Bảo tồn bền vững di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm ở Nghệ An

1. Phát triển và bảo tồn bền vững di sản văn hóa là nhu cầu thiết yếu của tỉnh Nghệ An

Phát triển bền vững là chiến lược phát triển hướng tới việc cùng một lúc/đồng thời giải quyết cân đối và hài hòa tất cả mọi mặt đời sống xã hội hiện tại, mà vẫn đảm bảo sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa. Phát triển bền vững được hiểu là phương thức dung hòa giữa 4 trụ cột quan trọng của phát triển là: kinh tế - xã hội - văn hóa - môi trường. Văn hóa/di sản văn hóa (DSVH) cần được nhận thức là một thành tố quan trọng cho phát triển bền vững.

Muốn phát triển văn hóa, tất yếu phải thực hiện mục tiêu bảo tồn bền vững DSVH. Có thể hiểu một cách tổng quát, bảo tồn bền vững DSVH là việc thiết lập một cơ chế quản lý phù hợp nhất, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc duy trì lâu dài sự đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa ở địa phương, của quốc gia và trên phạm vi toàn nhân loại. Bảo tồn bền vững là tạo lập những cơ chế quản lý có hiệu quả làm cho các yếu tố nguyên gốc cấu thành giá trị DSVH thấm sâu vào nhiều lĩnh vực hoạt động sáng tạo của con người: văn hóa sản xuất, văn hóa quản lý, văn hóa lối sống, giao tiếp, sinh hoạt gia đình - xã hội, văn hóa trong giao lưu và hợp tác quốc tế.

Bảo tồn bền vững DSVH phải góp phần thực hiện có kết quả mục tiêu: xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng vững chắc của xã hội; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện (1). Từ đó suy ra, văn hóa nói chung và DSVH nói riêng là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước và chế độ XHCN.

Hoạt động bảo tồn DSVH phải phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, trong đó yêu cầu phát triển du lịch có trách nhiệm. Luật DSVH đã xác định rõ nội hàm khái niệm tôn tạo di tích là “hoạt động nhằm tăng cường khả năng sử dụng, khai thác và phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích” (2). Như vậy, tôn tạo di tích có mục tiêu tự thân là mở rộng khả năng tiếp cận và hưởng thụ giá trị DSVH cho đông đảo công chúng trong toàn xã hội. Đó là một trong những điều kiện cần thiết cho việc phát triển du lịch - một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Thực tế bảo tồn DSVH gắn với phát triển du lịch đã khẳng định: DSVH đã và đang tạo ra sức hấp dẫn to lớn cho các điểm đến du lịch. Vì thế, chúng ta phải thừa nhận, DSVH là động lực thôi thúc các chuyến đi của du khách, qua đó trở thành tài nguyên và nguồn lực chiến lược cho phát triển du lịch.

DSVH là tài nguyên, nguồn lực chiến lược cho phát triển du lịch, tuy nhiên, tự thân DSVH chưa đủ điều kiện trở thành sản phẩm du lịch - điểm đến hấp dẫn, DSVH cần sự hợp tác, hỗ trợ của ngành du lịch để cùng sáng tạo ra các loại hình dịch vụ phù hợp cấu thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Và phải coi sự hợp tác liên ngành là tiền đề quan trọng tạo nên giá trị gia tăng cho một sản phẩm du lịch văn hóa với tư cách là loại hàng hóa đặc thù, đồng thời thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu du lịch ở địa phương.

Ngành DSVH cần khai thác thế mạnh của ngành du lịch với tư cách là một trong những phương thức chủ động và tích cực để đạt được yêu cầu bảo tồn bền vững DSVH. Mặt khác, cơ quan quản lý DSVH ở địa phương cần hết sức chú ý hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong việc giám sát, ngăn chặn những tác động tiêu cực của du lịch tới bảo tồn nguyên trạng di sản.

Xét về mặt bản chất, du lịch có trách nhiệm cũng chứa đựng những đặc trưng cơ bản và các mục tiêu của phát triển bền vững. Đó là loại hình du lịch có khả năng “giúp tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tính toàn vẹn môi trường, tạo sự công bằng xã hội, tăng cường lao động, phát huy giá trị và tôn trọng văn hóa địa phương, tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng, hàm lượng văn hóa và giá trị đạo đức cùng giá trị trải nghiệm cao” (3) thỏa mãn được nhu cầu đa dạng du khách trong và ngoài nước.

Với những thế mạnh nêu trên, du lịch có trách nhiệm được coi là chìa khóa để xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường. Du lịch có trách nhiệm là hoạt động có tính ứng dụng cao, có khả năng điều chỉnh hành vi và xác định trách nhiệm cụ thể của các bên có liên quan: cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, nhà nghiên cứu, cộng đồng cư dân địa phương và du khách… có thái độ thực sự tôn trọng đối với môi trường tự nhiên và xã hội cũng như DSVH. Vấn đề đặt ra là phải tạo lập hệ thống cơ chế chính sách tương đối toàn diện cho việc phối hợp liên ngành trong hoạt động bảo tồn bền vững DSVH gắn với du lịch có trách nhiệm, để đạt được những mục tiêu đặt ra: tạo và duy trì việc làm, thu nhập và phát triển của địa phương; bảo đảm các hoạt động được phép triển khai tại các di sản được giám sát nghiêm ngặt cho phù hợp với điều kiện lịch sử và tự nhiên trong khu vực di sản; tạo cơ hội cho công tác nghiên cứu mang lại lợi ích xã hội; giáo dục du khách và cộng đồng cư dân địa phương nhằm nâng cao sự tôn trọng giá trị DSVH cũng như khuyến khích sự quan tâm đến môi trường sinh thái - nhân văn; tạo dựng hạ tầng cơ sở đảm bảo an toàn cho du khách, bảo vệ môi trường tự nhiên của khu di sản hoặc khôi phục và bảo vệ các loài đang bị đe dọa (4).

DSVH là đối tượng cần được bảo tồn của ngành văn hóa, nhưng lại là đối tượng khai thác cho ngành du lịch. Hơn nữa cả hai ngành đều có mục tiêu chung là bảo tồn, phát huy giá trị và khai thác DSVH phục vụ cho lợi ích cộng đồng xã hội, cũng như đáp ứng nhu cầu lành mạnh của du khách trong và ngoài nước. Do đó, việc bảo tồn bền vững DSVH gắn phát triển du lịch có trách nhiệm phải trở thành yêu cầu và nhiệm vụ của tất cả các ban ngành, tổ chức xã hội ở tỉnh Nghệ An.

 2. Bảo tồn bền vững các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch có trách nhiệm ở Nghệ An

Đa dạng và đặc sắc là nét văn hóa nổi trội của Nghệ An

Nghệ An là tỉnh lớn nhất của cả nước với diện tích 16.487km2, thuộc vùng Bắc Trung Bộ xét theo một hệ thống phân vùng: địa lý tự nhiên, kinh tế, xã hội và vùng du lịch. Nghệ An hội tụ đầy đủ các loại địa hình đặc trưng: núi cao, trung du, đồng bằng và ven biển, được kết nối với nhau bởi dòng sông Lam nổi tiếng. Nơi đây thuộc vùng đất có con người cư trú từ rất sớm và góp phần tạo dựng nên văn hóa, văn minh Việt Nam với 2 nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng: văn hóa Quỳnh Văn thời kỳ đồ đá và văn hóa Đông Sơn ở Làng Vạc (nơi đã phát hiện được 347 ngôi mộ táng). Từ lâu, Nghệ An được các nhà sử học thừa nhận là vùng đất phên giậu canh giữ, bảo vệ chủ quyên quốc gia phía Nam của Đại Việt, đồng thời còn là hậu cứ - nơi dự trữ binh lương cho đất nước qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Bên cạnh đó, nơi đây còn là vùng “địa linh, nhân kiệt”, đã sản sinh ra nhiều danh nhân, nhà khoa bảng, khoa học, nhà văn nổi tiếng như: Mai Hắc Đế, thi sĩ Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu… Đặc biệt, Nghệ An tự hào là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Là một tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, quy tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc, điển hình nhất phải kể đến ngôn ngữ và giọng điệu riêng rất đặc trưng của xứ Nghệ, đây cũng là xứ sở văn hóa truyền thống dân gian đặc sắc với các làn điệu dân ca ví dặm (hát phường vải, hát đò đưa,…), những món ăn ngon được vinh danh là đặc sản quê hương (cháo lươn, cơm lam, nhút Thanh Chương,…), các danh lam thắng cảnh và các di tích lịch sử, văn hóa góp phần tạo nên kho tàng văn hóa đa dạng và phong phú của Nghệ An.

Đặc trưng văn hóa truyền thống, sự phong phú trong kho tàng DSVH của Nghệ An hiện đang tiềm ẩn dưới dạng tài nguyên và tiềm năng, cho nên rất cần có sự hợp tác liên ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn bền vững DSVH gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm góp phần làm cho kinh tế, xã hội của Nghệ An phát triển trong tương lai.

Cần có cách tiếp cận mới mang tính sáng tạo biến DSVH từ dạng tiềm năng và tài nguyên thành những sản phẩm, điểm đến du lịch có sự khác biệt và hấp dẫn

Không phải tất cả các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và các DSVH phi vật thể dù đặc sắc đến đâu đều có thể trở thành sản phẩm du lịch bán cho du khách. DSVH chỉ trở thành sản phẩm và điểm đến du lịch có sức hút nếu được bổ sung những loại hình dịch vụ du lịch đặc sắc có hàm lượng trí tuệ và văn hóa cao do ngành du lịch sáng tạo ra. Do đó, cần nhìn nhận việc đầu tư cho hoạt động bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa là hình thức đầu tư nhằm duy trì và phát huy tài nguyên du lịch - cơ sở cho việc hình thành các sản phẩm du lịch trong tương lai gần. Đó là cách nhìn kinh tế học di sản để khắc phục quan điểm sai lầm: ngành DSVH là đơn vị sự nghiệp chỉ tiêu tốn ngân sách mà không có khả năng đưa lại lợi nhuận kinh tế. Nhưng thực tế cho thấy, lợi ích kinh tế do các hoạt động bảo tồn DSVH đã được ẩn trong lợi nhuận kinh tế, trong ngân sách mà ngành du lịch đóng góp GDP của đất nước.

Do khả năng đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực di sản cũng như du lịch còn hạn chế, chúng ta cần xác định và lựa chọn những hoạt động, dự án ưu tiên mang tính đột phá, thí điểm, không nên vội vàng, dàn trải quá rộng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nhà hoạch định chính sách và quy hoạch bảo tồn DSVH gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm đang hướng tới việc sáng tạo ra những “không gian văn hóa” có chất lượng cao cho các trải nghiệm du lịch.

Để khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, đưa du lịch phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 với:

Những định hướng phát triển du lịch: phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm du lịch của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ; phát triển theo trục quốc lộ 1A gắn với tài nguyên du lịch biển; phát triển dọc theo quốc lộ 15A, đường Hồ Chí Minh, chủ yếu khai thác tài nguyên du lịch khu di tích Kim Liên và các huyện miền Tây Nghệ An; phát triển du lịch theo hướng Tây dọc quốc lộ 7, gắn với phát triển kinh tế, xã hội miền Tây Nghệ An và các nước trong khu vực như Lào - Thái Lan; phát triển du lịch về phía Tây Bắc dọc theo tỉnh lộ 48.

Phát triển các khu du lịch: khu du lịch quốc gồm khu du lịch Kim Liên, khu du lịch Con Cuông và phụ cận; khu du lịch địa phương gồm: khu du lịch Nghi Lộc và phụ cận, khu du lịch Quỳnh Lưu và phụ cận, khu du lịch Quỳ Châu và phụ cận, khu du lịch Đô Lương và phụ cận.

Phân vùng hiện trạng bảo tồn di tích: vùng I gồm 2 huyện Nam Đàn và Thanh Chương; vùng II gồm: thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và 2 huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên; vùng III gồm 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương; vùng IV gồm huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai; vùng V gồm 3 huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa; vùng VI gồm 3 huyện Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp; vùng VII gồm 3 huyện Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn (5).

Từ những định hướng của quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tỉnh Nghệ An nên tập trung vào một số dự án ưu tiên mang tính ứng dụng để rút ra những bài học kinh nghiệm:

Về mặt tự nhiên, nên lấy hệ sinh thái - nhân văn đôi bờ sông Lam, khu dự trữ sinh quyển thế giới, đặc biệt là rừng quốc gia Pù Mát ở một số huyện miền núi phía Tây Nghệ An làm trọng điểm.

Về văn hóa biển, có thể lựa chọn khu du lịch Cửa Lò là mục tiêu ưu tiên.

Về lịch sử, nên chọn Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, rộng hơn nữa là huyện Nam Đàn với tư cách là huyện điểm về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.

Thành phố Vinh với tư cách là trung tâm du lịch của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ, nhất thiết phải tạo lập và duy trì 5 không gian văn hóa du lịch tiêu biểu: Quảng trường Hồ Chí Minh, Bảo tàng Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Bảo tàng tỉnh Nghệ An, Bảo tàng Quân Khu IV và Trung tâm văn hóa Ví Dặm. Nên coi đây là điểm đến, những không gian trải nghiệm và kết nối du lịch của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ.

Tóm lại, dù phát triển theo hướng nào chúng ta cũng phải coi môi trường tự nhiên - DSVH và con người Nghệ An như những hạt nhân trung tâm để từ đó tạo lập sự cân bằng động trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, con người với xã hội và giữa con người với nhau. Đây là phương thức hữu hiệu nhất bảo đảm điều kiện cho việc bảo tồn bền vững DSVH gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm ở Nghệ An.

______________

1. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng T.Ư Đảng, Hà Nội, 2016, tr.28-29.

2. Thông tư số 18/2012/TT-BVHTT, DL, quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, Khoản 4 Điều II.

3. Thúy Hằng - Phạm Phương, Du lịch có trách nhiệm, vietnamtourism.gov.vn, ngày 4-3-2013.

4. Arthur Pedersen, Quản lý du lịch tại các khu di sản thế giới, Tài liệu hướng dẫn thực tiễn cho các nhà quản lý khu di sản thế giới, Trung tâm di sản Thế giới của UNESCO xuất bản năm 2002. 

5. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2020, Phê duyệt theo quyết định số 273/QĐ-UBND-VX ngày 12 - 6 - 2009.

 

Tác giả: Đặng Văn Bài

Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11 - 2019

 

;