BẢO QUẢN DI SẢN VĂN HÓA THÀNH VĂN TRONG THƯ VIỆN Ở MỘT SỐ NƯỚC

Thư viện được xem là một thiết chế văn hóa, giáo dục, thông tin khoa học, đảm bảo việc tổ chức sử dụng tài liệu trong xã hội một cách hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả. Một trong những yếu tố cấu thành thư viện là tài liệu với nhiều loại hình phong phú như sách, báo, tạp chí, vi phim, vi phiếu, băng từ, đĩa hình... Nguồn tài liệu này là tài sản quý giá thể hiện tiềm lực, sức mạnh, niềm tự hào của thư viện. Bảo quản tài liệu được đề cập vào đầu TK XX nhưng lĩnh vực này thật sự được các thư viện, nhà nghiên cứu quan tâm nghiên cứu, thí nghiệm, trao đổi học thuật từ năm 1933. Bài viết này giới thiệu những kinh nghiệm về bảo quản tài liệu trong thư viện ở các nước, là cơ sở cho việc học tập, thúc đẩy công tác bảo quản trong thư viện nước nhà ngày một phát triển bền vững hơn.

Các trung tâm, bộ phận bảo quản tài liệu trong thư viện

Ở châu Mỹ, Thư viện Quốc hội năm 1967 đã hợp nhất các hoạt động bảo quản bằng cách thành lập phòng bảo quản trên cơ sở các bộ phận, nhóm thực hiện chương trình bảo quản trước đó. Các tổ chức như Hiệp hội Thư viện Mỹ, Viện bảo tồn Mỹ cũng quan tâm đầu tư, nghiên cứu về bảo quản tài liệu trong thư viện. Canada cũng đã thành lập Trung tâm bảo quản Canada, Viện bảo tồn Canada, Viện nghiên cứu Thư viện Canada (1)...

Ở châu Âu, năm 1984, Cơ quan bảo quản Quốc gia Anh được thành lập với sự tài trợ kinh phí từ Thư viện Quốc gia Anh nhưng lại hoạt động độc lập dưới sự chỉ đạo của Ủy ban tư vấn về bảo quản quốc gia. Cơ quan này điều hành các chương trình, dự án bảo quản trong thư viện như dự án vi phim Mellon (một chương trình vi phim hợp tác giữa các thư viện của Anh Quốc), tổ chức hội thảo và đào tạo về bảo quản (2)… Thư viện Quốc gia Pháp ngoài trung tâm bảo quản tài liệu còn có phòng thí nghiệm về bảo quản như nghiên cứu vi sinh học, xác định các loài vật gây hại cho tài liệu, đánh giá việc khử trùng tài liệu bằng hóa chất, mức độ ảnh hưởng đến tài liệu sau xử lý, phân tích các thành phần cấu trúc của tài liệu, quá trình phân hủy tài liệu bằng các phương pháp chụp bức xạ hồng ngoại IR, huỳnh quang UV, nhiễu xạ tia X, thử nghiệm lão hóa nhanh của tài liệu bằng cách sử dụng nhiệt ẩm, ánh sáng… Những nghiên cứu thử nghiệm này là cơ sở cho việc bảo quản, phục chế tài liệu trong thư viện được kịp thời, hiệu quả nhất.

Ở châu Á, hoạt động bảo quản được đầu tư phát triển mạnh ở thư viện các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… Thư viện ở các quốc gia này đã có những chính sách đặc biệt ưu tiên những tài liệu cổ quý hiếm, có giá trị lịch sử. Các thư viện này đều có các trung tâm bảo quản tài liệu. Riêng Thư viện Quốc hội Nhật Bản không chỉ là trung tâm bảo quản trong nước mà còn có tầm cỡ trong khu vực về hoạt động bảo quản tài liệu. Thư viện Quốc hội Nhật Bản là trọng điểm của chương trình PAC (chương trình Bảo tồn, bảo quản) do IFLA (Hiệp hội Thư viện Quốc tế) với nhiều hoạt động như dịch tài liệu bảo quản sang tiếng Nhật, tổ chức các hội thảo, tập huấn cán bộ thư viện trong nước, các thư viện trong khu vực châu Á.

Các trung tâm, bộ phận bảo quản tài liệu trong thư viện ở các nước được thành lập không chỉ bảo quản nguồn tài liệu quý giá của thư viện mà có cùng mục tiêu là nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác về bảo quản tài liệu với các nước trên thế giới.

Kỹ thuật bảo quản

Trong bảo quản, sửa chữa, phục chế tài liệu, các thư viện đã ứng dụng các phương pháp hiện đại cùng nhiều trang thiết bị như ở Thư viện Quốc hội Mỹ đã xử lý tài liệu bị ướt bằng các phương pháp như làm khô bằng không khí, làm lạnh chân không. Các phương pháp này có thể xử lý tài liệu với số lượng lớn do sử dụng các trang thiết bị hiện đại (3). Ở châu Âu, Thư viện Quốc gia Pháp xử lý được tài liệu bị nhiễm axit với số lượng lớn. Đồng thời thư viện này cũng có kỹ thuật sửa chữa tài liệu bằng các phương pháp làm phẳng, tôn nền, bồi vá tài liệu… Các tài liệu được làm phẳng như báo tạp chí, sách bị cong góc theo thời gian hoặc bị gấp góc quá lâu, các bảo đồ khổ lớn bị cuộn tròn trong hộp lưu trữ… Để làm phẳng đối với những tài liệu này, Thư viện Quốc gia Pháp thực hiện làm ẩm tài liệu nhưng đảm bảo quá trình làm ẩm không gây hư hỏng, suy yếu thêm cho tài liệu. Ngoài ra, họ cũng tiến hành bồi nền tài liệu bằng hồ nhiệt với vật liệu trong suốt ABF cũng như vá các lỗ hổng trên tài liệu bằng máy bồi (4). Ở châu Á, hoạt động bảo quản được đầu tư phát triển mạnh ở thư viện các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… Ở Nhật Bản, trong phục chế, Thư viện Quốc hội Nhật Bản đã sử dụng giấy Washi (giấy truyền thống Nhật Bản) khi sửa chữa thay thế những trang tài liệu quý hiếm bị suy yếu nặng. Tại các thư viện Trung Quốc, từ năm 1980 đã áp dụng các biện pháp bảo quản hiện đại khác như phương pháp làm lạnh (âm 400C) hoặc viba (sóng cực ngắn) để diệt mối mọt. Riêng Thư viện Nanjiang đã áp dụng phương pháp tầng chân không bằng cách đặt sách vào túi plastic, niêm phong (bịt kín chân không), kế đó đặt túi plastic vào hộp gỗ camphor để bảo quản an toàn cho sách. Bên cạnh đó, các thư viện cấp tỉnh đặc biệt là các thư viện mới được xây dựng đều được thiết kế hệ thống điều khiển nhiệt độ, không khí chẳng hạn như ở Shanghai, Nanjiang, Zhejiang (5). Tuy nhiên, ngoài việc áp dụng các kỹ thuật hiện đại trong bảo quản, Trung Quốc không ngừng nghiên cứu phương pháp truyền thống từ tự nhiên phục vụ cho bảo quản tài liệu quý hiếm để phòng ngừa mối, côn trùng khác như sử dụng gỗ nanmum để hút ẩm cho tài liệu, gỗ camphor làm hộp bảo vệ tài liệu vì mùi hương của gỗ có thể đuổi mọt, côn trùng khác… Ở Singapore, từ năm 2004, Thư viện Quốc gia đã thực hiện dự án khử trùng tài liệu.

Bên cạnh đó, theo xu thế phát triển khoa học công nghệ hiện nay, các thư viện ở Anh, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Việt Nam… đều nỗ lực hoàn thiện các giai đoạn số hóa tài liệu của thư viện. Nhiều tài liệu quý hiếm được các thư viện số hóa nhằm bảo tồn nguồn di sản văn hóa của quốc gia nói riêng, thế giới nói chung. Thư viện Quốc hội Mỹ đã số hóa tài liệu quý hiếm với kinh phí hơn 45 triệu USD, đến nay có đến hàng chục triệu bản tài liệu được thư viện này số hóa.

Ở châu Âu, Thư viện Quốc gia Pháp đã ký hợp đồng với hãng Safig nhằm số hóa 300.000 sách của thư viện trong vòng 3 năm. Ở châu Á, Thư viện quốc gia Singapore đã thực hiện dự án chuyển dạng vi phim đối với một số tài liệu quý hiếm năm 2004; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho số hóa tài liệu cũng như chuyển dạng vi phim, đã số hóa 200.000 trang sách quý hiếm. Tại Nhật Bản, dự án thử nghiệm thư viện số, nhằm tiến hành các thử nghiệm khác nhau liên quan đến thư viện số thông qua việc tạo ra một số lượng lớn dữ liệu số hóa từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, có gần 9,5 triệu trang tài liệu đã được số hóa.

Ngoài ra, công nghệ RFID được ứng dụng trong các thư viện ở các quốc gia nói trên đã khẳng định một bước phát triển mới trong bảo quản, quản lý nguồn tài liệu trong thư viện ngày một hiện đại. Đây là công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến. Công nghệ này cho phép nhận biết các đối tượng thông qua hệ thống thu phát sóng radio, từ đó có thể giám sát, quản lý hoặc lưu vết từng đối tượng. Có thể nói việc ứng dụng công nghệ RFID cho thấy thư viện ở các nước trên thế giới đã nhìn nhận bảo quản tài liệu rất quan trọng, không chỉ dành cho tài liệu quý hiếm mà cho toàn bộ nguồn tài liệu của thư viện như một nhiệm vụ gìn giữ nguồn di sản văn hóa của quá khứ vì sự phát triển cho tương lai, giới thiệu chúng với cả thế giới.

Trang thiết bị trong bảo quản tài liệu

Việc sử dụng trang thiết bị bảo quản tài liệu hiện đại giúp hoạt động bảo quản tài liệu của thư viện đạt hiệu quả cao, đảm bảo chất lượng, nhanh chóng hơn.

Ở Mỹ, Canada, Thư viện Quốc hội Mỹ, Viện bảo tồn Mỹ, Trung tâm bảo quản Canada, Viện bảo tồn Canada, Viện nghiên cứu thư viện Canada... đã bảo quản, xử lý tài liệu với số lượng lớn bằng thiết bị máy móc hiện đại đồng thời sử dụng các thiết bị kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, không khí trong kho tài liệu bằng hệ thống HVAC (hệ thống sưởi ấm, thông gió, điều hòa không khí). Các kho lưu trữ được lắp thiết bị dò có chức năng tắt điện tự động các hệ thống đèn khi không có người trong khu vực kho nhằm hạn chế sự tác động của ánh sáng gây hư hỏng tài liệu. Các bóng đèn, cửa sổ có kính được lắp các tấm lọc tia cực tím bằng nhựa trong nhằm ngăn chặn, làm giảm mức độ tác hại của tia cực tím. Ngoài ra, các thư viện cũng tiến hành nghiên cứu, vận dụng các phương pháp xử lý tài liệu bị nhiễm axit, khử khuẩn, khử ẩm, khử côn trùng bằng máy với số lượng lớn (6).

Ở châu Âu, các thư viện ở thành phố Liverpool, Birmingham, Manchester của Anh… đều thiết lắp hệ thống bảo quản tài liệu với các thiết bị hiện đại như thiết bị HVAC, máy khử trùng, máy xử lý sách ẩm...

Ở châu Á, các thư viện Shanghai, Nanjiang, Zhejiang (7) đều được thiết kế hệ thống điều khiển nhiệt độ, không khí. Ở Singapore, từ năm 2004, Thư viện Quốc gia đã thực hiện các dự án bảo quản như dự án khử trùng, chuyển dạng vi phim đối với một số tài liệu quý hiếm; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho số hóa tài liệu cũng như chuyển dạng vi phim, đã số hóa 200.000 trang sách quý hiếm, dự án kết thúc năm 2008...

Đội ngũ cán bộ bảo quản

Cán bộ thư viện, nhất là cán bộ thư viện bảo quản tài liệu cần có những kiến thức cơ bản trong tiếp xúc, sửa chữa tài liệu đúng cách, đúng kỹ thuật; sử dụng các dụng cụ sửa chữa đảm bảo chất lượng; kiểm soát điều kiện môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, bụi bẩn, loài vật gây hại...) trong kho tài liệu. Ngoài ra, cán bộ thư viện cần nhận thức được tầm quan trọng của bảo quản tài liệu trong thư viện, xem bảo quản tài liệu là một công tác quan trọng như các hoạt động khác trong thư viện.

Ở châu Mỹ, Thư viện Quốc hội Mỹ, Viện bảo tồn Canada thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về bảo quản tài liệu cho các nhân viên trong, ngoài thư viện. Thậm chí, các cơ quan này còn có các học bổng, chương trình thực tập dành cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, tình nguyện viên thực tập trong các phòng thí nghiệm, phòng bảo tồn, chương trình tham quan, gặp gỡ các chuyên gia bảo quản có nhiều kinh nghiệm. Riêng ở Mỹ, các chuyên gia bảo quản tài liệu phải tham gia các tổ chức nghề nghiệp thuộc Viện Bảo quản Mỹ, Viện Bảo quản quốc tế. Các thành viên trong tổ chức nghề nghiệp này phải tuân thủ quy ước về đạo đức, chuẩn mực nghề nghiệp để hướng dẫn người làm bảo quản về thông lệ đạo đức nghề nghiệp, kêu gọi sự tôn trọng bền vững tính trọn vẹn về mặt thẩm mỹ, lịch sử, chất lượng của vật thể (8). Ở châu Âu, Thư viện Quốc gia Pháp tổ chức khóa học trong nước dành cho cán bộ phụ trách nhiệm vụ bảo quản tài liệu trong thư viện. Ngoài ra, thư viện cũng tổ chức khóa học dành cho cán bộ thư viện, sinh viên, kéo dài tối đa 3 tháng.

Ở châu Á, Thư viện Quốc gia Singapore tổ chức khóa tập huấn bảo quản, bảo tồn cho các cán bộ thư viện Myanmar tại Thư viện Quốc gia Myanmar. Thư viện quốc gia Trung Quốc với vai trò là một trung tâm bảo quản của chương trình PAC thuộc IFLA đã tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo chuyên nghiệp. Trung tâm cũng phối hợp với trường Đại học Bắc Kinh trong chương trình đào tạo nhân sự về bảo quản ở bậc đại học, sau đại học. Thư viện Quốc hội Nhật Bản hàng năm tổ chức chương trình đào tạo một ngày nhằm cung cấp cho cán bộ thư viện Nhật Bản các lý thuyết cơ bản về bảo quản, các kỹ thuật cơ bản để sửa chữa vật liệu bị hư hỏng. Mỗi lớp học được giới hạn số lượng người tham dự trong khoảng 20 người, tổ chức một năm hai lần.

Bảo quản tài liệu trong thư viện có vai trò quan trọng nhằm gìn giữ các giá trị của di sản văn hóa thành văn vô giá. Đây là nguồn di sản văn hóa thành văn của dân tộc nói riêng, nhân loại nói chung. Thư viện các nước trên thế giới đã thành lập các viện, trung tâm, phòng bảo quản giúp thúc đẩy công tác này phát triển ổn định, bền vững. Trong sửa chữa phục chế tài liệu, thư viện các nước không ngừng ứng dụng các công nghệ hiện đại như chuyển dạng tài liệu sang vi phim, số hóa tài liệu, ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý tài liệu. Đồng thời, việc đào tạo cán bộ thư viện có kiến thức, trình độ chuyên môn về bảo quản luôn được thực hiện thường xuyên. Có thể nói, hoạt động bảo quản tài liệu trong thư viện ở các nước trên thế giới đang ngày một phát triển.

_____________

1, 3, 6, 8. Thư viện Quốc gia Việt Nam dịch, Bảo quản tài liệu, 2013, tr.149, 151, 98, 453.

2. Thư viện Quốc gia Anh, Sự tập trung quốc gia vào công tác bảo quản và an ninh trong các thư viện, London, 1994, tr.2.

4. Thư viện Quốc gia Việt Nam, Tài liệu học tập bảo quản tài liệu, Hà Nội, 2011, tr.17.

5, 7. Lin Zu Zao, Phương pháp truyền thống và hiện đại đối với tài liệu quý hiếm của thư viện ở Trung Quốc, Tập san Thông tin thư viện phía Nam, 1998, tr.23. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 - 2018

Tác giả : NGUYỄN THỊ HỒNG THẮM

;