Quy luật “rập khuôn biến dị” là một quy luật phổ biến trong quá trình hình thành và phát triển các tác phẩm văn hóa dân gian. Theo quy luật này, khi có nhu cầu hình thành một tác phẩm mới, các tác giả dân gian thường mượn nguyên mẫu sẵn có (rập khuôn) để tạo thành hình thức của tác phẩm, sau đó lồng nội dung mới vào (biến dị) để tạo ra tác phẩm mới. Trong bài viết này, chúng tôi vận dụng quy luật này để giải thích nguồn gốc ra đời và phát triển của các ngôi đình làng Việt Nam.
Khuôn viên Đình Chèm nhìn từ trên cao - Ảnh: bactuliem.hanoi.gov.vn
1. Đình làng - loại hình di tích lịch sử giá trị và độc đáo
Đình làng là một thiết chế mang tính hành chính, văn hóa đặc biệt của làng Việt. Đình là nơi thờ Thành hoàng, vị thần bảo trợ cho mỗi ngôi làng. Bên cạnh đó, đình còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân, vừa là trung tâm chính trị, vừa là trung tâm tâm linh và văn hóa của mỗi làng.
Thứ nhất, chức năng tâm linh. Đình là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của làng, nơi thờ cũng vị thần bảo trợ cho làng. Mỗi làng, thần Thành hoàng có nguồn gốc, thần tích khác nhau, nhưng họ đều có công giúp đỡ dân làng chống thiên tai, địch họa, bảo vệ mùa màng, đảm bảo cho dân có cuộc sống an lành. Ngoài ra, người dân có công lao đóng góp nhiều cho làng cũng được đưa ra đình làng để dân làng thờ cúng, gọi là các hậu thần. Một số vị tổ nghề hay còn gọi là tiên sư cũng được thờ cúng tại đình làng. Họ được thờ với hai tư cách: một là tư cách Thành hoàng làng - thờ ở chính điện, hai là tư cách hậu thần - thờ ở hậu điện. Vậy, nhân vật phụng thờ ở đình làng Việt là Thành hoàng làng, có nguồn gốc đa dạng, hỗn dung từ tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai cho đến anh hùng dân tộc, tổ nghề và người có công với làng.
Thứ hai, chức năng chính trị. Đình là trung tâm hành chính của làng quê cổ truyền. Tại đình, mỗi làng quê đều giải quyết mọi công việc mang tính hành chính sự vụ của làng mình. Từ hội họp, thu thuế, cử người đắp đê, đi lính, đến việc giải quyết các tranh chấp, khao làng... đều được thực hiện tại đình. Các vị chánh tổng, lý trưởng, phó lý, trương tuần, các quan viên của Hội đồng hương kỳ, kỳ mục có trách nhiệm giải quyết các công việc đó tại đình dựa vào các quy định trong hương ước. Với tư cách là trung tâm hành chính của làng, đình làng đã trở thành biểu tượng cho tính độc lập và tự trị của làng quê và là biểu tượng của sự cố kết cộng đồng trong lịch sử.
Thứ ba, chức năng văn hóa. Đây là nơi dân làng có thể tiến hành các hoạt động văn hóa, nghệ thuật như chèo, tuồng, quan họ, cải lương, múa rối... Nhưng chức năng văn hóa của đình biểu hiện tiêu biểu nhất chính ở hội đình. Hội đình tổ chức để tôn vinh, giao cảm với vị Thành hoàng làng nhằm cầu xin mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống an bình hạnh phúc. Hội làng cũng là dịp để dân làng nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Do đó, bên cạnh các nghi lễ trang trọng để thỏa mãn nhu cầu tâm linh thì hội làng cũng có nhiều hoạt động vui chơi giải trí, các cuộc thi tài khéo giỏi, các trò chơi thể lực, trí tuệ... Lễ hội nhìn chung là một hình thức sinh hoạt cộng đồng ấn tượng nhất và tiêu biểu nhất trong văn hóa làng.
Bên cạnh các chức năng chính, đình làng còn mang giá trị lịch sử, là cơ sở cho nhiều nghiên cứu về văn hóa dân tộc. Các thần tích, truyền thuyết về các vị Thành hoàng làng luôn chứa đựng những nét lịch sử chân thực của vùng đất ấy. Ngay cả kiến trúc, nghệ thuật trang trí ngôi đình cũng cho ta nhiều cứ liệu để nghiên cứu về lịch sử văn hóa dân tộc. Ví dụ, mái đình được thiết kế cong, vênh hai đầu như hình một con thuyền, trên có chạm khắc các hình rồng, cá chép, thủy quái cho thấy rõ nét đặc trưng của nền văn hóa mang “tính nước” rất rõ ràng. Yếu tố nước vô cùng quan trọng trong văn hóa Đông Nam Á nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Thời sơ sử đến cận sử, “thuyền” là phương tiện giao thông quan trọng nhất, gắn liền với đời sống của cư dân nông nghiệp và ngư nghiệp.
Ngoài ra, đình làng còn hàm chứa giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và nghệ thuật trang trí. Đình làng là một công trình kiến trúc gỗ hoặc một tổ hợp các công trình vô cùng giá trị hội tụ đủ các yếu tố: thực dụng, đẹp, độc đáo.
Yếu tố thực dụng: 1) Đình làng có chức năng là trung tâm hành chính, văn hóa của làng nên nó được xây dựng ở vị trí trung tâm của làng, là nơi nối các ngõ xóm với nhau. 2) Đình làng có chức năng tâm linh nên vị trí của đình phù hợp về phong thủy, đó là một nơi cao ráo, thoáng đãng, hướng Nam vừa mát về mùa hè, ấm về mùa đông, phía trước “tụ thủy”, nghĩa có sông, hồ, ao... nếu không có thì phải tạo ra chúng bằng cách đào giếng hay đào ao phía trước. 3) Để phù hợp với nền kinh tế tiểu nông, ngôi đình được xây dựng giản dị, quy mô vừa phải, dù là ngôi nhà đẹp nhất, khang trang nhất làng nhưng đình làng vẫn hài hòa với ngõ xóm. 4) Đáp ứng nhu cầu là trung tâm văn hóa của làng nên kiến trúc sân đình rộng, trồng nhiều cây xanh, đặc biệt, cây đa đã tạo thành biểu tượng của làng quê Việt Nam: “cây đa, bến nước, sân đình”. 5) Để phù hợp với khí hậu và những biến đổi của tự nhiên ngôi đình được thiết kế sao cho đảm bảo sự cân bằng ổn định. Kiến trúc đình làng Việt phát triển về chiều ngang hơn chiều cao, mái đình thường làm lớn, xòe rộng che phủ kín, phần mái chiếm đến 2/3 chiều cao công trình giúp ngôi đình có thể chống được các cơn gió bão mạnh.
Yếu tố thẩm mỹ: Vẻ đẹp của ngôi đình trước hết nằm ở cảnh quan nó tạo ra. Đó là một tổ hợp các công trình được bố cục rất hài hòa, tòa đại đình, kết hợp với nghi môn, tam môn, cột biểu, tả vu, hữu vu, hậu đình... tạo thành một tổ hợp chỉnh thể, thống nhất. Vẻ đẹp của ngôi đình thể hiện ở tính đăng đối, cân bằng. Các công trình trong tổ hợp đình được bố trí cân xứng với nhau qua một trục chính, tạo thành một chuỗi liên kết từ ngoài vào trong, từ cột biểu hay nghi môn đến hậu đình. Chính sự cân đối này đã tạo thành nhịp điệu, tác động lên thị giác, khiến người tham quan cảm nhận được vẻ đẹp của tổ hợp đình. Nó cũng cho ta cảm giác của sự cân bằng, bền vững, ổn định giúp ta cảm nhận được một sức sống trường tồn. Vẻ đẹp của ngôi đình còn thể hiện ở các hình chạm khắc vô cùng tinh xảo và đóng vai trò là yếu tố không thể thiếu của kiến trúc đình. Điêu khắc là một yếu tố tô điểm và làm nổi bật vẻ đẹp của kiến trúc gỗ đình làng. Nghệ thuật điêu khắc đình làng mang đậm tính dân gian, biểu hiện ở phong cách điêu khắc rất tự do, không bị ép vào quy chuẩn nào như điêu khắc cung đình hay tôn giáo; đề tài cũng phong phú; phần mái đình thường được trang trí bởi các bức chạm khắc hình rồng, thủy quái với nét chạm khắc mềm mại hoặc mạnh mẽ tùy theo cá tính của nghệ nhân hay thời đại. TK XVI các nét điêu khắc trong đình rất mạnh mẽ, có phần thô kệch nhưng hài hòa, tràn đầy sức sống. Thời này chủ đề thường là các nàng tiên cá, thiếu nữ cưỡi rồng, nam nhân cưỡi rồng, thiếu nữ có cánh như chim, cảnh uống rượu, chơi cờ, đấu vật... cho thấy một cuộc sống thôn quê của người nông dân chất phác bình dị nhưng vẫn không kém phần mơ mộng, lãng mạn. TK XVII, điêu khắc đình làng không lấy hình tượng tiên mà lấy hình tượng con người làm trọng tâm, nhân vật trong các tác phẩm điêu khắc đình làng dù là tiên nữ hay người đều có khuôn mặt phúc hậu, thân hình mập mạp, khỏe mạnh. Chủ đề thế tục như uống rượu, đánh cờ, chèo thuyền, đấu vật phong phú hơn, đặc biệt là chủ đề tình yêu đôi lứa xuất hiện, có những hình chạm khắc mang rõ tính phồn thực. Điều này cho thấy sức sống mạnh mẽ của văn hóa dân gian. Ngay từ TK XV, Nho giáo đã can thiệp cả vào đời sống tâm linh của làng quê như san định lại thần tích, sắc phong cho các thần và đặc biệt cấm thực hiện các nghi lễ của tín ngưỡng phồn thực. Nhưng, vào TK XVII, các hình chạm khắc lứa đôi xuất hiện ở các kiến trúc đình làng, cho thấy tính độc lập, tự trị của làng quê và sức sống trường tồn của văn hóa dân gian trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc. Các hình khắc khác như tứ linh, hoa dây, mây xoắn ốc cũng rất phổ biến. TK XVIII, điêu khắc đình làng càng gần gũi với cuộc sống hiện thực hơn.
Yếu tố độc đáo, tính độc đáo của ngôi đình thể hiện ở chỗ, tòa đại đình là một kiến trúc gỗ có nhiều bộ phận hết sức phức tạp, bao gồm các loại cột có chức năng khác nhau để tạo chiều cao của ngôi đình, một tập hợp các xà, dầm, con rường để kết nối các cột, tạo ra chiều rộng và dài của ngôi đình. Phần mái thường chiếm tới 2/3 chiều cao của ngôi đình, có chức năng bao phủ, bảo vệ các kết cấu bên trong cũng được tạo thành từ các hoành, rui, mè, ngói... Tất cả bộ phận ấy lại được kết cấu với nhau bằng một kỹ thuật độc đáo: mộng và các phần gờ lồi và lõm của các cấu kiện nên chúng rất linh hoạt, cơ động có thể tháo lắp dễ dàng. Các cột nâng đỡ đình chỉ được kê trên các tảng đá mà không phải chôn giữ dưới đất, trải qua năm tháng, ngôi đình vẫn không bị xiêu, đổ. Ngôi đình được thiết kế theo nguyên lý âm dương, một triết lý phổ biến nhất của văn hóa Việt Nam. Theo nguyên lý này, số gian của đình lớn nhỏ đều là số lẻ (số dương, con số của sự phát triển), số hàng cột có vì kèo luôn là số chẵn (số âm, con số của sự ổn định). Các bộ phận kết nối các cấu kiện cũng theo nguyên lý âm dương, với phần nổi lên (dương), khớp vừa khít với phần lõm vào (âm) để tạo nên sự kết nối bền vững. Các tác phẩm điêu khắc trang trí trong đình cũng được tạo ra từ các mảng đặc, rỗng, cao thấp, lớn nhỏ tương phản với nhau theo nguyên lý âm dương. Về không gian, ngôi đình nổi cao lên trong không gian tạo nên một yếu tố dương nên bắt buộc phải có một yếu tố trũng xuống phía trước để đảm bảo âm dương hài hòa, vì thế trước mặt đình thường là sông, ao, hồ... nếu thiên nhiên chưa có, khi xây đình con người sẽ tạo ra nó như giếng, ao, hồ nhân tạo.
2. Vận dụng quy luật “rập khuôn biến dị” để giải thích nguồn gốc của đình làng
Đình làng ra đời từ khi nào, nguồn gốc như thế nào, cho đến nay vẫn còn nhiều giả thuyết khác nhau. Căn cứ vào thư tịch cổ, GS Hà Văn Tấn khẳng định, đình trạm đã có từ thời Sơ sử. Từ “đình” đã có trong sử sách kể từ TK II. Thời nhà Đinh đã có đình trạm để nhà vua tuyên bố các chính sách, quyết định của triều đình. Thời nhà Trần, đình trạm là nơi nhà vua nghỉ chân khi đi vi hành và để các thông báo mang tính hành chính của triều đình (Đại Việt sử ký toàn thư). Như vậy, sử sách đã khẳng định vai trò hành chính, chính trị của ngôi đình có nguồn gốc xa xưa.
Nhân vật phụng thờ ở đình làng Việt là Thành hoàng làng. Vậy Thành Hoàng làng là ai? Vì sao được thờ ở đình? Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta thử giải mã hệ thống các thần linh được thờ trong đình với tư cách là Thành hoàng làng. Theo kết quả nghiên cứu của nhiều học giả cho thấy, các vị Thành hoàng bao gồm nhiều lớp thần linh khác nhau: thứ nhất, lớp cổ xưa nhất là các vị thần đá, thần cây, thần đất, thần nước, thần thú (rắn, hổ...). Đây là các vị thần nằm trong hệ thống tín ngưỡng dân gian bản địa có từ rất xa xưa, từ thời đồ đá; thứ hai, lớp thần linh vốn là các thần tự nhiên cần thiết cho một nền văn hóa nông nghiệp như thần đất, thần nước… Các vị này sau đó được nhân hóa bằng một thần tích ít nhiều mang tính thế tục, như thần núi (Sơn Tinh), thần nước (Thủy Tinh) và các vị tướng lĩnh của các ngài; thứ ba, lớp thần linh có nguồn gốc là con người, hay còn gọi là nhân thần, đó là các vị anh hùng dân tộc, người có công giúp dân đánh giặc, giúp dân làm ăn sinh sống như: tướng lĩnh của Hai Bà Trưng, Lý Bôn, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo các tổ nghề (trong Nam gọi là tiên sư); thứ tư, lớp thần linh vốn là người bình thường nhưng chết vào giờ thiêng nên cũng được tôn làm Thành hoàng làng. Các vị thần linh này cũng được thờ cúng tại những ngôi đền theo tín ngưỡng dân gian bản địa. Do đó, ngôi đình với đầy đủ chức năng tâm linh, chính trị, văn hóa mới xuất hiện vào cuối TK XV và phát triển vào TK XVI, XVII. Đây là thời kỳ Nho giáo thịnh hành. Khác với Phật giáo, Nho giáo yêu cầu một trật tự xã hội nghiêm ngặt, phân biệt rõ sang hèn, thay đổi xã hội Việt Nam vốn thuần phác, dân chủ của thời Lý Trần vốn ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo, sang một xã hội có trên có dưới nghiêm minh. Để tác động, quản lý làng xã trong xã hội Việt Nam cổ truyền, có tính độc lập và tự trị cao, triều đình nhà Lê - Mạc cần có một thiết chế phù hợp. Thiết chế ấy phải đảm bảo là trung tâm hành chính nơi tiếp nhận các chỉ thị của triều đình, vừa là trung tâm, tâm linh để linh thiêng hóa các hoạt động hành chính cho phù hợp với tâm thức của cư dân vốn coi “vạn vật đều có linh hồn”, “đất có thổ công, sông có hà bá”. Như vậy, Thành hoàng làng ra đời, tên gọi Thành hoàng mượn nguyên mẫu của Trung Quốc thông qua Nho giáo, vị thần trong coi một vùng đất (rập khuôn) để gán cho các thần linh bản địa nêu trên (biến dị). Tên gọi “đình” mượn nguyên mẫu của đình trạm sẵn có trước đó (rập khuôn) để chỉ một nơi thờ tự (biến dị). Như vậy, dưới tác động của quy luật “rập khuôn biến dị”, đình làng là nơi thờ Thành hoàng làng, vị thần chủ đạo, trông coi mọi việc, phù hộ cho làng, tại một nơi là trung tâm hành chính của triều đình đã ra đời.
Ví dụ, đình Chèm tọa lạc tại làng Chèm (tên chữ là Thụy Phương), nay thuộc phường Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đình Chèm thờ thánh Chèm Lý Ông Trọng và vợ là Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung (công chúa nhà Tần - Trung Quốc). Ông chính là Thành hoàng của làng Chèm. Theo truyền thuyết, thánh Chèm tên là Lý Thân, sinh ra thời Hùng Duệ Vương, lớn lên là một thanh niên tài giỏi văn võ song toàn, tính tình cương trực, tầm vóc cao lớn. Ông được Vua Hùng cử đi đánh giặc Ai Lao, Chiêm Thành và trấn giữ biên giới phía Bắc. Ông đã lập được công lao to lớn, dẹp tan quân giặc, được Vua trọng thưởng. Cuối đời Vua Duệ Vương, quân Tần từ phương Bắc sang xâm lược, Lý Thân đã phối hợp với Thục Phán lãnh đạo nhân dân Lạc Việt chống giặc. Sau hàng chục năm trường kỳ kháng chiến giặc phương Bắc đã phải thua rút về, Thục Phán lên ngôi vua lấy hiệu là An Dương Vương. Nhà Tần sau khi bị đánh thua, tên tuổi của vị tướng to lớn, dũng mãnh, mưu trí Lý Thân rất vang dội, vì thế khi bị giặc hung nô quấy phá, Vua Tần không chống cự được bèn cử sứ giả sang cầu cứu An Dương Vương. Lý Thân vâng mệnh Vua Thục Phán sang giúp nhà Tần để củng cố mối bang giao. Thấy ông văn hay võ giỏi kiệt xuất, Tần Thủy Hoàng phong ông làm tư lệnh Hiệu úy, cấp cho 10 vạn tinh binh và nhờ ông đi dẹp giặc Hung Nô. Lý Thân thắng trận rạng rỡ trở về được Vua Tần phong cho chức Phụ Tín Hầu và kén làm phò mã. Tuy Vua Tần cảm phục người tài, muốn giữ ông ở lại nước, nhưng ông đã từ bỏ vinh hoa phú quý, đem theo vợ con trở về quê hương. Về nước, ông được An Dương Vương phong tước Đại Vương. Sau khi ông mất, người dân lập đền thờ tưởng nhớ công lao của ông.
Như vậy, thánh Chèm vốn được thờ tại một ngôi đền, theo tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc. Về cơ bản, thánh Chèm đã được lập đền thờ cúng lâu năm theo tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc của nhân dân ta. Ngôi đền này theo truyền thuyết cũng có tuổi gần 2.000 năm. Sách Việt điện U linh và Ngọc phả của đền cho rằng, ngôi đền này xây từ TK VII. Nhưng đến cuối TK XV, đầu TK XVI, dưới ảnh hưởng của Nho giáo, khi nhu cầu có một vị thần bảo hộ làng xuất hiện thì ngôi đền được biến thành ngôi đình với chức năng bổ sung là trung tâm hành chính, bên cạnh chức năng tâm linh, văn hóa vốn có. Chính vì vậy mà tận TK XVI, nơi đấy mới được gọi là đình Chèm. Nay đình Chèm được coi là ngôi đình cổ nhất nước Nam, có lịch sử 2.000 năm. Do đó, đây chính là quá trình “đình hóa” các ngôi đền thờ anh hùng dân tộc và “Thành hoàng hóa” các vị thần bản địa theo quy luật “rập khuôn biến dị” mà chúng tôi đã trình bày trên đây. Đình được trùng tu, xây mới nhiều lần vào các năm 1631, 1773, 1792, 1885, 1902, 1913. Nhiều công trình đã bị xuống cấp, trong đó cổng tam quan, nhà tổ được xây dựng mới và ngày nay vẫn là một di tích lịch sử chứa đựng nhiều giá trị quan trọng, được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2018.
Ngôi đình cũng phát triển theo quy luật “rập khuôn biến dị” trong suốt quá trình lịch sử. Minh chứng này ta có thể thấy các ngôi đình làng đã theo chân chúa Nguyễn vào Nam. Nhiều ngôi làng ở miền Nam hiện nay vẫn có đình làng. Yếu tố đình thờ thần bản địa đã được mượn nguyên mẫu của ngôi đình miền Bắc (rập khuôn), tuy nhiên, tại các làng mới ấy chưa có lịch sử nên không xuất hiện các vị thần anh hùng dân tộc, nhiều làng chỉ đơn giản thờ vị Thành hoàng bản cảnh, về bản chất là một vị thần địa phương (biến dị).
Vận dụng quy luật “rập khuôn biến dị” trong nghiên cứu đình làng nói riêng và nghiên cứu văn hóa dân gian nói chung cho chúng ta thấy quá trình vận động và phát triển của văn hóa dân tộc. Văn hóa Việt không phải chỉ “tĩnh” mà luôn “động”, luôn vận động và phát triển cho phù hợp với thời đại. Nghiên cứu đình làng Việt cho chúng ta biết đình làng là một hình ảnh gắn bó máu thịt với làng quê Việt, là hồn quê Việt. Qua đình làng chúng ta thấy đời sống văn hóa, sinh hoạt xã hội và cả hoạt động chính trị của người Việt trong những thời kỳ lịch sử nhất định.
_____________
Tài liệu tham khảo
1. Hà Văn Tấn, Đình Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.
2. Nguyễn Văn Cương, Đặc trưng nghệ thuật kiến trúc đình làng đồng bằng Bắc Bộ, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 303, 2009.
3. Nguyễn Học, Chèm - Ngôi đình độc đáo nhất kinh thành Thăng Long, vovworld.vn, 2-7-2018.
TS TRẦN THỊ DIỆU THÚY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024