Phố cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới, điểm giao thoa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại. Trong diễn trình lịch sử, Hội An đã được kế thừa và phát triển sâu rộng trên nhiều phương diện văn hóa, nghệ thuật cũng như phát triển du lịch tại Việt Nam, trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Hậu được coi là một phần quan trọng của văn hóa Hội An.
Mẫu Thiên Hậu không chỉ là vị thần bảo hộ người đi biển mà còn là vị thần mang lại tài lộc, thịnh vượng và bảo vệ trẻ em. Theo đó, tín ngưỡng thờ cúng Mẫu Thiên Hậu được kết hợp và giao lưu với tín ngưỡng địa phương, tạo nên những điểm khác biệt độc đáo, đóng góp vào một bức tranh văn hóa phong phú và đa dạng của Hội An. Với ý nghĩa đó, bài viết thực hiện nghiên cứu trên cơ sở kết hợp tư liệu điền dã và nghiên cứu tài liệu nhằm góp phần tìm hiểu về di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Hậu tại Hội quán Phúc Kiến. Công trình Di sản Hội quán Phúc Kiến ở phố cổ Hội An đã được Bộ VHTTDL cấp bằng chứng nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 17-2-1990.
1. Khái quát lịch sử kiến trúc điện thờ Hội quán Phúc Kiến
Hội An tọa lạc tại hạ lưu sông Thu Bồn, là cửa ngõ phía Đông của tỉnh Quảng Nam, có vị trí chiến lược quan trọng. Với vị trí địa lý vô cùng thuận lợi phát triển văn hóa xã hội và nguồn tài nguyên môi trường du lịch phong phú, từ cuối TK XVI đến đầu TK XVII, Hội An đã trở thành một trong những địa điểm mà người Hoa chọn để định cư, kinh doanh và buôn bán. Khi di cư đến Hội An, người Hoa đã mang theo văn hóa Trung Hoa truyền thống kết hợp với văn hóa bản địa lâu đời của người Việt Nam tồn tại hàng trăm năm để tạo nên những nét độc đáo trên mảnh đất này.
Theo các nghiên cứu, Hội quán thờ Bà Thiên Hậu (Mẫu Thiên Hậu) tại miền Trung chủ yếu tập trung ở Hội An, bao gồm: Hội quán Quảng Triệu, Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Triều Châu, Hội quán Quỳnh Phủ, Hội quán Trung Hoa, trong đó có thể coi Hội quán Phúc Kiến là điển hình của tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Thiên Hậu tại đây.
Hội quán Phúc Kiến Hội An nằm tại số 46 đường Trần Phú, thuộc tuyến đường chính của phố cổ Hội An, hiện được rất nhiều du khách đến viếng thăm. Theo các tài liệu liên quan, “Hội quán Phúc Kiến khởi thủy là chùa Kim Sơn được xây dựng vào năm 1697, đến năm 1757, thương nhân Phúc Kiến đã mua lại ngôi chùa này và cải tạo thành miếu ngói” (1). Từ đó, nơi này trở thành Hội quán người Hoa, thờ Mẫu Thiên Hậu và các vị thần khác. Theo Bia ký về việc tu sửa và xây dựng lại cổng chính của hội quán, năm 1974, Hội quán Phúc Kiến đã được tu sửa nhiều lần: Lần đầu tiên vào năm 1792, được đổi tên thành Hội quán Mân Thương. Lần thứ hai vào năm 1849, khi Hội quán được mở rộng để thờ Vua Lục Họ (6 vị tướng quân của triều đại Minh ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc). Lần thứ ba (1895-1900), được đổi tên thành Hội quán Phúc Kiến. Lần thứ tư (1971-1974), cổng chính và cổng Tam quan được xây dựng và tu sửa. Lần cuối cùng tu sửa là vào năm 1993, hiện trên hoành phi thứ hai của đại điện còn lưu dòng chữ: Mùa thu năm 1993 - Hội quán Phúc Kiến được tu sửa lại (2).
Hội quán Phúc Kiến xây dựng theo hướng Nam, có diện tích 2.000m2. Từ đường Trần Phú đến đường Phan Chu Trinh, theo thứ tự gồm: cổng tam quan - sân trước - điện trước - điện chính - sân sau - điện sau. Cổng Tam quan chính là nơi có biển đề “Hội quán Phúc Kiến”. Bước vào bên trong, ngay lối vào thấy một hành lang là dãy chậu hoa và cây cảnh. Lên bậc thang là sân trước, nơi có hòn non bộ, đài phun nước, tượng sư tử đá và dãy tường được trang trí bằng các họa tiết truyền thống như: rồng, rùa, phượng hoàng, kỳ lân, cá… Điện trước của Hội quán Phúc Kiến được xây dựng khối kiến trúc uy nghiêm có màu sắc rực rỡ, mái lợp ngói lưu ly, có tượng rồng cuốn trên mái, cửa sổ điêu khắc tinh xảo và các nhân vật khảm sứ được chế tác tinh vi, sinh động. Tiếp tục đi vào là Điện chính - Thiên Hậu Cung. Điện chính trang nghiêm và cổ kính. Nơi đây luôn tỏa ngát trầm hương, ngoài ra còn có những vòng hương to, hình nón được treo từ trần nhà xuống. Trong Đại điện không chỉ thờ Mẫu Thiên Hậu mà còn có các vị thần khác như: Thiên Lý Nhãn, Thuận Phong Nhĩ, Vua Lục Họ, Vân Tiên, Quỳnh Hà, Kim Hoa Nương Nương. Ngoài ra, điện này còn thờ một mô hình thuyền buồm cổ dài hàng mét, nhằm tưởng nhớ tổ tiên đã vượt biển đến nơi này. Giữa chánh điện và hậu điện có một hồ nhỏ nuôi cá, đi qua sân là đến Hậu điện, nơi thờ Thần Tài, Thổ Địa, Tiên Hiền và mười hai Bà mụ. Ngoài ra, tại Hội quán còn có ban thờ những người đã quyên góp xây dựng Hội quán Phúc Kiến.
2. Thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Thiên Hậu tại Hội quán Phúc Kiến
Hội quán Phúc Kiến là nơi mọi người thực hiện việc “giao lưu tâm linh” với Thiên Hậu để hiện thực hóa mong muốn được bảo vệ suốt đời. Thường người ta cầu nguyện Mẫu Thiên Hậu ban cho sức khỏe, tài lộc và bình an cho gia đình. Khi ước nguyện thành hiện thực, họ sẽ dâng lễ vật để tỏ lòng biết ơn. Lễ vật dâng cúng tùy thuộc vào tâm ý và điều kiện của mỗi người. Người cúng y mũ, người cúng heo quay, một số khác cúng giỏ hoa quả... thậm chí cúng tiền mặt. Hội quán tọa lạc tại thành phố Hội An cũng là nơi nhiều người dân địa phương (phần lớn là phụ nữ) tìm tới cầu nguyện bình an, tài lộc. Người Việt gọi Thiên Hậu là “Mẹ” và trong lúc cầu nguyện cũng kính xưng Người là “Thánh Mẫu”. Để “giao lưu tâm linh” với Thánh Mẫu, người Việt cũng thực hành theo phong tục của người Hoa. Chẳng hạn: khi cần sự bảo vệ, họ cũng dâng lên Mẫu Thiên Hậu những vòng hương (hình nón, cao khoảng 1m) có đính kèm tờ giấy vàng ghi lời cầu nguyện xin Thánh Mẫu Thiên Hậu phù hộ (trên giấy có ghi tên tuổi địa chỉ người dâng hương. Vòng hương này sau khi đốt sẽ duy trì được khoảng ba tháng sau mới hạ xuống. Nếu ước nguyện thành sự thật, họ sẽ đến tạ lễ Thánh Mẫu để bày tỏ lòng biết ơn; nếu ước nguyện chưa thành họ sẽ lại tiếp tục cầu nguyện. Hiện nay, Hội quán có nhiều cửa hàng bán vòng hương của cả người Việt và người Hoa, treo từ cửa vào tiền điện cho đến chánh điện.
Qua khảo sát cho thấy lời cầu nguyện của người dâng hương (ghi trên giấy) rất đa dạng, qua đó hé lộ nhiều khía cạnh trong tâm tư nguyện vọng của người dân xã hội hiện đại. Ngoài ra, trên những chiếc vòng hương đầy ắp lời nguyện cầu còn thấy có cả lời cầu nguyện bằng tiếng Anh, tiếng Pháp… của bạn bè quốc tế. Điều đó cho thấy di tích lịch sử lâu đời này không chỉ có người dân nội địa viếng thăm và cầu nguyện mà còn thu hút sự quan tâm của cả du khách phương Tây.
Lễ kỷ niệm ngày đản sinh của Thánh Thiên Hậu là một trong những hoạt động tín ngưỡng quan trọng nhất, được tổ chức hằng năm vào ngày 23-3 (âm lịch), để tưởng nhớ và biết ơn công đức của Mẫu Thiên Hậu. Lễ hội Hội quán Phúc Kiến tại phố cổ Hội An tổ chức lễ đản sinh Thiên Hậu được chuẩn bị từ ngày 22, Ban quản lý và thành viên hội quán sẽ bao sái hội quán, bài trí bàn thờ với hoa, trái cây, bánh kẹo, chuẩn bị hương, nến và trang trí hội quán. Họ cũng chọn một số người tắm rửa tượng Thánh Mẫu với nước sạch, sau đó lau khô tượng bằng khăn và thay quần áo mới cùng các loại trang sức cho Thiên Hậu. Quần áo và trang sức này đều do tín đồ dâng cúng, không cần ban quản lý mua sắm. Sáng ngày 23, Ban tổ chức chuẩn bị các lễ vật truyền thống cần thiết như: heo quay nguyên con, mì xào Phúc Kiến, bánh bao Phúc Kiến, thịt kho và lễ tam sinh (thịt heo, cá, trứng gà sống). Cá cúng chủ yếu là cá biển, được hấp nguyên con đặt trên đĩa. Các vị thần khác được dâng cúng xôi, hoa quả, kẹo bánh. Phía trước hội quán, họ cũng bày bàn thờ dành cho cô hồn và thổ địa. Ngày 23 là ngày lễ chính thức, ban quản lý hội quán và một số thành viên sẽ đảm nhận các công việc cụ thể, lễ chính thường do bang trưởng đảm nhận. Lễ chính thức bắt đầu lúc 9 giờ sáng, con cháu trong bang hội và khách mời xếp hàng trước điện thờ Thánh Mẫu. Người tổ chức thường là nam giới lớn tuổi, họ mặc áo dài trắng thực hiện nghi lễ, bang trưởng cũng mặc áo dài Trung Quốc màu trắng. Lễ bắt đầu sau ba hồi trống, ba lần cúi chào và đốt hương, sau đó bang trưởng chỉnh trang lại quần áo, bước lên chủ trì lễ tế.
Lễ tế Thánh Mẫu cơ bản được thực hiện trình tự theo các bước sau: mọi người đứng nghiêm; chủ tế/ trưởng lễ vào vị trí; các phụ lễ vào vị trí; chuông trống vang lên; dâng hương; dâng rượu; dâng heo quay; ba lần cúi tạ Thiên Hậu; đọc văn tế; đốt vàng mã; ba lần cúi tạ Thiên Hậu; đốt pháo, lễ thành. Sau đó, đại diện và khách mời dâng hương, cuối cùng là con cháu trong bang hội và khách từ các hội khác dâng hương, cầu phúc. Sau lễ cầu nguyện, heo quay dùng để cúng sẽ được chặt thành từng miếng nhỏ, thoa một chút muối để dùng cho bữa tiệc mời bà con và khách.
Ngoài người Hoa, nhiều người Việt, phần lớn là phụ nữ, cũng tham gia lễ tế Thánh Thiên Hậu để cầu bình an, tài lộc. Sau lễ, họ tham dự tiệc chào đón và gặp gỡ bà con. Buổi chiều và tối của ngày lễ là các hoạt động văn hóa truyền thống như: tổ chức tiệc và họp mặt giữa các hội người Hoa và người Việt; tổ chức bán đấu giá đèn lồng và các vật phẩm khác để gây quỹ từ thiện; tổ chức rút thăm trúng thưởng; tổ chức các sự kiện văn hóa như thi hát, thi đấu múa lân... Những hoạt động này thu hút sự tham gia đông đảo của người Việt và người Hoa, tạo ra không khí náo nhiệt, thoải mái, lành mạnh, mở cửa, đoàn kết trong không gian linh thiêng của ngày lễ Thánh Thiên Hậu.
Xét về sự đối sánh với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam cho thấy, hình tượng Thiên Hậu có nhiều điểm tương đồng với vai trò, chức năng của các vị Thánh Mẫu trong tâm thức người Việt: cứu khổ cứu nạn, ban tài ban lộc, ban con cái, trừ tà chữa bệnh… Thánh Mẫu Thiên Hậu ở Trung Quốc lúc đầu có nguồn gốc là vị thần biển cả, phù trợ cứu khổ cứu nạn cho người dân đi biển, khi vào Việt Nam, tiếp thu yếu tố văn hóa bản địa mà được tăng quyền trở thành vị Thánh Mẫu đảm nhiệm thêm nhiều chức năng mới, đặc biệt là trong bối cảnh giao lưu hội nhập văn hóa. Sự giao lưu tiếp biến văn hóa tín ngưỡng Mẫu Thiên Hậu ở Việt Nam là kết quả của sự hội nhập và thích ứng văn hóa của tín ngưỡng Thánh Mẫu Thiên Hậu ở quê hương mới, mặt khác cho thấy có sự tương đồng về tâm thức thờ Mẫu nói chung trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam và Trung Quốc.
Ngày nay, tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Thiên Hậu đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Hội An nói chung. Tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Hậu, như một yếu tố văn hóa, thể hiện sự giao lưu và hòa nhập văn hóa Việt - Trung. Sự lan tỏa và hòa nhập tín ngưỡng Thánh Mẫu vào quá trình phát triển của Hội An đã góp phần tạo nên một hệ thống tín ngưỡng phong phú và đa dạng cho đời sống văn hóa của cư dân Hội An. Ngoài giá trị tinh thần, di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Thiên Hậu ở Hội An nói chung, Hội quán Phúc Kiến nói riêng còn là nguồn tài liệu quan trọng về lịch sử, xã hội và văn hóa nghệ thuật của phố cổ Hội An. Hiện nay, cùng với vị thế là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, Hội quán Phúc Kiến còn trở thành một điểm tham quan du lịch tâm linh tiêu biểu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của phố cổ Hội An.
_________________
1. Trương Khải, Nhân Thị Thanh Lý, 华文越风: 17-19 民间文献与会安华人社会) (Hoa Văn Việt Phong: tư liệu dân gian và xã hội người Hoa Hội An vào TK 17-19), Nxb Đại học Hà Môn, 2018, tr.147.
2. Trần Văn An, Di sản văn nghệ dân gian Hội An, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, 2015, tr.315.
Tài liệu tham khảo
1. Phan Thị Hoa Lý, Tín ngưỡng thờ Thiên Hậu ở Việt Nam, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2018.
2. Nguyễn Ngọc Thơ, Người Hoa, người Minh Hương với văn hóa Hội An, Nxb Văn hóa Văn nghệ, 2018.
3. Tống Quốc Hưng, Khảo sát Lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, 2004.
4. Hồ Ngân, Quảng Nam xưa và nay, Nxb Thanh niên, 2004.
ZHU SI (CHU TƯ)
Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024