin về công nghệ, khoa học - kỹ thuật, thị trường, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các làng nghề tham gia hội chợ, triển lãm, hội thảo… để xây dựng chiến lược xuất khẩu hàng hóa hiệu quả đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Kết luận
Xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống giữ một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nghề gốm thể hiện bản sắc dân tộc, ghi lại dấu ấn về một nền văn hóa văn minh mang dấu ấn lịch sử văn hóa của con người qua các thời đại. Nghề gốm của dân tộc Chăm từ chỗ không chỉ mang tính chất sử dụng đơn thuần như đồ đun nấu, dụng cụ sinh hoạt hằng ngày mà còn là những hiện vật ghi nhận cuộc sống, tư duy, tình cảm, năng khiếu, thẩm mỹ cũng như ghi nhận sự phát triển kỹ thuật sản xuất và phát triển của xã hội, phát triển công năng sử dụng như tượng gốm, phù điêu gốm, gốm trang trí trong nhà và ngoài vườn, gốm dùng cho việc thờ cúng…
Làng gốm truyền thống của Chăm là làng gốm duy nhất ở Việt Nam còn lưu giữ cách làm gốm cổ truyền. Người thợ, phụ nữ Chăm chỉ dùng bàn tay với những dụng cụ sản xuất thô sơ, đơn giản như nặn gốm không cần bàn xoay, nung gốm không cần lò kín, trong làng hầu như mọi gia đình đều tự làm gốm, tự nung, để cho ra đời những sản phẩm gốm đẹp độc đáo. Phương thức sản xuất này đến nay vẫn còn lưu truyền gần như nguyên vẹn. Nghề gốm của dân tộc Chăm lưu giữ những yếu tố lịch sử, sản phẩm dân gian của một làng nghề thủ công cổ truyền trong khu vực Đông Nam Á. Để gìn giữ truyền thống, bảo tồn và phát triển bền vững di sản văn hóa của Việt Nam, của nhân loại rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền, của nhà chuyên môn nghệ thuật, của nghệ nhân và của chính cộng đồng dân tộc Chăm.
_____________________
1. Phan Xuân Biên (chủ biên), Phan An, Phan Văn Dốp, Văn hóa Chăm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, tr.47.
Tài liệu tham khảo
1. Phan Văn Dốp, Phan Quốc Anh, Nguyễn Thị Thu (đồng chủ biên), Văn hóa phi vật thể người Chăm Ninh Thuận, Nxb Nông nghiệp, TP.HCM, 2014.
2. Inrasara, Các vấn đề văn hóa xã hội Chăm, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1999
TS VÕ THỊ MỸ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024